Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Lời điếu...


LỜI ĐIẾU ĐỌC TRONG LỄ AN TÁNG[1]

ĐỒNG CHÍ TRẦN TỬ BÌNH



            Thưa các đồng chí thân mến,

            Hôm nay, chúng ta hết sức thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Trần Tử Bình, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, người con ưu tú của Đảng, của nhân dân, người chiến sĩ đã suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp, của dân tộc.

            Đồng chí Trần Tử Bình tức Phạm Văn Phu, quê ở xã Tiêu Động Thượng, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà, xuất thân từ một gia đình cố nông, đã sớm phải lăn lộn trong cuộc đời làm công cho tư bản Pháp ở đồn điền cao su Phú Riềng, Nam Bộ.


            Cảnh khổ nhục của người dân mất nước, lòng căm thù giai cấp trước sự áp bức bóc lột của đế quốc và tư bản Pháp đã sớm đưa đồng chí đi vào con đường đấu tranh cách mạng. Ngay từ khi làm việc ở đồn điền cao su, đồng chí đã tổ chức ra nghiệp đoàn cao su và tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Từ đó, đồng chí đã liên tục đấu tranh trong hàng ngũ của Đảng suốt hơn 38 năm nay.

            Là một cán bộ chính trị trung thành, tận tuỵ, bền bỉ, đồng chí đã được Đảng giao cho giữ các chức vụ như bí thư chi bộ, bí thư Huyện uỷ, bí thư Tỉnh uỷ và tham gia vào Ban thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ trong thời kì bí mật. Đã ba lần bị địch bắt cầm tù gần 10 năm, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trong những năm bị giam cầm gian khổ, đồng chí luôn luôn tích cực hoạt động, được anh em trong tù hết lòng tín nhiệm. Sau hoà bình lập lại, do những thành tích cách mạng và đức tính của đồng chí, năm 1960, đồng chí đã được Đại hội toàn quốc lần thứ 3 tín nhiệm và cử  vào Ban chấp hành Trung ương của Đảng.

            Đồng chí Trần Tử Bình cũng là một cán bộ quân sự có nhiều công lao trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, được cán bộ, chiến sĩ hết lòng yêu mến, được Đảng và Chính phủ tín nhiệm và đã phong Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

            Đồng chí còn là một cán bộ ngoại giao với chức đại sứ của mình đã gần 10 năm nay đem hết sức ra giúp Đảng và Chính phủ thắt chặt mối tình đoàn kết hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Đồng chí được Đảng và nhân dân nước bạn hết lòng quý mến.

            Suốt gần 40 năm phấn đấu cách mạng liên tục trong 60 năm tuổi đời, đồng chí Trần Tử Bình đã xứng đáng là một người con luôn luôn trung thành với Đảng, tận tuỵ với Tổ quốc, với nhân dân. Đồng chí là một chiến sĩ lão thành của Đảng ta, một người cộng sản luôn luôn vững tin ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng ngay trong những lúc khó khăn nhất.

            Noi gương sáng của Hồ Chủ tịch, đồng chí đã giữ được phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, có nhiệt tình cách mạng cao và lòng thương yêu đồng chí nồng nàn.

            Đồng chí mất đi giữa lúc cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở cả hai miền đang chuyển sang giai đoạn gay go, quyết liệt, đòi hỏi có nhiều cán bộ có đức độ, tài năng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao v.v…

            Chúng ta vô cùng thương tiếc đồng chí. Vĩnh biệt đồng chí, chúng ta nguyện học tập những đức tình tốt đẹp của đồng chí để hoàn thành thắng lợi hơn nữa trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân.

            Thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tôi đề nghị các đồng chí  nghiêng mình trước linh cữu của đồng chí Trần Tử Bình để vĩnh biệt đồng chí lần cuối cùng và ghi nhớ mãi mãi công ơn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.

                              







[1] Ban tổ chức tang lễ gồm: Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, Nguyễn Khai, Phó ban Tổ chức Trung ương.

1 nhận xét:

  1. Người đọc Điếu văn này trong lễ an táng cha là bạn tù Côn Đảo của cha , lúc đó là Ủy viên Bộ chính trị,Trưởng Ban Tổ chức trung ương Lê Đức Thọ.
    KC

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.