NHỮNG
KỶ NIỆM VỚI ANH
Trung
tướng Lê Quang Đạo[1] kể
Kiến
Quốc ghi
Ngày
19 tháng 3 năm 1998, nghe tin chú Lê Quang Đạo vào thành phố Hồ Chí Minh, chúng
tôi đến thăm ông. Đã gần 80 tuổi, nhưng ông rất sáng suốt và vui vẻ nhắc lại
những kỉ niệm xưa: “…Chú gặp cha cháu lần đầu tiên trong hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ,
vào đầu 1943. Lần đó, bác Hoàng Quốc Việt - thường vụ Trung ương kiêm bí thư Xứ
uỷ - chủ trì hội nghị ở chùa An Đà, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông. Đây cũng là
lần đầu, chú gặp bác Văn Tiến Dũng vừa mới vượt ngục Sơn La, trong vai nhà sư, đầu
cạo trọc, mồm luôn tụng kinh. Năm đó chú mới 21 tuổi, còn cha cháu đã 35 và gọi
là “ông già” Núi.
Đã
nửa thế kỉ trôi qua nhưng chú vẫn nhớ như in hình ảnh cha cháu ngày ấy: một con
người lao động, giản dị, trung thực và sống rất tình cảm. Cha cháu là uỷ viên
Trung ương duy nhất vốn là dân công giáo toàn tòng…”.
Thật không ngờ đây là lần cuối gặp ông!
Thời gian về Ninh Bình, tôi được
nghe kể lại, anh Bình cùng anh em lăn lộn ở địa bàn Nho Quan, Gia Viễn, cùng bà
con đồng cam cộng khổ, lo cho dân từng bát cơm, viên thuốc. Đặc biệt bà con
giáo dân khi được anh vận động, giảng giải, họ thấy chính sách của Việt Minh
không khác gì những điều đã dạy trong Kinh Thánh. Cũng là thiện, ác, cũng là
yêu nước, thương dân. Vậy là quần chúng càng thêm tin yêu cách mạng. Bà con
thường gọi anh Bình với những cái tên thân thương “Thầy ký tiêm”,“Ông lang
Khói” (chả là vì anh biết cắt thuốc, biết tiêm, thậm chí cả đỡ đẻ) hay “Ông
giáo” (vì đã dạy chữ cho dân). Khi phong trào cứu quốc lan rộng, cho dù kẻ địch
điên cuồng đàn áp nhưng anh Bình vẫn được quần chúng che chở, đùm bọc.
Trong năm 1943, Xứ uỷ tổ chức lớp
bồi dưỡng quân sự, chính trị tại vùng núi Nho Quan (Ninh Bình). Đang là bí thư
Thành uỷ Hà Nội, tôi được điều về dự lớp học. Học viên lớp đó có cả các đồng
chí Vũ Thơ, Trần Minh Châu, Hà Thị Quế, chị Tân… Chương trình học trong bảy
ngày. Đồng chí Hoàng Quốc Việt giảng về nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lê nin, chính
sách Mặt trận Việt Minh; còn anh Bình giảng quân sự.
Khi tập điều lệnh đội ngũ, theo quy
định, ống quần phải buộc túm lại bằng dây chuối. Đứng nghiêm thì hô: “Lập
chính!”[2], khi đi đều
“mốt - hai - mốt” thì phải vác gậy gỗ lên vai. (Làm gì có súng thật, toàn dùng
gậy gỗ thay súng!). Vì đang tuổi thanh niên, khi tập bắn, cứ mỗi lần giơ “súng”
lên là tôi không nhịn được, cười chảy nước mắt(!). Anh Việt và anh Bình cho là
thiếu nghiêm túc đã phê bình nghiêm khắc.
Ngay từ thời kì bí mật, Đảng ta đã
có chủ trương đấu tranh vũ trang. Lớp học này là một trong những lớp học đầu
tiên được Xứ uỷ tổ chức. Với những khái niệm quân sự sơ khởi, sau này chúng tôi
đã áp dụng vào thực tế của cuộc đấu tranh cách mạng.
2.
Cặp
kính lão
Trong lịch sử còn nhiều vấn đề chưa
được công bố, trong đó có chuyện gây quỹ cho tổ chức. Quần chúng tốt ở các địa
phương đã thông báo cho ta địa chỉ các gia đình cường hào, ác bá. Chúng bóc lột
tàn bạo, vơ vét của nhân dân nay cần “phân phối lại”. Sau khi xem xét kĩ, chập
tối, các nhóm mang theo dao, gậy, bất ngờ ập vào nhà giàu bắt nộp thóc gạo,
tiền bạc. Nếu gặp phải kháng cự thì đánh, đánh xong là rút. Anh Bình giỏi võ,
đánh gậy, đánh lưỡng tiết côn[3] rất khá; từng
đứng ra tổ chức những vụ này.
Lần đó, không hiểu kiếm đâu được một
cặp kính trắng, anh đưa “thượng cấp” Hoàng Quốc Việt. Nhưng anh Việt dùng không
hợp, đưa lại cho tôi. Ngày đi học, mắt tôi rất kém, ngồi trong lớp trông xa
không được, mượn kính cận của bạn đeo thử thì chỉ thấy chóng mặt. Mãi sau này
mới biết là loạn thị. Khi đeo cặp kính này vào đọc sách thấy rõ hẳn. Tôi đeo
cặp kính này mãi cho tới năm 1944, khi mật thám Pháp vây bắt ở Hà Nội, thấy
động, vội chạy mà không kịp mang theo. Hay đọc sách và viết lách, không có kính
dùng, thật là tiếc! Chuyện chiếc kính cũng là một kỷ niệm khó quên!
3.
Chết hụt!
Cuối năm 1943, anh Bình bị mật thám
Pháp bắt ở Thái Bình. Tháng 3 năm 1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp khỏi Đông
Dương, từ đêm 11 tháng 3 đến 16 tháng 3 năm 1945, anh đã cùng gần 100 tù chính
trị tổ chức vượt ngục thành công, trở về với phong trào.
Khoảng tháng 6 năm 1945, tôi gặp lại
anh ở Hà Nội. Ngày đó anh lấy bí danh là Đồi. Trên đường đi họp Xứ uỷ, qua Hà
Nội thì trời đổ tối. Hai anh em rủ nhau vào nghỉ ở một nhà trọ có quán cơm bình
dân cho người lao động, ngay trước cửa ga Hàng Cỏ. Đêm đang ngủ, anh chợt thức
giấc, đập vào vai tôi:
-
Mai chịu khó đi sớm khi trời còn tối
đất, chứ để đến sáng mới đi, nhỡ máy bay Mỹ ném bom thì chết oan!
-
Vâng, anh dậy sớm thì cứ đánh thức
tôi…- Tôi ngái ngủ trả lời.
Thời kì này, máy bay Mỹ - dưới sắc
cờ “đồng minh” - thường ném bom các thành phố có quân Nhật chiếm đóng. Sớm hôm
sau, khi còn chưa rõ mặt người, hai anh em đã khăn gói lên đường. Tôi còn trẻ,
đang tuổi ăn tuổi ngủ phải dậy sớm nên cứ ngáp ngắn ngáp dài. Hai anh em đi bộ
đến Văn Điển, thì trời sáng bạch mặt. Nhìn trên trời thấy máy bay Mỹ ù ù bay về
phía Hà Nội.
Mấy hôm sau, khi quay lại Hà Nội, đi
ngang qua cửa ga Hàng Cỏ thì thấy ngay tại nhà trọ hôm ấy là một hố bom sâu
hoắm. Hú vía, suýt chết, nếu lần đó không đi cùng anh! Chính nhờ ý thức kỷ luật
và kinh nghiệm hoạt động bí mật của anh Bình mà hai anh em thoát chết, tiếp tục
hoạt động cho đến tận bây giờ…
Tháng 7-2002, Tp. Hồ Chí Minh
K.Q
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.