Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Bất đáo Truờng Thành... (KQ)

Vạn lý Trường thành – công trình dài hơn 6.000km, được xây dựng suốt gần một thế kỷ từ năm 500 TCN, đặc biệt dưới thời vua Tần Thuỷ Hoàng (220-200 TCN) - một trong 7 kì quan của thế giới. 
Cuối 2007, nhờ chú Công mà có cuộc du lịch của 4 anh em (Chiến, Quốc, Công, Trung) đi Thượng Hải, Bắc Kinh, thăm cả sư quán nơi cha đã làm việc 8 năm. Thật ý nghĩa.

Ngày nay Vạn lý Trường thành không chỉ là đích đến của người Trung Hoa mà còn thu hút hàng triệu du khách trên thế giới. Cuối năm rồi chúng tôi từng viếng thăm mấy tỉnh Trung Quốc. Được nghe người Trung Hoa có câu “Bất đáo Trường thành phi hảo Hán” nên trong chuyến công du Bắc Kinh, chúng tôi quyết tâm tới thăm Dung Cư Quan, đọan thành cách thủ đô về phía bắc khoảng 60-70km.


Về lại Vĩnh Yên (KQ)

Quan thời nay có quyền, có chức, có tiền thường quên người từng cưu mang mình những năm tháng khốn khó. Còn những thằng lính thế hệ chúng tôi thì không thế, sống được tới ngày hôm nay là nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Và tôi đã có mặt trong 1 chuyến về thăm những “cơ sở cách mạng” ở vùng đất của lính quân sự năm xưa.

Bác Ngân có nguỵên vọng trở về Vĩnh Yên truớc khi quay lại Đức. Tuy hơi mệt nhưng vẫn order tôi chuyến đi vào sang thứ 7. Ngoài 2 vợ chồng bác còn có thêm anh Phạm Vĩnh Thắng, bộ đội cũ học cùng lớp tôi đầu những năm 70. Lâu lắm anh Thắng không quay lại Vĩnh Yên. 9g rời HN, mặt hồ Tây mờ sương. Dọc đường, Tuấn - con trưởng chị Thiện - nối máy cho chị: “Biết các em lên, lẽ ra chị đi lễ đầu năm ở đền trên tận Lao Cai từ đêm qua nhưng phải nán lại, sáng nay đi chợ sớm mua rau dưa làm cơm cho mấy chú”. “Chị chờ nửa tiếng chúng em có mặt”. Chỉ 1 tiếng đồng hồ là tới nơi. Vĩnh Yên thay đổi quá, nhưng những “điểm dấu” từ Hương Canh, Quất Lưu, núi Trống, Khai Quang… vẫn còn.


Thăm mái truờng xưa (Phạm Vĩnh Thắng)

Mời đọc!

Vĩnh Xuân Quyền, theo hiểu biết của tôi (KQ)

Lính Trỗi ta từng nghe tới “Câu lạc bộ Vĩnh Xuân trường Nguyễn Văn Trỗi” rồi các lò dạy môn phái Vĩnh Xuân của các thầy Tòan “sứt” k5, Tuấn “phúc” k4, Tiến Long k8… Nay xin ghi lại những kỷ niệm với môn phái theo con mắt của kẻ ngọai đạo.

1. Nhập môn
Cuối thập niên 70, tôi là giáo viên của Đại học quân sự. Mới qua chiến tranh chống Mỹ, dân ta vốn quen sống nhờ các đàn anh Nga xô, Trung cộng nay các nguồn viện trợ bị cắt, phải sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn; con người là phần tử nhỏ bé nhất của xã hội cũng phải chịu chung số phận.


Chuyện tầu xe ngày tết truớc cửa nhà 99 (KQ)

Nhà gần ga, cứ Tết đến nghe tiếng còi tầu rú lên lại nhớ cái cảnh xếp hàng đi tầu về quê của bà con ta.
Ngày ấy không như bây giờ, sau chiến tranh thì vận chuyển hành khách chủ yếu vẫn là tầu lửa, nào tầu Bắc-Nam, tầu Phòng, tầu Lao Kai, Lạng Sơn… Người dân vẫn quen sống nhờ các dịch vụ của Nhà nước.
Từ 20 Tết, các ngả đường về ga đều bị chặn ba-rie: đầu đường Nam Bộ ngay ngã tư chợ Cửa Nam, ngã tư Phan Bội Châu-Hai Bà Trưng, quảng trường Nhà hát Nhân dân, ngã tư Khâm Thiên… Chỉ ai có nhà trong khu này mới được ra vào. Bà con xếp hàng mua vé tận Quán Sứ rồi theo từng khu vực ra xếp hàng chờ tầu. “Rồng rắn lên mây”!

Tết đầu ra HN (KQ)

Gia đình tôi có 3 năm ra "tư cán" HN (từ đầu 2008 đến 2010). Và ngày mùng 1 Tết đầu tiên đã đón thế nào? Mời cùng xem!

Chuyện ghi trong chuyến 4 anh em đi Thuợng Hải cuối 2007

Mời đọc!

"Năm châu" ở TQ là những gì???

Mời đọc!!!

Thôn Tiêu Thượng (Wikipedia)

Mời xem vài hình ảnh và bài viết về thôn Tiêu Thuợng tại đây!!!
(Nhà thờ Tiêu Thuợng thuộc Giáo hạt Hà Nam và Tổng Giáo xứ địa phận Hà Nội).

Bài thơ thuở học trò (Trần Minh Phương)

Tình cờ dọn nhà, lục lọi đống tư liệu cũ, thấy tờ Tiền Phong in ngày 3/8/1999. Trong trang 7 có góc in những sáng tác văn học "Tầm nhìn thế kỷ", thấy bài "Gĩa từ tuổi thơ" của cháu Trần Minh Phương,con gái Việt Trung. Đã 11 năm rồi! Giờ Phương đã là mẹ. Nhanh quá! Xin đăng lại để bác Ngân, bác Quang, chú Thắng ở xa nhớ về 1 thời!
Giã từ tuổi thơ
Gửi X.
Ta lãng quên, người lãng quên
Tiếc gì cái thuở êm đềm ngày xưa!
Cũng tương tư, cũng đợi chờ
Mà bây giờ cũng hững hờ thế thôi
Nắng kia đốt héo mảnh trời
Còn ta xin đốt một thời vu vơ!
Đốt những mực, đốt những thơ
Đốt hư ảnh, đốt ước mơ hão huyền
Chỉ xin giữ sợi tơ duyên
Ép trang trắng thành miền nhớ thương
Đêm về mơ giữa trăng sương
Sớm mai thức dậy bình thường như ai.
6/1999
Cháu yêu văn học, thích làm thơ; hơn nữa có chú Hữu Việt làm ở Tiền Phong nên càng có điều kiện gửi bài. Tuy vậy, chú Việt nói, con này có tài năng thực sự, nếu... Vậy mà cháu lại học Ngoại thương, rồi làm cho 1 ngân hàng TMCP. Ra HN, gặp cháu, đùa: "Phương còn làm thơ?". Cháu trả lời: "Yêu thì vẫn yêu nhưng bận quá, bác à! Công việc cuốn hút, chả còn thời gian để thư giãn, đề làm thơ".
Ôi, thời gian và cuộc sống!

Ra thăm Côn Đảo, nơi cha bị tù đày, nhớ đồng đội của cha (KC)

Cầu tầu Côn Đảo.
Mãi đến tháng 4-2011, tôi mới có dịp đến thăm Côn Đảo, một hòn đảo  nằm  giữa đại dương mêng mông, nơi có nhà tù khét tiếng của Thực dân Pháp, nơi người cha thân yêu của chúng tôi bị giam giữ từ 1931 đến 1936 vì tội:  lãnh đạo  cuộc đấu tranh của 5000  công nhân, làm chủ Đồn điền Cao su Phú Riềng vào tháng 2-1930. 
Tần ngần ngắm nhìn cầu tầu, nơi cha tôi từ tầu thuỷ đặt chân lên  Côn Đảo, cũng từ cầu tầu này cha tôi bước những bước cuối cùng lên tầu thuỷ trở về đất liền. 

Các bạn Quế Lâm thăm HN 15/10/2010 (KQ)

Mời xem phóng sự ảnh!

Chuyện bây giờ mới kể (KQ)

Mời đọc!

Võ sư Ngô Sĩ Quý, thầy của gia đình (KQ)

Bác Quý là bác của BS Hoàng Quốc Toàn, bạn tôi. (Sau này mới biết về họ hàng thì lại là anh họ của Hồng Minh, vợ Việt Trung nhà 99).
Vô tình cuối những năm 80, tôi bị bệnh hen phế quản hành hạ, đã mò đến Viện quân y 108 nhờ Toàn - BS phẫu thuật lồng ngực, tim mạch - tư vấn. Bạn thăm hỏi, tâm sự nhiều, trong đó có cả việc luyện tập Vĩnh Xuân Nhu quyền và tập thở khí công. Từ đây, tôi dẫn dắt Việt Trung, Hữu Nghị - em mình vào tập môn phái vận động kì lạ này; rồi Tiến Long, Việt Tấn, Trọng Lượng... ; sau nữa là Tuấn "câm", Hữu Việt... nhiều anh em trở thành đệ tử của thầy.
Đến thế hệ các cháu: Việt Dũng, Việt Hùng, Hoàng Long, Trần Quân, Minh Phương, Lan Phương, Thu Phương, Vinh Quang... cũng từng được "vào tay, đu đẩy" với môn phái này.
Sinh thời thầy hay qua lại nhà 99. Trò chuyện với mẹ tôi, thầy từng kể: Có lần (khi đã 70), đang phóng xe trên đường, thầy bị mấy tay thanh niên hư chặn đánh, cướp xe. Chẳng dùng vũ khí, chỉ tay không thầy đã dạy cho chúng bài học. Cả bọn té chạy... Nghe xong mẹ tôi khen: "Đồng chí lớn tuổi mà còn hành động được như vậy là giỏi lắm!".
Có ít thông tin thu lượm về Vĩnh Xuân nhân ngày giỗ của thầy năm 2011. Mời cùng đọc!

Trần Hậu Tuấn và những kỉ niệm (KQ)

Mời đọc về Tuấn "khàn", người tâm huyết gìn giữ di sản văn hóa đất nước và có kỉ niệm với cụ Trần Độ!

"Mamma" và Robertino ca sĩ Ý một thời

Bài này Dương Minh Đức đã hát trong đêm 49 ngày bà đi.
Mời cùng nghe!

Dương Minh Đức, bạn của gia đình (KQ)

Anh học k3 Trỗi cùng anh Lợi nhưng lại thân với tôi vì cùng thích đàn hát. Ngày ở Đại học QS, anh chơi cùng bồ đàn với Toàn Thắng, Xu Đại - những người tiên phong "dẫn" nhóm Lê Chí Hòa, Văn Tiến Huấn và tôi lập bồ đàn k5. Cũng 1 thời lừng lẫy Vĩnh Yên và dám đánh xuống cả HN...
Có kỷ niệm không thể nào quên là, hôm 49 ngày mẹ tôi, Đức được mời tới cùng nhiều bạn thân. Khi cùng mọi người nhắc lại những kỉ niệm với mẹ, anh tâm sự: "Ngày còn sống, bà rất thương bạn bè của con. Lần nào đến chơi bà cũng hỏi han công việc như chính mẹ chăm sóc con mình. Bà còn bảo, bác hay thấy Đức hát trên TV. Phải học và hát cho thật hay nhé!... Hôm nay 49 ngày mẹ đi, con xin hát tặng mẹ bài Mama". Quả thật đã bao giờ thấy ai hát trong những ngày đau buồn và hôm đó Đức đã hát.
Tôi có bài viết trên QĐND về NSUT Dương Minh Đức, nhân chuyến lưu diễn xuyên Việt, kỉ niệm 40 năm ca hát của anh, xin giới thiệu cùng mọi người.

 Mời cùng đọc!

Ba bà bạn thân (KQ)

Ba bà bạn thân chụp ở nhà 99, ngày bà Hưng đi chữa bệnh ung thư về.
Mẹ làm công tác phụ nữ có tác phong quần chúng nên thân thiết với nhiều người và được nhiều người quý mến. Trong số đó có cô Hà Thị Quế (nguyên Phó chủ tịch Hội LHPNVN), bác Trương Thị Mỹ (nguyên Phó chủ tịch Tổng Công đoàn). Ba bà cùng vào từng sinh ra tử.
Bác Mỹ là vợ bác Vũ Anh, lão thành thuở lập Đảng. Những ngày  trên Chiến khu Việt Bắc, mẹ bị viêm màng não suýt chết, bác Mỹ nhận anh Chiến làm con nuôi, đỡ cho mẹ tới khi tai qua nạn khỏi.
Cô Quế, dân Ninh Bình, cùng tập trung đi học lớp quân sự mở ở Lũ Phong mà cha và bác Hoàng Quốc Việt là giáo viên. Cả lớp học tá túc ở nhà cô. Mẹ cô nhận ông Bình là con nuôi. Ngày cải cách, mẹ bị đội "xử lí" mà cô không dám đứng ra bảo vệ. Sau đó "ông anh" về biết chuyện, đã quạt cho 1 trận: "Cô không dám bảo vệ mẹ mình thì làm cách mạng làm gì?".
Gia đình vì thế mà thân tình. Sau này con cái lại kết thân với nhau. Tiến Bắc con cô chơi với tôi, Việt Triều chơi với Nghị, anh Tiến Dũng, chị Thành học cùng anh Lợi.
... Ngày bà Hưng mất, bà Quế, bà Mỹ đến chia buồn. Khóc mãi, thương cho bà bạn thân sớm đi.
Rồi bà Mỹ cũng đi được mấy năm nay. Ngày bà đi, chúng tôi đến viếng.
Các bà là tấm gương về tình bạn hữu cho cả nhà.



Những tấm ảnh đẹp của cha mẹ (KC-KQ)

Năm 1961, cha mẹ có chụp bức ảnh đẹp ở HN. (Chắc cũng tại Hiệu ảnh quốc tế Bờ Hồ, nơi có "lính cũ Lục quân" là phó nháy?).
Lục tìm trong album gia đình còn có bức ảnh 2 ông bà đang ôm hôm nhau thắm thiết. (Chắc là lần cha đón mẹ ở sân bay Bắc Kinh trong chuyến mẹ được TW cho đi nghỉ CHDC Đức, tạt qua thăm cha, năm 1964(?).
Sau này, (nhớ là hè năm 1971?), anh Chiến từ Liên Xô về nghỉ phép, cả nhà ngồi trên phòng mẹ họp gia đình và mở lại băng ghi âm bữa tiệc cha đón đoàn dũng sĩ diệt Mỹ từ VN sang thăm Bắc Kinh (đúng vào dịp mẹ từ Berlin về). Hai ông bà đã tiếp khách.
Cái băng cối lõi nhựa, gắn lên máy recorder của Nga do anh Chiến mang về, phát lại toàn bộ cuộc vui. Cha mẹ còn song ca bài "Bớ công - nông!" (sáng tác hình như của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trước 1945?).
Lời như sau:
Bớ công - nông, phất cờ lên
Cùng nhau chung sức giết loài sài lang
Theo ngọn cờ Mác - Lê nin
Anh em nào quyết ra tay!
Nhìn ảnh cũng thấy được tình cảm của cha mẹ, ông bà dành cho nhau.
(Ông bạn Phan Nam được nhìn thấy bức ảnh này treo trên tường nhà 99 khi từ Phòng về (cỡ năm 1970), nhớ mãi. Nay xem lại, chắc thỏa lòng?).

Đám cưới thứ 2 trong gia đình 99 (KQ)

Trường Sơn là cháu đầu được ai cũng quý, bên cạnh cô dâu chú rể.
Ngày nay, nam thanh nữ tú cưới nhau toàn ra nhà hàng, chứ ngày xưa là tại gia. Nghèo nhưng ấm cúng, giản dị, tiết kiệm.
Đón dâu xong là mời tiệc trà với bánh kẹo, thuốc lá. Khi thuốc lá thiếu còn dùng cả thuốc cuốn Lạng Sơn, chả kém gì Thủ đô, Điện Biên...  Trà thì chia nhau tiêu chuẩn căng tin, lần này mày cưới lấy suất tao, lần sau tao cưới xin suất mày; không thì  làm vài cân chè móc câu trên Thái, ngon chán!
Bánh kẹo là kẹo cứng, kẹo dồi hay bánh quy gai xốp thuê gia công, còn đường, bột mì (và cả trứng gà) là tiêu chuẩn cán bộ, do ta mang đến. (Chả thế có câu thơ tả mấy nghề làm thêm của cán bộ về hưu thời bao cấp: "Bơm mực, rửa bút bi/ Lộn cổ áo sơ mi/ Gia công quy gai xốp/ Lộn xích, vá xăm xe").