Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Một bài văn của Mý

Đề bài: Tưởng tượng hai mươi năm sau em thăm trường cũ và kể lại

TP.HCM, ngày 13 tháng 7 năm 2032,
Phương thân yêu của tui,
  Chắc bà ngạc nhiên lắm khi thấy tui viết thư cho bà? Cũng lâu quá rồi, hai mươi năm thấm thoắt trôi qua còn gì. Kể từ cái ngày tốt nghiệp lớp chín, hai đứa cũng chưa hề liên lạc lại với nhau. Bà khỏe không? Đang làm giáo viên – nghề mà bà mơ ước trước đây, đúng không? Chắc học trò đứa nào cũng nghe lời bà răm rắp nhỉ, bà oai lắm mà? Nghe Xuân nói bà có ba đứa con rồi phải không? Cả ba đứa đều mũm mĩm, tròn trịa giống bà lúc trước chứ? Tui nghĩ cả ba không phá như bà lúc trước đâu?



  Từ lúc trở thành “người lớn”, tui bận bịu với công việc của mình, dường như lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi. Và,  bỗng tui thấy mình vô tâm tới chừng nào: hai mươi năm rồi, đã hai mươi năm chưa quay lại ngôi trường cũ mà hai đứa mình từng học. Tui cứ ước sao lại được trở về cái thời cấp hai ấy, cái thời tràn đầy kỉ niệm vui buồn, nhớ biết bao! Tui nhớ cái mái trường ấy quá - Trường THCS Lê Văn Tám thân thương. Thế là hôm vừa rồi, tui đã ghé thăm ngôi trường cũ.
  Bà biết đấy, tui là đứa không dễ bị hồi hộp, lo âu; nhưng không hiểu sao sáng hôm ấy trên đường đến trường, tim tui cứ đập thình thịch trong lồng ngực, hồi hộp đến lạ kì; lái xe máy mà tay chân cứ run run, quái nhỉ. Bà còn nhớ cậu học sinh cưỡi xe đạp bị ngã trước cổng trường, rách cả đầu gối và chảy máu bởi con đường đất đá, cát sỏi trơn trượt không? Sau hai mươi năm, con đường ấy khác hẳn, bà ạ, phủ đầy mặt đường là lớp nhựa đen, phẳng lì. Bà còn nhớ cái nắng mỗi chiều như đốt cháy da thịt mình không? Giờ cái nắng nóng ấy đã dịu đi bởi những tán cây phượng vĩ, sầu đâu, si sanh um tùm, xanh mát, trồng dọc vỉa hè trước cổng trường. Bà còn nhớ thầy Thắng từng đùa: “Sắp có cuộc thi “bơi ngược dòng kênh đen” trước trường mình, mời các con tham gia”?  Cái dòng kênh ấy sau hai mươi năm thay đổi hoàn toàn, làm tui phải kinh ngạc: nước giờ trong xanh, không còn đen sì, hôi thối và là nơi sản sinh ra những đàn muỗi độc ác bay vào lớp, chích chúng mình (bắp chân bà còn vết sẹo muỗi đốt nào không?); hai bên bờ là những thảm cỏ xanh mơn mởn. Tôi thấy cả thuyền chở khách du lịch phành phạch trên kênh. Rồi cả cái vườn hoa hồi trước đầy gạch, rác ấy cũng được thay thế bằng khu vườn đầy hoa hồng xen lẫn cây xanh. Có thứ duy nhất quanh trường mình không thay đổi, là gì bà có biết không? Đó là cái cửa hàng bán trà sữa trân châu và bán bánh tráng trộn. Nhớ cái hôm mà tui với Xuân ở lại trường, mỗi đứa một bịch bánh tráng trộn và cốc trà sữa trân châu thiệt bự. Mắc cười nhỉ, hơn ba chục tuổi rồi mà vẫn thèm cái vị bánh tráng trộn chua chua, ngọt ngọt, cay cay ấy!
 Nhưng mà Phương ơi, chỉ có cảnh vật xung quanh trường thay đổi thôi, chứ ngôi trường nhìn vẫn như xưa, vẫn là dãy nhà 3 tầng quây hình chữ O (tất nhiên không phải tròn!), cái màu tường vàng rực dưới nắng xen lẫn với màu đỏ chót của mái ngói; sân trường vẫn được lát bởi gạch con sâu màu xanh. Ngôi trường thật yên ắng, bà ạ, hè mà. Chứ nhớ trong năm học huyên náo, giờ ra chơi đâu đâu cũng thấy bọn con trai đá bóng; cái sảnh là chỗ tụi tui hay ngồi học cũng bị chiếm bởi mấy tụi nhóc lớp sáu loi choi chơi đá banh. Vẫn còn nguyên đó, những cái bàn nhựa dùng cho bữa trưa được xếp chồng lên nhau, tui với Xuân hay lấy ra để làm bàn học. Nhớ mỗi lần ngồi là mỗi lần khổ sở vì chân dài quá, nhét chân vô không vừa. Bây giờ lại càng thấy nó nhỏ hơn nữa, bà ạ. Nhớ cả cái kì bị cô Phượng bắt khi đang leo qua cái lan can trước phòng giám thị; rồi tình cờ phát hiện ra Cù Minh cũng chung “hoàn cảnh” với mình – cũng bị cô Phượng bắt vì tội trèo lan can. Phương ơi, cái sân bóng rổ chẳng khác chút gì cả: dãy ghế đá vẫn còn nguyên đó, nhưng nhiều chỗ bị mẻ, bám rêu xanh. Ôi, những cái ghế đá này gợi lại bao kỉ niệm về đội tuyển toán, sáng sáng ngồi tụ tập ở đây cười đùa, học tập, vui xiết bao; và cả lúc học xong, lấy xe đạp từ sân bóng rổ ra bị tụi bạn chặn lại, bắt đèo mấy vòng quanh trường, mệt đứt cả hơi. Phương à, cái căng tin trường mình y như trước, vẫn cái bộ bàn ghế gỗ ấy. Bà biết không, tui rất ngạc nhiên khi thấy con mèo con gầy còm mà mình hay cho ăn hằng sáng ở căng tin đến giờ vẫn sống; nó già rồi, đi lại chậm chạp lắm; mà béo múp míp, lông bóng mượt; và kì lạ hơn là nó vẫn nhớ tui, sau hai mươi năm dài dằng dặc ấy; nó cứ kêu ngoeo ngoeo và cạ vô người tui, tui đi đâu nó đi theo đó. Phải chăng nó nhớ cái mẩu bánh mì pa tê mà tui hay cho nó? (Nói để bà biết nghe, đúng là cái con mèo ấy vì trên đầu còn nguyên mấy cái xọc màu đen mà ai cũng kêu giống hổ con quá).
 Sân giữa trường thì khác hoàn toàn, bà ạ. Mấy cái cây khẳng khiu, nhỏ nhỏ của hai mươi năm trước giờ đều to cao, lớn lắm, tán lá rộng, phủ khắp sân trường; chắc tụi học trò giờ không phải ngồi chịu nắng trong giờ chào cờ mỗi sáng thứ hai nữa nhỉ? Cây hồi trước thấp nhỏ, rễ ăn chưa sâu; mà tức nỗi mỗi lần chơi cầu lông, cầu cứ mắc trên cây. Tụi thằngThắng, thằng Đức có lần rung cây để cầu rớt xuống, cứ đinh ninh là không ai thấy; ai dè bị cô hiệu trưởng bắt quả tang.
Đi dọc hành lang nhìn vào lớp học thấy thay đổi nhiều: lớp nào cũng có ti vi màn hình phẳng, cạnh bảng là màn chiếu dùng cho đèn chiếu giảng bài; số lượng bàn ghế thì giảm đáng kể; không ngồi bàn đôi nữa, mà là bàn đơn, mỗi lớp khoảng gần ba chục cái, chứ không đông như thời mình học. Trên tường treo báo tay trang trí đầy màu sắc theo từng chủ đề hàng tháng. Lũ học trò giờ chắc hóm hỉnh, thơ văn hơn chúng mình nhiều?
Mà thay đổi nhiều nhất là phòng nhạc và thư viện. Phòng nhạc được mở rộng ra, có một chiếc piano đen bự, có ba chân, nắp lật nghiêng; ở góc là giá đàn dựng   vài chiếc ghi ta và chục cái hộp đàn vĩ cầm, kèn các loại cùng mấy chiếc organ... Thư viện giờ được mở rộng, đầy ắp sách, sách và sách. Quyển nào cũng bọc bìa cứng, bóng, đầy màu sắc. Hình như dạo này tụi học trò còn được lên thư viện học vào giờ buổi chiều nếu cần tra cứu cái gì. Bà có nhớ ngày xưa ở lớp mình cũng có một tủ sách nhỏ, sách do từng đứa mang từ nhà đến góp vào, cô bảo “đến cuối năm thì mang sách về”. Vậy mà ngày chia tay, chả đứa nào muốn lấy sách của mình về; bao nhiêu tháng những cuốn sách ấy là bạn bên nhau, phục vụ cho bao bạn đọc, giờ ai cũng muốn lưu kỉ niệm ấy cho lớp 9/5 năm sau.
Hai mươi năm ấy, chúng là xa trường, lớn lên, học hành tiếp rồi đứa nào cũng có gia đình, con cái. Con cái chúng ta lại lớn lên rồi đi học. Chắc cũng có con đứa nào đấy từng ngồi trong cái lớp 9/5 này. Chả hiểu chúng nó có biết, bố mẹ chúng nó từng là học sinh lớp này? Thầy cô dạy chúng mình đều đã nghỉ hưu lâu lắm rồi. Vậy mà, bà có biết, ở cái sảnh mà chúng mình hay khám sức khỏe đầu năm hay thi vẽ thì trên tường treo ảnh tất cả các thế hệ thầy cô từ buổi đầu thành lập đến tận bây giờ. Tui nhận ra cả cô……………. chủ nhiệm, thầy……………….… dạy toán, cô…………………….… dạy lý, cô………………… dạy hóa. Cả những đứa học giỏi nhất của lớp 9 khi ra trường cũng được lưu ảnh.
Lang thang thăm lại trường cũ vậy cũng hết cả buổi sáng, ngắm nhìn xa gần, tui thấy lâng lâng khó tả. Bao giờ cho đến ngày xưa, đến cái thuở học trò vô tư, vui nhộn ấy? Đã hai chục năm rồi ư? Lững thững ra cổng, tui chào bác bảo vệ già, hỏi thăm:  
- Dạ, bác làm việc ở trường lâu chưa ạ?
- Cũng hai chục năm rồi, cô. Ngày ấy tui 34, nay đã 54, còn mấy năm nữa là nghỉ hưu. – Bác chậm rãi trả lời.
- Ôi, thế thì bác về trường năm nào ạ?
- Hai không mười bốn, cô ạ.
- Vậy là năm đó con ra trường, lên học THPT rồi. Thảm nào không nhớ bác. Thôi, chào bác, con đi. Vào năm học mới, con cố thu xếp về dự lễ khai giảng. Bác cho con gửi lời thăm thầy cô của trường.
Nói xong chợt cay cay sống mũi, nước mắt tui tràn mi…

  

4 nhận xét:

  1. Bài viết của em Mý rất dễ thương. Chị cũng rất thích viết văn tưởng tượng. Tưởng tượng cho phép mình được thỏa sức bay bổng mà ko có khuôn mẫu đúng sai nhưng qua cách viết đó giúp ta hiểu khá nhiều về tâm tư người viết ở thời điểm hiện tại...

    Trả lờiXóa
  2. Vậy mà cô chỉ cho điểm 5. Mý bảo, chả sao! Dù các bạn nghe Mý đọc rất tán thưởng.
    Cũng lạ?

    Trả lờiXóa
  3. Bác Ngân ở Đức đọc bài văn của Mý rất phục trí tưởng tượng và cách hành văn" Học trò".
    Bác ngạc nhiên khi bài văn chỉ có 5 điểm ? Rất có thể, cô (Thầy) văn cũa cháu là nhà giáo có đòi hỏi khắt khe với các trò ( Bác tin là thầy cô của cháu giỏi, nghiêm nên mới có trò mà bài văn 5 điểm đã đạt trình độ hay như vậy !) Cháu bảo: " Chả sao" là đúng đấy,5 điểm nhưng là điểm viết HOA. Bác chúc cháu học giỏi và viết bài hay hơn nữa.
    Mý và các bạn đã đọc trên báo bài văn 8 điểm của HS lớp 7A10 trường Lomoloxop Hànội chưa? Cô giáo Văn của các bạn ấy dạy thế nào mà cả lớp hiểu câu ca dao "...Canh gà Thọ xương" là món ăn ( canh thịt gà )đặc sản của Hà Nội!!! ( Bác Ngân-Berlin)

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.