Kính thưa đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy
viên Bộ chính trị BCHTƯ ĐCS Việt Nam, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam,
Kính thưa đồng chí Phạm Gia Khiêm, Ủy
viên Bộ chính trị BCHTƯ ĐCS Việt Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngọai
giao,
Kính thưa các quý vị có mặt trong buổi
lễ,
Hôm nay, gia đình chúng tôi rất vinh dự,
cảm động được đón nhận phần thưởng cao quý nhất - Huân chương Sao vàng - do
Đảng, Nhà nước truy tặng cho cha chúng tôi - lão đồng chí Trần Tử Bình, Thiếu
tướng QĐND Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Quân ủy, Đại sứ đặc mệnh tòan quyền nước
ta tại Trung Quốc, Mông Cổ, Ủy viên BCHTƯ ĐCS Việt Nam khoá III, đại biểu
Quốc hội khóa II, III.
Thay mặt tòan thể gia đình, tôi xin trân
trọng cám ơn Đảng, Nhà Nước và Bộ Ngọai
giao!
Thưa các quý vị,
Chúng tôi hiểu
một cách sâu sắc rằng, vinh dự cao quý này trước hết thuộc về ĐCS Việt
Nam quang vinh đã giáo dục, bồi dưỡng cha chúng tôi thành một chiến sĩ
cách mạng kiên cường; thuộc về những người thầy cách mạng của cha chúng tôi như
các đồng chí Tống Văn Trân, Ngô Gia Tự… , thuộc về các lão đồng chí cùng họat
động, các bạn tù chính trị tại Côn Đảo, Hỏa Lò, thuộc về công nhân đồn
điền Cao su Phú Riềng. Vinh quang này thuộc về quê hương Hà Nam và các địa
phương mà cha chúng tôi đã họat động thời kì bí mật cùng các cơ sở cách mạng đã
nuôi dưỡng, bảo vệ ông. Vinh quang này có sự đóng góp của các thế hệ cán bộ,
chiến sỹ QĐND Việt Nam đã sát cánh cùng cha chúng tôi trong thời gian công
tác trong Quân đội và các cán bộ, nhân viên Bộ Ngọai giao đã tận tình cộng tác
với ông khi đảm nhận nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh tòan quyền của nước ta tại
Trung Quốc, Mông Cổ. Và, cuối cùng, vinh dự này thuộc về mẹ chúng tôi - bà
Nguyễn Thị Hưng, người đồng chí gần gũi gắn bó nhất của cha chúng tôi. Bà đã
cùng ông lăn lộn với phong trào trong suốt thời kỳ họat động bí mật
và chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái chu đáo để ông yên
tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân
đội giao phó.
Trong buổi lễ
long trọng này, chúng tôi nhận thấy có những sự trùng hợp đặc biệt thú vị!
Đó là, Chủ tịch
Nguyễn Minh Triết, người thay mặt Đảng, Nhà nước trao Huân chương Sao vàng cho gia
đình, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé. Đồng chí được nhân dân gọi bằng cái tên
thân mật “anh Sáu Phong”. Mảnh đất mà đồng chí Sáu Phong gắn bó trong
thời kỳ Đổi mới chính là nơi cha chúng tôi trên cương vị Bí thư chi bộ Đảng đã
lãnh đạo 5.000 công nhân cao su Phú Riềng đứng lên đòi quyền sống vào ngày
3-2-1930, làm nên một “Phú Riềng đỏ” oanh liệt trong lịch sử đấu tranh cách
mạng của giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó
cũng là niềm tự hào của miền Đông Nam Bộ, của tỉnh Sông Bé trước đây và Bình Phước
ngày nay.
Điều trùng hợp
thứ hai: chính tại tòa nhà này, nơi Bộ Ngọai giao tổ chức buổi lễ long
trọng hôm nay, trước cách mạng Tháng Tám 1945 là Bắc Bộ Phủ - dinh lũy quyền
lực cao nhất của chế độ cũ. Di tích lịch sử này của Thủ đô gắn liền với
một sự kiện quan trọng, rất đáng tự hào trong cuộc đời đấu tranh cách mạng của
cha chúng tôi. Sau khi tham gia tổ chức thành công cuộc vượt ngục Hỏa Lò,
Hà Nội cho gần 100 tù chính trị vào tối 12-3-1945, cha chúng
tôi được Thường vụ Trung ương chỉ
định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, nhận nhiệm vụ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa
giành chính quyền. Đầu tháng 8-1945, Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Trân, Ủy viên
thường vụ Trần Quốc Hòan được Trung ương triệu tập lên Việt Bắc họp Quốc dân
đại hội và Hội nghị tòan Đảng về Tổng khởi nghĩa. Hai thường vụ Xứ ủy Trần Tử
Bình, Nguyễn Khang được giao nhiệm vụ điều hành công việc của Thường vụ.
Khi thời cơ cách mạng chín muồi, ngày 16-8-1945, hai đồng chí nhân danh Thường
vụ Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ủy Ban Quân sự cách mạng Hà Nội do đồng
chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch. Ngày 18-8-1945, hai đồng chí đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa cướp
chính quyền tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ vào ngày 19-8-1945. Trưa 19-8, hai đồng chí dẫn đầu lực lượng cách
mạng tiến vào chiếm Bắc Bộ Phủ, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay tối
19-8, cũng tại ngôi nhà này, Xứ ủy quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân
cách mạng lâm thời Bắc Bộ do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch. Thắng
lợi của Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội có ảnh hưởng rất lớn đến thắng lợi của Cách
mạng Tháng Tám 1945 trên phạm vi tòan quốc.
Hai sự kiện trùng
hợp trên có ý nghĩa vô cùng to lớn và là niềm tự hào đối với gia đình chúng
tôi.
Xin báo cáo với
Chủ tịch và đồng chí Phó Thủ tướng, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như
trong công cuộc xây dựng đất nước thời kì Đổi mới, con cháu ông bà Trần Tử Bình
đều cố gắng phấn đấu, xứng đáng với truyền thống do cha mẹ, ông bà để lại.
Năm 2007 kỷ
niệm 100 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của lão đồng chí Trần Tử Bình, gia
đình đã cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương xây dựng và đưa vào sử
dụng Nhà văn hóa - Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình tại xã
Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - quê huơng ông và Trường mẫu giáo mang
tên Trần Tử Bình tại thôn Phúc Tá, xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên -
nơi ông bà thân sinh ra cha chúng tôi đã sống từ trước cách mạng.
Cũng nhân
dịp kỷ niệm này, gia đình cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Công đòan Cao
su Việt Nam, Nhà Xuất bản Lao động xuất bản cuốn sách “Trần Tử Bình từ
Phú Riềng đỏ đến mùa Thu Hà Nội…”. Cuốn sách phản ánh các sự kiện lịch sử
cách mạng có liên quan đến cuộc đời đấu tranh cách mạng, đến thời gian công tác
trong Quân đội, trên mặt trận Ngọai giao của lão đồng chí Trần Tử
Bình. Nhân buổi lễ long trọng này, gia đình xin trân trọng kính tặng đồng
chí Chủ tịch, đồng chí Phó Thủ tướng và thư viện Bộ Ngọai giao cuốn sách này.
Cuối cùng,
nhân dịp năm mới 2008 và xuân Mậu Tý đang đến gần, xin kính chúc đồng chí Chủ
tịch, đồng chí Phó Thủ tướng dồi dào sức khỏe, hòan thành tốt sứ
mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó trong thời kỳ đổi mới và hội nhập đầy
thách thức của đất nước.
Xin kính chúc
các quý vị sức khỏe và hạnh phúc!
Xin chân thành cảm
ơn quý vị đã giành thời gian cùng gia đình dự buổi lể long trọng này!
Đây là sản phẩm của 2 anh em Chiến, Quốc.
Trả lờiXóaBài viết được Quốc soạn thảo rồi mail vào TPHCM cho bác Chiến. Hai anh em cùng sửa rồi mới gửi cho ban tổ chức.
Trả lờiXóa