Như được về Yên Sở ngồi nói chuyện với ông ngoại trong buồng thuốc. Phòng nhỏ, cửa sổ nhỏ nhưng không gian bên trong vẫn là một vùng dư sáng. Mấy tán lá chập chờn song sắt, gió lúc nào cũng hiu hiu. Những câu chuyện quyện mùi thuốc Bắc lan tỏa và bám vào từng tủ sách, vào bức tượng đồng của cụ nội, len lỏi giữa những bình rượu hay lọ ngâm thuốc lấm tấm bụi, lơ lửng dần lên bàn thờ cụ Hải Thượng, cụ Quý, cụ Tế Công…
Ông ngoại luôn là mình, dù trong vai trò mới – tác giả một cuốn sách vừa giá trị vừa ăn khách, và bước vào một không gian mới – tiếp xúc với truyền thông và công chúng. Ông ngoại luôn là võ sư (không phải là võ sĩ), trả lời phỏng vấn cũng như đang dạy học trò – một buổi, chỉ vào tay 5, 7 phút với mỗi người, còn lại để nói chuyện đạo nghĩa, cuộc đời. Ông ngoại trả lời giới báo chí lắt léo, implicit (ẩn dụ) với phương pháp rất explicit (hoàn hảo) và lúc nào thấy cần thì, cái này đảm bảo là do linh giác tập luyện lâu năm, không ngần ngại xuống những câu hạ sát.
Đạo đi vào bản chất nên giản dị, không màu mè. Ông ngoại giản dị suốt 30 năm mình biết ông. Nhưng tri thức, như ông ngoại nói, thu vào thì chỉ một hạt cát mà mở ra được cả một đại dương. Hãy thử nói chuyện với ông ngoại về sự phức tạp đằng sau võ học căn bản!
Đọc xong, ngẫm nghĩ rồi thì tự thấy thẹn, vì cái thân mình chỉ oánh võ mồm với tụi sinh viên Mỹ thôi mà cũng còn chưa xong…