Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Giới thiệu sách mới: TỪ HỎA LÒ ĐẾN PHỦ KHÂM SAI BẮC BỘ (KQ)

Đại tá Lê Trọng Nghĩa (ảnh chụp 1955)


Sách mới.
Cuối quý 2 năm 2012, đúng vào dịp kỉ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám (1945 –2012), Nxb Hà Nội đã phát hành cuốn sách “Từ Hỏa Lò đến Phủ Khâm sai Bắc Bộ” - hồi ký của nhân chứng lịch sử Lê Trọng Nghĩa, một trong hai ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội 19/8/1945 còn sống đến ngày hôm nay[1].

Thật khó có thể hình dung chàng trai Đoàn Xuân Tín ngày ấy, chưa đầy 20 tuổi, đã dấn thân vào con đường cách mạng. Là học sinh Bonnal Hải Phòng, tốt nghiệp Diplome cùng Nguyễn Đình Thi lên Hà Nội học tiếp rồi tham gia hoạt động, rải truyền đơn rồi bị bắt, bị tống giam Hỏa Lò đầu 1942. Tại “trường đại học lớn” được sinh hoạt cùng các tù chính trị là “cán bộ thượng cấp”: Trần Đăng Ninh (Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ) và 2 Xứ ủy viên Trần Tử Bình, Lê Tất Đắc… anh thêm giác ngộ.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, tổ chức tù chính trị ở Hỏa Lò ra quyết định: chớp thời cơ vượt ngục, về với phong trào. Đêm 11/3/1945, Đoàn Xuân Tín được giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Trần Đăng Ninh vượt ngục theo đường “thăng thiên” - vượt tường rào. Hai hôm sau, dưới sự lãnh đạo của Trần Tử Bình, hơn 100 tù chính trị lần lượt từng tốp theo đường cống ngầm, “độn thổ” trốn ra ngoài.

Ra tù, bắt mối ngay với tổ chức, anh cùng 2 đồng chí Vũ Quý, Hoàng Minh Chính được cử sang Đảng đoàn khối Dân chủ Đảng Bắc kỳ và Hà Nội, giữ mối quan hệ chặt chẽ của Việt Minh với tầng lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước.

Giữa những ngày tháng 8 sôi động, chàng trai ấy được giao nhiệm vụ “một mình vào dinh Khâm sai”, gặp cụ Phan Kế Toại Khâm sai đại thần. Dù tuổi tác quá chênh lệch nhưng anh đã chủ động nắm bắt tư tưởng và vận động cụ ủng hộ Việt Minh. Sau đó khi Thủ tướng Trần Trọng Kim từ Huế bay ra Hà Nội, qua cụ Phan Kế Toại, Đoàn Xuân Tín lại tranh thủ thời cơ tiếp kiến. Với sự dũng cảm, táo bạo của tuổi trẻ được giác ngộ, anh đã thăm dò thái độ của Chính phủ bù nhìn, báo cáo với Thường vụ.

Ngày 15/8, nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Thường vụ Xứ ủy quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội do ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang làm chủ tịch cùng 4 ủy viên Nguyễn Quyết (Bí thư Thành ủy), Trần Quang Huy (phụ trách Công vận), Nguyễn Duy Thân (phụ trách giới tiểu thương, tư sản) và Lê Trọng Nghĩa (đại diện Dân chủ Đảng) cùng cố vấn Trần Đình Long[2].

Ngày 17/8, tận mắt chứng kiến quần chúng Hà Nội biến cuộc mít-tinh của giới công chức ủng hộ Chính phủ bù nhìn thành cuộc tuần hành, thị uy của lực lượng cách mạng, có sự hỗ trợ của Thanh niên tự vệ Hoàng Diệu; thấy thời cơ đã đến Nguyễn Khang đã về báo cáo với Trần Tử Bình, trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc, Hà Đông. Dù chưa có lệnh Trung ương[3] nhưng dựa vào chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hàng động của chúng ta”, Thường vụ Xứ ủy quyết định: Tổng khởi nghĩa vào sáng 19/8/1945.

Sáng 18/8, khi Ủy ban Khởi nghĩa kéo về 101 Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo), Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn xin gặp. Đoàn Xuân Tín lại được cử ra tiếp. Bất ngờ vì có tin cụ Phan Kế Toại bỏ nhiệm sở từ đêm 17/8, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ được cử thay thế và quân Đồng minh bắt đầu vào nước ta... Nguy cơ Đại Việt được Nhật hỗ trợ sẽ “nẫng tay trên” chính quyền nên anh Tín lại được cử vào dinh Khâm sai.

Sáng 19/8, bộ chỉ huy tối cao cùng cánh chính tấn công vào dinh Khâm sai Bắc bộ. Sau khi bắt giữ bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ đưa về ATK của Xứ ủy và qua điện thoại lệnh cho chính quyền các tỉnh phải bàn giao cho Việt Minh thì có tin: cánh quân do đồng chí Nguyễn Quyết đánh chiếm Trại Bảo an binh bị quân Nhật cho xe tăng và lính bao vây, có nguy cơ đổ máu. Một lần nữa, Đoàn Xuân Tín lại được giao nhiệm vụ cưỡi Limouzine cắm cờ đỏ sao vàng ra thương lượng. Sau khi giằng co, quân Nhật phải rút lui nhưng ra điều kiện: “phe nổi loạn” phải gặp chỉ huy tối cao của họ. Vậy là cơ bản tại thủ đô chính quyền đã về tay nhân dân và không đổ một giọt máu.

Cũng ngay đêm ấy, Thường vụ Xứ ủy lại cử Đoàn Xuân Tín cùng cố vấn Trần Đình Long tới 33 Phạm Ngũ Lão, gặp Tsuchihashi - Tổng chi huy tối cao quân đội Nhật ở Đông Dương. Lại lần nữa “một mình vào hang cọp” nhưng nhờ kinh nghiệm già giặn của ông Long (“Chớ có động chạm đến việc quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh hay bom nguyên tử đã nổ ở Hiroshima hay Nagasaki”) và tài thuyết khách của Đoàn Xuân Tín mà đối phương phải chấp nhận chính quyền mới.

Chàng trai ấy, cũng từ đêm 19/8/1945 “làm cách mạng” với chính mình – đổi sang tên mới Lê Trọng Nghĩa: Lê Trọng để nhớ người thầy ngày đi học, còn Nghĩa là khởi nghĩa. Ngay hôm sau, trong danh sách Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ có tên Lê Trọng Nghĩa - ủy viên đối ngoại.

Rồi ngày 21/8, nghe tin Quản Dưỡng chỉ huy Bảo an binh ở Hà Đông đã cho nổ súng vào đoàn biểu tình, gây thương vong; Lê Trọng Nghĩa đã cùng ông Hồ Đắc Điềm, nguyên Tổng đốc Hà Đông, vào tận Trại Bảo an binh thuyết phục Quản Dưỡng quy hàng. Như vậy một cuộc xung đột vũ trang ngay cửa ngõ thủ đô vừa chớm nổ đã bị dập tắt.


Biết tin ông vừa “ra sách”, gọi điện ra Hà Nội chúc mừng thì được ông trả lời: “Đó chỉ là phần mình ghi lại thời gian Tổng khởi nghĩa”. Về con người ấy trên bìa bướm 2 của cuốn sách có ghi giản dị thế này: Cục trưởng Cục Tổng vụ (Chánh văn phòng) Quân sự ủy viên hội (3/1946-11/1946); Chánh văn phòng Bộ Tổng chỉ huy (5/1947-8/1948); Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy (8/1948-11/1948).

Ít ai biết ông là Cục trưởng Cục Quân báo đầu tiên (1950), người từng theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi khắp các chiến dịch cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử 1954. Ông được phong hàm đại tá 1955.

“Người thiếu niên Việt Minh” - như lời của ông Trần Trọng Kim nói về Đoàn Xuân Tín với chút ngỡ ngàng khi đến tiếp kiến - năm nay đã 92, giọng hơi nặng vì “có chút bệnh phổi” nhưng vẫn sôi nổi, hào sảng khi nói về những kỉ niệm Tổng khởi nghĩa: “Đảng, Bác, nhất là thế hệ cán bộ đi trước đã tin vào thế hệ trẻ chúng tớ nên anh em tớ được thử sức, được dũng cảm sáng tạo. Chỉ khi nhân dân có dân chủ, tự do thực sự, chỉ khi dân tộc có độc lập mới có những thắng lợi vẻ vang như thế!”. Thật là lạ, thật may mắn khi chàng trai tuổi ngoài 20 ấy luôn được lịch sử giao cho những trọng trách và luôn hoàn thành xuất sắc.

Cuốn sách dày hơn 160 trang với các bài “Chuyện về đồng chí Trần Đăng Ninh” được viết từ 12/1995, “Những cuộc đấu tranh và tiếp xúc giữa Việt Minh với Chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội” (3/1995), “Các UBND cách mạng ra mắt ở Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám” (21/6/1995), “Ký ức về một Tháng Tám lịch sử”, “Từ  mùa thu Tháng Tám Hà Nội, nhớ lại kỉ niệm trên đất Cảng” (7/1995), “Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm đầu tiên”, “Hà Nội – Hồ Chí Minh và Cách mạng Tháng Tám thắng lợi cơ bản, vĩ đại (2010), “Trên đường theo chân Bác từ thủ đô lên chiến khu” (1996)… cho thấy sự cẩn trọng của một cán bộ quân báo. Ông cẩn thận viết, sửa suốt hai chục năm, nay mới cho xuất bản. Với giọng văn khúc chiết, từ ngữ có lựa chọn nhưng rất sôi nổi làm bật lên cái khí thế tưng bừng trong ngày hội non sông.

Hy vọng Nxb Hà Nội kịp phục vụ bạn đọc quan tâm đến sự kiện lịch sử vĩ đại trong Tháng Tám này!



TRẦN KIẾN QUỐC



[1] Người thứ 2: Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
[2] Tốt nghiệp Đại học Phương Đông Mat-xcơ- va 1931, hoạt động báo chí của Đảng (1936-39). Vừa thoát tù Sơn La về.
[3] Khi này các cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy đã lên Tân Trào dự Quốc dân Đại hội.

2 nhận xét:

  1. Những năm cô chú ở SG, Chiến, Quốc hay qua lại. Lần 2 anh em đến chuẩn bị bài viết của chú cho lễ tưởng niệm của cha, để chiếc xe mới của anh Chiến ngay cửa mà bị mất. Tôi của đi thay người.
    Cô chú Tăng Ấm được đón đến thăm 2 bạn già từ ngày ở Việt Bắc, rồi đón chú Nghĩa cô Thảo xuống thăm chú Lê Quý Quỳnh.
    Chú giãi bày nhiều chuyện nhưng không bao giờ kêu ca, oán trách ai. Mọi sự kiện chú nhớ đến từng chi tiết nên càng cảm phục tư duy của 1 lão tướng quân báo. Trước "đống" tư liệu quý, từng nói chú, cố giữ sẽ đến lúc xuất bản. Và cuốn sách này là những công bố đầu tiên.

    Trả lờiXóa
  2. Qua Tuấn Phong, công tác ở Ban Chính trị báo Nhân dân (đàn em Học viện k10) nên bài giới thiệu này được đăng báo ngày 18/8/2012.
    Còn bài về cụ Nguyễn Duy Thân (bố anh Duy Chiến và Duy Thành) cũng đăng trên Thời Nay, phụ san của Nhân dân.
    Cảm ơn Phong!

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.