Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Lời điếu...


LỜI ĐIẾU ĐỌC TRONG LỄ AN TÁNG[1]

ĐỒNG CHÍ TRẦN TỬ BÌNH



            Thưa các đồng chí thân mến,

            Hôm nay, chúng ta hết sức thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Trần Tử Bình, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, người con ưu tú của Đảng, của nhân dân, người chiến sĩ đã suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp, của dân tộc.

            Đồng chí Trần Tử Bình tức Phạm Văn Phu, quê ở xã Tiêu Động Thượng, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà, xuất thân từ một gia đình cố nông, đã sớm phải lăn lộn trong cuộc đời làm công cho tư bản Pháp ở đồn điền cao su Phú Riềng, Nam Bộ.

Điện chia buồn

ĐIỆN CHIA BUỒN CỦA
THỦ TƯỚNG CHU ÂN LAI[1]

            Kính gửi đồng chí Phạm Văn Đồng,
Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hà Nội
Tôi vô cùng đau đớn khi được tin đồng chí Trần Tử Bình, Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước chúng tôi, không may đã bị bệnh từ trần. 
Đồng chí Trần Tử Bình đã hoạt động không mệt mỏi và đã có những cống hiến quan trọng trong việc tăng cường mối tình hữu nghị chiến đấu anh em giữa nhân dân hai nước Trung-Việt.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, tôi xin tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất đến đồng chí và xin nhờ đồng chí chuyển lời thăm hỏi chân thành của tôi đến gia đình đồng chí Trần Tử Bình.
Ngày 12 tháng 2 năm 1967
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa - Chu Ân Lai

           

Tang lễ tại HN


TANG LỄ ĐỒNG CHÍ TRẦN TỬ BÌNH

ĐÃ CỬ HÀNH TRỌNG THỂ TẠI HÀ NỘI [1]



            Sáng qua, 11 tháng 2, đồng chí Trần Tử Bình, uỷ viên Trung ương Đảng, Đại sứ nước ta tại nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, đã tạ thế tại bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội.

            Thi hài đồng chí được quàn tại phòng lễ chính của Câu lạc bộ quân nhân. Ngoài gia đình đồng chí, các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng, các cán bộ cao cấp Bộ Ngoại giao đã thay nhau túc trực bên thi hài đồng chí. Hồ Chủ tịch đã đến viếng và đặt vòng hoa trước linh cữu đồng chí Trần Tử Bình. Đến viếng và đặt vòng hoa, còn có các đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng; Trường Chinh, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng, các vị bộ trưởng và thứ trưởng trong Chính phủ, các vị đại diện Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tại miền Bắc, nhiều cán bộ cao cấp trong quân đội, đại biểu các chính đảng, các đoàn thể, các cơ quan trung ương và Hà Nội. Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc cũng đến viếng và đặt vòng hoa trước linh cữu đồng chí Trần Tử Bình.

            Đúng 16 giờ rưỡi ngày 11 tháng 2 năm 1967, tang lễ đã cử hành trọng thể. Linh cữu đồng chí Trần Tử Bình phủ quốc kỳ đã được các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng và các cán bộ cao cấp Bộ Ngoại giao trân trọng đưa lên xe tang.

            Trong lễ hạ huyệt lúc 19 giờ, đồng chí Lê Đức Thọ, uỷ viên Bộ Chính trị, thay mặt Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, đã đọc lời điếu. Tiếp đó, trước nấm mộ mới đắp, các đại biểu đã đặt vòng hoa và nghiêng mình vĩnh bịêt lần cuối cùng đồng chí Trần Tử  Bình.











[1] Bài đăng trên Báo Quân đội Nhân dân số 2063, chủ nhật 12-2-1967.
NHỮNG LÁ THƯ CÒN ĐỂ LẠI

Mẹ chúng tôi giữ gìn rất cẩn thận thư từ của cha gửi về. Trong tư liệu gia đình lưu trữ nhiều lá thư cảm động. Xin trân trọng giới thiệu!

Hàng Châu, ngày  9 tháng 10 năm 1964
Thăm em và các con yêu quý!
Anh đi cùng với phái đoàn Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn đồng dẫn đầu, đến Nam Ninh là kết thúc; anh lại trở về Bắc Kinh công tác vì bận nhiều việc. Đến tháng 11 hoặc 12, anh về họp Quốc hội và Trung ương, tiện thể tránh rét. Chắc em đồng ý chứ? Lúc này là lúc đang phải đấu tranh chính trị với đế quốc Mỹ, vắng mặt anh không tiện.
Còn việc cho Yên Hồng học kinh tế tài chính mậu dịch rất tốt vì đó là mạch máu của đất nước, là vận mệnh của Đảng.Bảo con học ngoại ngữ, tiếng Pháp cho giỏi, sau ra làm việc học thêm tiếng Anh. Biết được ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nga và kinh tế mậu dịch của từng vùng, nhất là Âu Châu để buôn bán với các nước tư bản. Phải biết đọc, viết và nói ngoại ngữ thành thạo; Hồng trước đây học tiếng Nga nhưng chỉ đọc được, nói còn kém.
Nên cho các con học ở Hà Nội, để tiện giáo dục, cho về quê thì xa gia đình, không có người quản, vả lại làm phiền họ hàng.
Đồng chí Chu An Lai và Đặng Dĩnh Siêu gửi lời thăm nhà ta và các con. Bảo Hồng và Chiến viết thư thăm hai bác, báo cáo việc học hành, lao động và thể dục, bày tỏ tình cảm với hai đồng chí.
Lúc này em đi học chắc bận lắm? Nhưng ngày chủ nhật bảo Chiến và Hồng đọc cho bài viết của anh trên Tạp chí Học tập về tình hình Trung Quốc 15 năm qua. Chắc anh không về, em và các con nhớ anh lắm? Anh cũng nhớ em và các con nhưng công tác cách mạng là thế đấy. Hy sinh cá nhân, để quyền lợi của Đảng và Nhà nước lên trên hết thì chúng ta mới có được hạnh phúc chân chính.
Trung Quốc năm nay được mùa lớn nhất, cả về công, nông nghiệp, cả về chính trị. Em và các con cũng mừng. Anh mong ở bên nước đã được mùa chiêm thì lại mong được mùa thu đông, nếu vậy thì kinh tế nông nghiệp ta mới phục hồi.
Chúc em và các con khoẻ, học giỏi, lao động giỏi!
Hôn em và các con nhiều lần. – Trần Tử Bình