Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

NHỮNG LÁ THƯ CÒN ĐỂ LẠI

Mẹ chúng tôi giữ gìn rất cẩn thận thư từ của cha gửi về. Trong tư liệu gia đình lưu trữ nhiều lá thư cảm động. Xin trân trọng giới thiệu!

Hàng Châu, ngày  9 tháng 10 năm 1964
Thăm em và các con yêu quý!
Anh đi cùng với phái đoàn Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn đồng dẫn đầu, đến Nam Ninh là kết thúc; anh lại trở về Bắc Kinh công tác vì bận nhiều việc. Đến tháng 11 hoặc 12, anh về họp Quốc hội và Trung ương, tiện thể tránh rét. Chắc em đồng ý chứ? Lúc này là lúc đang phải đấu tranh chính trị với đế quốc Mỹ, vắng mặt anh không tiện.
Còn việc cho Yên Hồng học kinh tế tài chính mậu dịch rất tốt vì đó là mạch máu của đất nước, là vận mệnh của Đảng.Bảo con học ngoại ngữ, tiếng Pháp cho giỏi, sau ra làm việc học thêm tiếng Anh. Biết được ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nga và kinh tế mậu dịch của từng vùng, nhất là Âu Châu để buôn bán với các nước tư bản. Phải biết đọc, viết và nói ngoại ngữ thành thạo; Hồng trước đây học tiếng Nga nhưng chỉ đọc được, nói còn kém.
Nên cho các con học ở Hà Nội, để tiện giáo dục, cho về quê thì xa gia đình, không có người quản, vả lại làm phiền họ hàng.
Đồng chí Chu An Lai và Đặng Dĩnh Siêu gửi lời thăm nhà ta và các con. Bảo Hồng và Chiến viết thư thăm hai bác, báo cáo việc học hành, lao động và thể dục, bày tỏ tình cảm với hai đồng chí.
Lúc này em đi học chắc bận lắm? Nhưng ngày chủ nhật bảo Chiến và Hồng đọc cho bài viết của anh trên Tạp chí Học tập về tình hình Trung Quốc 15 năm qua. Chắc anh không về, em và các con nhớ anh lắm? Anh cũng nhớ em và các con nhưng công tác cách mạng là thế đấy. Hy sinh cá nhân, để quyền lợi của Đảng và Nhà nước lên trên hết thì chúng ta mới có được hạnh phúc chân chính.
Trung Quốc năm nay được mùa lớn nhất, cả về công, nông nghiệp, cả về chính trị. Em và các con cũng mừng. Anh mong ở bên nước đã được mùa chiêm thì lại mong được mùa thu đông, nếu vậy thì kinh tế nông nghiệp ta mới phục hồi.
Chúc em và các con khoẻ, học giỏi, lao động giỏi!
Hôn em và các con nhiều lần. – Trần Tử Bình




Bắc Kinh, ngày 23 tháng 4 năm 1965
            Thăm em và các con yêu quý!
            Nhận được thư của Yên Hồng, biết em đã đưa các con lên Vĩnh Phúc và được sự quan tâm của các đồng chí Tỉnh uỷ giúp cho nơi ăn, chốn ở tốt. Anh rất mừng! Theo nguyện vọng của các con sẽ mua bốn đôi giầy đi mưa cho bốn đứa ở Vĩnh Phúc, gửi cuốn phim mầu để chiếu đèn ảo đăng thấy cảnh sum họp gia đình trong tối ngày chủ nhật, cho đỡ buồn. Thắng Lợi theo trường lên Phùng học, trực tiếp sống với nông dân, sát với hoàn cảnh thực tế xã hội nông thôn, thấy sinh hoạt của nông dân còn thiếu thốn, nhưng học tập được ở các bác nông dân tính cần cù lao động.
            Yên Hồng và Kháng Chiến, các con được Đảng nuôi dưỡng, nay đã khôn lớn. Hiện nay khi Tổ quốc lâm nguy, đế quốc Mỹ gây ra chiến tranh, chúng muốn bắt dân tộc ta phải quỳ gối làm nô lệ. Các con nghĩ sao? Cuộc đời cha mẹ từ khi còn là thanh niên cho đến ngày nay, luôn nuôi trong tâm trí tư tưởng “Thà chết đứng còn hơn sống quỳ”. Đấy quyết tâm của cha mẹ các con như thế đấy! Các con ạ, tình cảm thì ai cũng có, nếu không có tình cảm thì không có lẽ sống. Nhưng tình cảm cách mạng là cao quý hơn cả, có tình yêu dân tộc thì mới có đất nước tự do và độc lập, có tình yêu nhân loại thì mới có hạnh phúc và hoà bình thực sự. Muốn có được tình cảm chung thì phải hy sinh tình cảm cá nhân, mà có hy sinh tình cảm cá nhân mới có tình yêu nhân loại. Anh Nguyễn Văn Trỗi biết hy sinh tình cảm cá nhân và gia đình để lấy tình cảm của dân tộc và nhân loại. Cha nói như vậy để các con học tập. Trong hoàn cảnh chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra, tạm thời gia đình ta phải phân tán, các con có buồn thật, cha cũng chẳng vui gì. Nhưng nếu không có Đảng của giai cấp vô sản, không có cách mạng thì cũng không có cha mẹ, mà cũng chẳng có các con. Cho nên, các con của cha, vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, vì sự nghiệp bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vì hạnh phúc của nhân dân, hãy dũng cảm tiến lên!
Hôn và hôn thật nhiều.
Cha của các con. Bình
Khí hậu Bắc Kinh lúc này mát. Hoa đào nở đỏ ối. Nhiệt độ 15 độ dương. Cu Tám má đỏ hồng, ăn ngon.,ngủ ngon, rất ngoan, nghe được nhiều tiếng Trung Quốc rồi.


Ngày 11 tháng 7 năm 1965
Kháng Chiến con của cha,
Cha suốt đời hy sinh và kiên quyết cách mạng.
Vào tù ba lần, hai lần vượt ngục, hai bàn tay trắng dựa vào nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp vô sản, cha đã góp phần vào Cách mạng tháng Tám 1945 và kháng chiến chống Pháp. 
Trần Tử Bình


Bắc Kinh, ngày 10 tháng 9 năm 1965
            Thăm em và các con yêu quý!
            Anh đã nhận được thư ngày 3 tháng 9 năm 1965 của em, và cũng hiểu được tâm lí của người vợ xa chồng. Nhưng em ạ, đảng tính của người đảng viên là phục tùng tổ chức. Dù có phải xa nhau nhưng chúng ta một lòng, một dạ chiến đấu và chiến đấu để thống nhất Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Chúng ta tiến bộ, con chúng ta nối nghiệp cách mạng của chúng ta. Chắc em thỏa mãn với cương vị của người làm mẹ và anh cũng tự hào là người cha có các con tiến bộ!
Anh nằm nhà thương từ ngày 8 tháng 9. Hôm nay đã đỡ nhiều. Chỉ vì làm việc nhiều nên mệt, huyết áp lên và ít ngủ. Dạo này ngủ được 6 tiếng một đêm, huyết áp bình thường. Đến 20 này ra viện, về chuẩn bị cho hoạt động mừng Quốc khánh Trung Quốc.
Con Việt Trung vẫn khỏe và cao như Chiến vậy. Đến tháng 12 cho con học vỡ lòng và sang năm cho về nhà học. Gặp đồng chí Chu Kỳ Văn, biết em khỏe và các con thường đến sứ quán chơi. Nhất là Kháng Chiến, ông ấy khen hết lời về tư cách, tình cảm với ông ấy. Anh rất mừng vì con chúng ta càng lớn càng khôn.
Hôn em và các con yêu quý thật nhiều, thật mạnh! – Trần Tử Bình.


(Nhân tiện đồng chí Phương về nước).
Gửi thăm em và các con,
Em nói em thiếu thốn tình cảm từ năm 13 tuổi. Còn anh  từ năm 11 tuổi đã phải đi ở cho Nhà chung, cũng như địa chủ vậy thôi! Từ khi thoát li công tác cách mạng cho đến bây giờ, vẫn xa vợ, xa con, xa Tổ quốc. Nên anh còn thiếu thốn tình cảm hơn em nhiều. Nhưng tổ chức quyết định và công tác cách mạng cần ta như vậy. Hãy dọc quyển  “Sống Như Anh” để giải quyết mọi việc!
Gửi em tấm ảnh anh và Cu Tám cùng con dâu anh Lý Ban. Cháu Kim Na con một đồng chí Trung ương uỷ viên đã hy sinh. Nó thông minh lắm, biết tiếng Nga, Anh. Chắc hai đứa sẽ đến chào em đấy.
Thôi, hôn nhiều! Anh đã bình thường, huyết áp xuống 80, cao 130, ngủ 6 tiếng, sẽ ra viện nay mai. Gửi Kiến Quốc và Thắng Lợi hai cái kèn để con hoạt động văn nghệ. Các con tiến bộ, anh cũng vui.
Em và các con khỏe. Hôn, hôn nhiều! – Trần Tử Bình


Bắc Kinh, ngày 24 tháng 11 năm 1966
Thăm em và các con yêu quý!
Anh vẩn khỏe nhưng lúc này khí hậu Bắc Kinh rét lắm, 5 độ dưới 0 vào ban đêm, tuyết chưa xuống nên khô quá. Lợi, Quốc, Công sẽ sang Trung Quốc vào đầu năm tới, có lẽ ở Quế Lâm. Còn Nghị, Phúc, Cu Tám thì ở nhà học, nhưng chắc căng thẳng lắm. Có phải không?
Anh gửi cho con Phúc một khăn quàng của Đại hội Đảng Anbany. Còn một bút chì bi gửi cho bác sĩ Trạm (Văn phòng Trung ương).
Anh ở Bắc Kinh hết tháng 12 rồi sẽ xuống Quảng Đông, Vân Nam và Quảng Tây trong tháng 1 năm 1967. Đầu tháng, nếu không có việc gì thì sẽ về nhà một thời gian, đến đầu tháng 3 sang. Như vậy là sắp sang năm thứ 9 ở Bắc Kinh rồi đấy. Anh mong về nước nhưng người đảng viên phải phục tùng Đảng. Đấy chính là đảng tính! Mong em và các con khỏe để chống đế quốc Mỹ.
Yên Hồng đã viết thư cho anh, anh đã nhận được.
Hôn em và các con nhiều. - Trần Tử Bình.


Bắc Kinh, 28 tháng 12 năm 1966
Anh đã nhận được thư của em và giấy khen của Công. Anh mừng và hôn em cùng các con yêu quý. Gửi em hai ảnh kỷ niệm, coi cũng hơi lãng mạn đấy!
Lợi, Quốc, Công sắp sang Quế Lâm vào đầu tháng 1 năm 1967. Còn Nghị, Phúc, Trung anh định gửi sang trường Học sinh miền Nam, tự túc mỗi tháng 14 đồng, tức là mất 42 đồng tiền ăn. Nếu em bằng lòng thì thu xếp chụp ảnh cho ba con rồi khi về anh sẽ liên hệ và cho đi cùng một lượt, để đỡ vất vả cho em và cũng tránh bom đạn nữa.
Anh vẫn khỏe, công việc nhiều nhưng ăn ngủ đều.
Bắc Kinh, ngày 28 tháng 12, tuyết đã xuống dầy 3 phân rồi, trời lạnh 12 độ dưới 0. Đế quốc Mỹ sẽ ném bom Hà Nội nhiều hơn nữa đấy. Có lẽ đầu tháng 1 anh về khai hội Trung ương. Gửi em một áo bông để mặc ban đêm khi đi công tác cho ấm nhé. Vừa mặc vừa đắp rất tốt.
Hôn em và các con! Bình



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.