TÌNH NGHĨA
Trần Việt Trung
Làng Vạn Phúc, Hà Đông
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ mở
rộng chiến tranh, dùng không quân ném bom ra miền Bắc. Để bảo đảm an toàn cho
nhân dân Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã… cơ quan, trường học, xí
nghiệp phải sơ tán về nông thôn. Vào những năm đó, cha tôi đang công tác tại
Trung Quốc, chị Yên Hồng sơ tán theo Đại học Ngoại thương, anh Kháng Chiến đi bộ
đội. Mẹ tôi vừa lo chỉ đạo cơ quan, xí nghiệp sơ tán để bảo đảm sản xuất phục vụ
xuất khẩu, vừa lo gánh nặng gia đình nên rất vất vả.
Cha mẹ tôi vốn có quan hệ gắn bó với
các gia đình cơ sở đã cưu mang mình trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật; trong
số đó có gia đình ông bà Tư Thủy - một cơ sở cách mạng tin cậy của Trung ương,
của Xứ ủy tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Một ngày đầu hè năm 1965, cha mẹ
đưa anh Nghị, chị Phúc và tôi vào Vạn Phúc thăm gia đình bác Tư Thuỷ. Năm đó
hai bác đã nghỉ hưu. Thắng (con trai bác) mới hơn mười tuổi, còn tôi vừa lên
sáu. Cả nhà mừng rỡ khi cha mẹ tôi đến chơi. Bác trai chạy ra nắm lấy tay cha
tôi, lắc lắc mừng rỡ:
- Anh chị lại chơi. Quý hóa quá!
Vào đến bên trong, ngồi lên tràng kỷ,
cha tôi mới chậm rãi nói với hai bác:
- Chúng tôi có một việc muốn xin ý kiến
anh chị. Tôi thì bận công tác, xa nhà quanh năm, còn nhà tôi vừa bận việc cơ
quan vừa phải lo cho các cháu. Thời chiến mà, vất vả quá. Nay muốn gửi các cháu
sơ tán về nhà anh chị. Không biết có làm phiền anh chị không?
- Được thế thì quý lắm! - Bác Tư Thủy
vui vẻ đáp – Vậy là cu Thắng nhà tôi có thêm bạn, thêm vui cửa vui nhà.
Cha tôi nói:
- Thời kỳ bí mật, anh chị đã nuôi tôi,
nay để giúp chúng tôi bớt khó khăn, anh chị lại nhận nuôi con. Đối với chúng
tôi ân nghĩa này lớn lắm!
Dù còn nhỏ nhưng qua cha mẹ mà chúng
tôi hiểu được làng Vạn Phúc cùng những gia đình cơ sở cách mạng chính là nơi sơ
tán an toàn cho mấy anh chị em. Cha mẹ tôi hoàn toàn tin tưởng trao cho họ sinh
mạng của những đứa bé do mình dứt ruột đẻ ra. Sau lần gặp gỡ đó, ba đứa chúng
tôi tạm xa Hà Nội, vào sơ tán tại Vạn Phúc. Tôi còn nhớ mãi trước khi đi cha dặn:
“Bác Tư Thủy hơn cha hai tuổi, vậy là vai bác trong nhà. Các con phải nghe lời
bác, cố gắng học giỏi, giữ gìn sức khỏe để cha mẹ yên tâm công tác!“.
Vạn Phúc là ngôi làng điển hình về tổ
chức xã hội và cảnh quan kiến trúc của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Giữa làng có
ngôi đình uy nghi với mái đình cong vút. Đây là nơi tụ họp dân làng vào các dịp
lễ hội. Trước sân đình có giếng làng, miệng rộng hàng chục mét, được xây bằng gạch
Bát Tràng, quanh năm đầy nước. Đường làng phủ bóng bàng, được lát gạch dài thêm
sau mỗi đám cưới của trai gái trong làng. Cạnh nhà bác Tư là khu vườn rộng của
ngôi miếu cổ thờ Thần hoàng làng Vạn Phúc. Trước kia khu vườn này um tùm, ít
người dám qua lại nên được dùng làm nơi hội họp thời kì bí mật. Tại đây có hàng
chục cây muỗm cổ thụ, cao to, tán phủ mát cả khu vườn. Vào mùa muỗm trên cành
triu quả, lại đúng ngày trời nổi cơn giông, chúng tôi hay chầu chực chờ muỗm rụng.
Có lần tôi đổ máu mũi vì lao vào tranh nhặt muỗm rụng với trẻ con trong làng.
Dòng sông Nhuệ trong xanh chảy qua sau làng. Vào những đêm trăng, nhớ nhà, mấy
anh em thường ra bờ sông, ngóng nhìn về quầng sáng Hà Nội.
Giữa Hà Nội và Hà Đông có tuyến tầu điện
xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ba đứa chúng tôi đôi khi từ làng Vạn Phúc đi bộ ra
bến xe điện, nhảy tầu về Hà Nội thăm mẹ. Có lần đột ngột mất điện, xe điện phải
dừng không xa bến, chúng tôi quyết định đi bộ từ Hà Đông về nhà. Con đường dài
dưới nắng trưa hè không ngăn cản được ý chí của lũ trẻ. Chuyến đi ấy đã thử
thách lòng dũng cảm và chúng tôi đã chiến thắng chính mình.
Bố mẹ nuôi
Sống ở Vạn Phúc, anh em tôi được bà
con yêu thương. Trong nhà bác Tư Thủy, chúng tôi được coi như con như cháu, có
cơm ăn cơm có cháo ăn cháo. Chỉ sau ít ngày sống ở đây, tôi đã nhận hai bác là
bố mẹ nuôi… Viết đến đây, kí ức thơ ấu bỗng trỗi dậy, từng hình ảnh được tái hiện
theo thời gian. “Sự kiện” tôi làm con nuôi và tôi có “bố mẹ nuôi” có nguồn cơn
của nó.
Vào một chiều mùa đông cuối năm 1965,
khi mặt trời sắp khuất sau dãy núi Ba Vì xa xa, ngồi ở góc bếp bác Tư gái đang
gạt những ngọn rơm cho gọn sau khi đã trở xong nồi cơm. Tôi, một cậu bé mới lên
sáu, lách vào ngồi ngay sau lưng bác rồi rụt rè cất giọng:
- Cháu có…có một chuyện muốn… muốn
thưa với bác.
- Cháu cứ nói đi! – Bác quay lại nhìn
tôi rồi đáp.
Tôi ấp a ấp úng, cảm thấy rất khó dùng
lời để diễn đạt: “… Trước đây hai bác đã nuôi cha cháu thời kì bí mật. Nay hai
bác lại nuôi chúng cháu thời kì sơ tán…”. Nói đến đây tôi lại dừng lời làm bác
Tư gái chăm chăm nhìn tôi mà không hiểu nó muốn nói gì?
- Cháu muốn gọi hai bác là… bố mẹ
nuôi. -Tôi vội vàng nói cụt lủn rồi im lặng.
Bác Tư gái lặng đi một lúc rồi đứng
lên. Bước ra cửa bếp, bác gọi với lên nhà trên:
- Ông Tư ơi, xuống đây tôi bảo!
Ngọn đèn dầu trên nhà được thắp sáng.
Bác Tư trai với vóc người vạm vỡ, đầu húi cua, bước xuống chậm rãi. Ngước nhìn
lên thấy bóng bác to lớn in trên nền trời tím sẫm. Bác gái mau mắn kể lại đề
nghị của tôi. Rồi hai bác cùng lặng im. (Mấy hôm sau mới biết “yêu cầu” đột ngột
ấy làm hai bác quá xúc động vì nó được nói ra từ một cậu bé mới lên sáu). Bữa
cơm tối đó là bữa cơm đầu tiên tôi có lời khi cầm đũa lên: “Con mời bố mẹ xơi
cơm!”.
Những ngày sau đó, tôi thấy mấy bà
trong tổ hưu và hàng xóm nhìn tôi với ánh mắt khác hẳn. Còn mẹ nuôi thì vui ra
mặt. Hoá ra bà đã kể cho mọi người nghe chuyện này.
Chuyện tôi thành con nuôi là như vậy.
Còn mẹ Hưng tôi khi biết tin này đã viết ngay thư cho cha: “Anh chị Tư đồng ý
nhận Việt Trung làm con nuôi, anh ạ!”.
Nhân cách một con người
Dù nhỏ tuổi nhưng tôi rất gắn bó với
gia đình; khi biết suy nghĩ, tôi nhận thấy ở bố nuôi tôi có một nhân cách đặc
biệt. Ông sinh năm 1905, trong một gia đình khá giả của làng Vạn Phúc. Thời
trai trẻ ông khỏe mạnh, cao lớn, tốt tướng, tính tình cương trực nhưng rất nóng
nảy. Gặp chuyện ngang trái là ông nhao vào bênh vực kẻ yếu, dù họ là người
nghèo. Do có quan hệ rộng rãi và là người có uy tín trong làng xã, nên đến giới
giang hồ khi nghe đến cái tên Tư Thuỷ cũng phải kiêng nể. Thời kỳ Mặt trận Dân
chủ (1936-1939), đồng chí Trường Chinh thường về Vạn Phúc, tuyên truyền giác ngộ
một số thanh niên, trong đó có ông Tư. Năm 1940, Vạn Phúc trở thành An toàn khu
của Trung ương và Xứ ủy. Gia đình ông Tư trở thành cơ sở đáng tin cậy của các đồng
chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Ngân, Trương Thị Mỹ,
Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân, Trần Quốc Hoàn, Lê Quang Đạo, Lê Liêm, Nguyễn
Khang, Đặng Kim Giang… Vốn là người từng trải, tính tình ngay thẳng nên ngay những
lần gặp đầu tiên, vào năm 1942, cha tôi và ông Tư đã tâm đầu ý hợp. Họ thân thiết
với nhau hơn cả anh em ruột.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, trong thời
gian hoạt động bí mật tại Vạn Phúc, đã tá túc tại nhà ông Tư. Là người hóm hỉnh,
nhạy cảm nên đồng chí nhận thấy trong làng có hai cơ sở cách mạng tin cậy nhưng
tính tình lại trái ngược nhau. Vì vậy Hoàng Văn Thụ đặt cho người bộc trực,
nóng như lửa cái tên Tư Thủy, còn người hiền lành, chất phác là Tư Hỏa. Với ông
Tư cái tên đó là sự nhắc nhở bản thân, luôn tự làm chủ, kiềm chế mình trong mọi
tình huống. Cặp tên đối chọi “Tư Thủy” - “Tư Hỏa” không chỉ là niềm vinh dự cho
hai gia đình mà trở thành giá trị lịch sử của dân làng Vạn Phúc.
Hàng chục năm sau này, khi đọc trên
Báo Công an Nhân dân, tôi mới biết một câu chuyện của bố nuôi được coi là một
tư liệu lịch sử của ngành. Đó là những năm 1943-1944, thời kì nhung nhúc bọn chỉ
điểm của mật thám Pháp. Ở Hà Đông, số cán bộ bí mật của ta bị bắt ngày một nhiều.
Tổ chức yêu cầu phải “có biện pháp” để đảm bảo an toàn cho cơ sở và cán bộ. Đội“trừ
khử” được lập ra, trong đó có bố nuôi tôi, để thanh trừng bọn chỉ điểm. Tổ chức
xác định cách Vạn Phúc chừng ba cây số về phía Đại Mỗ có một tên chỉ điểm từng
hoạt động trong hàng ngũ ta nhưng đã phản bội nên biết mặt nhiều cán bộ, cần phải
thanh trừng. Trong danh sách, hắn đứng đầu sổ.
Bố tôi trong vai con nhà giàu, tính
khí ngang tàng, giang hồ cùng hai đội viên lân la đến xin kết giao và nhận làm
đàn em. Tên này rất cảnh giác, có vẻ thiện cảm nhưng nhất quyết không chịu ra
ngoài ăn nhậu. Vậy là kế hoạch phải thay đổi - lễ kết nghĩa uống máu ăn thề phải
tổ chức ngay trong nhà hắn, ngay trong hang ổ kẻ thù! Ba anh em thay nhau ca ngợi,
chúc tụng và thề một lòng trung thành hầu hạ đại ca. Sau mỗi câu chúc được chuốc
một chén rượu. Rượu hết chai này đến chai khác. Gần nửa đêm, khi kẻ hầu người hạ
mệt mỏi đã đi ngủ, thằng phản bội đã say mèm thì bố nuôi tôi rút trong người ra
một khẳng sắt, bằng một động tác hết sức nhanh gọn, chính xác, đầy vũ lực, ông
hạ thủ tên chó săn bằng một đòn vào giữa gáy mà chỉ nghe cái “khục”. Hai đội
viên còn lại rút ngay hai bao tải, chùm kín đầu và chân trên cái xác còn nóng hổi,
trong tiếng lèm bèm say rượu ca tụng đại ca của bố nuôi tôi. Ba đội viên rút êm
khỏi nhà tên chỉ điểm, đi vội ra cánh đồng. Trên đường gặp vài người đi chợ từ
đêm nhưng họ cứ nghĩ đó là ba ông lái lợn.
Bố nuôi tôi quả cảm, mãnh liệt và dứt
khoát như thế đấy!
Những điều học được
Những chữ cái đầu tiên tôi được học ở
lớp vỡ lòng ngay tại trường làng Vạn Phúc.
Ở Vạn Phúc không chỉ được học chữ, mà
mẹ nuôi còn dạy tôi cách gieo trồng, chăm sóc các loại rau xanh từ su hào, bắp
cải đến rau muống, rau lang… Tôi “khai khẩn” được một dẻo đất ngay chân đê sông
Nhuệ để tập trồng rau. Rau tôi trồng được mẹ đưa vào bữa ăn. Vì thích tắm sông
nên tôi học được cách mò trùng trục, mò hến của bọn trẻ trong làng. Thấy vậy mẹ
nuôi khuyến khích “Cứ mò trục đi, mẹ bán cho”. Chiều chiều ra sông tôi cố gắng
mò được một chậu tôn nhỏ, mẹ mang ra đầu làng bán lúc được 5 xu, lúc 1 hào. Những
đồng tiền đầu tiên do tôi kiếm được chính là nhờ mẹ nuôi tôi chỉ dẫn. Bằng những
đồng tiền cóp nhặt ấy, mẹ lại mua gà về dạy tôi chăn nuôi.
Có lần ba anh em và anh Thắng được bố
mẹ giao trông đàn ngỗng nhỏ, hơn chục con. Lần đó tôi dẫn đàn ngỗng ra bờ đê,
thả cho ăn cỏ. Còn bọn trẻ con thì mặc sức nô đùa. Khoảng 11 giờ trưa, bỗng Thắng
sực tỉnh và nháo nhác: “Đàn ngỗng đâu rồi?”. Cả lũ chia nhau đi tìm. Đứa ra khu
miếu cổ, đứa chạy ra đồng Mái, đứa đi dọc bờ ao bác Ba Nhung; vậy mà không tìm
thấy. Biết bố nuôi nóng tính nên không đứa nào dám vác mặt về nhà – về là ăn
đòn. Nhưng cũng không lẩn tránh mãi được, cả bọn lếch thếch kéo về. Anh Nghị
thì lì ra không nói năng gì cả, Thắng thì lo sợ quá mếu máo, còn tôi nhỏ nhất
nên nhanh nhẩu kể đầu đuôi chuyện mất ngỗng. Thật may đúng lúc đó có người về
nói thấy đàn ngỗng nhỏ đang lang thang ở cánh đồng Dộc!
Trọn nghĩa vẹn tình
Đầu năm 1967, cha tôi từ Trung Quốc về
họp Trung ương. Cha mẹ tôi tranh thủ vào Vạn Phúc thăm gia đình, thăm chúng
tôi. Thấy chúng tôi khỏe mạnh, học hành tiến bộ, cha tôi rất vui và luôn miệng
cảm ơn bố mẹ nuôi. Lần đó thấy cha tôi và bố nuôi nói chuyện rất lâu, rất tâm đắc.
Thật không ngờ đó là lần cuối cùng cha tôi và bố nuôi gặp nhau. Cha tôi mất vào
sáng mùng ba Tết Đinh Mùi, nhằm 11 tháng 2 năm 1967. Bố mẹ nuôi tôi rất buồn vì
mất đi một người anh em thân thiết.
Những năm sau đó, đồng cảm với những mất
mát thiệt thòi của bọn trẻ, bố mẹ nuôi càng quan tâm chăm sóc. Bố mẹ nuôi dồn
nhiều tình cảm cho tôi - đứa bé mới lên tám đã mồ côi cha, còn anh Thắng luôn
nhường nhịn đứa em nuôi. Sau này tôi mới hiểu những phẩm chất thẳng thắn, trung
thực, dũng cảm của bố nuôi cùng những ứng xử tình cảm, chu đáo, sâu sắc của mẹ
nuôi đã thấm dần và truyền sang tôi từ những ngày còn thơ ấu.
Mẹ tôi biếu gia đình chiếc xe đạp Vĩnh
Cửu, có gióng ngang của Trung Quốc, làm phương tiện đi lại. Chiều thứ bảy mỗi
tuần, bố nuôi tôi đạp xe ra Hà Nội nhận đồ tiếp tế, mua thêm thực phẩm cho bọn
trẻ. Khi Hà Nội lên đèn thì ông đạp xe về lại Hà Đông. Hai gia đình tính toán
đi như vậy để tránh những đợt ném bom của máy bay Mỹ. Cũng chẳng đếm được bố
nuôi tôi đã đi về bao nhiêu chuyến trong suốt thời gian chiến tranh, để bảo đảm
sinh hoạt cho chúng tôi!
Những năm sau này ông Tư vẫn cố gắng
đóng góp hết sức mình cho quá trình xây dựng, phát triển Vạn Phúc. Với uy tín
cá nhân, với các mối quan hệ thân thiết, ông lặn lội đạp xe ra Hà Nội, gặp các
đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an), Nguyễn Văn Trân (Bộ trưởng Bộ
Công nghiệp) để xin kéo điện về cho làng, nhằm cải thiện đời sống cho bà con và
phát triển nghề dệt lụa truyền thống của Vạn Phúc. Cũng những năm 60 của thế kỷ
trước, ông tích cực tham gia cùng Bộ Văn hóa làm các thủ tục để Nhà nước công
nhận Vạn Phúc là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
Tuổi thơ chúng tôi trong những năm chiến
tranh đã gắn bó với vùng đất Vạn Phúc, nơi đã cưu mang cha tôi từ năm 1942, nơi
cha tôi sau khi vượt ngục Hỏa Lò vào tối 11 tháng 3 năm 1945 về bắt liên lạc với
Xứ uỷ, nơi cha tôi cùng chú Nguyễn Khang nhân danh Thường vụ Xứ ủy phát lệnh Tổng
khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội và Bắc Bộ vào ngày 19 tháng 8 năm 1945,
nơi mà Bác Hồ ra lời hiệu triệu “Toàn quốc kháng chiến” vào tối 19 tháng 12 năm
1946. Tôi còn nhớ, mùa hè sau những bữa cơm chiều, cả nhà ngồi hứng gió thổi về
từ sông Nhuệ, mẹ hay nhắc đến tên từng cán bộ đã về nhà thời kì bí mật. Lần nào
mẹ nuôi cũng nói: “Trong số cán bộ đó, tuy ở không lâu nhưng đi lại tình nghĩa
nhất với nhà mình là anh Bình, ông nhỉ?”.
Khi đã trưởng thành, đã xây dựng gia
đình thì làng Vạn Phúc và gia đình bố mẹ Tư Thuỷ vẫn là địa chỉ thân thiết của
tôi. Nhằm ngày giỗ chạp, lễ tết, vợ chồng tôi và các cháu lại thu xếp về thắp
hương cho ông bà Tư kính yêu.
Thật tự hào về quan hệ nghĩa tình giữa
gia đình ông bà Tư Thủy với cha mẹ và chúng tôi!
Hà Nội, 6-2006
T.V.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.