Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Kỷ niệm với chú Lương Phong

Chú Lương Phong phiên dịch cho Bác và Lưu Chủ tịch.
Cha mẹ có một người bạn vong niên người Trung Quốc, tên là Lương Phong. Chú Lương Phong quê Quảng Đông, gia đình sang Việt Nam làm ăn. Chú sinh 1932 tại Hà Nội. Thủa nhỏ chú học Trường trung học Trung Hoa dành cho con em người Hoa. Năm 1945 tham gia phong trào học sinh, ủng hộ Việt Minh.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bùng nổ 19-12-1946, chú tham gia phong trào thanh niên người Hoa ủng hộ kháng chiến. Chú được tổ chức  Đảng trong Ban Hoa vận giới thiệu lên chiến khu Việt Bắc. Được phân công  công tác ở bộ phận vô tuyến điện của cơ quan trung ương.


Năm 1949 khi 17 tuổi, được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1950 khi Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Trung ương Đảng, Chính phủ ta được thành lập, chú được điều động về công tác tại Đoàn. Chú Văn Trang được giao nhiệm vụ thành lập tổ phiên dịch, trong tồ có chú Lương Phong, Hoàng Quần, Trương Đức Duy... Trong kháng chiến, chú nhiều lần được phiên dịch cho Bác Hồ khi Người làm việc với Đoàn cố vấn Trung Quốc.
Khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam được thành lập vào 9-1954, chú Văn Trang, Lương Phong trở thành cán bộ của Đại sứ quán. Năm 1959 khi cha nhận nhiệm vụ sang Trung Quốc làm Đại sứ, chú Lương Phong lúc đó là bí thư thứ 3, thư ký kiêm phiên dịch cho Đại sứ Hà Vỹ nên có quan hệ rất thân tình với cha mẹ, anh chị em chúng ta.
Năm 2011, anh và chị Hà đi du lịch Trung Quốc. Trước đó, chú Hoàng Quần cho số điện thoại của chú Văn Trang nên có liên lạc hẹn đến Bắc Kinh chú cháu gặp nhau. Trong lần đó đã gặp lại chú Văn Trang, Lương Phong  sau  hơn 40 năm không tin tức. Thực sự cảm động gặp lại  các bạn Trung Quốc của cha mẹ, sau bao biến cố lịch sử, sau bao thăng trầm của quan hệ Việt-Trung. Điều cảm động nhất là các chu vẫn rất quý trọng nhân cách của cha.
Lần đó chú Lương Phong có kể rằng, khi cuộc Cách mạng văn hoá bùng nổ tại Trung Quốc,  bộ máy tuyên truyền  hết lời ca ngợi Chủ tịch Mao Trạch Động. Suốt ngày trên đài nói về  tầm vĩ đại, sang tạo của Trước tác Mao Trạch Đông... Có một lần  sau buổi làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam, cha gọi riêng chú Lương Phong ra,  với sự tin cậy, chân thành của người bạn đã tâm sự: "Tại sao  trong cuộc cách mạng văn hoá này cứ thần thánh hoá trước tác Mao Chủ tịch? Như vậy sẽ làm hại  cho uy tín của Mao Chủ tịch". Chú Lương Phong đáp lại: "Ở cương vị của anh, anh có thể nói như vậy, còn chúng tôi phải hưởng ứng, nếu không sẽ rất lôi thôi, cho dù biết việc làm như vậy  không có nghĩa là cách mạng". Cha nắm tay chú, thông cảm nói: "Tôi hiểu, đồng chí  hãy cố giữ mình trong hoàn cảnh hiện nay vì  cách mạng  Việt Nam còn cần đến những người am hiểu Việt Nam như đồng chí".
Chú Lương Phong (thứ 2 từ phải) cùng đoàn làm phim HTV xuống thăm Rạch Giá, 10/2007.
Sau khi nghe chú kể lại, là người từng được chứng kiến sự lộn xộn, cực đoan của Cách mạng văn hoá tôi ngẫm ra rằng, giữa cha và chú Lương Phong phải có mối quan hệ tin cậy lắm mới có thể cùng nhau giãi bày những suy nghĩ về một vấn đề cấm kỵ như vậy.
Tháng 10-2007, Hội Việt-Trung hữu nghị Tp Hô Chí Minh mời  chú Lương Phong và vợ là cô Lý Nam Sinh (phiên dịch tiếng Pháp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từng phiên dịch cho Bác) sang thăm Tp Hồ Chí Minh. Được phân công cùng Phó chủ tịch Bùi Đắc Tâm đưa cô chú thăm đồng bằng sông Cửu Long. Trên đường chú tâm sự nhiều về mối quan hệ giữa chú (một cán bộ ngoại giao Trung Quốc) với Đại sứ Trần Tử Bình. Theo chú, ngoài quan hệ công tác chú rất may mắn có mối quan hệ con người rất thân tình với cha. Mối quan hệ đó thật đáng quý. Bản thân chú luôn trân trọng, gìn giữ.
Lần đó hai cô chú có đến thăm Công ty Việt Vương, cùng toàn thể các gia đình ăn bữa cơm tại Nhà hàng Jodee. Hôm ấy, Kiến Quốc đưa cô chú về khách sạn. Trời mưa to, nước ngập lênh láng. Đó  là một kỷ niệm vui của cô chú về chuyến thăm  Việt Nam - đất nước gắn bó với sự nghiệp của chú.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.