Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Ảnh quý: Bà nội và bác Chiến 3 tháng tuổi

Tìm được trong lưu trữ của bà ảnh này với chú thích "Ảnh chụp khi Chiến được 3 tháng tại Tuyên Quang".
Theo cô Phúc, khi bác Chiến được 7 tháng thì bà bị viêm màng não, suýt chết, bác Chiến phải bú nhờ bà Hằng (vợ ông Trần Độ, khi đó vừa sinh bác Thắng) rồi nhơ bà Trương Thị Mỹ nuôi hộ.
Hai mẹ con, 3/1947.


Lưu bút của bà Hưng.

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

Tình yêu

Cha mẹ, ông bà chúng ta đấy! Một tấm gương sáng cho con, cháu noi theo.
Ngày 1/10/1964 kỉ niệm 15 năm Quốc khánh TQ. Bà được mời sang Bắc Kinh dự lễ. Cảnh 2 ông bà trước khi ra Thiên An Môn sáng hôm đó.
Đây là 1 trong những bức ảnh hiếm về thể hiện tình cảm trong thời kì này.



Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Cha và Bác Hồ năm 1965 ở Bắc Kinh

Trong thời kì cha làm đại sứ ở TQ (1959-1967), Bác thường có những chuyến đi TQ chính thức và không chính thức; nhất là vào dịp 19/5, Bác hay tránh mọi người đến chúc tụng, lãng phí.
Lần này Bác sang Bắc Kinh và ngồi trò chuyện với cha ở vườn hoa Sứ quán. Có 2 cháu nhỏ con cán bộ sứ quán được ra chào Bác.

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Anh chị Lý Tân Hoa - Kim Na cùng cha và Việt Trung ở Bắc Kinh

Mỗi lần đến Bắc Kinh, chúng tôi đều đến sứ quán và thăm căn nhà mà cha tôi đã sống 8 năm (1959 - 1967) - những năm cuối đời đã đóng góp vào công tác ngoại giao của đất nước với TQ.
Anh chị Lý Tân Hoa và Kim Na là con bác Lý Ban thân thiết với cha mẹ tôi. Khi anh chị đến thăm sứ quán đã thăm cha tôi và Việt Trung. (Có lẽ đây là thời gian 1963-64).
Xin cảm ơn Lý Tân Huệ đã gửi cho gia đình tấm ảnh quý này.

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Ảnh thời gian chống Pháp ở chiến khu

Cha mẹ tôi có mối quan hệ thân tình với cô Diệp Tinh và chú Văn Trang - những người Hoa công tác ở Vụ Hoa vận và phiên dịch cho Bác từ năm 1949.
Trước 1949, quân Tưởng ở Vân Nam còn mạnh, khủng bố đảng viên cộng sản TQ nên cô chú phải giạt sang VN. Tại Phú Thọ, chú gặp chú Nguyễn Tranh (sau này là thứ trưởng Bộ Ngoại thương) và được giới thiệu cho bác Lý Ban phụ trách Vụ Hoa vận. Chú là thầy dạy tiếng Trung đầu tiên cho các chú Hoàng Minh Phương, Nguyễn Minh Long - những cán bộ đắc lực của bác Văn sau này.
Sau 1954, cô chú cùng về làm việc ở sứ quán TQ tại TN, tới 1959 thì trở về Bắc Kinh.
Gia đình tôi còn giữ tấm ảnh Bác Hồ ăn cơm với các chuyên gia TQ ở chiến khu thời gian trước 1954. Trong đó, cô Diệp Tinh ngồi cạnh bên trái Bác.
... Năm 2004, kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong Hội thảo quốc tế ở Bắc Kinh, khi các học giả trẻ đưa luận cứ "Phương án "đánh chắc, tiến chắc" là của TQ vạch ra cho VN" thì chú là nhân chứng đứng lên xác nhận: "Phương án "đánh chắc, tiến chắc" là của phía VN, do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo lại cho Tổng cố vấn TQ". (Chuyện này, 2 anh em tôi được nghe chú Hoàng Minh Phương đi dự hội thảo, có bài tham luận, kể lại).
Năm 2007, 4 anh em tôi sang Bắc Kinh, được gặp chú Văn Trang trong bữa cơm ở nhà cô chú Lương Phong. Khi này cô Diệp Tinh đã mất. Sau đó, 2 chú được Hội Hữu nghị Việt Trung mời sang thăm VN, đi xuyên Việt vào năm 2009.
Hè năm 2016, gia đình tôi sang Bắc Kinh, hỏi thăm sứ quán thì được biết, chú Văn Trang đã mất đầu năm 2016.
Xin post ảnh này để tưởng nhớ cô chú - những người bạn tốt của VN.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Quyết định thành lập Thanh tra TW

Sắc lệnh 263/SL do Chủ tịch Hồ Chi Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí ngày 25/4/1956,
V/v: Bổ nhiệm Ban Thanh tra TW của Chính phủ

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

"Câu chuyện thời gian" (tập 2)

Mời xem!

"Câu chuyện thời gian"

Bộ phim tài liệu 2 tập "Câu chuyện thời gian" được Truyền hình Quảng Tây và VTV sản xuất, phát sóng vào 28 và 29/10/2017 trên VTV2. Trong đó có lịch sử các trường: Lục quân VN, Khu học xá TW Nam Ninh, Khu học xá Quế Lâm, Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi, Khu giáo dục HSMN... gắn liền với kỉ niệm của cha mẹ và 6 anh chị em chúng ta.
Mời xem Tập 1!

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Chuyện ít biết về nhà số 30 Hoàng Diệu (Trần Kiến Quốc, in trong "Sinh ra trong khói lửa" tập 4)

Chuyện ghi lại sau lần đến thăm Đại tướng tháng 5 năm 2009 cùng con em trong Tổng hành dinh, nhân dịp 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và những lần trò chuyện chú Nguyễn Huyên, anh Huân ở Văn phòng Đại tướng. Qua đây thấy được những tư duy rất sáng suốt của cụ tuy nay đã "bách niên".
... Ngày 10 tháng 10 năm 1954, ta tiếp quản Thủ đô. Sau 300 ngày, khỏang cuối 1955, đầu 1956, gia đình cụ Văn mới chuyển về 30 Hoàng Diệu. Chọn nhà cho các tướng lĩnh khác có thể đơn giản hơn nhưng với Đại tướng thì có những yêu cầu rất nghiêm. Ngay từ khi sống trên chiến khu, cụ Văn có nguyên tắc "ở đâu thì ở nhưng phía trước mặt luôn phải thoáng để dễ quan sát khi có động". Tìm khắp Hà Nội thì chỉ có số nhà 30 Hoàng Diệu đáp ứng được nguyên tắc này. (Hơn nữa, ngày mới về Hà Nội, hai đầu đường Hoàng Diệu (ngã tư với đường Điện Biên và Phan Đình Phùng) đều có barrie chắn để đảm bảo an ninh. Đường Lý Nam Đế cũng vậy).

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Vị tướng luôn nhận những nhiệm vụ đầu tiên (KQ)

Ngày phong tướng. Việt Bắc đầu 1948. 
Trần Tử Bình có tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907, tại thôn Tiêu Thượng, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; xuất thân từ một gia đình Công giáo toàn tòng.


Từ Trường dòng cho tới đồn điền cao su Phú Riềng, Nam bộ
Năm 1926, đang là học sinh Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên (Hà Đông), được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, chàng trai Phạm Văn Phu đã ngấm ngầm rủ rê học sinh chủng viện luyện tập võ nghệ rồi tham gia để tang cụ Phan Chu Trinh. Vì tội này, Phu bị đuổi khỏi Trường dòng. Gia đình bị “rút phép Thông công” - hình phạt nặng nhất với con chiên ngoan đạo; vậy là các cụ phải rời bỏ quê hương tha phương cầu thực.
Giữa ngã ba đường, gặp nhà cách mạng Tống Văn Trân. Ông khuyên, hãy vào Nam bộ trước là kiếm sống, sau là tìm đường cứu nước vì trong đó thanh niên dễ xuất dương. Nghe theo ông, Phu kí hợp đồng với nhà thầu Phan Tất Tạo đang mộ phu vào Nam bộ làm thuê cho Hãng cao su Michelin.

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

SUY NGẪM

Cha mẹ kính yêu,
Nhìn thực tế đã xảy ra trong xã hội, con đã có bài viết này. Mong cùng anh em, bạn bè làm cho xã hội tốt hơn lên, khỏi phụ công thế hệ đi trước đã hy sinh vì dân vì nước.


Suy ngẫm
Mấy hôm nay thấy báo chí đăng tải nhiều về sai phạm của cái thằng Xuân Anh nào đấy (con tay Chi từng là ủy viên Bộ Chính trị) là Bí thư Đà Nẵng, dùng bằng rởm, có nhiều tài sản (nhà cửa, xe cộ đắt tiền) do doanh nghiệp triều cống... mà ngẫm đến cánh bạn Trỗi.
Hì, xin dùng đại từ nhân xưng "mày - tao" để nói chuyện phải quấy với thằng cháu này.
Về phụ huynh chúng tao thì chắc chắn hơn bố thằng cu này nhiều nhiều, vì các cụ toàn dạng "khai quốc công thần", có tên trong sử sách.
Học hành thì chúng tao chỉ qua trường quân đội. Có 5 năm sống và học tập bên nhau, được các thầy cô giáo của quân đội dạy dỗ (các thầy cô nào có được đi học cao hay tu nghiệp ở nước ngoài như bây giờ!). 

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

TƯỚNG VŨ LẬP VÀ MỐI TÌNH TRONG KHÓI LỬA CÁCH MẠNG

Trung đoàn trưởng Vũ Lập và bà Bích Ngọc
1949 ở Việt Bắc.
Được biết gia đình Thượng tướng Vũ Lập đang sưu tầm tư liệu, biên soạn cuốn sách về cuộc đời ông; anh Trần Kháng Chiến, con trưởng của Thiếu tướng Trần Tử Bình (vị tướng được phong hàm đợt đầu tiên năm 1948), đã gửi cho gia đình bức ảnh tư liệu quý. Đó là ảnh 2 vợ chồng tướng Vũ Lập chụp ở Việt Bắc năm 1949 tặng cho ông Bình bà Hưng.
Đã gần 70 năm mà nước ảnh dường như không bị phai màu, hình vẫn rất nét. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi và gia đình chú Vũ Lập có một mối thân tình từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Cha tôi và chú từng là bạn chiến đấu. Còn tôi và Vũ Minh Trực con chú kết bạn từ năm 1954 khi vào học lớp vỡ lòng ở Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Lư Sơn, Quế Lâm, Trung Quốc. Giờ, 2 chúng tôi - tóc đều đã bạc, tuổi đã ngoài 70…”. 






Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Bà mẹ sắp sinh vẫn tham gia lãnh đạo khởi nghĩa (KQ)

Bài viết đăng trên Báo QĐND ngày 21/8/2015, đúng vào dịp giỗ thứ 22 của Mẹ.
Sáng nay mới tìm lại được trên fb. Thứ ba tới, ngày 8/7 âm là ngày giỗ thứ 22 của Mẹ.
Mời đọc!

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Bài viết về Cha và chú Song Hào trên Báo Biên phòng

Đây là bài viết do cháu Hằng, Báo Biên phòng, đặt viết nhân 100 năm Ngày sinh của Thượng tướng Song Hào.
Mời đọc!

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ HÀ ĐÔNG và TỔNG KHỞI NGHĨA 19/8/1945

Thị xã Hà Đông chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây số, án ngữ phía tây Hà Nội. 
Từ đầu những năm 40 thế kỷ trước, cách thị xã chừng cây số là Vạn Phúc - làng cổ ven sông Nhuệ không chỉ là làng nghề truyền thống sản xuất ra lụa tơ tằm nổi tiếng trong và ngoài nước mà còn là ATK (An toàn khu) của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kì bí mật đã về đây: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn, Trần Tử Bình, Lê Quang Đạo…
Xứ ủy Nam kỳ cử người ra Vạn Phúc xin chỉ thị của Trung ương… Sau ngày 9-3-1945, Nhật đảo Pháp ở Đông Dương, thấy tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động, Xứ ủy Nam kỳ (Tiền phong) đã cử Lý Chính Thắng ra Bắc gặp Trung ương Đảng xin chỉ thị. Suốt thời gian từ ngày Nam kỳ khởi nghĩa thất bại (23-11-1940), cơ sở tan vỡ, Nam kỳ mất liên lạc với Trung ương. Được sự giới thiệu của ông cậu là Xứ ủy viên Nam kỳ Hà Huy Giáp và từng là học sinh trường Thăng Long, ông đã tìm về trường cũ bắt liên lạc. Tại đây được bác bảo vệ giới thiệu tới gặp vợ chồng bạn học cũ là Nguyễn Xuân Ngọc và Lê Tụy Phương. Hôm sau, anh Ngọc đã bí mật đưa Lý Chính Thắng vào Vạn Phúc gặp Tổng bí thư Trường Chinh.
Sau đó, Lý Chính Thắng được đón về nghỉ ở Nhà thương Con Rồng của gia đình bà Tụy Phương. Đến giữa tháng 4-1945, ông cùng nữ giao liên Cái Thị Tám (Nguyễn Thị Kỳ, sau này là phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng) mang chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”quay trở về Nam bộ.
Vậy là chỉ thị của Trung ương về Tổng khởi nghĩa đã đến được với Nam bộ.
Tấn công vào Dinh Khâm sai sáng 19/8/1945.

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Trần Kiến Quốc: “Trong gia đình, chưa bao giờ cha tôi là Tướng!”

           Trong các lần trò chuyện với những người con của Thiếu tướng Trần Tử Bình, tôi luôn cảm thấy xúc động trước tình cảm họ dành cho nhau, dành cho gia đình, dành cho quê hương. Hoàn cảnh lịch sử làm cho họ không có nhiều thời gian được sống gần gũi với cha,  nhưng họ luôn tự hào về cha - một con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “có phẩm chất trong sáng, cao quý... là tấm gương cho các thế hệ hiện nay và mai sau học tập”. Thiếu tá Trần Kiến Quốc lần nào cũng thế, nói về cha với xúc cảm nghẹn ngào. Trong nhiều điều đáng nhớ nhất về người cha đáng kính của mình, ông trân trọng sự giản dị, khiêm nhường và tình cảm gần gũi của Thiếu tướng dành cho vợ con. Nói với tôi, Thiếu tá Trần Kiến Quốc bảo: Trong gia đình, chưa bao giờ cha tôi là Tướng! Xin được ghi lại cuộc trò chuyện thú vị này.
         
 Thưa chú, cháu đã đọc cuốn sách “Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng đỏ đến mùa Thu Hà Nội…” rồi, tổng hợp nhiều tư liệu, nhiều thông tin về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Một cuốn sách rất công phu, chú ạ! Hồi nhỏ, chú là người thu hút sự chú ý của bạn bè, rất đông bạn bè, sống ân tình, học tập chăm chỉ… Khá tiêu biểu! (Tôi gọi ông là chú như thường tình).
          Thiếu tá Trần Kiến Quốc: À, anh cả của chú là Trần Kháng Chiến đã viết thế phải không? Trong số 8 anh, chị, em của chú, anh Chiến là người được chứng kiến nhiều nhất những khổ ải mà cha mẹ, gia đình đã vượt qua, là người được gần gũi cha nhất. Còn chú ra đời năm 1952, khi đó cha chú nhận nhiệm vụ Đảng giao, đưa học viên của Trường Sỹ quan Lục quân sang Trung Quốc học tập, huấn luyện, chuẩn bị cho các mặt trận trong cả nước và Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Nhiệm vụ này được thực hiện trong 6 năm. Sau đó, cha chú nhận nhiệm vụ là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc… Anh em chú ít khi được gần cha, mọi việc trong gia đình bấy giờ đều do anh chị lớn đứng ra lo liệu, bảo ban các em học tập. Nhưng tình cảm dành cho cha lại rất sâu nặng, gần gũi…

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Thư gửi người đã khuất

Hà nội, ngày mùng 3 Tết, xuân Đinh Dậu

Cha kính yêu,
Hôm nay là ngày Giỗ lần thứ 50, ngày Cha vĩnh biệt thế gian này, để lại cuộc sống gia đình của mẹ và tám đứa con còn thơ dại, từ biệt một sự nghiệp cha đã chọn con đường đi cho mình khi mới 18 tuổi, vào năm 1925, để mãi mãi chỉ còn sống bằng những ký ức của người thân và những người đồng chí thân thiết.
Đầu xuân sớm nay khi con thức dậy, biết đã đến ngày giỗ của cha vẫn như mọi năm, nhưng con cảm nhận có một điều gì khác thường. Tĩnh tâm lại, con mới nhận ra sự khác biệt là một dấu mốc chẵn. Trong cuộc đời chặng đường đi được đo bằng khoảng cách, trong tưởng niệm độ lùi của quá khứ được tính bằng thời gian. Vậy là cha đã xa mái ấm thân thương của mình được trọn một phần hai thế kỷ.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Kỉ niệm 50 năm ngày mất của Cha

Ngày 3 tết năm Đinh Dậu vừa tròn 50 năm ngày Cha mất. Năm nay, các gia đình sẽ ra HN ăn tết và dự giỗ Cha.
Cầu mong Cha Mẹ phù hộ cho con cháu, họ hàng mạnh khỏe, hạnh phúc!