Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Ra thăm Côn Đảo, nơi cha bị tù đày, nhớ đồng đội của cha (KC)

Cầu tầu Côn Đảo.
Mãi đến tháng 4-2011, tôi mới có dịp đến thăm Côn Đảo, một hòn đảo  nằm  giữa đại dương mêng mông, nơi có nhà tù khét tiếng của Thực dân Pháp, nơi người cha thân yêu của chúng tôi bị giam giữ từ 1931 đến 1936 vì tội:  lãnh đạo  cuộc đấu tranh của 5000  công nhân, làm chủ Đồn điền Cao su Phú Riềng vào tháng 2-1930. 
Tần ngần ngắm nhìn cầu tầu, nơi cha tôi từ tầu thuỷ đặt chân lên  Côn Đảo, cũng từ cầu tầu này cha tôi bước những bước cuối cùng lên tầu thuỷ trở về đất liền. 

 
Sinh thời, cha tôi thường kể cho chúng tôi rất nhiều về những  người bạn tù từng cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi trong những năm tháng  gian khổ, kiên cường  cùng  bị giam cầm tại Côn Đảo. Trong tình cảm, tâm  tư, suy nghĩ của các thành viên gia đình chúng tôi họ là những người bạn rất gần gũi, thân tình.  
Gia đình còn giữ được một số tấm  ảnh  của cha tôi chụp với các bạn tù Côn Đảo - những người mà mẹ tôi và chúng tôi rất quý trọng, yêu quý như thành viên gia đình mình. 
Cùng Bác Tôn, đầu 1951, tại Chiêm Hóa.
Đó là Bác Tôn Đức Thắng. Bức ảnh chụp khi hai người cùng tham dự Đại Hội Đảng II tại Chiến khu Việt Bắc đầu 1951. Bác Tôn là người  bạn tù vong niên của cha tôi, là người  che chở cho cha tôi trước đòn thù, là người phân tích cho cha tôi những bài học cách mạng vô giá của cuộc đấu tranh mà cha tôi  tham gia.
Tại đại hội Đảng II, cha tôi còn có bức ảnh chụp với các bạn thân: các chú các bác Đinh Đức Thiện, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn Vịnh, Phan Trọng Tuệ và Bùi Lâm
Bác Bùi Lâm cũng là bạn tù Côn Đảo và có một mối quan hệ bạn bè thân tình, gần gũi với cha tôi. 
Bộ 3 bạn tù: Tuệ, Việt, Bình.

Cũng trong Đại hội này, cha tôi còn có bức ảnh chụp với hai người bạn tù Côn Đảo khác là  bác Hoàng Quốc Việt và chú Tuệ. Bác Việt sau này là cấp trên của cha khi ông tham gia Xứ ủy Bắc kỳ. Chú Phan Trọng Tuệ, Xứ ủy viên Bắc kỳ, bị Thực dân Pháp bắt 1943, bị  đày ra Côn Đảo đến tháng 9-1945 mới được đón về đất liền. Bác Việt, chú Tuệ và cha tôi có một mối quan hệ bạn bè, gia đình rất thân thiết.    
Bác Ba Mãng (đội mũ nồi) và chú Lộc (quân phục sáng).

Năm 1958, cha dẫn tôi đến thăm  bạn tù Trần Văn Mãng. Bác  Ba Mãng lúc đó là cán bộ Văn phòng TW Đảng. Bác là đảng viên 1930, quê Đồng Tháp, có con gái là chị Trần Thị Xuân Nguyệt (lúc đó đang học Trường Học sinh Miền Nam tại Hải Phòng). Gần đây, chúng tôi tìm đươc chị  Nguyệt. Trong ký ức, chị vẫn  ghi nhớ mối quan hệ thân tình của chú Bình với ba chị. (Người mặc quân phục, cầm xà cột là chú Lộc, bộ đội Liên khu 5, được điều động công tác bên cha tôi).



Năm 1961, cha tôi tham gia Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam  do  ông  Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị, bạn tù  Côn Đảo 1931-1936) làm trưởng đoàn sang Ulanbator dự Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ. Hai người chụp chung  bức ảnh kỷ niệm, sau bức ảnh ông  Thọ có  lưu bút: "Nhớ lại những ngày chung sống gian khổ với anh 30 năm trước. Ulanbotor 11-7-1961, Thọ". Trong những lúc khó khăn  của thời cuộc, là một người bạn tù của cha, ông luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ  gia đình chúng tôi.     
Bác Trần Huy Liệu (bìa phải).


Tháng 5 năm 1965, Bác Hồ sang Trung Quốc. Cha tôi tháp tùng Bác đến thăm Đoàn  đại biểu Hội Việt Trung hữu nghị do  GS Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn, đang làm việc tại Bắc Kinh. Cha tôi báo cáo với Bác,  GS Trần Huy Liệu là bạn tù Côn Đảo của cha tôi  thời gian 1931-1936. Bác vui vẻ nhắc: "Thế thì hai người bạn tù Côn Đảo, hai nhà cách mạng  từng kinh qua thử thách cách mạng phải  vì lợi ích  dân tộc, làm tốt công tác củng cố, phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc”. Tôi còn nhớ ông mất sau cha tôi hai năm.
Với lòng kính trọng, ghi nhớ công ơn  các cựu tù chính trị Côn Đảo chúng tôi đã lập blog Tuchinhtricondao3045, góp phần cùng Ban quản lý di tích lịch sử Côn Đảo  tôn vinh các cựu tù chính trị thời kỳ 1930-1945.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.