Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Trần Kiến Quốc: “Trong gia đình, chưa bao giờ cha tôi là Tướng!”

           Trong các lần trò chuyện với những người con của Thiếu tướng Trần Tử Bình, tôi luôn cảm thấy xúc động trước tình cảm họ dành cho nhau, dành cho gia đình, dành cho quê hương. Hoàn cảnh lịch sử làm cho họ không có nhiều thời gian được sống gần gũi với cha,  nhưng họ luôn tự hào về cha - một con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “có phẩm chất trong sáng, cao quý... là tấm gương cho các thế hệ hiện nay và mai sau học tập”. Thiếu tá Trần Kiến Quốc lần nào cũng thế, nói về cha với xúc cảm nghẹn ngào. Trong nhiều điều đáng nhớ nhất về người cha đáng kính của mình, ông trân trọng sự giản dị, khiêm nhường và tình cảm gần gũi của Thiếu tướng dành cho vợ con. Nói với tôi, Thiếu tá Trần Kiến Quốc bảo: Trong gia đình, chưa bao giờ cha tôi là Tướng! Xin được ghi lại cuộc trò chuyện thú vị này.
         
 Thưa chú, cháu đã đọc cuốn sách “Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng đỏ đến mùa Thu Hà Nội…” rồi, tổng hợp nhiều tư liệu, nhiều thông tin về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Một cuốn sách rất công phu, chú ạ! Hồi nhỏ, chú là người thu hút sự chú ý của bạn bè, rất đông bạn bè, sống ân tình, học tập chăm chỉ… Khá tiêu biểu! (Tôi gọi ông là chú như thường tình).
          Thiếu tá Trần Kiến Quốc: À, anh cả của chú là Trần Kháng Chiến đã viết thế phải không? Trong số 8 anh, chị, em của chú, anh Chiến là người được chứng kiến nhiều nhất những khổ ải mà cha mẹ, gia đình đã vượt qua, là người được gần gũi cha nhất. Còn chú ra đời năm 1952, khi đó cha chú nhận nhiệm vụ Đảng giao, đưa học viên của Trường Sỹ quan Lục quân sang Trung Quốc học tập, huấn luyện, chuẩn bị cho các mặt trận trong cả nước và Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Nhiệm vụ này được thực hiện trong 6 năm. Sau đó, cha chú nhận nhiệm vụ là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc… Anh em chú ít khi được gần cha, mọi việc trong gia đình bấy giờ đều do anh chị lớn đứng ra lo liệu, bảo ban các em học tập. Nhưng tình cảm dành cho cha lại rất sâu nặng, gần gũi…

        
Các chú thích nhất ở cha điều gì?
          Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Vì công việc, các chú không được gần gũi cha thường xuyên. Nhưng mỗi lần về nhà, ông lại dạy các con phải học hành như thế nào, phải sống ra sao. Lúc nào ông cũng nghiêm, nhưng không lạnh lùng. Ông nói với mẹ chú: “có nghiêm thế, sau này con nó mới thành người!”. Về nước đúng lần họp phụ huynh học sinh là thế nào ông cũng đi dự để gặp và trao đổi với thầy cô giáo của con mình. Khi anh  Kháng Chiến của chú lên đường nhập ngũ, mẹ chú định dúi cho 10 đồng, nhưng cha chú không cho. Ông nói: “Con nó có phụ cấp do quân đội cấp hàng tháng. Dù là con Tướng, nó cần phải sống như anh em, đồng chí khác. Có như thế mới mau trưởng thành.” Những năm kháng chiến, cả 4 anh em chú Kháng Chiến, Thắng Lợi, Kiến Quốc, Thành Công đều lên đường nhập ngũ, theo nghiệp cha. Ông là người thẳng thắn, chân thành, tình cảm, trung thực và đầy nghị lực. Ông luôn dạy các chú “sống có ích, trung thực, rộng rãi, chân thành và tự trọng, phải lao động bằng chính đôi bàn tay,  khối óc của mình và cuộc đời các con đừng vay nợ ai bao giờ”. Ông muốn các chú có một cuộc sống nội tâm phong phú. Mỗi lần về nhà, ông hay dẫn anh em chú ra vườn hoa Ba Đình, công viên Thống Nhất chơi. Nghe rất bình thường phải không? Nhưng chuyện đó lại làm cho chú nhớ mãi, mỗi lần nghĩ đến, đi qua những nơi ấy, chú cảm động vô cùng. Cháu có hiểu, ông làm thế làm gì không? Ông muốn gieo vào tâm hồn các chú một khoảng trời thiên nhiên trong sáng, tự do, để các chú tiếp tục mơ ước và thực hiện khát vọng hòa bình. Ông muốn các chú gần gũi thiên nhiên, yêu thiên nhiên, để từ ấy tình yêu đất nước mới lớn dần thêm. Lúc nào trong ông cũng mơ ước, dân tộc được giải phóng, gia đình con cháu được sống hạnh phúc. Các chú đã nhìn vào cha để sống, để phấn đấu, để rèn luyện và noi gương.

Với cụ bà thì sao? Ông cụ chắc cũng tình cảm lắm?
Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Đối với bà, ông vừa là một người chồng, một người anh, một thượng cấp và là một người thầy. Trước khi cha mẹ chú gặp nhau, ông đã từng hai lần lỡ dở tình duyên. Trong lòng mẹ chú, bà rất khâm phục ông. Bà coi ông như thần tượng. Ông cởi mở, vui tính, được đồng chí bạn bè và quần chúng yêu quý. Ông truyền cho bà nhiều kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong những năm đấu tranh cách mạng… Họ chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống, công việc và tình yêu. Những năm ông làm cán bộ ngoại giao, mẹ chú không sang Trung Quốc cùng với ông dù có tiêu chuẩn đấy. Bà còn có công việc, có nhiệm vụ ở nhà! Cuộc sống của cha và mẹ chú gần gũi nhau thật ít. Có lần, mẹ viết thư cho  cha: “Anh ơi, hòa bình rồi, gia đình nhà khác đã được sum họp, tại sao anh lại tiếp tục đi xa như thế?”. Ông viết thư cho bà, nói: “Em ơi, em phải nhớ là hạnh phúc của cá nhân, của gia đình không tách khỏi hạnh phúc của dân tộc”. Trong lá thư ông viết ngày 23 tháng 4 năm 1965 cho vợ và các con, ông thành thật: “Các con nghĩ sao? Cuộc đời cha mẹ từ khi còn là thanh niên cho đến ngày nay, luôn nuôi trong tâm trí tư tưởng “thà chết đứng còn hơn sống quỳ”… Các con ạ! Tình cảm thì ai cũng có, nếu không có tình cảm thì không có lẽ sống. Nhưng tình cảm cách mạng là cao quý hơn cả, có tình yêu dân tộc thì mới có đất nước tự do và độc lập, có tình yêu nhân loại thì mới có hạnh phúc và hòa bình thực sự. Muốn có được tình cảm chung thì phải hy sinh tình cảm cá nhân, mà có hy sinh tình cảm cá nhân thì mới  có tình yêu nhân loại…”. Đấy, cháu có gia đình, có chồng có con, có thể nghĩ được rằng vợ chồng có thể xa nhau đằng đằng, không hẹn ngày về như thế, trong hoàn cảnh khó khăn như thế không? Người phụ nữ dù thế nào họ vẫn cứ mong và nghĩ như vậy, được ở cạnh chồng, con…

Nhưng khi ấy, bà cũng tham gia cách mạng, hiểu được công việc và nhiệm vụ của ông nên có thể chia sẻ, cảm thông và chấp nhận được những điều ấy?
Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Bà chia sẻ được! Nhưng cháu nên nhớ, người phụ nữ vẫn là người phụ nữ, chứ không thể khác được. Họ vẫn cần tình cảm, khao khát hạnh phúc và mong muốn có chồng bên cạnh để được sẻ chia gánh nặng gia đình.

Lẽ ra, chú phải mang họ Phạm, bởi vì tên thật của ông Bình là Phạm Văn Phu, quê quán xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, là dân công giáo toàn tòng. Trần Tử Bình là tên cách mạng của cụ. Các chú có được nghe cụ giải thích về cái tên của mình bao giờ không?
Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Có chứ! Ai tham gia hoạt động cách mạng thời ấy chẳng có vài ba tên, bí danh. Ngày ở Hà Nam, Ninh Bình ông có tên anh Minh Khói, anh Núi, ông Ký Tiêm… Với cha chú, tên Trần Tử Bình được lấy từ sau đêm chui cống vượt ngục Hỏa Lò tháng 3 năm 1945, có nghĩa là: sống phong trần, lãng tử trên trần gian, sẵn sàng chết cho bình đẳng, bác ái! Khát vọng sống, lý tưởng cách mạng cuả ông được bộc lộ ngay cả trong cái tên gọi thường ngày.

Vậy, trong gia đình, trước vợ con của mình, ông Bình có khi nào ông thể hiện cái  uy danh một vị tướng quân đội không?
Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Chắc chắn là không! Trong gia đình, chưa bao giờ ông thể hiện là Tướng! Ông giản dị lắm… Năm 2009, nhân kỷ niệm 55 năm, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, con em Tổng hành dinh tổ chức mừng chiến thắng, đến thăm bác Võ Nguyên Giáp. Hôm ấy nói chuyện vui với bác, chú hỏi: “Bác ơi! Cha cháu là dân Công giáo toàn tòng, tại sao Bác Hồ vẫn giao cho cha cháu chức vụ Phó Bí thư Quân ủy Trung ương từ năm 1947?” Bác Giáp nhìn chú, cười: “Con ạ! Thế mới là tầm nhìn của Bác”. Anh em chú tự hào nhất về điều ấy. Ông là bí thư chi bộ chỉ với 5 đảng viên, đã lãnh đạo 5000 phu cao su Phú Riềng làm chủ đồn điền gần một tuần vào dịp Tết nguyên đán 1930, rồi 15 năm sau là Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ lãnh đạo quần chúng chiếm Phủ Khâm sai và các cơ quan chính quyền tay sai trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tại Hà Nội. Rồi, ông là một trong số 11 người được phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam ngày 20-1-1948, sau Chiến thắng Việt Bắc Thu đông 1947.

Năm nay tròn 110 năm ngày sinh của Thiếu tướng Trần Tử Bình và 50 năm ngày mất của cụ. Không hiểu có kế hoạch tổ chức kỷ niệm không chú?
Thiếu tá Trần Kiến Quốc: Đại gia đình chú hôm mùng 3 tết năm nay đã tập trung ở Hà Nội, tổ chức đám giỗ lần thứ 50 của ông và mời nhiều gia đình bạn bè, đồng đội của ông đến dự. Cụ Thiên Tích gần trăm tuổi, ông Nguyễn Văn Bồng – học trò của cụ từ 1945, đã 95 tuổi… đến dự cùng nhiều con cháu là tướng tá. Cũng năm nay, chú út Trần Việt Trung đã viết xong và đang biên tập cuốn sách “Trần Thế Tử Sinh Bình Yên” dày vài trăm trang, khi phát hành nhất định sẽ tặng cháu. Chú nghĩ thế là đủ, cháu ạ, vì cuộc đời ông vốn giản dị ấy mà! Cảm ơn cháu đã nhắc đến chuyện này!

Vâng, Mùa thu Cách mạng nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên quá khứ, quên những cống hiến của cha ông cho nền Độc lập – Tự do của Tổ quốc. Chúc chú và gia đình có một Tết Độc lập vui vẻ, hạnh phúc!

Thực hiện: Chu Uyên



3 nhận xét:

  1. Khi Chu Uyên phỏng vấn qua điện thoại, nhiều lúc tôi không kìm được cảm xúc.

    Trả lờiXóa
  2. Cháu Uyên phong TKQ là đại tá. Ngượng quá! Chú chỉ là thiếu tá quèn thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Cụ Trần Tử Bình đã từng là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, thông tin hay quá!

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.