Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Bài viết về thầy Nguyễn Ngọc Kí (Mý)


Tôi vốn là đứa nóng tính, làm gì cũng hấp tấp, vội vàng, khi gặp việc khó thì dễ nản chí. Những lần như thế, ba tôi đã nói: “Con may mắn được sống trong gia đình mà ba mẹ yêu thương, chăm sóc; cuộc sống con không thiếu thốn; thân thể con lại khỏe mạnh, lành lặn… Con nên nhớ, ở đời này còn bao nhiêu người thiếu thốn, lại có những người với số phận bất hạnh, không lành lặn, đầy đủ như con; vậy mà người ta đã phấn đấu vươn lên, thành đạt, thậm chí làm được nhiều việc mà người lành lặn phải cảm phục. Con hãy đọc về tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí!”. Tôi tò mò tìm đọc và nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, xin viết về thầy và mong ước rằng, tôi và các bạn sẽ có thêm một tấm gương sáng để học tập, noi theo.


… Từ khi còn là một đứa trẻ hồn nhiên yêu đời, bé Kí đã bị liệt cả hai tay. Năm 1951 khi lên 4 tuổi, sau một cơn sốt, bị liệt hẳn 2 tay. Từ đó, ngày nào cậu bé Ký cũng nhìn đôi tay mềm nhũn của mình mà khóc. Bố mẹ nhìn thấy cũng nghẹn ngào khóc theo: "Mai sau bố mẹ chết đi, con biết làm gì mà sống. Tại sao ông trời lại bất công với một đứa trẻ bé nhỏ như thế?”. Nhưng điều đó không khiến bé nản lỏng. Năm lên 7 tuổi thấy các bạn đến trường làng, bé Kí lân la đứng ngoài hiên, nhìn vào lớp học. Thấy vậy, cô giáo cho Kí vào ngồi trong lớp. Trưa ấy, cô dẫn về nhà nói với bố mẹ: Em nó bị liệt 2 tay làm sao viết được mà học. Thôi, 2 bác giữ em ở nhà, để các bạn trong lớp tập trung học. Bố mẹ và các chị lặng đi trước chia sẻ của cô và quay sang an ủi bé Kí.
Muốn dạy cho con biết chữ nhưng ngày ấy hầu hết dân ta mù chữ và cả nhà Kí cũng không ai biết lấy một con chữ nên chẳng ai dạy được cho Kí. (Tôi thắc mắc, sao lúc đó dân ta lại “mù chữ”?, thì được ba giải thích: gần 100 năm nước ta bị thực dân Pháp đô hộ nên rất ít người biết chữ; nhất là dân nghèo, đến chữ kí của mình cũng không biết viết mà phải điểm chỉ bằng ngón tay bôi mực đen. Với thực dân Pháp thì dân ta mù chữ như vậy càng dễ đô hộ). Lang thang ra vườn, thấy con chim tha mồi bằng mỏ, Kí bèn bắt chước tập viết bằng miệng, nhưng khó quá, không viết được. Thấy gà cục tác bới rác ngoài vườn, Kí lấy chân quặp viên gạch tập viết. Ban đầu chân cứ bị chuột rút, co quắp, đau đớn. Mỗi lần nhìn thấy con mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đánh vật với các chữ viết đầy sân mẹ Kí ứa nước mắt. Mới đầu tập viết chữ O, chữ C rồi chữ V, chữ A bằng những mẩu gạch non. Khi chân đã mềm mại, chữ đã cứng cáp thì Kí thử kẹp mẩu bút chì viết lên tờ giấy. Nhưng bút cứ chọc thủng tờ giấy. Vậy mà Kí không nản lòng, cứ tập, cứ viết. Vì nể gia đình, lại cảm phục trước nghị lực của Kí nên cô giáo cho em vào lớp, nhưng cô vẫn chưa tin có thể viết được.
Khó khăn thế, nhưng bé Kí kiên trì miệt mài tập viết ngày đêm. Bố làm cho chiếc ghế gỗ kê dưới đít, vở đặt dưới đất, chân vươn ra viết. Viết trên mặt đất còn dễ vì rộng rãi, chứ viết những dòng chữ bé nhỏ lên cuốn vở chỉ to hơn 2 bàn tay còn khó vạn lần, lại phải thẳng hàng thẳng lối, phải căn lề. Viết bút chì còn dễ, chứ khi viết bút chấm mực thì khó hơn. Không ít lần lọ mực Cửu Long xanh đen bị lật nghiêng, đổ làm bẩn cả tờ giấy trắng. Nhưng Kí không nản và cuối cùng ông đã viết được bằng bút chấm mực rồi kẹp được thước, compa bằng những ngón chân, vẽ hình tròn, hình vuông. Không chỉ học chữ mà việc gì trong nhà bé Kí cũng đều làm được bằng đôi chân kỳ diệu của mình: vo gạo, nhặt rau, thổi cơm, đan rổ rá... giúp gia đình.
Cả chặng đường tuổi thơ của ông chỉ có một ước mơ duy nhất là quyết chí đi học để được như những người bình thường. Và, ông đã làm được.
Năm 1962, ông được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người vì tấm gương chiến thắng số phận để học giỏi. Năm 1963, trong kì thi học sinh giỏi môn Toán toàn miền Bắc, ông xếp thứ 5 và lại được Bác Hồ tặng huy hiệu. Học hết cấp 3, được sự động viên của bạn bè cả nước, ông xin vào học ngành Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học đại học trong chiến tranh với người lành lặn đã là vất vả vì phải mang sách vở, quần áo, cả gạo mắm về nông thôn hay lên rừng núi xa thành phố để học tập; với ông còn vất vả hơn, nhất là mỗi khi trái gió trở giời, bệnh tật hành hạ. Khi phải nằm giường bệnh, ông vẫn hạ quyết tâm: Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và bắt đầu nghiệp làm thầy giáo.
Theo lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thầy về quê ở Hải Hậu, Nam Định. Con người như thế, không có tay để cầm phấn viết bảng, vậy thầy dạy học sinh thế nào? Biết mình không thể viết bảng, thầy mày mò làm các mô hình dàn bài văn bằng bìa và giấy, khi lên lớp cứ từ từ tháo dần tấm giấy che để hiện lên dàn bài đã chuẩn bị. Học trò học bài của thầy cứ như được xem cuốn phim quay chậm. Với bài giảng thuộc lòng trong đầu, với giọng nói đầy thuyết phục, thầy giảng như rót từng lời vào tai học sinh. Trò vừa nghe, vừa xem, vừa viết vào vở; bài giảng của thầy hấp dẫn và dễ tiếp thu vô cùng. Đúng là một phát minh diệu kì!
Ngày về thăm Hải Hậu, bác Phạm Văn Đồng đã nói, ý là: thầy Kí là tấm gương về sự phấn đấu phi thường và kì diệu cho thế hệ trẻ Việt Nam và nhất là những người khuyết tật noi theo.
Thầy đã dạy học suốt 35 năm. Nhân Ngày Nhà giáo 20/11/1992, thầy được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 1994, thầy vào thành phố Hồ Chí Minh vừa chữa bệnh, vừa dạy học. Không vì tuổi đã cao mà thầy vẫn đọc sách và tư học tin học. Tôi thực sự cảm động khi thấy tấm ảnh thầy đang ngồi trước máy tính, dùng những ngón chân gõ lên bàn phím. Lúc ấy tôi đã xòe cả 10 đầu ngón tay của mình, nhìn vào và thầm nghĩ, mình lành lặn hơn thầy mà sao không thể làm được những việc như thầy? Không những thế thầy còn viết sách, làm thơ… thật đáng khâm phục.
Rồi những tấm gương của bao bạn trẻ lứa chúng ta - bạn thì bị liệt 2 chân vẫn cắp sách đến trường, bạn liệt 2 tay vẫn sử dụng thành thao máy tính để học tập, bạn bị bệnh xương thủy tinh vẫn yêu đời, vẫn đi thi hát ở chương trình Vietnam Idol… Chắc thầy Nguyễn Ngọc Kí đã là tấm gương cho các bạn?
Đúng là con đường đến vinh quang, đỉnh cao thành công không bao giờ là tấm thảm lụa đào; chính những con đường đầy chông gai, thử thách sẽ "thử lửa" chúng ta. Chỉ những ai có một cái đầu và đôi chân vững vàng, có niềm tin và ý chí chiến thắng mới có được thành công. Thầy Nguyễn Ngọc Kí chính là con người như thế. Xin cảm ơn thầy! Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam xin kính chúc thầy mạnh khỏe và có nhiều bài văn, bài thơ, nhiều cuốn sách hay cho lớp học trò chúng em!

3 nhận xét:

  1. Mý viết văn bắt đầu hay rồi đấy ! Không biết Mý đã xem hình thầy Ký ngồi trên chiếc ghế cao bằng mặt bàn, hai chân kẹp hai chiếc đũa đánh máy nhoay nhoáy chưa ???

    Trả lờiXóa
  2. Mý viết hay quá , tư duy tốt, ngày ,ngày được nhân lên cải vô giá trong tâm hồn, trở thành bản lĩnh văn hóa của một con người trong xã hội

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.