Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Cái nhẫn 2 chỉ vàng (KQ)

Cả cuộc đời cô Tâm gắn bó với gia đình anh Bình, chị Hưng. Cuối những năm 1980, mẹ đề nghị Bộ Ngoại giao làm chính sách nghỉ hưu cho cô. Vậy là hàng năm cứ mỗi dịp xuân về, cô đều được mời lên Bộ dự liên hoan tất niên và nhận quà tết.
Từ khi về 99, cô luôn ở phòng nhỏ không hơn 10m2, sau này là bếp nhà Minh. Chiếc giừơng rộng 1,2m luôn sạch sẽ, gọn gàng. Phía cuối giường là chiếc rương bằng gỗ cô mang từ ngày ở TQ về, bên trong có mấy bộ quần áo. Ở cửa sổ đầu nhà là chiếc ấm tích bằng sứ trắng có vẽ hoa, luôn đầy nước đun sôi để nguội; các cháu 99 cứ đi chơi về là chạy vào ngửa cổ tu.
Của nả, tài sản của bà chả có gì, ngoài chiếc nhẫn 2 chỉ vàng được bọc trong cái khăn mù xoa giấu ở cạp quần. Thỉnh thoảng mở ra, bà bảo: "Tao giữ cái nhẫn này cho thằng Quốc, khi nào nó lấy vợ thì làm của hồi môn". Ngày Quốc lấy vợ, bà móm mém móc hầu bao lấy ra chiếc nhẫn nhưng Quốc lắc đầu: "Cô cứ giữ lấy".
Rồi ngày bà đi, Minh mở cái khăn mù xoa của bà thấy cái nhẫn. Minh đề nghị: "Theo em, cái nhẫn này ta để cho cái Mai - cháu dâu của bà từ Quỳnh Côi lên. Những tháng năm cuối của bà, nó đã chăm sóc bà rất tận tình". Cả nhà nhất trí.
Cuộc đời bà giản dị như thế đấy!