Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

NHỮNG NGÀY CÙNG CÔNG TÁC VỚI ANH TRẦN TỬ BÌNH


                                                                   Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Lê Chiêu
Anh Thy

Một chiều tháng 8 năm 2003, hai anh em tôi tìm đến nhà  Thiếu tướng Lê Chiêu. Ông sống ở Khu tập thể quân đội 16A Lý Nam Đế, Hà Nội. Bấm chuông hồi lâu mà không thấy ai ra mở cửa. Đánh liều đẩy cửa vào thì thấy phòng khách vắng bóng người; tận phòng trong, thấy một cụ già nằm trên giường. Hai anh em chào to:
- Chào chú Lê Chiêu.
- Ai đấy? – Ông hỏi.
- Chúng cháu là con bố Trần Tử Bình, lại thăm chú đây.
- Thế à? – Ông mệt mỏi mở mắt và cố gượng dậy.
Câu chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu... Khi gợi lại chuyện cũ, trí nhớ của ông dần được hồi phục. Ông chậm rãi kể lại…


*

*  *

Lần đầu gặp anh

Đầu những năm 40 thế kỉ trước, tôi thoát li đi hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, làm liên lạc viên. Năm 1941, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Những ngày Tiền khởi nghĩa tham gia Thanh niên tự vệ Hà Nội.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, sau cuộc mit-tinh ở Nhà hát Lớn, cánh Thanh niên tự vệ chúng tôi tiến vào Bắc Bộ Phủ. Vào đến nơi, gặp ngay anh Lê Trọng Nghĩa (uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội) đang tháp tùng anh Nguyễn Khang và Trần Tử Bình (hai thường vụ Xứ  uỷ), tiến vào bắt khâm sai Nguyễn Xuân Chữ. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Bình ngày ấy, người gầy nhưng có đôi mắt sáng và sắc sảo. Vào tới phòng làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, thấy trên bàn có máy điện thoại, anh Bình nảy ra sáng kiến yêu cầu điện thoại viên nối ngay máy với tỉnh trưởng các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam… Anh gào lên trong máy: “Tại Hà Nội, chính quyền đã về tay Việt Minh. Thay mặt Uỷ ban quân sự cách mạng, tôi ra lệnh cho các người phải đầu hàng và nhanh chóng bàn giao chính quyền cho cách mạng. Nếu ai không thi hành sẽ bị xử tử!”

Sau đó, anh cho giải Nguyễn Xuân Chữ về ATK[1] của Xứ uỷ ở Hà Đông. Đây là lần đầu tiên, tôi gặp anh.



Cùng công tác ở nhà trường

Sau khi cách mạng thành công, anh Bình được phân về Trường Huấn luyện Cán bộ Việt Nam, sau là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, làm Chính trị uỷ viên cùng Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thuý. Năm 1947, anh về làm Phó bí thư Quân uỷ Trung ương và Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ thuộc Chính trị Cục (Quân đội quốc gia).

Không ngờ 5 năm sau, tôi gặp lại anh và gắn bó với anh, khi cùng làm việc tại Trường Lục quân Việt Nam. Năm 1950, tôi cùng anh em hành quân sang Trung Quốc để về trường. Ngày đó, trường đóng ở Côn Minh (Vân Nam), đến năm 1954 thì chuyển về Quế Lâm (Quảng Tây). Ngày sang Trung Quốc, Bác yêu cầu đổi tên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn thành Lục quân Việt Nam. Ở Côn Minh, anh Trần Tử Bình là Chính uỷ, anh Lê Thiết Hùng là Hiệu trưởng, anh Đoàn Quang Thìn là chính trị viên Tiểu đoàn Trung-sơ, anh Đỗ Trình phụ trách phòng Huấn luyện, còn tôi là trưởng phòng Chính trị. Nhà trường còn có ba tiểu đoàn học viên, chị Nguyễn Thị Hưng (vợ anh Bình) là cán bộ cấp tiểu đoàn, trực thuộc phòng Chính trị.

Ngày ấy, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mới thành lập được ít lâu, cuộc sống của nhân dân còn thiếu thốn, nhất là tỉnh Vân Nam. Vậy mà Mao Chủ tịch đã chỉ thị: Chúng ta tuy còn nhiều khó khăn nhưng đất nước đã hòa bình, nước bạn Việt Nam đang có chiến tranh. Vì vậy dù chúng ta phải ăn cháo, thậm chí phải nhịn ăn để góp gạo giúp nhân dân Việt Nam. Riêng với Trường Lục quân Việt Nam, phải cung cấp đủ gạo để học viên không bị đói, đủ sức học tập, rèn luyện, trở về đánh Pháp thắng lợi. Tuy vậy, anh Bình vẫn quán triệt trong nhà trường cho dù được Bạn giúp nhưng cũng phải hết sức tiết kiệm vì hạt gạo của nhân dân Trung Quốc cũng như của dân ta, không bao giờ được lãng phí, nhất là khi nhân dân đang còn đói! Bữa cơm nào anh Bình cũng xuống nhà ăn trực tiếp kiểm tra. Thấy cơm ăn rơi vãi ra bàn, anh bắt nhặt từng hạt bỏ vào bát.

Tôi còn nhớ câu chuyện anh kể cho cán bộ, học viên trong trường: Ngày khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, sáng Chủ nhật 26 tháng 5 năm 1946, Bác  Hồ cùng Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh đến trường từ rất sớm. Người không vào hội trường mà đi thẳng vào doanh trại xem nơi ăn, chốn ở, lớp học, thao trường. Đến đâu Bác cũng hỏi anh em về tình hình ăn uống, tập luyện, sức khỏe, tinh thần… Bác rất hài lòng về cơ sở vật chất và tổ chức của nhà trường. Khi đến nhà bếp, thấy anh em ăn thừa, Bác đã phê bình: “Cơm thừa là do học viên không ăn được, như vậy không đảm bảo sức khỏe luyện tập. Mặt khác, cơm thừa đổ đi là phí phạm. Dân mình vừa mới qua một trận đói khủng khiếp năm ngoái. Nay dân đóng góp nuôi quân mà ta bỏ phí là có tội!”. Tiếp thu ý kiến Bác, ngay hôm sau, cơm thừa còn sạch được tận dụng ủ làm tương cho bộ đội ăn. Cũng chính lời dạy ấy là bài học sâu sắc để anh truyền đạt lại cho các thế hệ cán bộ, học viên sau này.  

Lính tráng, học viên trông thấy anh rất kính nể. Được Bác kí sắc lệnh phong hàm thiếu tướng đầu năm 1948 nhưng tác phong anh rất giản dị, gần gũi anh em, luôn thăm hỏi mọi người. Khi làm việc anh rất nguyên tắc, rất nghiêm khắc, thậm chí hơi khắt khe với cán bộ nhưng không làm mất lòng ai.

Năm 1958, tôi được phong quân hàm thượng tá. Sau này, về làm chính uỷ sư 312, sang Lào rồi về Quảng Trị chiến đấu. Năm 1980, tôi lại được phân về làm Chính uỷ kiêm bí thư Đảng uỷ trường Sĩ quan Lục quân I, ở đó đến 7-8 năm.

Có nhiều năm gắn bó với Trường Lục quân nhưng có thể nói những năm tháng sống gần anh Trần Tử Bình, chúng tôi đã có những kỉ niệm đẹp! Cho dù thời gian có trôi qua, các thế hệ lần lượt ra đi nhưng kỉ niệm về những ngày sống và làm việc với anh thật khó quên!

                                                                                                Hà Nội, chiều 26-8-2003

A.T ghi





[1] An toàn khu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.