Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Về lại Vĩnh Yên (KQ)

Quan thời nay có quyền, có chức, có tiền thường quên người từng cưu mang mình những năm tháng khốn khó. Còn những thằng lính thế hệ chúng tôi thì không thế, sống được tới ngày hôm nay là nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Và tôi đã có mặt trong 1 chuyến về thăm những “cơ sở cách mạng” ở vùng đất của lính quân sự năm xưa.

Bác Ngân có nguỵên vọng trở về Vĩnh Yên truớc khi quay lại Đức. Tuy hơi mệt nhưng vẫn order tôi chuyến đi vào sang thứ 7. Ngoài 2 vợ chồng bác còn có thêm anh Phạm Vĩnh Thắng, bộ đội cũ học cùng lớp tôi đầu những năm 70. Lâu lắm anh Thắng không quay lại Vĩnh Yên. 9g rời HN, mặt hồ Tây mờ sương. Dọc đường, Tuấn - con trưởng chị Thiện - nối máy cho chị: “Biết các em lên, lẽ ra chị đi lễ đầu năm ở đền trên tận Lao Cai từ đêm qua nhưng phải nán lại, sáng nay đi chợ sớm mua rau dưa làm cơm cho mấy chú”. “Chị chờ nửa tiếng chúng em có mặt”. Chỉ 1 tiếng đồng hồ là tới nơi. Vĩnh Yên thay đổi quá, nhưng những “điểm dấu” từ Hương Canh, Quất Lưu, núi Trống, Khai Quang… vẫn còn.


Địa chỉ đầu tiên - nhà chị Thiện. Anh em “quân sư” nào cũng biết “cơ sở cách mạng” này. Ngày ấy 1 nách 7 đứa con nheo nhóc, anh Tuỵ chồng chị là CCB từ thời kháng Pháp sớm về hưu. Vậy mà hầu như học viên các khóa, hết Vinh “heo”, Tuấn “tây”, Chí, Tuấn “ghẻ”, Sơn “tóc bò”… coi đây như ở nhà. Có không ít lần vừa đi HN lên đã chạy ra vục vào nồi cơm. Thương các cháu, cho chúng ăn ngay, dù lũ con còn đói. Chị cũng vất vả vì lũ này, có cái quán nước không chỉ để nuôi con mà phải nuôi cả “các cháu”. Sau 3-40 năm như cu Tuấn chỉ vào bức ảnh phóng to trên tường, nói: “Bố mẹ cháu có tới 5 thằng con trai nay lừng lững như thế, đều là người có ích cho xã hội, 3 đứa đang làm, ăn ở Nga, không đứa nào “vừ-a-dính”…”. Công bà chị lớn lắm. Giữa những năm 80, ở ngã 3 Bảo Sơn truớc cổng trường mọc lên chợ cóc, chị xoay sang bán thịt. (Còn vợ chồng cu Tuấn thì làm nghề chọc tiết lợn, phụ cho mẹ, đồng thời mở quán cháo lòng tiết canh - làm nơi qua lại của cá chú trong trường). Mỗi lần đi dạy bên 125 về, chị vẫy lại: "Ngân ơi, Quốc ơi, hôm nay mông chị ngon lắm!". "Tụi em chưa lĩnh lương". "Ô hay, tìên nong gì, lúc nào có hẵng hay!'. Có lần xe tuyến HN chạy qua, chị te tái chạy theo, giúi qua cửa xe cho cân thịt: "Em mang thịt ngon về biếu bà!". Nghĩa tình như thế làm sao quên được. Chị em trò chuyện 1 lúc rồi để chị ra xe đi ngay Lao Cai cho kịp lễ chiều nay.

Tạt qua thăm “chiêu đã khổ” năm xưa. “Con mẹ” Điềm - vợ anh Ngân - không quên kỉ niệm từng tá túc “tuần trăng mật” tại đây. Cũng là nơi “ăn tươi” của “lính không gia đình” mỗi khi có các bà chị lên chơi. Nay chiêu đãi sở này vẫn "khổ". Lụp xụp lắm. Ngăn từng ô cho cán bộ. Chắc Học viện cũng chả hơi sức đâu mà quan tâm?

Ngay cửa “chiêu đã khổ” là nhà “đại tá Lữ” (còn được gọi là “anh giai”) – cũng 1 cơ sở tin cậy. Nhớ ngày khóa 4 tốt nghiệp, anh em quyết định liên hoan chia tay nhưng “mẩu dẩu xéng”. Vây là “đại tá” bảo: “Bán cái tủ buýp-phê gỗ lát của anh đi. Sắm lại sau…”. Rồi dân buôn trả 80 đồng và khuân cái tủ đi. Hôm liên hoan, “đại tá” (vốn không biết dùng bia rượu) lại say bia hơi ngoài đầm Vạc, phải nằm xe bò về nhà. Sau bữa liên hoan tuý luý, anh em góp tiền mà không mua nổi cái tủ. Ông anh thì: “Kệ nó, cần gì!”. Nhớ ngày cu Nam (con Chiến-Thắng) theo mẹ lên trường. Tối hôm ấy, “đại tá” vừa đi làm về tới trước ngõ thì 1 chú nhóc mà đầu chưa cao quá gối, 2 tay chống nạnh, miệng hô lớn: “Chào anh giai!”, làm anh giật mình. (Con cái giống bố như đúc, nhóc tì mà dám gọi “đại tá” là “anh giai”). Năm nay anh sắp 80, yếu lắm, vậy mà khi tôi và anh Ngân vào vẫn nhận ra ngay. (Ngày xưa gọi “anh giai” là vậy vì anh tên là Lữ, Việt kiều từ Thái về nhưng rất quý mấy chú bộ đội, toàn nhường nhà, nhường cửa, là cơ sở qua lại. Thế là cái tên “đại tá Lữ trưởng Lữ đoàn dù” được gán cho anh!). Có hôm 3 anh em Ngân, Giao, Quốc không về doanh trại mà ngủ qua đêm ở đây. Cả đêm nghe tiếng thạch sùng tanh tách mà không ngủ được, cứ nghĩ “ông anh mở trại chăn nuôi thạch sùng”(!). Anh giai với bà chị đầu có 4 con gái, vì mong mỏi thằng cu đã giấu chúng tôi đạp xe xuống Phúc Yên tìm bà 2. May mà có thằng Bình để chống gậy, nay cháu lái xe cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Vào thăm anh rồi, anh em rủ nhau thăm lại cơ sở cũ ở Bảo Sơn. Anh Thắng không quên những đêm giá rét phải đi gác ở cổng này; còn chị Điềm nhớ mãi những lần trình chứng minh thư cho trực bạn mới được gặp chồng... Trường Đảng QK2 đã mở cổng mới. Từ đây qua thăm khu 125 (vẫn của Học viện). Các cháu trực ban mời vào ngay. Chụp tại cầu thang nhà ở của giáo viên Khoa Cơ điện, cách mấy phòng là phòng anh Ngân. Nhà này sắp đập để xây lại, còn tại hội trường đang được xây ngôi nhà mới.



 Tạt qua thăm phố Vĩnh Yên. Ngay ở đầm Vạc mọc lên 1 nhà hát ngoài trời có dáng như Opera Con Sò ở Sydney. “Con đường lá chuối” lên Tỉnh uỷ giờ đặt tên Kim Ngọc, nguyên bí thư có ý tưởng “khoán quản” từ những năm 1966-67, từng "lên bờ xuống ruộng" 1 thời . Tỉnh uỷ giờ là nhà nghỉ TW. Chợ thị xã tấp nập làm bà Điềm nhớ mỗi lần đi chợ về "dưỡng chồng" những ngày lên thăm. Còn sân vận động Vĩnh Yên như vẫn còn ghi lại hình ảnh ông “thượng uý họ Đoàn” - trong cái đêm được bọn đàn em ăn cắp ngỗng chiêu đãi lên quân hàm mới - phải xách chiếc radio cassette của Phúc Chiến chạy băng về đồi ga, “cứu nguy 1 bàn thua” trông thấy.
 

Cơ sở cuối cùng là nhà Hùng “dốc Láp”. Hùng là con anh Trường, chị Dậu làm ở Bệnh viện tỉnh. Hùng gọi chúng tôi là anh, còn chúng tôi lại gọi bố mẹ Hùng là anh chị. Anh chị năng động lắm, quan hệ rộng. Đến nhà chỉ gặp Vân, vợ Hùng, còn chú em đang đi làm ăn xa. Nhớ mãi năm 1980, anh chị tổ chức cưới cho Hùng. Anh em tôi lo từ A đến Z, trang trí, văn nghệ, sau phần tiếp khách, anh Trường đứng giữa sân giơ 2 tay lên trời, hô: "Chú Ngân, chú Quốc muôn năm!". Vậy mà tận 1996, 2 em mới có cháu đầu. Buồn là khi ra nhà mới biết anh Trường mất cách nay 3 năm, còn chị Dậu ốm nằm liệt. Tối khi về HN rồi thì Hùng mới "mếu máo" gọi điện về, hẹn gặp sau.

Trưa về nhà Tuấn ăn cơm. Thái k15 (nay là Phó chủ nhiệm khoa Hoá kỹ thuật) và anh Thắng “tụt” cũng vừa kịp từ HN phóng xe lên. Thái nhận ra Tuấn chính là “cơ sở của bộ môn Hoá” từ ngày còn “bán lòng lợn, tiết canh”. “Đại tá” cũng có mặt. Anh em cùng nâng li nhắc lại kỉ niệm xưa. Vợ chồng Tuấn chế biến các món ăn rất dân giã mà ngon miệng.
 
 Hơn 2g, anh em xin phép vào trường bắn giao lưu với anh Điện, bộ môn Vũ khí. Truớc đó tạt qua “trường mới” để mọi người hình dung lại nơi từng góp công, góp sức xây dựng. (Nay là trường Sĩ quan Vũ khí-đạn). Đường đi Quang Hà chính là con đường ngày xưa hay ngồi xe chạy từ trường cũ sang “trường mới” mỗi sáng, chiều; nay đã trải nhựa, vạch sơn. Trường bắn nằm ở đồi Bông, được xây tường ngăn. Với kiến thức của mình, anh Điện sản xuất “cái gì đó”(!) thành sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn viêc làm cho chục anh em. Chúng tôi được xem biểu diễn bắn thử phát pháo dù cứu hộ. Sau khi xem băng video về Học viện Pháo binh Nam Kinh là phần liên hoan: “Các ông phải “dùng” với chúng tôi vì anh em họ chờ mấy ngày nay, thậm chí còn làm vệ sinh doanh trại sạch sẽ hơn cả đón bộ trưởng”. Nhậu chả có gì ngoài 2 món chính là thịt gà chọi luộc và đuôi bò kho mà ngon tệ!
Cái hay là anh Điện chính là người giới thiệu anh Ngân vào Đảng. Ở bên Nga, khi đã là bí thư 1 vùng có vài trăm đảng viên, anh Ngân đã viết thư về: “Điện ạ, mày không nhầm khi giới thiệu tao. Chí ít mày có thể nói tao là… nhưng mà tốt!”.

4g30, sau khi giao lưu, cả đoàn lên đường. Quay lại con đường ra Hương Canh qua Tam Lộng, Chùa Tiếng, “đồi Xây dựng”, cả tuyến đường sắt chạy vào sân ga chứng kiến bao chàng trai bịn rịn chia tay các em gái sinh viên cùng trên chuyến tàu ngược… Kí ức ngày ấy hiện về. Con người và những địa danh ấy thân thương làm sao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.