Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Gặp gỡ bạn tù Hỏa Lò


GẶP GỠ NHỮNG TÙ CHÍNH TRỊ
VƯỢT NGỤC HỎA LÒ NĂM 1945
Trần Kiến Quốc ghi


Ông Nghĩa vẫn sôi nổi như chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua.

Năm 1997, chúng tôi đến thăm Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ. Khi nhắc đến cuộc vượt ngục Hỏa Lò, ông nhớ ngay đến hai xứ uỷ viên Trần Đăng Ninh và Trần Tử Bình: “Hai ông đã cùng anh em tù chính trị dùng phép “thăng thiên” và “độn thổ” để vượt ngục. Số tù chính trị trở về đã có những đóng góp quý báu cho Tổng khởi nghĩa 1945, cho kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng Tổ quốc”.


Năm 2007 kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Thiếu tướng – Đại sứ Trần Tử Bình, người cha kính yêu của chúng tôi. Ấp ủ sẽ xuất bản cuốn sách về ông, chúng tôi tìm kiếm, gặp gỡ các nhân chứng, bổ sung tư liệu để nội dung cuốn sách thêm sinh động. Thật may mắn, dù cuộc vượt ngục lịch sử đã diễn ra cách đây hơn 60 năm, dù thời cuộc có nhiều biến đổi nhưng một số tù chính trị được nhắc trong hồi ký “Thoát ngục Hỏa Lò” của cha tôi vẫn còn sống. Chúng tôi đã đến thăm các lão đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Hòa, Trần Văn Cử v.v... Khi biết nguyện vọng của gia đình, các lão đồng chí rất nhiệt tình ủng hộ.


Kỉ niệm với anh

NHỮNG KỶ NIỆM VỚI ANH
Trung tướng Lê Quang Đạo[1] kể
Kiến Quốc ghi

Ngày 19 tháng 3 năm 1998, nghe tin chú Lê Quang Đạo vào thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đến thăm ông. Đã gần 80 tuổi, nhưng ông rất sáng suốt và vui vẻ nhắc lại những kỉ niệm xưa: “…Chú gặp cha cháu lần đầu tiên trong hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ, vào đầu 1943. Lần đó, bác Hoàng Quốc Việt - thường vụ Trung ương kiêm bí thư Xứ uỷ - chủ trì hội nghị ở chùa An Đà, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông. Đây cũng là lần đầu, chú gặp bác Văn Tiến Dũng vừa mới vượt ngục Sơn La, trong vai nhà sư, đầu cạo trọc, mồm luôn tụng kinh. Năm đó chú mới 21 tuổi, còn cha cháu đã 35 và gọi là “ông già” Núi.
Đã nửa thế kỉ trôi qua nhưng chú vẫn nhớ như in hình ảnh cha cháu ngày ấy: một con người lao động, giản dị, trung thực và sống rất tình cảm. Cha cháu là uỷ viên Trung ương duy nhất vốn là dân công giáo toàn tòng…”.
Thật không ngờ đây là lần cuối gặp ông!

Nhớ đến chú Tâm

Chú Tâm là lính của cha, sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, công tác cùng anh Triết. Tết năm nào chú cũng đến thăm mẹ. Nhớ đến cha, chú hay nhắc lại vụ "Hat-xăng Vanh-đơ H102" hồi 1948.
Chả là ngày đó quân báo của ta còn non nớt. Phòng Nhì Pháp nắm được đã bắn tin "có nhiều cán bộ chỉ huy của ta hoạt động 2 mang, làm gián điệp cho Pháp". Bán tín bán nghi, nội bộ xáo trộn, nghi kị lẫn nhau. Nhiều cán bộ trẻ bị tống giám, trong đó có chú Tâm.
Lập tức cơ quan Tổng Thanh tra, Cục Bảo vệ phải vào cuộc. Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, phân tích tình hình, mất nhiều thời gian, Tổng Thanh tra phát hiện ra đó là tin giả. Nhiều cán bộ được minh oan. Chú Tâm thoát nạn và luôn nhắc: "Cha cháu đã sinh ra chú lần thứ 2".
Không hiểu giờ chú sống ở đâu?