Bà sinh năm 1920 ở thôn Hòa, xã Cấp Tiến, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà - sáp nhập của Hưng Nhân và Duyên Hà), tỉnh Thái Bình và có tên khai sinh là Nguyễn Thị Ức. Năm 1939 vào Đảng CSĐD rồi thoát li với nhiều bí danh Tân, Đệ...
Trước tháng 8/1945, được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công từ Ninh Bình về Kim Động, Hưng Yên, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Với bụng mang dạ chửa (đang mang bầu chị Hồng) mẹ vẫn lặn lội đi xây dựng các đội tự vệ chiến đấu rồi tổ chức phá kho thóc Đống Long, chia cho dân nghèo...
Ngày 20/8/1945, mẹ tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Kim Động; hôm sau tiến về phố phủ Hưng Yên. Cướp xong chính quyền vài tháng, mẹ đã chửa tướng. Quê thì xa, chồng đang bận với công tác đào tạo gấp cán bộ cho quân đội còn nhà chồng ở Ân Thi lại quá nghèo, tổ chức phải thu xếp cho bà tá túc ở nhà ông bà Tám, 1 cơ sở kiên trung ở Bần Yên Nhân.
Tháng 11/1945, bà Tám đưa mẹ ra nhà thương phố Bần "nhảy ổ". Sinh con gái, mẹ đặt tên là Yên Hồng với nghĩa "Cờ hồng bay trên đất Hưng Yên". Được hơn tuần lễ, tổ chức về yêu cầu mẹ lên đường. Phải giao con còn đỏ hon hỏn cho ông bà Tám, mẹ lại đi hoạt động, chục năm sau mới gặp lại. Từ đó mẹ lấy tên Hưng, Nguyễn Thị Hưng, để kỉ niệm những ngày giành chính quyền ở Hưng Yên.
... Nhớ lại năm 1987, cán bộ Ban Thi đua khen thưởng TW xuống trao cho bà Huân chương Độc lập hạng Hai. Bà cảm ơn và nói: "Xét theo tiêu chuẩn thì tôi phải được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất vì cuối năm 1943 đã là bí thư Ban Cán sự Hà Nam (thay ông Phu, chồng tôi, vừa bị mật thám bắt ngày 24/12/1943), sau đó là bí thư Ban Cán sự Ninh Bình... Nhưng thôi, với tôi không quan trọng; cái quan trọng là nhiều cơ sở cách mạng thời kì bí mật của chúng tôi ở Hà Nam, Ninh Bình đến giờ vẫn chưa được chứng nhận là gia đình có công với nước, họ còn thiệt thòi vì chưa được hưởng chính sách. Các đồng chí phải lưu ý chuyện đó...".
Bạn bè chúng tôi đến chơi, mẹ nhớ hết từng đứa, thậm chí nhớ cả tên bố mẹ chúng. Nhà 99 là nơi tụ bạ của lính Trỗi, lính Quân sự… Là cán bộ lão thành nhưng sống với xóm giềng, bà gần gũi và toàn đứng ra làm trung gian hòa giải cho các gia đình bất thuận.
Thời kì bao cấp cuối thập kỉ 70, đầu 80, cuộc sống quá khó khăn. Đã nghỉ hưu bà nhờ con xây cho cái chuồng lợn dưới gốc sấu để nuôi cải thiện. Sáng sáng dù nắng dù mưa, bà xách làn lững thững ra chợ Cửa Nam, xin mấy cô mậu dịch viên rau héo rau hư mang về cho lợn. Bà con thấy thế sót thương: Chết, vợ tướng sao lại làm thế! Nghe được, bà bảo: Vợ tướng cũng phải lao động mà sống, mình làm mình ăn chứ có lấy của ai đâu mà ngượng! Lần nào bán lợn bà cũng giữ lại bộ lòng cho các con làm nồi cháo tướng, còn tim gan thì dành cho các cháu nhỏ của nhà.
Tết nhất, bà thường lên Đồn 10 thăm và úy lạo anh em: "Các cháu không được về nhà ăn Tết cùng gia đình mà phải trực cho bà con được đón tết vui vẻ. Nên bà có chút quà". Sau ngày bà mất, các chú trên đồn xuống thắp hương đều nhắc lại chuyện này.
Tháng cuối đời, như linh cảm sắp đi xa, bà lên chào anh em Hội CCB phường và mang cả tháng lương tặng: "Các đồng chí làm việc cho Hội làm gì có lương, còn tôi cũng từng là bộ đội nên hãy nhận sự đóng góp này của tôi".
Những ngày cuối, bà mang cái ghế con ra ngồi ngoài cổng, ngó nhìn phố phường, chuyện trò với bà con. Có chú bí thư chi bộ là cán bộ về hưu, nghèo, phải nuôi lợn cải thiện. Vì thiếu vốn nên bà cho mượn. Thấy bà yếu lắm, chú thu xếp mang sang trả. Bà lắc đầu: "Chết, tôi có mang tiền đi được đâu. Chú cứ giữ lấy mà dùng!".
Mẹ mất ngày 25/8/1993 (nhằm 8/7 Quý Dậu). Cả xóm đi đưa. Bà con sống quanh Nhà tang lễ BV Việt Xô thắc mắc: Quái, bà này có là cán bộ to đâu mà đông người đến viếng thế!
Hôm rồi chúng tôi vừa tổ chức giỗ lần thứ 29 cho mẹ. Ngày này năm sau, mẹ đi tròn 30 năm!
---
(PS: Bí thư Ban cán sự tỉnh ngày đó tương đương với bí thư Tỉnh ủy bây giờ. (Tất nhiên ngày đó đảng viên ít).