Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

KỶ NIỆM VỀ MỘT VỊ TƯỚNG LÀM NGOẠI GIAO

Vũ Thuần[1]

Bài viết này, tôi muốn nói về đồng chí Trần Tử Bình, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, được Bác Hồ tiến cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, từ tháng 4 năm 1959 đến tháng 2 năm 1967.
Đ/c Vũ Thuần (phải) cùng nhà báo Sĩ Ấn.
 

Vị Trưởng Đoàn Ngoại giao

Đồng chí Trần Tử Bình đảm đương nhiệm vụ Đại sứ ròng rã 8 năm trời. (Mà nhiệm kì thông thường của một đại sứ, ở một địa bàn, chỉ từ 3 đến 4 năm). Là người trình Quốc thư sớm nhất trong số 241 đại sứ đương nhiệm nên từ năm 1963, đồng chí mặc nhiên trở thành Trưởng Đoàn Ngoại giao (Doyen of Diplomatic Corps). Trên cương vị này, trong tất cả các hoạt động của Đoàn Ngoại giao, Đại sứ Trần Tử Bình là người đại diện duy nhất và hợp pháp. Đương nhiên bao giờ đồng chí cũng được mời ngồi vị trí trang trọng nhất của Chủ tịch đoàn trong các hội nghị quốc tế, được thay mặt Đoàn Ngoại giao phát biểu ý kiến, được đứng ra triệu tập các cuộc họp bàn về các vấn đề hữu quan của Đoàn Ngoại giao… 


Phía Bạn cũng tỏ ra yên tâm về việc Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (quốc gia có quan hệ đặc biệt), là người chủ trì các hoạt động chung trong Đoàn Ngoại giao. Vốn là tùy viên, trưởng phòng Lễ tân của sứ quán nên tôi cũng mặc nhiên có thêm chức vụ mới, đó là chánh Văn phòng Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Trung Quốc. Nội dung công việc chủ yếu là sự vụ, giấy tờ, nhưng cũng choán hết 30% quỹ thời gian làm việc hàng ngày. Chẳng hạn, một đại sứ kết thúc nhiệm kì, sau khi đến chào Trưởng Đoàn Ngoại giao thì Văn phòng phải có công hàm thông báo toàn Đoàn Ngoại giao, trưng cầu góp mua tặng phẩm, thảo bài phát biểu của Trưởng đoàn và tổ chức trao tặng phẩm trong lễ từ biệt của vị đại sứ đó.



Tác phong người đứng đầu sứ quán

            Với nhiều cán bộ, công nhân viên làm việc lâu năm ở Bộ Ngoại giao, trong đó không ít người cao tuổi, đã về hưu, những người từng công tác ở Đại sứ quán ta ở Trung Quốc vào những năm 60, mỗi khi nhắc tới Đại sứ Trần Tử Bình, đều thấy gợi lên trong kí ức hình ảnh của một người Anh, người Cha, người Đồng chí tôn kính. Ông có gương mặt nghiêm nghị, quyết đoán của một vị tướng nhưng luôn vui vẻ, gần gũi với cán bộ cấp dưới của mình, bình dị trong sinh hoạt và nhân từ  trong xử sự công việc. Câu nói từ cửa miệng của ông: “Nếu muốn làm việc ở đây thì phải tuân thủ đúng kỉ luật của Bộ và của Sứ quán, nếu không sẽ phải về nước, hoặc tự nguyện xin về hoặc Đại sứ kỉ luật đuổi về”. Có người hiểu, ông nói vậy để “dọa nạt”; nhưng thực ra rất có lí để thuyết phục mọi người. Về tâm trạng chung, mọi người đều cảm thấy sờ sợ và tự giác lao vào công việc được phân công, không ai dám cãi lại Đại sứ.



Nhưng trong thực tế, Đại sứ không phải là con người như một vài anh em lầm tưởng. Có một lần, một nhân viên phục vụ bưng khay có bát phở nóng lên bàn cho Đại sứ, khi ông đang chủ trì bữa tiệc. Không may, khay nghiêng làm đổ bát phở vào ngay lưng áo ông. Đêm về, anh ta lo quá, lên cơn sốt tới 39 độ; trong thâm tâm nghĩ, thế nào cũng bị đuổi về nước. Sáng hôm sau, theo lời khuyên của tôi, anh lên phòng ngủ của Đại sứ xin lỗi, hứa sửa chữa khuyết điểm và xin phép được mang chiếc áo vét của ông đi giặt. Đại sứ nheo mắt lại, từ tốn hỏi: “Thế lần sau lại tái diễn thì sao?”. Anh nhân viên liếc nhìn tôi, đang ngồi gần Đại sứ, nói: “Nếu tái diễn thì dứt khoát chịu kỉ luật đuổi về nước ạ!”. Nghe xong, Đại sứ cười: “Ai cũng có lúc phạm sai lầm. Vấn đề là nhận thức thế nào về sai lầm đó. Thôi về làm việc đi. Nhớ làm bản kiểm điểm, một bản đưa anh Thuần chuyển cho tôi, còn một bản giữ làm kỉ niệm!”.



Một đại sứ luôn khắc sâu và làm đúng lời dạy của Bác Hồ

            Đại sứ Trần Tử Bình thường kể với anh em cán bộ sứ quán: Trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ ở Bắc Kinh, Bác Hồ hẹn tiếp và nhắc đi nhắc lại hai nhiệm vụ mấu chốt phải hoàn thành. Đó là:

1.      Không bỏ lỡ cơ hội hoạt động tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị chiến đấu giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam, Trung Quốc.

2.      Tranh thủ giải quyết kịp thời mọi yêu cầu trong nước với Bạn, tận dụng tối đa sự giúp đỡ của Bạn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như trong xây dựng hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Đại sứ thường nhắc nhở anh em có ý thức thúc đẩy, giám sát và góp phần giúp Đại sứ thực hiện hai nhiệm vụ mà Bác đã giao. Vì tôi là người có quan hệ gần gũi nhất với Đại sứ nên cứ vài tuần một lần, Đại sứ lại hẹn gặp trao đổi xem anh em, dư luận nội bộ, có nhận xét gì về công việc của Đại sứ quanh chủ đề hai nhiệm vụ trên.

Từ sau ngày Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, Đại sứ Trần Tử Bình làm việc khẩn trương hơn, đặc biệt trong việc chạy vạy để giải quyết cho được các yêu cầu trong nước, cả về quân sự lẫn kinh tế. Có những yêu cầu do Đoàn ta từ trong nước sang, trực tiếp đàm phán, cũng không giải quyết được; nhưng sau đó, với các sáng kiến tiếp xúc của mình, các yêu cầu của ta đều được Bạn đáp ứng một cách trọn vẹn. Rất tiếc, đến nay, Đại sứ không còn nên nhiều tư liệu về mặt này không được nêu ra để ghi nhận.

Về sau, do nhu cầu công việc, Đại sứ đã dành hẳn phòng làm việc của mình tại nhà riêng để bố trí cho tôi ngủ và trực đường dây nóng nối với Cục Tác chiến và một số cơ quan quan trọng trong nước. Hàng ngày, cứ 5 giờ sáng, tôi có nhiệm vụ nghe và ghi tình hình chiến sự do Cục Tác chiến thông báo sang. Sau đó, báo cáo ngay cho Đại sứ. Tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Đại sứ với tình hình chiến sự trong nước, thể hiện tính cách đặc thù của một vị tướng hết sức trách nhiệm trong thời chiến. Có một lần trong năm 1964, tôi được Cục Tác chiến báo sang, ngày hôm qua ta thắng lớn: bắn rơi ba máy bay Mỹ, bắt sống ba giặc lái. Tôi vội báo cáo Đại sứ. Đại sứ  bỏ luôn tập sách đang đọc, mắt tròn xoe, miệng há to, vỗ tay hoan hô rồi nói với tôi: “Anh thu xếp cho tôi đi ngay. Phải báo tin này cho Mao Chủ tịch!”

Mao Chủ tịch còn dành cho Đại sứ Trần Tử Bình của ta một đặc ân mà không có bất kì đại sứ nước ngoài nào ở Bắc Kinh được hưởng; đó là: Đồng chí Trần Tử Bình có việc gì cần, cứ liên hệ trực tiếp với Văn phòng của Mao Chủ tịch, không cần phải thông qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc. (Việc làm cá biệt này cũng làm cho một số cán bộ Trung Quốc tỏ ra không thông).

Sự nhạy cảm và phong cách làm việc nồng cháy của Đại sứ với chiến trường trong nước, giúp tôi hiểu thêm tấm lòng của một vị tướng. Qua đây, tôi thấy mình phải gắng làm việc tốt hơn để xứng đáng với sự tin tưởng của ông.



Chuyện vui nhớ mãi!

Có một lần, trước cuộc họp báo, thấy Đại sứ mặc bộ đại cán ka-ki, quần có miếng vá ở đầu gối. Tôi nhắc Đại sứ về thay bộ complet chỉnh tề hơn. Đại sứ nói ngay: “Anh hãy trả lời cho tôi một câu hỏi, nếu trả lời được thì tôi về thay. Thế thằng Mỹ mặc quần áo đẹp có được người ta khen không?”. Đoán là ông nói đùa như mọi khi, tôi đứng nghiêm, trả lời dõng dạc: “Báo cáo Đại sứ, thằng Mỹ đi xâm lược thì dù có mặc quần áo đẹp, đều bị khử tất!”. Đại sứ nói: “Trả lời như vậy là được, tôi về thay quần áo ngay”, rồi ông ôn tồn giải thích “Mình có mặc quần áo đẹp thì người ta cũng biết mình có quần áo xấu. Miễn sao, đánh Mỹ giỏi, sản xuất hăng là được. Có đúng không?”.



Thay cho lời kết

Tình cảm của Đại sứ Trần Tử Bình đối với Trung Quốc đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đền đáp lại tương xứng. Bạn đã tạo mọi thuận lợi cho Đại sứ hoàn thành các nhiệm vụ mà Bác Hồ giao phó.

Ngày Đại sứ mất ở Hà Nội, sứ quán ta tổ chức lễ viếng. Đông đảo cán bộ và nhân dân Trung Quốc, Đoàn Ngoại giao đến viếng suốt hai ngày. Đặc biệt, Mao Chủ tịch đã gửi vòng hoa tới viếng. (Đây là mức độ nghi lễ chỉ thực hiện với Quốc trưởng các nước có quan hệ tốt).

Nhìn lại gần nửa thế kỷ qua, với cả khúc quanh đáng buồn trong lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt-Trung, tôi càng thấy yêu qúy biết bao những ngày tháng “Mối tình hữu nghị Việt-Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”, mà đỉnh cao là thời kì 1959-1967 - khoảng thời gian được cả hai phía ghi nhận sự  đóng góp không nhỏ của Đại sứ Trần Tử Bình. Hiểu được điều này, nhân dân hai nước chúng ta càng phải biết trân trọng, duy trì và vun đắp cho nó hồi sinh và mãi mãi xanh tươi!

V.T





[1] Nguyên tuỳ viên phụ trách Lễ tân, Phiên dịch và Thư kí của Đại sứ Trần Tử Bình 1963-1967.

1 nhận xét:

  1. Chú Vũ Thuần về nghỉ hưu tại Vũng Tàu. Đây là địa chỉ qua lại của nhà ta. Chú bị tai biến và mất năm 2009.
    Bài viết như 1 nén tâm nhang tưởng nhớ đến chú, người cộng sự gần gũi của cha.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.