Những năm học ở trường
Quân sự, tuy nghịch ngầm nhưng do học tốt, tích cực tham gia hoạt động văn thể,
sẵn sàng giúp đỡ đồng đội nên vẫn được
anh em và đơn vị tín nhiệm bầu “những 3 lần” là CSTĐ (thậm chí súyt được bầu là
CSQT!).
Đến khi được giữ lại làm
giáo viên, vì dạy tốt, tích cực hoạt động chung nên lại được bầu là CSTĐ. Những
năm 1979-80 khi xảy ra chiến tranh biên giới phía bắc, đã có mặt đưa học viên đi
phục vụ mặt trận, sau đó có mặt trong đội hình của khoa đi nghiên cứu, giúp đơn
vị chiến đấu về thông tin liên lạc. Lần từ mặt trận Cao Bằng về, mấy anh em cùng
thầy Lê Khôi ngồi trên chiếc xe chỉ huy UAZ do tài Mạnh lái với đầy máy móc suýt
bị lũ cuốn khi vượt ngầm về xuôi.
Năm 1981, trong danh sách
“đào tạo nguồn” do Khoa Vô tuyến đề nghị,
cử đi thi nghiên cứu sinh, có tên Trần Kiến Quốc. Vậy mà “trục trặc”. Anh Lê Khôi
khi đó là chủ nhiệm khoa (lại là chỗ thân tình) đã “tiết lộ”: nghe ông Trì chính
trị viên khoa nói, “trên bảo có vấn đề về lí lịch – gia đình thân TQ”(!). Nghĩ
bụng, cả đời cha mẹ hy sinh cho cách mạng, cụ ông thì đã mất 14 năm nay. Vậy thì
có vấn đề gì?
Cùng mẹ lên gặp 1 ông
to, là bạn tù của cha, phụ trách “tổ chức” để hỏi cho ra nhẽ. Ông ta bảo: “Không có chuyện đó,
để tôi kiểm tra lại. Ngay cả việc đi Sứ
sang TQ cũng là do TW và Bác cử”. Tôi cười: “Bác ạ, được hay không được đi nghiên
cứu sinh với cháu chả quan trọng. Cháu sẽ làm việc hơn khối người được đi nghiên
cứu sinh về”. Chắc mẹ cũng buồn nhưng với tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành kỉ
luật của 1 đảng viên, không thấy mẹ tâm sự với ai chuyện này.
Năm 1979 sau vụ cụ Hoàng
Văn Hoan bất đồng quan điểm, bỏ đi rồi vụ bác Lý Ban bị “quản thúc” nghe phong
thanh có nhiều chuyện không bình thường. Năm 1981, bác Lý mất; sau đó bác gái cùng
gia đình anh Lý Tân Hoa về Quảng Châu. Trước
khi đi, anh chị có qua 99 chia tay mẹ tôi. Sau này, người được giao nhiệm vụ
“ngoại tuyến” đưa gia đình anh Hoa đi mọi nơi, từng dừng xe trước cửa nhà tôi,
kể lại cho tôi chuyện này.
Năm 1983, bác Chu Văn
Tấn sau thời gian 4 năm bị “giam lỏng” đã
ốm, mất tại bệnh viện CA Cầu Giấy. Ngày bác đi không ai biết để đi viếng. Sau này
nghe anh Hùng “con” (bạn Quế Lâm, cùng làm việc ở Mashino) kể lại: đi đưa vắng
lắm; vòng hoa không được ghi tên người mất, người viếng. Sự mất lòng tin trong
tôi hình thành.
Năm 1985, nghe tin chú
Lê Liêm mất, tôi đưa mẹ đến viếng. Tang lễ tổ chức ở hội trường Đại học VN, đầu
Lý Thường Kiệt. Nghe nói “có chỉ thị”: hạn chế cán bộ đương chức đi viếng, ai đến
bị “kiểm duyệt” và không cho mang vào vòng hoa với băng tang ghi “tít nhạy cảm”.
Nhưng nhiều bạn tù Sơn La trước 1945 của chú chẳng tôn trọng chỉ thị ấy, vẫn
mang vòng hoa có dòng chữ “Bạn tù Sơn La kính viếng anh Lê Liêm!”. Còn nhớ nét
mặt các chú rất ngạo nghễ, khinh khỉnh.
Bác Giáp - không quên
người cộng sự đắc lực về chính trị suốt các chiến dịch từ 1950 cho tới mặt trận
Điện Biên Phủ - đã cử cô Hà cùng Hồng Nam, Điện Biên đi viếng. Trong đầu tôi lúc
bấy giờ đã nghĩ, thật kì lạ, lúc hoạt động bí mật, gian khổ, tù đày thì quý trọng
nhau, còn khi thái bình thì chia bè phái, quay ra “đánh nhau”, đánh cả lúc người
ta chết? (Mà lúc đó, chú Lê Liêm đã về Ban Khoa giáo TW, coi như hồi phục và là
chuyên viên cao cấp). Cái nhân văn ấy là nhân văn gì?
Cho đến cái ngày 1 ông
bạn của cha mất, hỏi mẹ có đi viếng để đưa bà đi thì bà lắc đầu: Cuối đời ông ấy
hại nhiều bạn tốt quá. Và, tôi càng giác ngộ hơn. Từ đó, tôi quyết tâm rời quân
ngũ, chuyển ra ngoài để được sống
tự do và được làm tất cả những cái gì mình muốn. Cho đến giờ mới thấy, quyết định
đó không sai.
Nhớ ngày tôi và Công
ra làm tư nhân, chẳng còn sinh hoạt trong tổ chức nào. Mẹ lúc đầu lo lắng, nhưng
sau thấy thực tế cuộc sống có những thay đổi, cụ bảo: Sau này nếu thấy họ “tốt”
thì các con sinh hoạt trở lại. (Giờ mới thấy, có lẽ chả bao giờ họ “tốt lên” được!).
Ngày bà đi, anh chị em
rất thương. Biết bà mang theo những u uất chả nói với ai xuống dưới đó. Và, như
1 trách nhiệm, anh chị em nhà 99; nhất là bác Chiến, Quốc và Trung - những người
làm trực tiếp - quyết tâm làm những gì có
thể để lấy lại danh dự cho cha, cho mẹ.
Bắt đầu từ tấm Huân chương
Hồ Chí Minh… Ngày cha mất, Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Năm đó là 1967. Ba mươi năm sau, lần sang thăm chú Trần Độ. Nói chuyện huân chương,
chú bảo: “Cha các cháu là đàn anh chú,
sao chỉ có Độc lập? Bản thân chú còn được tặng Huân chương Hồ Chí Minh từ năm 1986”.
Gặp chú Lê Toàn Thư cũng vậy. Riêng chú Nguyễn Thọ Chân đã trực tiếp viết thư
cho Ban Thi đua khen thưởng TW, nói: Anh Bình là bậc tiền bối, cần đánh giá đúng
công lao của anh.
Bộ Ngoại giao, đơn vị cuối cùng của ông, đã làm việc với Ban
Thi đua khen thưởng và Viện Huân chương. Đầu năm 2001, Bộ trưởng Trần Di Niên
thay mặt Nhà nước trao Huân chương Hồ Chí Minh cho gia đình. Chiều hôm ấy, chú
Vũ Thơ, chú Nguyễn Văn Bồng đã cùng gia đình mang tấm huân chương cao quý ra
Mai Dịch báo tin vui cho cha mẹ.
Với quan hệ đồng nghiệp,
bạn bè, anh Chiến gặp anh Dương Trung Quốc, Tổng thư kí Hội Sử học tìm hiểu thì
biết, Hội có tổ chức nghiên cứu, hội thảo về các nhân vật góp công trong lịch sử
nước nhà. Việc tổ chức hội thảo cho ông Bình cũng khả thi. (Tuy về kĩ thuật cũng
có những tế nhị!). Vậy là từ 2003, chúng tôi bắt đầu tìm gặp bạn bè của cha mẹ,
xin ý kiến, lấy tư liệu, bài viết… Và ngày 24/8/2004, Lễ tưởng niệm đồng chí Trần
Tử Bình được tổ chức ở Bảo tàng Cách mạng Hà Nội. Nhiều bạn bè của cha mẹ cùng
gia đình và đàn em, học trò của ông bà đã đến dự. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc
khi thấy lịch sử đã đánh giá đúng về ông. Dưới suối vàng cha mẹ chắc cũng biết điều
này!?
Nhân kỉ niệm 100 năm
ngày sinh (1907-2007) và 40 năm ngày mất
(2967-2007) của ông, cuốn sách “Trần Tử Bình - từ Phú Riềng đỏ tới mùa
Thu Hà Nội…” đã được xuất bản cùng việc khánh thành Nhà tưởng niệm Trần Tử Bình
tại Tiêu Động và trường Mẫu giáo Trần Tử Bình tại Phúc Tá. Khách quý đã về dự đông
đủ. Bác Giáp gửi thư và cử cô Hà về dự.
Ít năm sau, anh Triết
lại thông báo có điều chỉnh, nhất là với lão đồng chí là Xứ ủy viên. Vậy là chúng
tôi lại lao vào việc điều chỉnh. Đến cuối năm 2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã
kí quyết định truy tặng cho ông Huân chương Sao Vàng.
Riêng trường hợp bà Hưng
(từng là bí thư Ban cán sự Hà Nam thay ông Bình ngày bị bắt cuối 1943) khi làm
việc với Vụ Thi đua khen thưởng Bộ Công thương về việc điều chỉnh huân chương
thì chưa có trả lời. Nhớ ngày “làm” huân chương, bà đã nói với cán bộ thực hiện: “Nhà nước thửơng Độc lập hạng Hai cho tôi là
chưa đúng tiêu chuẩn. Chú về nói với
cấp trên thế. Nhưng thôi, vì nhiều trường hợp các
đồng chí còn quên, hãy làm cho họ trước!”.
Với cha mẹ, có bao giờ
nghĩ mình đi làm cách mạng để có huân chương này nọ. Ấy cũng là những điều muốn trao đổi với anh
chị em, con, cháu để hiểu hơn về ông bà chúng ta.
Điễu quan trọng nhất đối với thế hệ con,cháu chúng ta là gắng sông xứng đáng với giá trị tin thần vô giá mà cha , mẹ để lại ho chúng ta. KC
Trả lờiXóaĐiều quan trọng thứ 2 là, không được thù hận, oán ghét ai. Trời lo cả.
Trả lờiXóa