Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Vĩnh Xuân Quyền, theo hiểu biết của tôi (KQ)

Lính Trỗi ta từng nghe tới “Câu lạc bộ Vĩnh Xuân trường Nguyễn Văn Trỗi” rồi các lò dạy môn phái Vĩnh Xuân của các thầy Tòan “sứt” k5, Tuấn “phúc” k4, Tiến Long k8… Nay xin ghi lại những kỷ niệm với môn phái theo con mắt của kẻ ngọai đạo.

1. Nhập môn
Cuối thập niên 70, tôi là giáo viên của Đại học quân sự. Mới qua chiến tranh chống Mỹ, dân ta vốn quen sống nhờ các đàn anh Nga xô, Trung cộng nay các nguồn viện trợ bị cắt, phải sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn; con người là phần tử nhỏ bé nhất của xã hội cũng phải chịu chung số phận.


Trường đóng quân trên Vĩnh Yên cũng vậy. Chỉ kể 1 thí dụ nhỏ thì thấy ngay nó khó như thế nào: ngay giáo viên cũng phải sống trong những căn nhà mái lợp cọ, vách thưng đất trộn rơm, cánh cửa là những phiên liếp đan bằng tre nứa. Mùa hè còn mát chứ đông về thì “ghê khủng” vì khí lạnh tràn cả vào nhà theo kiểu “trong nhà như ngòai trời”(!). Từ bé tôi vốn bị hen phế quản thì lúc này là lúc con bệnh tái phát. Lạnh, ẩm gây khó thở, đêm nào cũng không ngủ được, lưng dựa vào tường, trong phế quản phát ra tiếng rít “cò cử” như có ai kéo vi-ô-lông bên cạnh. Mệt mỏi.
Không chịu được, mò về Viện 108 gặp ông bạn Toàn “sứt”, đang công tác tại khoa “Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch”, xin tư vấn. Còn nhớ ngày ấy trước cổng Viện có vườn hoa rất đẹp, tôi rủ Tòan ra ghế đá ngồi bốc phét. Nghe kể khổ, Tòan khuyên nên tập Vĩnh Xuân vì trong đó có bài khí công tốt cho phế. Tôi là thằng ham mê thể thao nhưng từ khi tốt nghiệp rất mê đi sửa TV, dàn âm thanh, cassette… nên khi thấy nói đến tập võ là biết phải tiêu tốn thì giờ thì tiếc.
Cũng vì chuyện võ vẽ này mà nhớ ngay tới mấy thằng em ở nhà, cu Trung nhà tôi từng nhảy tầu lên Vĩnh Yên nhờ anh Phúc Chiến dạy võ Bình Định, chú Tiến Long thì từng có chân trong Liên đòan Võ thuật Kir-si-nhốp ngồi trên khán đài xem các cuộc tỉ thí. Nghe Tòan thuyết trình nhiều về Vĩnh Xuân nên khi về nhà tôi kể lại cho Long, Trung. Mấy chú em vốn ngựa non háu đá đã đề nghị liên hệ với anh Tòan để “thử tay”.
Cái phòng trên gác nhà 99 Trần Hưng Đạo thời ấy dành cho bọn trẻ. Long, Nghị mới đi học ở Nga về lấy nơi đó làm nơi tụ bạ với bạn bè. Đêm đi chơi 12g hơn mới về, các chú lăn ra ngủ tới tận 10g sáng mới dậy, đi ăn sáng ở Cấm Chỉ rồi lang thang bát phố suốt chiều tới 2-3g mới ăn trưa… Nói chung là lộn xộn! Chiều chiều, Nghị ngồi trên cửa sổ nhìn xuống đường đệm ghi-ta nghêu ngao hát những bài của Beattles, Beegees, Boney’m… Bà con khu phố đi qua nhìn lên thấy thế lấy làm khó chịu. Còn bọn trẻ thì “kệ”, chúng tôi sống có ảnh hưởng tới ai?
Theo hẹn Tòan đến. Cả phòng được dọn sạch đồ đạc dùng làm sàn đấu. Hết Long đến Trung, từng thằng vào mà không sao ra đòn được. Cả người Tòan mềm mại, uyển chuyển, đôi chân và đôi tay luôn dính lấy đối phương làm bọn trẻ thắc mắc… Và bọn chúng bắt đầu vào học Vĩnh Xuân Quyền.

2. Vĩnh Xuân vào VN
Vĩnh Xuân là môn vận động dùng cho cánh phụ nữ trong triều đình phong kiến Trung Quốc. Môn võ này tốn kém năng lượng ít nhất, vận động như vũ đạo, nhưng hiệu quả nhiều nhất. Mọi vận động dựa trên cơ sở đường tròn và đường thằng, cố gắng đưa tòan bộ thân thể con người trở về với những vận động tự nhiên, sơ khai, bản năng nhất. Cứ hình dung khi tung con mèo lên trời thì khi rơi xuống đất, con mèo tự chỉnh để 4 chân xoay xuống phía dưới, tạo thành 4 đệm giảm xóc hạ cánh nhẹ nhàng. Vĩnh Xuân là môn phái nhu quyền, coi cơ thể con người căng trùng như sợi dây cao su. Chính vì thê mà có thể lấy nhu chế cương.  
Ở Trung Quốc, Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông, cách Quảng Châu 40km, được coi là cái nôi sinh ra môn phái Vĩnh Xuân Quyền.
Từ xa xưa, theo các thương lái người Hoa áp tải các chuyến hàng vào VN đều có các vệ sĩ hộ tống. Họ rất giỏi võ. Họ vừa bảo vệ thân chủ, bảo vệ tài sản vừa là người dạy dỗ con cái trong nhà luyện tập vận động. Thời gian trước 1945, thanh niên học sinh HN hay lên Kinh Bắc dự các lễ hội (Lim, Quan Họ…) sau mỗi dịp Tết Nguyên đán. Trong tốp đó có 1 cậu học sinh thường kẹp theo cây đàn vi-ô-lông, lên đến nơi cậu thường giở đàn ra chơi. Tiếng đàn véo von ấy như góp thêm vui cho lễ hội. Một lần vô tình cậu ấm con 1 ông chủ người Hoa lang thang lên lễ hội, mục kích cậu thanh niên kia đang say sưa chơi đàn. Chả hiểu sao tiếng đàn ấy đã cuốn hút câu bé. Chờ cho tiếng đàn vừa dứt cậu ta liền đến kết bạn: “Chào anh! Anh chơi đàn hay quá! Anh có thế dạy tôi chơi đàn được không?”. Trước lời chào xã giao và đề nghị hơi đường đột làm cậu học sinh ngỡ ngàng. Nghe giọng lơ lớ của cậu bé, anh hỏi: “Vậy ra bạn là… là người Hoa?”. “Vâng!”. Thế rồi chuyện qua chuyện lại, 2 bạn trẻ kết thân.
- Này, anh dạy tôi đàn, tôi sẽ bảo thầy tôi dạy anh võ.
- Anh đang học võ gì?
- Vĩnh Xuân Quyền. Môn võ này hay lắm. Tôi sẽ giới thiệu anh với thầy tôi.
Ngay chiều hôm ấy, cậu bé đưa bạn mình đến gặp thầy võ. Thầy mừng vì trò yêu có thêm bạn mới nhưng… chuyện không hề đơn giản. Người Hoa phiêu bạt tứ xứ nhưng có 1 nguyên tắc: không để thất truyền những cái gì được coi là gia bảo của mình. Cuối cùng vì nể trò là con “láo bản” (thân chủ) mà thầy nhận lời dạy Vĩnh Xuân cho cậu bé VN kia nhưng “chỉ dạy thực hành chứ không dạy lý thuyết”. Cậu bé VN được nhập môn Vĩnh Xuân Quyền như thế.
Nhưng bọn trẻ lại có những gì rộng mở hơn, thân tình hơn nên “nguyên tắc” của thầy bị trò vi phạm - cậu bé người Hoa đã dạy hết những lý thuyết học được cho cậu bé người Việt. Cậu bé người Việt đó chính là bác Ngô Sĩ Quý, ông bác họ đằng mẹ của Tòan “sứt”. Còn ông thầy chính là Tề Công. Sau năm 1954, thầy Tề Công tiếp tục lang bạt vào Nam bộ, trò Quý không theo được. Cùng học với bác Quý còn có ông Tiển, ông Phùng… Thầy Tề Công vào Nam bộ và có nhiều đệ tử. Ông mất năm 1959 và sau được chôn cất tại nghĩa trang của người Hoa trên Thủ Dầu Một, Bình Dương. Nghị từng đến đây thăm thầy. Nhưng đó là chuyện sau này…
Tòan “sứt”, Tuấn “phúc” được học thầy Quý từ đầu những năm 70. Chục năm sau Long, Trung, Nghị mới được theo thầy Quý. Không hiểu hết các môn phái khác nhưng Vĩnh Xuân không chỉ dạy người ta vận động mà còn dạy người ta biết sống có tâm, có tình. Ngày bác Quý đi, học trò cùng gia đình tổ chức đám ma cho bác. Trên bàn thờ ở nhà học trò cùng với tổ tiên đều có chỗ hương khói dành cho thầy Quý. Giỗ bác cả ở HN và TpHCM, các môn đệ đều tập trung về nhà Việt Trung hay Tuấn “khàn” thắp hương cho thầy. Hàng năm đệ tử đều có họp mặt truyền thống, họ không quên nhắc đến công ơn của thầy Quý. Thật đáng trân trọng!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.