Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Tô Lan Hương và bài viết trên Đang Yêu (Phụ nữ Thủ đô)

Câu chuyện cảm động về gia đình giản dị của Thiếu tướng Trần Tử Bình


Trong một lần gặp con trai của Thiếu tướng Trần Tử Bình đến thăm nhà, bà Đặng Bích Hà – phu nhân của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã nói: “Cha mẹ cháu sinh con nhiều- đứng đầu Trung ương nhưng dạy con thì gương mẫu trong Trung ương. Các cô các chú vẫn nhắc đến điều này để làm gương học tập”. Khi Thiếu tướng Trần Tử Bình mất cách đây 45 năm, người con nhỏ nhất của ông mới 8 tuổi. Không có sự yêu thương, dìu dắt của cha bên cạnh, nhưng đến giờ phút này, 8 người con của ông vẫn luôn sống với những lời cha mẹ dạy dỗ, với niềm tự hào về truyền thống gia đình, niềm tự hào về người cha là một trong những Tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam và luôn sống xứng đáng với niềm tự hào đó.

Vị tướng của “Phú Riềng Đỏ” lẫy lừng trong lịch sử cách mạng
Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam,  Thiếu tướng Trần Tử Bình là vị Tướng người công giáo duy nhất. Quê ông là làng công giáo toàn tòng của xã Tiêu Động (thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam). Thuở bé, ông được cha mẹ cho theo học ở trường dòng La-tinh Hoàng Nguyên. Với cha mẹ ông – những người công giáo nghèo khó, sống bằng nghề gắp phân – cái nghề bần cùng nhất trong xã hội xưa, thì việc có một người con trai theo học trường dòng và có cơ hội trở thành cố đạo là niềm tự hào vô cùng lớn. Nhưng khi học trong trường dòng Hoàng Nguyên, Trần Tử Bình luôn luôn bị coi là một “học sinh cá biệt”. Ông phát hiện ra bánh thánh chỉ là bánh bình thường và nước thánh thật ra chỉ là nước lã. Được học hành, được dạy dỗ trong hệ thống trường dòng của nhà thờ công giáo – khi đó đang ủng hộ người Pháp, nhưng trong trái tim Trần Tử Bình, tình yêu đất nước và ý thức dân tộc luôn luôn mãnh liệt. Dù là học sinh trường dòng, nhưng ông đã tham gia vào phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và là người lãnh đạo các học sinh khác ở trường dòng Hoàng Nguyên để tang cụ Phan Châu Trinh, bất chấp những ngăn cấm của những cố đạo đứng đầu Chủng viện Hoàng Nguyên. Hậu quả là sau đó, ông bị đuổi khỏi trường dòng Hoàng Nguyên. Ông lựa chọn con đường cách mạng kể từ đó và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.