Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI CON GÁI QUÊ LÚA (Báo Thái Bình Cuối tuần - nhân 2/9/2016)

Tuần trước, phóng viên trẻ Tất Đạt (Báo Thái Bình) có về thôn Hòa, Hòa Tiến, Hưng Hà, Thái Bình - quê ngoại tôi, xin tư liệu để viết về bà Hưng mẹ tôi. Cháu gặp bác Lợi, ông trưởng bên ngoại và được nối máy với tôi. Tôi đã giúp cháu tìm tư liệu và cùng sửa lại bài viết.

Nhớ cha mẹ những ngày này.
Xin đăng tải nhân Quốc khánh năm nay.

Báo Thái Bình Cuối tuần - nhân 2/9/2016
CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI CON GÁI QUÊ LÚA

Bà tên là Nguyễn Thị Hưng, vợ của Thiếu tướng Trần Tử Bình, một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người lãnh đạo phong trào “Phú Riềng đỏ” năm 1930 và là một trong những người lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (19/8/1945)…

Người phụ nữ kiên trung
Chúng tôi về thôn Hòa, xã Hòa Tiến (Hưng Hà), nơi quê hương bà Hưng (tên thật là Nguyễn Thị Ức) giữa những ngày Tháng Tám lịch sử. Dù thoát ly quê hương từ lâu nhưng khi nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Hưng thì lớp cao niên trong làng ai cũng nhớ. Người con gái đẹp quê lúa, có mái tóc dài, nước da trắng, hàm răng đen nhánh, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đã góp phần làm nên tên tuổi của một vị tướng tài giỏi – Trần Tử Bình.
Trong cuốn “Trần Tử Bình – Từ Phú Riềng đỏ đến mùa thu Hà Nội”, xuất bản năm 2006, Nhà xuất bản Lao động, người con trai Trần Việt Trung đã viết về mẹ mình: Mẹ sinh ra trong gia đình nhà Nho. Mẹ tôi bị ông ngoại nhận lời gả cho một nhà khá giả ở làng, người này kém mẹ 4 – 5 tuổi nên mẹ bỏ ra ở chùa làng. Được già Đồi giác ngộ cách mạng, đi đưa thư và canh gác cho hội họp bí mật. Rồi một đêm, mẹ tôi cắp theo chiếc nón rách, men theo bờ đê rồi vứt nón lại, giả như đã nhảy xuống sông tự vẫn, trốn qua Nam Định. Tham gia cách mạng từ năm 1936, trở thành đảng viên Cộng sản năm 1939, khi đó mẹ tròn 19 tuổi.
Sau khi thoát ly, bà lấy bí danh là “Tân” và được tổ chức giao làm liên lạc cho Liên C (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình) của Xứ ủy Bắc Kỳ. Dù phận gái nhưng bà luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Thời kỳ hoạt động bí mật, bà len lỏi khắp nơi, đưa thư từ, tài liệu giữa Liên C và bắt đầu tham gia gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Cuối tháng 12/1943, Bí thư Liên C kiêm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trần Tử Bình bị bắt, bà Tân đứng ra tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Hà Nam. Mật thám Pháp biết tin, lùng sục khắp nơi, treo thưởng cho những ai bắt được bà. Suốt những năm tháng hoạt động bí mật với sự mưu trí dũng cảm, khôn khéo nên bao lần bà đã thoát khỏi vòng nguy hiểm cận kề.
Từ cuối năm 1943, ông Bình bị bắt rồi bị tống giam các nhà tù Phủ Lý, Ninh Bình và cuối cùng là Hỏa Lò (Hà Nội). Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, ông tham gia tổ chức cuộc “đại vượt ngục” cho hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò, trở về với phong trào. Tại Ninh Bình, tổ chức đã “tác hợp” cho ông bà xây dựng gia đình.
Sau nạn đói khủng khiếp đầu 1945, cả nước hừng hực khí thế chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Bà Tân được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về hoạt động tại huyện Kim Động (Hưng Yên) lãnh đạo phong trào cách mạng tại đây. Thời gian này, dù đang mang thai, sắp đến ngày sinh nhưng bà vẫn kiên trì cùng với các cơ sở cách mạng tổ chức các đội tự vệ vũ trang, tự trang bị súng ống, gậy gộc, luyện tập võ thuật, chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Tháng 5/1945, bà trở thành thủ lĩnh, lãnh đạo quần chúng cướp kho thóc Nhật ở Đống Long, Kim Động, để cứu đói cho nhân dân. Từ sự kiện này, phong trào kháng Nhật ở Hưng Yên mạnh lên như vũ bão.
Sau khi lãnh đạo khởi nghĩa thành công ở Kim Động, đêm 22/8, bà Hưng cùng quần chúng các huyện đổ về trung tâm tỉnh Hưng Yên. Đến trưa ngày 23/8/1945, việc giành chính quyền ở Hưng Yên đã nhanh chóng thành công. Cũng từ ngày ấy, bà lấy tên Hưng (Nguyễn Thị Hưng) để kỷ niệm những ngày tháng hoạt động cách mạng trên đất Hưng Yên.
Có một câu chuyện rất tình cờ và cảm động, người chồng thân yêu của bà cũng trực tiếp tham gia lãnh đạo cướp chính quyền tại Phủ Khâm sai Hà Nội vào sáng ngày 19/8/1945. Đồng chí Trần Tử Bình, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi phong trào 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đã cùng Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội (do đồng chí Nguyễn Khang là Chủ tịch) lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội.

Hậu phương của một vị tướng
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, bà tạm về gia đình cơ sở ở Bần Yên Nhân sinh con. Sinh được ít ngày, bà phải gửi đứa con còn đỏ hỏn lại cho ông bà Tám nuôi dưỡng, để đi nhận công tác Bí thư phụ nữ Hưng Yên. Sau đó tiếp tục được phân công lên Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên tham gia xây dựng phong trào Phụ nữ cứu quốc… Còn đồng chí Trần Tử Bình nhận nhiệm vụ tiếp quản Trường Quân chính Kháng Nhật (tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân I), xây dựng nhà trường đào tạo cán bộ chính quy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1951, để tạo điều kiện hợp lý hóa gia đình, tổ chức cho bà nhập ngũ, về công tác tại Trường Lục quân Việt Nam. Sau 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà phục viên về công tác tại Bộ Ngoại thương, sống cùng đại gia đình tại số nhà 99, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Nhà báo Hữu Việt (Báo Phụ nữ Thủ đô) từng viết về gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình: Trong giai đoạn cách mạng ấy, có lẽ hiếm thấy những cặp “đồng chí chồng, đồng chí vợ” như ông bà Trần Tử Bình – Nguyễn Thị Hưng. Ông bà không chỉ là những người đồng chí chung lý tưởng mà còn trực tiếp lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, chồng Hà Nội – vợ Hưng Yên. Cuộc đời của ông bà gắn liền với những sự kiện quan trọng của một giai đoạn cách mạng hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc…
Đối với Thiếu tướng Trần Tử Bình, ông trải qua các cương vị: Phó giám đốc, Chính trị ủy viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (1947), Chính ủy trường Lục quân Việt Nam tại Trung Quốc (1951-1956), Tổng Thanh tra Quân đội kiêm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (1956-1958), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc (1959-1967).
Còn bà công tác tại Bộ Ngoại thương đến khi về hưu (1976). Dù mỗi người một công việc, một phương trời nhưng chưa một lần bà than vãn với ông. Trong công tác cũng như cuộc sống đời thường, bà Hưng luôn giữ được phẩm chất đã được tôi luyện trong suốt cuộc đời theo cách mạng. Tận tụy với công việc, gần gũi chân tình với đồng chí, đồng nghiệp. Bà đã trở thành một hậu phương vững chắc để chồng cống hiến đến hơi thở cuối cùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ông bà sinh hạ được 8 người con. Ông bà đặt tên các con là: Yên Hồng, Kháng Chiến, Thắng Lợi, Kiến Quốc, Thành Công, Hữu Nghị, Hạnh Phúc, Việt Trung. Mỗi cái tên đều gắn liền với những sự kiện lịch sử của đất nước và gia đình, chất chứa niềm tin, kỳ vọng và cả ngọn lửa cách mạng nối dài qua các thế hệ của đại gia đình 99 Trần Hưng Đạo.
Ngày 3 Tết năm 1967, Thiếu tướng Trần Tử Bình đột ngột từ trần sau một cơn tai biến. Khi đó gia đình còn 6 con đang tuổi đến trường. Ông mất, bà đã thay chồng nuôi dạy các con khôn lớn. Cả 8 con đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 4 con nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ và phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nói về mẹ, ông Trần Kiến Quốc chia sẻ: Mẹ tôi hết mực thương chồng, yêu con; quý trọng anh chị em, họ hàng; thương yêu đồng chí, đồng đội. Cuộc đời mẹ tôi thật giản dị, chất phác, xưa ở quê sao thì nay về hưu cũng vậy. Những năm 80 thế kỉ trước, cuộc sống thời bao cấp khó khăn, ngày ngày cụ xách làn ra chợ Cửa Nam nhặt rau héo, rau thừa của cửa hàng mậu dịch về nấu cám nuôi lợn. Trời nắng cũng như ngày mưa, thấy cụ lủi thủi một mình, thương quá bà con từng lo lắng: “Vợ tướng sao lại phải làm thế? Làm thế người ta cười cho, bà ơi”. Cụ vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa trả lời: “Vợ tướng thì cũng phải lao động chứ, mà lao động chính đáng như thế có gì là xấu mà bị chê cười?”. Chính những câu chuyện ấy là bài học để chúng tôi dạy cho con cháu về ý thức lao động và biết sống “cần kiệm, liêm chính…”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, (cháu gọi bà Hưng bằng cô) tâm sự: Đối với quê hương cũng như những cơ sở gắn bó với mình suốt một đời hoạt động cách mạng, bà Hưng đều nặng lòng, về thăm mỗi khi có dịp. Bà ấy là người sống giản dị, gần gũi và rất thân thiện. Khi tiếp xúc với bà Hưng, không ai nghĩ bà là vợ của một vị tướng. Quê hương Hòa Tiến và dòng họ Nguyễn thôn Hòa luôn tự hào về bà, một lão thành cách mạng suốt cuộc đời sống, phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp…
(Tất Đạt)

Tháng Vu Lan báo hiếu: Tiếng chuông nhà thờ

Cứ đúng 4.30 sáng, tiếng chuông đầu tiên vang lên từ gác chuông nhà thờ Bác Ái, báo cho giáo dân thức dậy, bắt đầu đọc Kinh Thánh sớm.

Cha tôi là dân Công giáo toàn tòng (cả làng, cả họ là giáo dân) nhưng vì ông nội từng đi lính sang Pháp (Thế chiến thứ 1) mà có chút tiền gửi về nên cha được đi học ở trường Dòng Hoàng Nguyên (giáo phận Hà Đông). Có được ít chữ, thêm hiểu biết về quê hương, đất nước mà ông tự phát hoạt động phong trào yêu nước (ngày ấy có phong trào thanh niên học sinh toàn quốc ủng hộ 2 cụ Phan và để tang cụ Phan Chu Trinh).
Cũng chính vì vận động chủng sinh để tang cụ Phan mà ông bị đuổi học, gia đình bị rút phép Thông công (hình phạt nặng nhất với giáo dân khi phản bội lại Chúa). Lang thang đi dạy Kinh Thánh kiếm sống, giữa ngã 3 đường, ông gặp hương sư Vĩnh Trị và vì thế gặp được nhà cách mạng Tống Văn Trân, bắt đầu 1 cuộc đời vì dân, vì nước.
Ngày hòa bình lập lại trên nửa nước, nhà tôi sống ở Hoàng Diệu. Cha mẹ tôi đón ông bà nội từ Hưng Yên lên, để có điều kiện trả ơn. Cứ sáng chủ nhật, ông bà lại dắt nhau đi dọc Hoàng Diệu tới nhà thờ Cửa Bắc. Nhưng biết mình đã bị rút phép Thông công nên chỉ dám đứng bên ngoài nhà thờ, ngóng vào nghe cha giảng Kinh.
Các chú ở Cục Bảo vệ phản ảnh sự việc này với cha tôi. Ông bảo, các chú không hiểu thế nào là tín ngưỡng khi mà họ thành tâm với Đức Chúa Trời.
Sau đó, ông bà đòi về sống với cô con gái. Ngày ông nội mất, cha tôi bận việc nước, không về được để chịu tang nên chỉ có bài điếu gửi về:
"Cha ơi, cha ơi!
Một đời cần cù lao động
tay xách nách mang,
một gánh bên nồi, bên con, nay đông mai bắc
Nay cha đến khi tắt thở thì cha con ta không gặp được nhau...".
Chỉ có cô chú là bạn bè thân tình của cha mẹ về đưa ông đi. Mấy năm sau cha tôi mất. Lo bà buồn mà ốm nên mẹ tôi dặn mọi người không cho bà biết. Rồi đến lượt bà nội, ngày cuối cùng yếu lắm rồi, cô tôi ghé tai bà: "Anh Bình đi trước rồi, bà ạ". Chả biết có nghe được hay không mà 2 giọt nước mắt khẽ trào ra mi, rồi bà đi...
Nay, anh em chúng tôi không ai theo Đạo nhưng vẫn trân trọng tiếng chuông nhà thờ. Sáng sáng nghe tiếng chuông ấy vẫn nao nao lòng.

Hà Đông và Cách mạng Tháng Tám

 Mời đọc!