Phim chiếu trên VTV1 tháng 12/2024 nhân 80 năm QĐNDVN!
"Đại gia đình 99 Trần Hưng Đạo, Hà Nội"
Nơi lưu giữ những kỉ niệm của ông bà, cha mẹ, tới thế hệ con, cháu... và của từng gia đình nhỏ; Nơi trao đổi tâm tư, tình cảm, gìn giữ nề nếp, gia phong, truyền thống tốt đẹp của cha mẹ, gia đình.
Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024
Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024
Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2024
Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023
Nhớ chú Văn Trang
Bài viết trên Báo CAND nhân dịp Tập Chủ tịch sắp sang thăm VN trong 2 ngày 12 và 13/12/2023.
Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023
Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023
SÁCH "TƯỚNG TRẦN TỬ BÌNH VÀ ĐỒNG ĐỘI"
Đúng ngày cuối năm 30/12/2022, Cty CP In Scitech (của Nguyễn Nam Điện k6) đã in ấn xong cuốn sách này và bàn giao trước 250 cuốn cho gia đình. Đây là tâm huyết của anh chị em nhà 99 với cha mẹ và đồng đội nhân 115 ngày sinh (5/5/1907 - 05/5/2022) và 55 ngày mất (11/2/1967 - 11/2/2022) của cha Trần Tử Bình.
Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022
Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022
Tháng Linh hồn
Ngày 4/11/2022, con cháu Phê-rô Phạm Văn Phu từ HN và Hưng Yên đã về Tiêu Thượng thắp hương tại Nhà tưởng niệm cụ Bình, thăm nhà thờ Tiêu Thượng và dự lễ cầu nguyện trong Tháng Linh hồn.
Thắp hương cho cha mẹ
Tháng 11 năm nay, đại gia đình 99 hẹn nhau ra HN thắp hương cho ông bà và về quê nội, quê ngoại thắp hương cho các cụ và Tổ tiên.
Chiều 3/11/2022, các gia đình đã ra Nghĩa trang Mai Dịch thắp hương cho cha mẹ.
Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022
Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022
Mẹ tôi!
Nhớ lại ngày 19 tháng 8 năm 2005
Hàng năm cứ sắp đến kỷ niệm Cách mang Tháng Tám 1945, lại bồi hồi xúc động nhớ tới cha mẹ cùng nhiều cô chú thân quen - những người trực tiếp lãnh đạo và tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên…
Là thế hệ con cháu, tôi may mắn có chút duyên với CMT8. Đúng dịp 19/8/2005 có vinh dự được tháp tùng cụ Lê Trọng Nghĩa - nguyên Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa HN; sau này là đại tá, cục trưởng Cục Quân báo (Bộ Tổng Tham mưu) - bay ra HN, tham dự Cầu truyền hình “60 năm CMT8: Những thông điệp từ quá khứ”.
… Chuyện là đầu tháng 8 năm ấy, anh Dương Trung Quốc từ HN gọi vào, nói về ý tưởng của Đài Truyền hình VN và Báo điện tử Vietnam Net sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến về sự kiện lịch sử “long trời lở đất” này. Khách mời có 3 người: cụ Lê Trọng Nghĩa, TTK Hội Sử học Dương Trung Quốc và Phó chánh Văn phòng Quốc hội TS Nguyễn Sỹ Dũng; dẫn chương trình: nhà báo Trần Uy. Biết anh em tôi thân tình với cụ Nghĩa, anh thăm dò xem có thể mời cụ ra dự được không (vì năm đó cụ đã 83) và tôi có thể giúp đưa cụ ra HN được không?
Khi trình bày ý tưởng này, cụ vui vẻ nhận lời nhưng chỉ dặn: “Mình già rồi, không thể tự đi lại mà phải có xe đưa đón; khỏi phải đặt khách sạn vì mình về nghỉ nhà em trai ở khu tập thể Nam Đồng, tiện cho sinh hoạt”. Mọi việc diễn ra đúng như sắp đặt.
*
Vậy Lê Trọng Nghĩa là ai?
... Ông sinh 1922, có tên khai sinh là Đoàn Xuân Tín. Lớn lên được vào học trường Tây Bonnal ở Hải Phòng cùng Nguyễn Đình Thi, Văn Cao… Là 1 trí thức trẻ sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, ông theo Việt Minh rồi lên HN. Đầu năm 1942, ông bị bắt trong lần đi rải truyền đơn mừng ngày thành lập Đảng.
Trong nhà pha Hỏa Lò, ông được gặp các đảng viên cộng sản trung kiên (trong đó có Bí thư Xứ ủy Trần Đăng Ninh cùng các Xứ ủy viên: Lê Tất Đắc, Trần Tử Bình...).
Ngày 9/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương.
Ngày 11/3/1945, ban tổ chức vượt ngục Hỏa Lò giao cho ông nhiệm vụ: bảo vệ “tử tù” Trần Đăng Ninh vượt ngục theo đường trèo tường rào. Cùng với nhóm tù thường phạm có hơn chục tù chính trị thoát ra được đêm ấy. Sau đó, ông và Vũ Quý được ông Lê Đức Thọ giao nhiệm vụ sang Dân chủ Đảng, để nắm tầng lớp trí thức yêu nước.
Những ngày tháng 8/1945, ông từng được cùng Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang và ông Trần Đình Long đi gặp cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần, để thăm dò phản ứng của chính quyền. Qua cụ Toại, ông được gặp Thủ tướng Trần Trọng Kim. Cụ Kim từng ghi lại "đã gặp 1 thiếu niên Việt Minh", còn ông Nghĩa bảo với tôi: "Đứng trước các cụ ấy mình cứ như con như cháu của họ...".
Ngày 15/8/1945, thấy thời cơ đã chín muồi, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ tại Vạn Phúc, Hà Đông đã quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa ở HN và Bắc Bộ. Trong danh sách UBKNHN do Thường vụ Xứ Nguyễn Khang làm Chủ tịch, có tên Lê Trọng Nghĩa cùng Nguyễn Quyết, Trần Quang Huy, Nguyễn Duy Thân và cố vấn Trần Đình Long.
(Xin mở ngoặc, từ nay Đoàn Xuân Tín lấy cái tên mới với lí do: nhớ tới người thầy đầu tiên Lê Trọng, còn Nghĩa với ý nghĩa khởi nghĩa!).
Chiều 17/8/1945, sau khi Việt Minh HN phá thành công mit tinh của công chức HN mừng “chính phủ Trần Trọng Kim giành được độc lập từ tay Nhật” và biến thành cuộc tuần hành lớn chưa từng có của hàng vạn đồng bào vòng quanh HN mà quân Nhật và lính bảo an, mật thám án binh bất động. Chiều đó tại ATK của Xứ ủy ở làng Vạn Phúc, 2 Thường vụ Xứ Trần Tử Bình và Nguyễn Khang quyết định cho HN Tổng khởi nghĩa vào ngày 19/8 (sau đúng có 1 ngày).
Trưa ngày 19/8/1945, khi cánh quân đã chiếm được Phủ Khâm sai (sau này đổi tên là Bắc Bộ Phủ) thì được báo về: cánh Việt Minh do ông Nguyễn Quyết chỉ huy đã chiếm được Trại Bảo an binh nhưng bị quân Nhật mang xe tăng và lính ra bao vây, có nguy cơ đổ máu.
Bộ chỉ huy cử ngay Lê Trọng Nghĩa đi xe Limousine cắm cờ đỏ sao vàng ra điều đình. Nhật đồng ý rút quân nhưng yêu cầu Việt Minh phải cử người đến gặp Tổng chỉ huy của họ.
Tối ấy, Lê Trọng Nghĩa đã cùng cố vấn Trần Đình Long được cử tới Đại bản doanh của quân đội Nhật ở Đông Dương (nay là 33 Phạm Ngũ Lão), gặp trung tướng Tsuchihashi. Ông từng chia sẻ: Có khác nào 1 mình vào hang cọp, mình cũng lo lo... Cuộc trao đổi với Tsuchihashi và đám tướng lĩnh Nhật diễn ra hơn nửa tiếng. Ông Nghĩa khéo léo không động chạm đến sự thất bại của phát xít Nhật, không động chạm 2 quả bom nguyên tử do Mỹ vừa ném xuống Nhật, không động chạm đến tinh thần Samurai mà chỉ hứa Việt Minh sẽ đảm bảo an toàn cho các đơn vị đồn trú của Nhật cho đến khi rút quân hết. Phía Nhật cũng mặc nhiên chấp nhận “sự hợp pháp” của cánh Việt Minh "nổi loạn sáng nay", nhưng cũng không quên nhắc: nếu để cho dân chúng làm loạn thì họ phải dùng đến các biện pháp quân sự đàn áp.
Vậy là Tổng khởi nghĩa ở HN diễn ra chỉ trong 1 ngày và không hề đổ 1 giọt máu; đặc biệt khi chưa nhận được lệnh của Trung ương. (Quân lệnh số 1 phát ra đêm 13/8 nhưng chưa về đến HN!).
Sáng ngày 20/8/1945, tại vườn hoa Con Cóc, UBNDCM Bắc Bộ chính thức ra mắt do Nguyễn Khang là chủ tịch, Nguyễn Duy Thân là phó chủ tịch - phụ trách hành chính, Lê Trọng Nghĩa - phụ trách đối ngoại. Còn UBNDCM HN do Trần Quang Huy là chủ tịch.
Sau 2/9/1945, ông lần lượt được giao nhiệm vụ: Cục trưởng Cục Tổng vụ (Chánh văn phòng) Quân sự ủy viên hội (3/1946 – 11/1946); Chánh văn phòng Bộ Tổng chỉ huy (5/1947 – 8/1948); Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy (8/1948 – 11/1948)... Cục trưởng Cục Quân báo (1950) và theo Võ Đại tướng suốt các chiến dịch. Chủ nhiệm Quân báo mặt trận Điện Biên Phủ (1954). Cục trưởng Cục Quân báo (1960 – 62) rồi về làm thư kí cho Đại tướng tới 1968.
Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa 1 lập hiến (1946).
Tới 1968, ông trong số hàng chục sĩ quan QĐ “dính” vào vụ “Xét lại”. Thời gian trôi qua, nhiều sĩ quan trong vụ án này được sửa sai, trở lại công tác. Riêng ông thì không. Với độ lùi của thời gian đã 54 năm, với sự hiểu biết của tôi, xin khẳng định đó là oan trái!
*
Đêm Giao lưu trực tuyến
Cả tuần lễ trước, Đài THVN đã có quảng cáo về chương trình đặc biệt này.
Chiều hôm đó, xe đón cụ từ sớm. Tôi tới trường quay và có mặt ở vòng ngoài, theo dõi qua màn hình cùng nhà báo Thanh Lâm.
Đúng 8g, trên màn hình hiện lên tấm phông lớn gắn hình ảnh cuộc mit tinh sáng 19/8/1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn, ở góc trái có dòng chữ “60 năm: Những thông điệp từ quá khứ!” cùng ảnh của các ông Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, Trần Quang Huy… các nhân vật chủ chốt lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở HN. Hai bên cánh gà là tổ thư kí do BTV Đức Hoàng phụ trách.
Nhà báo Trần Uy đưa ra nhiều câu hỏi với nhân chứng lịch sử Lê Trọng Nghĩa - 1 trong 2 ủy viên UBKNHN còn sống đến ngày hôm nay (người thứ 2 là Đại tướng Nguyễn Quyết). Hai vị khách mời Dương Trung Quốc và Nguyễn Sỹ Dũng – thế hệ sau - dưới con mắt của nhà sử học và với cái nhìn của người xây dựng pháp luật ở cơ quan lập pháp, cùng trao đổi và đưa ra những câu hỏi sắc sảo.
Đúng là 1 nhà tình báo chiến lược, cụ Nghĩa trả lời lưu loát, chặt chẽ và rất thông minh, thậm chí rất hóm hỉnh. Tất cả những gì cùng đồng chí của mình đã làm cách đây 60 năm được cụ già 83 kể lại vanh vách như sự kiện mới xảy ra ngày hôm qua.
Lần đầu tiên Đài Truyền hình VN thực hiện cầu truyền hình với sự kiện lớn như thế, ngày đó chưa có tương tác hiện ngay câu hỏi lên màn hình như giờ mà thông qua nhóm thư kí. Liên tục nhiều câu hỏi từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về:
- Cảm phục thế hệ cha anh, sao chỉ mới 18, 20 mà họ làm nên kì tích;
- Lịch sử VN hay thế mà sao giờ chúng tôi mới biết;
- UBKNHN gồm những ai và Lê Trọng Nghĩa là ai mà sao chúng tôi không thấy có ghi trong lịch sử CMT8.
- Vv và vv…
Được biết hôm đó có hàng nghìn ý kiến được gửi về. Thế mới biết dân ta rất tôn trọng quá khứ, rất yêu lịch sử, nhất là thế hệ trẻ. Không chỉ cụ Lê Trọng Nghĩa mà cả TTK Dương Trung Quốc và TS Nguyễn Sỹ Dũng đã phải trả lời nhiều câu hỏi thú vị của khán giả truyền hình.
Trong chương trình còn dừng trao đổi để đưa những phóng sự về những nhân vật từng đóng góp rất nhiều cho nhà nước non trẻ ngay những ngày đầu, như bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) đóng góp 5000 lượng vàng...
Câu hỏi thế hệ trẻ VN với lịch sử cũng đươc nêu ra: Vì sao thế hệ trẻ ngày nay không say mê môn Lịch sử? Nhưng vì sao "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" hay "Mãi mãi tuổi 20" của Đặng Văn Thạc lại bán hết vèo trong 1 thời gian ngắn?
Thú vị khi được nghe TTK Hội Sử học phát biểu, có những điều trong lịch sử chưa được nói ra nhưng trách nhiệm của những người chép sử phải là ghi chép chính xác. Lịch sử chỉ có 1, gắn liền với các sự kiện lịch sử phải là các nhân vật lịch sử, nhân chứng lịch sử, chứ không thể chung chung vô nhân xưng.
...
*
Nỗi niềm riêng
Là người thân tình và rất hiểu cụ Nghĩa, quả thật đứng ngoài theo dõi tôi vẫn có tâm trạng rất lo lắng, rằng trước ống kính ghi hình trực tiếp được phát sóng toàn quốc, lỡ mà cụ nói ra nỗi niềm oan trái, u uất chồng chất hàng chục năm nay thì… Vậy mà không, cụ rất bản lĩnh, tỉnh táo diễn giải, nói năng lưu loát đâu ra đấy nhưng cũng rất khiêm nhường, không hề vỗ ngực khoe khoang công trạng của mình.
Sau 2 tiếng đồng hồ, khi nhà báo Trần Uy tóm tắt và cảm ơn các vị khách mời, cảm ơn hàng triệu khán giả truyền hình đã theo dõi Giao lưu trực tuyến này, tôi thở phào nhẹ nhõm. Thành công tuyệt vời!
Sau chương trình, Trần Uy, Thanh Lâm mời cụ Nghĩa và 2 vị khách mời cùng tôi ra Khách sạn HN ở bên bờ hồ Giảng Võ uống rượu vang mừng thắng lợi. Có thêm nhà báo Trần Hữu Việt và Trần Việt Trung nhà tôi. Cụ già 83 tuổi như không hề mệt mỏi sau hơn 2 tiếng phỏng vấn trực tiếp trước sóng, vui vẻ cụng li với chúng tôi.
Vậy là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà Hội Sử học giao. Đó cũng là 1 trong những tự hào của cuộc đời tôi!
*
Mấy năm sau, tôi được nhà báo Trần Uy tặng cho đĩa DVD ghi lại toàn bộ buổi giao lưu đêm hôm đó. Trần Uy còn dặn, anh phải lưu ra cả USB phòng khi đĩa bị hỏng, mất hết dữ liệu.
Nhân 70 năm CMT8, anh em tôi cùng đạo diễn Trần Tuấn Hiệp và nhóm làm phim “Những người làm CMT8 ở HN” đã ghi được những tư liệu quý báu từ chính cụ Nghĩa, mong rằng 19/8/2015 cụ sẽ được xem 6 tập phim đó. Vậy mà ngày 22/2/2015 trái tim cụ đã ngừng đập, không kịp được chứng kiến cả nước đón mừng kỉ niệm 70 năm ngày lịch sử của VN được lật sang 1 trang mới.
Nhân 74 năm CMT8, xin có nén tâm nhang tưởng nhớ đến cụ Lê Trọng Nghĩa cùng cha mẹ tôi và các đồng chí của mình – những người đã làm nên sự kiện vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20!
Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022
Tư liệu về cha mẹ thời kì bí mật ở Hà Nam (Source: Nguyễn Thị Thái)
Cuối 1938, 39: "Tuy phong trào trong tỉnh Hà Nam bị khủng bố gắt gao, nhưng các đồng chí Trung ương và Xứ uỷ như Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình, Phan Trọng Tuệ và các cán bộ hoạt động chuyên nghiệp của Đảng như anh Lương Văn Đài (tức Xuân), anh Già Đồi, anh Già Kiến và chị Nguyễn Thị Hưng (tức Tâm) - vợ anh Trần Tử Bình vẫn bí mật đi về hoạt động ở các xã Phù Đê, Mã Não, Cao Mật (Kim Bảng), Ngọc Động, Lũng Xuyên (Duy Tiên), Hưng Công, Cổ Viễn (Bình Lục), Tân Lác (Thanh Liêm), Mạc Thương (Lý Nhân), thị xã Phủ Lý và Nhuộng (Ý Yên) để chỉ đạo phong trào. Cơ quan ấn loát của Liên C gồm các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình vẫn hoạt động, tuy phải liên tục chuyển địa điểm quanh trong vùng".
"Ở Thanh Liêm, anh Trần Quyết được chị Hưng, vợ anh Trần Tử Bình, bàn giao các cơ sở quần chúng ở Đoan Vỹ, trong đó có anh Sư Thu ở chùa Lác mới được hết hạn tù về. Anh Quyết còn phát triển được các cơ sở mới ở Trà Châu, Mai cầu, Thượng Tổ, Thành Tô, Kiện Khê...
Sau đó, anh Quyết đi về vùng chợ Nhuộng (Ý Yên) để bắt liên lạc với cơ sở cũ. Nơi đây hẻo lánh, xa huyện lỵ, đường xá đi lại cũng rất khó khăn, là nơi giáp ranh hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Đã từ lâu vùng này đã trở thành địa bàn hoạt động của cán bộ Hà Nam. Anh Trần Tử Bình (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khoá III) đã gây cơ sở ở đây. Do vậy, cơ sở ở Nhuộng và phong trào vùng này đã gắn bó với Hà Nam".
...
Còn dưới đây là photo Lịch sử Đảng Thái Bình: