Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Gặp gỡ bạn tù Hỏa Lò


GẶP GỠ NHỮNG TÙ CHÍNH TRỊ
VƯỢT NGỤC HỎA LÒ NĂM 1945
Trần Kiến Quốc ghi


Ông Nghĩa vẫn sôi nổi như chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua.

Năm 1997, chúng tôi đến thăm Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ. Khi nhắc đến cuộc vượt ngục Hỏa Lò, ông nhớ ngay đến hai xứ uỷ viên Trần Đăng Ninh và Trần Tử Bình: “Hai ông đã cùng anh em tù chính trị dùng phép “thăng thiên” và “độn thổ” để vượt ngục. Số tù chính trị trở về đã có những đóng góp quý báu cho Tổng khởi nghĩa 1945, cho kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng Tổ quốc”.


Năm 2007 kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Thiếu tướng – Đại sứ Trần Tử Bình, người cha kính yêu của chúng tôi. Ấp ủ sẽ xuất bản cuốn sách về ông, chúng tôi tìm kiếm, gặp gỡ các nhân chứng, bổ sung tư liệu để nội dung cuốn sách thêm sinh động. Thật may mắn, dù cuộc vượt ngục lịch sử đã diễn ra cách đây hơn 60 năm, dù thời cuộc có nhiều biến đổi nhưng một số tù chính trị được nhắc trong hồi ký “Thoát ngục Hỏa Lò” của cha tôi vẫn còn sống. Chúng tôi đã đến thăm các lão đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Hòa, Trần Văn Cử v.v... Khi biết nguyện vọng của gia đình, các lão đồng chí rất nhiệt tình ủng hộ.




Ông Lê Trọng Nghĩa, tuy tuổi đã 85, với tác phong của Cục trưởng Cục Quân báo đầu tiên trong quân đội, vẫn rành mạch hồi tưởng:

“Anh Trần Tử Bình bị mật thám bắt cuối năm 1943, bị kết án 20 năm tù khổ sai, đến đầu năm 1944 thì bị đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò. Còn tôi cùng anh Nguyễn Đình Thi bị bắt khi đang rải truyền đơn mừng ngày thành lập Đảng đầu năm 1942. Sau đó, tôi bị tống giam Hỏa Lò. Đầu năm 1944, tôi gặp anh Bình. Thấy anh là người từng trải, tính tình cởi mở, hóm hỉnh, lại cùng là dân công giáo như tôi nên hai anh em kết thân. Anh Trần Đăng Ninh, bí thư Xứ uỷ cùng hai Xứ uỷ viên Trần Tử Bình, Lê Tất Đắc được anh em rất tín nhiệm.

Anh Bình được tập thể tù chính trị bầu làm trưởng “Ban sinh hoạt”; còn tôi phụ trách đối ngoại giao dịch nên có điều kiện đi lại tự do hơn giữa các khám. “Ban sinh hoạt” chăm lo đời sống cho anh em, giao dịch với giám thị nhằm bảo đảm chế độ cho tù nhân. (Thực chất đây là một tổ chức đấu tranh công khai). Ban tổ chức cho anh em học tập nâng cao trình độ lí luận, nâng cao khả năng tuyên truyền, diễn thuyết, công tác bí mật, lí luận quân sự, thảo luận về tình hình quốc tế, về Liên Xô, Trung Quốc… Anh Bình trước khi bị bắt đã dự cuộc họp Xứ uỷ (vào ngày 13 tháng 11 năm 1943) triển khai nghị quyết Thường vụ Trung ương “Toàn bộ công tác của Đảng phải nhằm vào việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa để khi có cơ hội đến sẽ đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu”. Khi về Hoả Lò, anh phổ biến nghị quyết cho anh em. Mục tiêu giải phóng dân tộc thu hút suy nghĩ của mọi người. Vấn đề vượt ngục vốn đã nung nấu nay càng trở nên cấp bách, ai cũng muốn về với phong trào. Tại Hỏa Lò các tù chính trị nam và nữ bị giam riêng biệt. Bộ phận nữ tù chính trị là một tập thể kiên cường, có tổ chức, chị em cũng đã sẵn sàng.

Đặc biệt sự ra đi của đồng chí Hoàng Văn Thụ tác động lớn đến ý chí của anh em tù chính trị. Một sáng tháng 5 năm 1944, khi quân thù đưa anh ra pháp trường, chúng tôi đã hô lớn: “Phản đối án tử hình! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm! Tinh thần Hoàng Văn Thụ bất diệt!”. Và Hoàng Văn Thụ đã dõng dạc hô đáp lại: “Việt Namđộc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Chào các anh ở lại!”. Tinh thần bất khuất của anh là tấm gương cho mỗi tù chính trị, thúc giục sự khát khao tự do, nguyện vọng hiến dâng sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng trong thời gian 1943-1944, Trung ương có chủ trương tổ chức vượt ngục cho tù chính trị. Tin vui về cuộc vượt ngục thành công của nhóm tù chính trị Sơn La (trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng) vào tháng 8 năm 1943 và cuộc vượt ngục ở nhà tù Bắc Ninh của đồng chí Văn Tiến Dũng (tháng 12 năm 1944) càng động viên anh em quyết tâm vượt ngục.
Tối mùng 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Việt Nam và Đông Dương. Ngay tối đó, anh em tù chính trị đã thống nhất:
1, Kiên quyết giữ vững lập trường, khí tiết của người cộng sản, không để bọn Nhật lợi dụng.
2, Triệt để tranh thủ tình hình rối ren, khi bọn Nhật chưa vững chân, tổ chức của địch còn lỏng lẻo để khẩn trương tạo cơ hội vượt ngục.
Thời cơ quý báu đã đến!”.






Lão đồng chí Nguyễn Tuân, một thời là Thứ trưởng Bộ Điện-Than, trong lễ tưởng niệm đồng chí Trần Tử Bình, khi kể về cuộc vượt ngục thần kì, có nhắc lại sự nhanh trí, sáng tạo cách mạng của anh em tù chính trị:

“Nửa đêm 9 tháng 3, một sĩ quan Nhật dẫn một tiểu đội lính chiến với súng ống, lưỡi lê vào nhà tù tìm bọn tay sai bị giam tại đây. Viên sĩ quan đưa ra luận điệu lừa phỉnh: “Người Nhật đã đánh bại quân Pháp, giúp ViệtNamđộc lập. Ngày mai sẽ thả các anh ra”. Vừa nghe hắn nói, tôi tranh thủ đề đạt: “Các ông nói ngày mai thả chúng tôi, vậy đề nghị mở cửa các trại để chúng tôi gặp nhau, chia tay trước khi về quê!”. Hắn ta gật đầu đồng ý. Thế là anh em tù chính trị lợi dụng điều kiện này qua lại gặp nhau, trao đổi kế hoạch vượt ngục.

Ngày 10 tháng 3, mọi kỉ cương hà khắc bao năm của nhà tù bỗng chốc bị đảo lộn. Các giám thị và quan chức Pháp cùng gia đình bị dồn vào trong một phòng. Giám thị người Việt không còn nghênh ngang, hung bạo. Anh Bình thống nhất trong anh em tù chính trị: Ai có điều kiện trốn vào lúc nào thì chủ động trốn, các đồng chí bị án nặng được ưu tiên đi trước. Quỹ tài chính do anh em đóng góp được chia cho mọi người. Lợi dụng lộn xộn về quản lí, đồng chí Trần Đăng Ninh bị biệt giam ở xà lim tử tù cùng một số tù chính trị trà trộn sang khu giam thường phạm. Sáng 10 tháng 3, nhiều tù thường phạm đột nhập vào nhà kho lấy đi một số đồ dùng: quần áo, chăn chiên, thang, xà beng, cuốc chim…

Ngày 11 tháng 3, không khí trong tù càng sôi sục. Toán thường phạm thử dùng xà beng đục tường hoặc phá nền xi-măng, đào hầm chui ra nhưng không thành”.


Khi kể lại chuyện dùng phép “thăng thiên” để thoát ngục, ông Lê Trọng Nghĩa bổ sung một tình tiết thú vị:

“Ngày 11 tháng 3, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng anh em tù chính trị tập trung bàn kế hoạch vượt ngục. Theo chỉ thị của ban lãnh đạo, tôi sang báo cho chị Trương Thị Mỹ về chủ trương vượt ngục, kịp phổ biến cho nữ tù chính trị.

Trước tình hình thực tế của trại thường phạm, tôi được cử đi gặp Cầm Văn Dung, nguyên Tri châu Mường La, người trong một dòng họ lớn của dân tộc Thái ở Tây Bắc. Ông bị kết án khổ sai vì liên đới đến vụ đầu độc Công sứ Sơn La Xanh Pu-lốp. Cầm Văn Dung vốn là người có học, ghét Pháp, trong nhiều năm là thủ lĩnh của cánh thường phạm nhưng rất trọng anh em tù chính trị từ ngày còn ở Sơn La. Cầm Văn Dung nhất trí ngay kế hoạch vượt ngục qua tường rào. Tại trại thường phạm, chăn chiên được xé ra, bện thành những dây dài, to, chắc. Theo kế hoạch, tù nhân sẽ leo lên mái nhà rồi bắc thang từ đây lần ra bờ tường. Dây to được buộc cố định vào trụ điện trên bờ tường, thả ra ngoài. Đi lần lượt, cứ một tù chính trị thì đến một thường phạm. Anh em tù chính trị có sáng kiến lấy chăn chiên trùm lên mảnh chai cắm trên bờ tường - phòng đứt tay chân và trùm lên dây điện - tránh bị giật. Sau khi đã thỏa thuận được với Cầm Văn Dung, một danh sách vượt ngục được lập ra. Anh Bình gọi tôi ra một góc giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Trần Đăng Ninh...

Và trong đêm 11 tháng 3, các đồng chí Trần Đăng Ninh, Vũ Kỳ, Lê Trọng Nghĩa, Vũ Tuân, Lê Tất Đắc, Nguyễn Văn Kha, Châu Ký, Nguyễn Chương, Hoàng Minh Chính… đã thoát ra ngoài từ trại thường phạm theo đường này. Sau khi Cầm văn Dung đã thoát ra ngoài, cánh thường phạm không còn giữ được trật tự, tranh nhau trèo lên mái nhà làm ngói vỡ, gây ồn ào. Quân Nhật phát hiện đã nổ súng. Lối đi này bị lộ…”.



Đợt vượt ngục đầu tiên mà đồng chí Văn Tiến Dũng gọi là “dùng phép thăng thiên” tuy chưa giải thoát được nhiều người nhưng có tác dụng động viên anh em tiếp tục vượt ngục. Hơn nữa có thể thấy, lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của anh em tù chính trị đã cảm hóa được những người có ý thức trong cánh thường phạm. Riêng Cầm Văn Dung, theo hồi ký của đồng chí Văn Tiến Dũng, chính là người chuyển thông tin rất quan trọng của đồng chí ra cho Xứ ủy Bắc kỳ khi bị giam ở Hỏa Lò (tháng 8 năm 1944). Năm 1945, Cầm Văn Dung vào Việt Minh, tham gia kháng chiến. Khi Khu tự trị Tây Bắc được thành lập, ông là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc của Khu.



Ngày 12 tháng 3, tù chính trị chia thành nhiều nhóm để bàn các phương án vượt ngục. Khi còn học ở Trường dòng Hoàng Nguyên, cha tôi đã đọc nhiều sách kiếm hiệp Tàu, trong đó có kể các hiệp khách tung hoành trong các đường hầm dưới lòng đất. Lúc bị giam ở Ninh Bình, ông đã có ý định vượt ngục theo đường cống ngầm. Ý nghĩ này chợt đến khi ông đang lang thang trong sân nhà tù và nhìn thấy cái nắp cống bê-tông có treo vòng thép. Ngay sau đó, ba đồng chí Nguyễn Huy Hòa, Phan Vân, Trần Văn Cử kéo ông ra một góc, thông báo đã tìm ra đường vượt ngục mới tại Trại J. Trước kia tại đây giam tù vị thành niên, hiện đang giam tù nhân sắp mãn hạn. Nơi đây rất vắng vẻ…



Đã ngoài 80, ông Nguyễn Huy Hòa, nguyên Hiệu phó Trường Tuyên huấn Trung ương, vẫn giữ vẻ hóm hỉnh, kể lại:

“Anh Cử thì ở tù Sơn La về. Còn tôi bị bắt từ lúc còn ở tuổi thiếu niên, từng bị giam ở Trại J Hỏa Lò. Lúc bấy giờ đã có ông mãnh nghịch ngợm, thử mở nắp cống, rồi chui xuống xem “âm phủ” ra làm sao. Nhưng lần mò một lúc phải mau chóng chui lên vì dưới đó tối om, ẩm thấp, bẩn thỉu, hôi hám.


Với ông Trần Văn Cử (phải).
Khi anh Bình và một số anh em đưa ra ý tưởng vượt ngục theo đường cống ngầm, có anh băn khoăn nói: “Đường cống hẹp quá, khó chui lọt lắm anh ạ!”. Nhưng anh Bình nói gần như chỉ thị: “Đừng đoán mò như thế, cứ đi xem thử rồi về báo cáo lại. Không được bàn chùn!”. Vậy là tôi bàn với Vân và Cử, nhất trí thử một lần xem sao. Tôi và Cử nhỏ người nên xung phong chui xuống cống, còn Vân ở lại đậy nắp cống và canh chừng. Sau chừng tiếng đồng hồ bò, trườn trong lòng cống, hai người đã thấy được ánh sáng, đó là cửa cống. Khi ghé mắt qua khe, chúng tôi thấy chân người, bánh xe đạp lăn qua và tiếng động của đường phố. Thử lấy đầu đội lên thì thấy nắp cống chuyển dịch. Cả hai khẳng định đường cống nhà tù Hỏa Lò dẫn ra đường cái. Yên trí đã có lối thoát, cả hai quay trở lại. Vân thấy ám hiệu, chạy ra mở nắp cống để Hòa, Cử chui lên. Thời gian cả đi và về hết chừng 2 tiếng. Ba anh em chạy đi tìm anh Bình…”.




Còn ông Trần Văn Cử, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em, sôi nổi góp vào những tình tiết như sự kiện vừa mới xảy ra ngày hôm qua:


“Sau ngày 9 tháng 3, mọi trật tự bị đảo lộn. Trước kia tù chính trị được ra sân phơi nắng, khi về phải xếp hàng đôi cho cai ngục kiểm tra, đếm đủ mới khóa cửa; hoặc khi tù thường phạm đưa cơm vào khu giam chính trị phạm bị giám sát chặt chẽ, đưa xong phải ra ngoài thì tù chính trị mới theo từng mâm ra lấy cơm. Nay thì những quy định này bị bãi bỏ, tạo điều kiện cho chính trị phạm trà trộn với thường phạm. Nhờ thế mà tôi đã thoát được sang pha nữ…

Sau khi đường trèo tường bị lộ, anh em ở lại suy nghĩ về phương án chui cống với phỏng đoán: nước thải phải chảy xuôi, thoát ra một hồ lớn hay ra sông Hồng; vậy cứ theo đường nước thải là có thể thoát… nhưng phải đề phòng có rào cản. Như vậy phải chuẩn bị một bao diêm và một thanh sắt để mỗi khi đến chỗ giao nhau của đường cống thì bật diêm nhìn dòng nước chảy mà đi, còn gặp rào cản thì dùng thang sắt mà phá, riêng khi bật nắp cống lên thì phải dùng đến xà beng. Xà beng và thanh sắt dày 3cm, dài 40cm nhờ giao dịch với cánh thường phạm mà có. Sợ cống có đoạn to đoạn bé, tinh thần người đi “tiền đạo”phải hăng hái nhưng vóc người phải nhỏ. Đúng như dự kiến của lãnh đạo, từ cống cái tôi và anh Hòa đã gặp đoạn cống nhỏ, ngập đầy phân, phải trườn người bằng cùi tay và dùng bàn chân đẩy. May nhất là không gặp rào cản… Khi hai anh em chui lên khỏi cống, m

ột số tù chính trị và thường phạm nhìn thấy, đổ xô lại hỏi nhưng cả hai lắc đầu chán nản: “Gay go lắm. Tắc. Chả ăn thua gì”. Chờ khi mọi người tản ra, chúng tôi mới nháy mắt báo Vân: “Đi được rồi! Thấy cả xe đạp chạy trên đường…”.



Ban lãnh đạo lập ra một kế họach vượt ngục hết sức chu đáo. Tù chính trị được chia thành từng nhóm nhỏ, lần lượt theo đường cống ngầm ra ngoài trong nhiều tối. Ngay đêm 12 tháng 3, 29 đồng chí đi trước tập trung ở Trại J. Danh sách nhóm đi sau được ông Bình bàn giao cho đồng chí ở lại.



Ông Nguyễn Huy Hòa kể tiếp:


“Tối 12 tháng 3, khoảng 8 giờ, anh Bình phát lệnh: “Mở nắp cống!”. Nhóm đi đầu “lĩnh ấn tiên phong” có anh Bình, Phan Vân, Nguyễn Tuân và tôi. Trước giây phút làm phép “độn thổ”, anh còn đùa: “Sống thì nhớ, chết thì giỗ giờ phút này!”… Khi bật nắp cống chui lên mới thấy phía bên kia là vườn hoa Mê Linh; từ đây thấy rõ hai tháp canh ở hai góc nhà tù có lính Nhật đứng gác, sau lưng là bức tường cao cắm đầy mảnh chai của nhà tù nằm dọc đường Quán Sứ. (Ngày nay bức tường ấy không còn). Ngay trong đêm, nhóm chúng tôi về đến làng Vạn Phúc, Hà Đông nơi cơ quan Thường vụ Xứ ủy đóng. Sau hai ngày nghỉ ngơi, anh Bình nhận nhiệm vụ về củng cố Chiến khu Hòa-Ninh-Thanh, Phan Vân về làm bí thư Hòa Bình, Nguyễn Tuân về huyện Gia Lâm thuộc Bắc Ninh, còn tôi về cơ quan Xứ ủy.




Nhóm thứ hai có Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm, Đỗ Mười… Như vậy tổng số tù chính trị vượt ngục theo đường cống ngầm, trong các đêm từ 12 đến 16 tháng 3, hơn một trăm. Mọi người khẩn trương lao vào chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa…”.




Thành công của cuộc vượt ngục “độn thổ” theo đường cống ngầm là cuộc vượt ngục của tập thể tù chính trị nhà tù Hỏa Lò. Song ba đồng chí Phan Vân, Nguyễn Huy Hòa, Trần Văn Cử đã có những đóng góp rất quan trọng, tìm ra con đường đặc biệt này.



Tháng 8 năm 1945, là Ủy viên thường vụ Xứ ủy phụ trách khởi nghĩa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cha tôi gặp lại đồng chí Lê Trọng Nghĩa[1]- người được Trung ương cử về bổ sung cho Hà Nội. Đồng chí Nghĩa cùng các đồng chí Nguyễn Quyết[2], Trần Quang Huy[3], Nguyễn Duy Thân[4] được Xứ ủy chỉ định vào Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội, do đồng chí Nguyễn Khang[5]- Thường vụ Xứ ủy - làm Chủ tịch và đồng chí Trần Đình Long[6] làm cố vấn.


Như vậy số tù chính trị vượt ngục Hỏa Lò đã bổ sung lực lượng và có những góp phần đáng kể lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương tới thắng lợi hoàn toàn.




Riêng lão đồng chí Nguyễn Huy Hoà có một câu kết thế này: “Cuộc vượt ngục đã thành công một cách thần kì nhờ “ba cái có”: anh em tù chính trị có lòng dũng cảm, có mưu trí, sáng tạo và còn có cả máu mạo hiểm.”Ngẫm lại thấy nếu không dám mạo hiểm có lẽ sẽ mất thời cơ!



Hiện nay, đồng chí Lê Trọng Nghĩa sinh sống tại 235 Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Các đồng chí còn lại sống ở Hà Nội: Nguyễn Tuân (53 Trần Quốc Toản), Nguyễn Huy Hòa (P403, nhà D7, Khu tập thể Thành Công), Trần Văn Cử (117, ngõ 25, Vũ Ngọc Phan).


Xin thành tâm kính chúc các lão đồng chí, các cựu tù chính trị đã tham gia cuộc vượt ngục Hỏa Lò lịch sử dồi dào sức khỏe, sống lâu để cùng con cháu chứng kiến sự phồn vinh của đất nước!



Sài Gòn, Xuân Bính Tuất 2006


[1] Töùc Ñoaøn Xuaân Tín, queâ Quaûng Yeân. Sau ngaøy 19-8-1945, phuï traùch ñoái ngoaïi Uyû ban nhaân daân caùch maïng Baéc Boä.
[2] Uyû vieân quaân söï Uyû ban khôûi nghóa Haø Noäi, sau naøy laø Ñaïi töôùng QÑNDVN.
[3] Töùc Nguyeãn Huy Khoâi (1922-1995), queâ Thanh Hoaù. Sau 19-8 laø Chuû tòch Uyû ban nhaân daân caùch maïng Haø Noäi kieâm Bí thö Thaønh uyû.
[4] Nguyeãn Duy Thaân (1918-1952), queâ Baéc Ninh, caäu ruoät oâng Leâ Quang Ñaïo. Sau 19-8 laø Phoù giaùm ñoác Baéc Boä phuû, phuï traùch thanh tra. Maát naêm 1952 taïi Trung Quoác.
[5] Töùc Nguyeãn Vaên Ñeä (1919-1976), queâ Thaùi Bình. 1941 bò ñaøy ñi Sôn La ñeán 1944 thì vöôït nguïc, tham gia Xöù uyû Baéc Kyø. Sau 19-8 laø Chuû tòch Uyû ban nhaân daân caùch maïng Baéc Boä.
[6] Traàn Ñình Long (1904-1945). Hoaït ñoäng ôû Phaùp, ñöôïc cöû ñi hoïc Ñaïi hoïc Phöông Ñoâng taïi Matxcôva (1928-1931). Hoaït ñoäng baùo chí coâng khai cuûa Ñaûng (1936-39), tuø Sôn La (1940-45). Laø coá vaán cho Uyû ban khôûi nghóa Haø Noäi, sau ñoù laø ñaëc phaùi vieân ñoái ngoaïi cuûa Cuï Hoà. Hy sinh cuoái thaùng 11-1945.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.