Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

TƯỚNG VŨ LẬP VÀ MỐI TÌNH TRONG KHÓI LỬA CÁCH MẠNG

Trung đoàn trưởng Vũ Lập và bà Bích Ngọc
1949 ở Việt Bắc.
Được biết gia đình Thượng tướng Vũ Lập đang sưu tầm tư liệu, biên soạn cuốn sách về cuộc đời ông; anh Trần Kháng Chiến, con trưởng của Thiếu tướng Trần Tử Bình (vị tướng được phong hàm đợt đầu tiên năm 1948), đã gửi cho gia đình bức ảnh tư liệu quý. Đó là ảnh 2 vợ chồng tướng Vũ Lập chụp ở Việt Bắc năm 1949 tặng cho ông Bình bà Hưng.
Đã gần 70 năm mà nước ảnh dường như không bị phai màu, hình vẫn rất nét. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi và gia đình chú Vũ Lập có một mối thân tình từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Cha tôi và chú từng là bạn chiến đấu. Còn tôi và Vũ Minh Trực con chú kết bạn từ năm 1954 khi vào học lớp vỡ lòng ở Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Lư Sơn, Quế Lâm, Trung Quốc. Giờ, 2 chúng tôi - tóc đều đã bạc, tuổi đã ngoài 70…”. 









Lớp học quân sự ở Liễu Châu
… Vũ Lập sinh năm 1924, có tên thật là Nông Văn Phách, người dân tộc Tày ở xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, Cao Bằng.
Hoà An - huyện có phong trào cách mạng sớm và phát triển từ những năm 40 thế kỷ trước. Võ Nguyên Giáp về đây mở lớp huấn luyện cách mạng đầu tiên.
Năm 1941, vừa 17 tuổi ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Tháng 9 năm đó, Bác Hồ đã xin tướng Trương Phát Khuê (Tư lệnh Đệ tứ chiến khu kháng Nhật của Tưởng) cho 40 người sang học "Lớp Quân sự đặc biệt Kháng Nhật".
Nhóm này được tuyển chọn trong số thanh niên khỏe mạnh, hăng hái tham gia Việt Minh, do ông Hoàng Văn Thái phụ trách; đa số là thanh niên Cao Bằng như Nông Văn Phách, Đàm Quang Trung, Nam Long...
Khoá học này có gần 1000 học viên, đa số là thành viên Quốc dân đảng hoặc theo Quốc dân đảng ở Đông Nam Á, được đào tạo thành các sỹ quan chống Nhật. Nhóm do Hoàng Văn Thái phụ trách là một đại đội.
Lúc đầu trường ở Tĩnh Tây, sau phải chuyển về Liễu Châu, do bị máy bay Nhật ném bom. Chương trình huấn luyện lấy từ chương trình của Hoàng Phố, (vì thế một số nhầm lẫn, lớp 40 người này “đi học trường Hoàng Phố”!). Cuối khoá có giáo viên Mỹ dạy sử dụng vũ khí, cách trinh sát, phá hoại hậu cứ của Nhật…
Quãng tháng 9-1944, khóa học kết thúc. Theo cụ Long Xuyên kể lại, mỗi học viên có bằng tốt nghiệp và một cái huy hiệu, riêng nhóm 40 người không được phát bằng mà chỉ có huy hiệu...
Khi sang Trung Quốc, mỗi người đều phải đổi tên. Nông Văn Phách đổi là Trương Văn Quyển.

Tình bạn trong chiến đấu
Ngày 22-12-1944, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ở khu rừng Sam Cao nằm giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng), do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Nòng cốt của đội chính là 40 người từ Liễu Châu về.
Ngày 14-5-1945, Hội nghị Quân sự Bắc kỳ quyết định sát nhập lực lượng này với Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, thành Việt Nam Giải phóng quân.
Trong hồi kí của đại tá Nguyễn Việt Cường, nguyên Trưởng phòng Cán bộ Quân khu Tây Bắc, có ghi: “Sau đảo chính Pháp 9-3-1945, chúng tôi về quê ở Bắc Kạn, đi tìm gặp Việt Minh… Lần đầu tiên tôi gặp anh Trương Văn Quyển và chị Bế Thị Mượt (vợ anh Lập sau này) ngay trong rừng ở Trường Quân chính Kháng Nhật. Chúng tôi thán phục nhìn anh giảng về điều lệnh, chỉ huy các chiến sĩ trẻ đang luyện tập đi đều, hô “mốt hai mốt”… ”.
Tháng 8-1945, 2 anh chị cùng Giải phóng quân tiến về giải phóng Thái Nguyên rồi Hà Nội.
Sau ngày 2-9-1945, ông Trần Tử Bình nhận bàn giao Trường Quân chính Kháng Nhật từ ông Hoàng Văn Thái, tiếp tục đào tạo các khóa cán bộ quân chính ngắn hạn. Đảng ta phải rút vào bí mật, từ tháng 9 đến cuối 1945, nhà trường phải 2 lần đổi tên (từ Quân chính Việt Nam sang Huấn luyện cán bộ Việt Nam). Thời gian từ 15-4-1945 đến cuối năm ấy, nhà trường đã đào tạo được 1500 cán bộ.
Đến ngày 15-4-1946, Bác quyết định tuyển chọn thanh niên học sinh có trình độ thành trung, tú tài để đào tạo với chương trình dài hơn (6 tháng). Trường có tên mới: Võ bị Trần Quốc Tuấn.
Thầy giáo Hoàng Đạo Thúy, có 15 năm là Huynh trưởng Hướng đạo sinh, là Giám đốc; Trần Tử Bình – Phó giám đốc Chính trị ủy viên cùng thầy Vương Thừa Vũ phụ trách điều lệnh, thầy Trương Văn Quyển - huấn luyện, thầy Nguyễn Văn Sỹ - quản trị. Nhiều sinh viên đại học như Đặng Văn Việt, Phạm Hồng Sơn… được điều về làm cán bộ khung, giáo viên cùng các học viên khóa 7 vừa tốt nghiệp cuối 1945 (Nguyễn Văn Bồng, Triệu Huy Hùng, Hoàng Xuân Tùy…).
Ngày 26-5-1946, Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn được khai giảng tại Tông, thị xã Sơn Tây. Hồ Chủ tịch đã lên dự khai giảng và trao lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân” cho gần 300 thầy, trò Khóa 1, trước ngày Người lên đường sang Pháp khi phái đoàn Chính phủ ta sang kí kết hiệp định ở Phông-ten-nơ-blô.
Sau mấy tháng phụ trách huấn luyện ở Võ bị Trần Quốc Tuấn, đến tháng 8-1946, Trương Văn Quyển được điều về làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 140 - đơn vị Vệ quốc đoàn bảo vệ Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng (tiền thân của Lữ đoàn 144 ngày nay), đóng ở Thái Hà Ấp.
Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, ông chỉ huy đơn vị bảo vệ cơ quan Trung ương rời Hà Nội an toàn lên Ba Vì rồi tiếp tục lên ATK (An toàn khu) Việt Bắc. Lúc này ông bà Quyển, Mượt có cậu con trai Nông Minh Hà gần tháng tuổi.
Lên đến ATK thì ông bà cùng đổi tên mới. Từ đây, cái tên Vũ Lập gắn liền với Nông Văn Phách cho đến hết cuộc đời. Bà Mượt đổi tên thành Bích Ngọc và đứa con trai cũng đổi thành Vũ Minh Trực.
Ông Hồng Cư (sau này là trung tướng) đại đội trưởng trong Trung đoàn 140, nhớ lại: “Tới khi lên chiến khu, tôi là chính trị viên tiểu đoàn 42 của trung đoàn. Trong chiến dịch Thu đông 1947, tiểu đoàn 42 bảo vệ phía tây ATK. Chiếc tầu chiến Pháp bị ta bắn chìm đầu tiên ở Bình Ca là chiến công của tiểu đoàn 42. Bằng khẩu Ba-dô-ca sản xuất theo mẫu của Mỹ lấy được ở Hải Dương, chỉ có 6 viên, và phải bắn phát thứ 3 mới trúng khi ngắm thẳng qua nòng. Sau chiến thắng, anh Vũ Lập xuống thăm thì tôi mới biết Trung đoàn trưởng của mình. Đây là lần đầu gặp anh”.
Cũng chiến dịch Thu đông 1947, Trần Tử Bình và Lê Thiết Hùng – 2 cán bộ cao cấp từ Bộ Tổng tư lệnh được điều xuống mặt trận Khu 10 đốc chiến. Vậy là 2 cán bộ cũ Võ bị Trần Quốc Tuấn gặp lại nhau. Trung đoàn 140 của Vũ Lập đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não trong ATK, cùng quân dân Khu 10 đánh thắng giòn giã, bẻ gãy gọng kìm phía tây tấn công lên Việt Bắc của giặc Pháp.
Năm 1948, sau khi tổng kết chiến dịch, ông về Trung đoàn Sông Lô thay ông Bế Xuân Cương. Cuối năm 1948 đầu 1949 khi chuẩn bị thành lập Đại đoàn 312 thì Bộ Tổng tư lệnh đổi vị trí của Lê Trọng Tấn và Vũ Lập: Lê Trọng Tấn về làm trung đoàn trưởng "Sông Lô", còn Vũ Lập về trung đoàn trưởng "Sơn La" (trung đoàn 148).

Mối tình trong khói lửa cách mạng
Cặp vợ chồng Vũ Lập và Nguyễn Thị Bích Ngọc rất đặc biệt, họ gắn bó với nhau từ ngày Việt Minh hoạt động bí mật trên Cao Bằng, cùng có tên trong danh sách đầu tiên của QĐND Việt Nam, cùng tham gia giành chính quyền rồi bảo vệ chính quyền non trẻ, cùng chiến đấu đến chiến thắng ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Đặc biệt hơn, 2 ông bà cùng vinh dự đứng trên Quảng trường Ba Đình nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 lịch sử!
Có một điều ít ai biết, bà Ngọc được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho bí danh hoạt động cách mạng là Ấu Triệu. Trong hồi ký "Từ nhân dân mà ra" Đại tướng có nhắc đến khi mở lớp huấn luyện đầu tiên ở Hoà An, ông đã đặt bí danh cho một số người. Anh Trực cho tôi xem bút tích của Đại Tướng chứng nhận việc đặt bí danh Ấu Triệu cho bà.
Tháng 1-1946, Trương Văn Quyển và Bích Ngọc tổ chức đám cưới. Do cuộc kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu, với nhiệm vụ nặng nề bảo vệ cơ quan đầu não của nhà nước, 2 ông bà phải đưa con về quê. Bà Ngọc địu con trai đi bộ hơn một tháng về quê chồng, rồi bên con gần tháng cho quen với các cô chú bên nội thì bà lại phải về ATK.
Cao Bằng ngày xưa, ngựa là phương tiện đi lại phổ biến của đồng bào dân tộc Tày. Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Nà Oài, xã Nam Tuấn, Hoà An (một xã núi non hiểm trở), nhà có ngựa nên bà tập rồi tự đi ngựa ra huyện lỵ Nước Hai để học. Anh Trực nhớ lại: "Hồi 4, 5 tuổi, mẹ con tôi sống cùng đơn vị hậu cần của trung đoàn 148, cách Lào Kay hơn chục cây số. Một đêm, nghe tiếng gõ cửa rất mạnh cùng tiếng chú bảo vệ của bố tôi: “Chị Ngọc ơi! Mở cửa, em đây! Anh Lập bảo chị và cháu về ngay Lao Kay, phỉ sắp tràn đến". Vừa mở ra thì đã thấy có 2 con ngựa cùng chú. Đưa chú bảo vệ cái ba lô và vài thứ cần thiết, còn bà bế tôi lên ngựa cùng khẩu súng lục. Mẹ tôi phóng trước, chú bảo vệ phóng sau, 2 con ngựa phi như bay về Lào Kay. Cho đến giờ, đã ngoài 70 mà tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác ngồi trên lưng ngựa cùng bà. Tay trái bà ôm tôi, tay hải bà giật cương, trong đêm tối chỉ thấy hơi ấm ôm lấy mình cùng tiếng vó ngựa và tiếng gió ào ào bên tai...". Hôm sau nghe tin căn nhà tối trước đã bị đốt sạch… Qua bác Bằng Giang, bác Bế Xuân Cương kể, mẹ tôi còn là một phụ nữ bắn súng rất giỏi!".
Khi ông là trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 thì bà Ngọc cùng chiến đấu trong đơn vị… “Năm 1949, bố mẹ tôi nhờ thợ ảnh ở Việt Bắc chụp cho bức ảnh và gửi cho bác Trần Tử Bình để kỉ niệm những năm tháng gian khổ chiến đấu bên nhau. Thật là may vì gia đình bác giữ lại được và hàng chục năm sau, Kháng Chiến tặng lại tôi” – Vũ Minh Trực đưa cho tôi xem bức ảnh quý.
Ở Trung đoàn 148, bà là B trưởng Quân y trung đoàn. Khi quân Pháp nhảy dù xuống xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì Trung đoàn 148 là đơn vị nổ phát súng đầu tiên. Sau đó ta mới mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi là Tham mưu trưởng Đại đoàn 316, đưa đơn vị vào mặt trận Điện Biên Phủ, dọc đường ông Vũ Lập gặp bà. Cuộc gặp gỡ có một không hai!
… Mấy tháng trời phải chăm sóc thương bệnh binh trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt, bà đã bị quật ngã. Ốm nặng, bà phải nằm trạm xá trung đoàn, vừa tự thuốc men vừa chăm sóc cho các thương bệnh binh.
Vũ Minh Trực nhớ lại: “Năm 1959, khi tôi mới từ Trung Quốc về được hơn năm, bố đưa tôi lên dự khánh thành sân bay Điện Biên, chuẩn bị đón chuyến bay đầu tiên chở đoàn Nông khẩn Trung Quốc sang làm triển lãm. Khi xe vào đến Mường Ảng, qua một con suối bên rừng tre rất đẹp, ông cho dừng xe và chỉ chỗ năm 1954 khi đi ngựa vừa tới thì thấy có đoàn bộ đội cáng thương binh đi ngược trở ra. Ông hỏi thương binh đơn vị nào? thì được biết là của Trung đoàn 148. Vội hỏi: “Thế cô Ngọc y tá trung đoàn có khỏe không?”, thì anh em báo tin: “Chị ấy đang nằm trên số cáng thương này”. Đấy là lần gặp cuối cùng của ba mẹ tôi.
Khi đó mẹ tôi yếu lắm. Nắm lấy tay bố, giọng mẹ run run: “Thằng Trực nó được đưa sang Trung Quốc học rồi đấy, anh yên tâm nhé!". Mẹ tôi nói vậy vì khi bố tôi nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng sư đoàn 316 thì công việc chuẩn bị chiến dịch Trần Đình rất bận. Trước đó ông đã bảo mẹ tôi phải cho tôi đi học, nhưng tôi đã đi hay chưa thì ông không rõ. Tới tháng 8-1953, tôi mới đi được".
Vì bệnh tình quá nặng, bà Bích Ngọc – Bế Thị Mượt đã tắt thở ngày 15-9-1954 (đúng ngày 18/8 Giáp Ngọ). Xin thắp nén tâm nhang cho nữ chiến sĩ đầu tiên của QĐND Việt Nam anh hùng!
… Nhìn bức ảnh đã trải qua bao năm tháng, thật tự hào về cặp vợ chồng là những chiến sĩ đầu tiên của QĐND Việt Nam anh hùng.

TRẦN KIẾN QUỐC

2 nhận xét:

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.