Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Có một lần cha đi cắt tóc

(Ghi theo lời kể của chú Võ, bảo vệ của cha)

Sau hòa bình, các cụ TW thường đi xe lên Trần Phú, sát nhà bác Tôn, cắt tóc. Ngày ấy, Cục Bảo vệ lấy 1 villa làm hiệu cắt tóc, mời về toàn thợ xịn (là cán bộ kháng chiến về), đảm bảo công tác bảo vệ. Cha tôi cũng thường lên đó.
Một lần khi gia đình đã chuyển về 99 Trần Hưng Đạo, cha vừa từ Bắc Kinh về. Thấy đầu ngứa ngáy, ông nói chú Võ: "Ta ra ngay cửa hiệu cắt tóc bên kia đường, đỡ phải đi xa". Là lính thì phải nghe thủ trưởng, chú Võ "dạ" nhưng trong lòng lo lo. Ngày đó mới hòa bình được dăm bảy năm, chuyện an ninh cũng còn vấn đề, có cán bộ từng bị thợ cạo cắt cổ khi tới cắt tóc.


Hiệu cắt tóc ngay gần ngã tư Phan Bội Châu, sát cửa hàng cháo lươn nổi tiếng. Bên này khách vào ăn tấp nập. Nấu toàn lươn tươi, lại ướp bằng nghệ vàng nên bát cháo vừa thơm, vừa ngon, vừa bắt mắt. Ngay cửa còn treo toòng teng những dây nem chua Thanh Hóa xịn (ăn ngon hơn các loại nem bây giờ).
Bước vào cửa hiệu, cha tôi chào ông thợ rồi ra ghế ngồi đợi đến lượt. Chú Võ trong vai người cháu đi theo bác (ngày đó cha mới 53-54). Ngồi vào ghế, ông thợ cạo bắt đầu chải, tỉa, cắt. Cha thì vui vẻ trò chuyện, hỏi thăm đời sống gia đình. Ông thợ chả biết vị khách này là ai, từ đâu đến mà mau mồm mau miệng. (Riêng chú Võ thì ruột nóng như lửa đốt).
Cắt tỉa xong, ông thợ dùng chổi quét xà phòng lên khắp mặt, cổ cha. Sau đó liếc đi liếc lại lưỡi dao lên miếng da dùng để mài sắc dao. (Căng thẳng, chú Võ sẵn sàng có phương án xử lí). Cha tôi dựa hẳn đầu vào thành ghế, mắt lim dim. Dưới bàn tay ông thơ, lưỡi dao sắc lẻm lướt từ trán xuống tới chân mày, kéo ra vành tai rồi xuống mặt, xuống mép. Bao nhiêu râu ria cạo sạch.
Khi cạo tới cổ, thấy lưỡi dao lướt ngang họng, chú Võ đã định hành động (vì nghĩ lão thợ sẽ cắt cổ thủ trưởng). Vậy mà cha tôi 2 mắt vẫn nhắm nghiền, không cảm thấy gì bất an.
Cuối cùng thì đâu cũng vào đấy. Nghiêng đầu nhìn qua gương, cha cảm ơn ông thợ đã cắt cho mái tóc đẹp, rồi quay sang chú Võ nhắc: "Trả tiền giúp bác!". Chú khẽ "dạ".
Chỉ khi 2 thầy trò ra đến ngoài đường, chú Võ mới thành thật tâm sự:
- Tôi lo quá, thủ trưởng ạ. Chỉ sợ nó "làm gì" thủ trưởng!
- Làm gì? Chú chỉ... - cha tôi cười - Thợ cắt tóc cũng là dân lao động chân chính, họ phải kiếm sống, nuôi vợ, nuôi con. Dân thành thị tuy phải sống dưới chính quyền cũ nhưng đa số họ lương thiện.
- Nhưng đã có chuyện xảy ra.
- Ừ, cũng là hãn hữu thôi. Phải tin ở dân. Hòa bình mới được ít năm, dân chúng được sống với chính quyền mới chưa lâu mà ta phải giải quyết bao nhiêu việc. Phải làm sao cho dân tin ở mình.
... Đó là chuyện được chú Võ kể lại năm 2009, khi ra HN họp mặt truyền thống Cục Cảnh vệ, đã đến nhà tôi chơi, thắp hương cho cha mẹ. Cha mẹ rất quý chú và chú Vinh. Chú nhắc lại tên 8 anh chị em và thăm hỏi gia cảnh. Chú kể, sau này còn đi bảo vệ cụ Lê Duẩn, Tổng bí thư. Giờ, chú sống cùng vợ con ở Nghệ An, còn chú Vinh ở Thanh Hóa (cũng vì bệnh nghề nghiệp mà chú giờ bị đau thần kinh toạ).

Biếu chú ít tiền tầu xe và hẹn sẽ vào thăm nhà mà chưa có dịp...

1 nhận xét:

  1. Anh Quoc gioi that, nho chinh xac nhieu chuyen the.Phuc da doc bai Chet tien co mang theo duoc dau? va bai Cha di cat toc.
    Cha me da song nhan hau,phuc duc la tam guong sang cho con chau noi theo.
    Phuc-Mat

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.