Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Một lần gặp mặt thú vị (KC)


Tổng lãnh sự Trác Lôi Minh và chú Phương.
Cuối năm ngoái khi đến thăm chú Hoàng Minh Phương, tặng chú bức ảnh Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam  chụp với Chủ tịch Mao Trạch Đông (trong đó có chú). Chú cho biết sau một thời gian ốm, sức khỏe giảm sút; nay đã khá hơn. Chú sẽ cố gắng đến dự  tiệc tại  Nhà hàng Wissor Plaza tại Quận 5, chào mừng 63 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung, mừng xuân Quý Tỵ  vào tối 17-1-2013 do Tổng lãnh sự Trung Quốc Trác Lôi Minh mời.
Tối 17-1, anh đến  sớm, đón chú. Hai chú cháu gặp nhau và cùng đến chào chủ tiệc - Tổng lãnh sự Trác Lôi Minh. Anh giới thiệu chú Hoàng Minh Phương là nhà nghiên cứu khoa học quân sự, nguyên phiên dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp  và Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vy Quốc Thanh từ 1950-1954 và là một trong những lưu học sinh Việt Nam đầu tiên sang học tập tại Trung Quốc vào 1949, được giáo sư Văn Trang  dạy Trung văn tại ATK Việt Bắc vào 1948. Và Trác lôi Minh cũng là học trò của giáo sư Văn Trang; nên anh ta mừng lắm, nhận chú Phương là huynh trưởng-đồng môn. 

Trác Lôi Minh mời chú đến Tổng Lãnh sự quán để  chú nói chuyện cho cán bộ (thế hệ trẻ) về những ký ức lịch sử trong quan hệ Việt-Trung mà chú là nhân chứng. Phụ thuộc vào tình hình sức khỏe, nếu cho phép chú Phương sẽ đến thăm cơ quan Tổng lãnh sự.
Khi hai chú cháu bên nhau, chú kể, 4 giờ chiều đi tắm, chuẩn bị quần áo. 5 giờ 30 chống gậy xuống đường, vẫy taxi. Ngồi vào taxi đi được một đoạn nhìn xuống thấy chân mình đang xỏ dép. Vội bảo lái xe quay trở lại. Mất thêm 20 phút lên  nhà. Tuổi già là như vậy. (Năm nay chú đã 86). 
Chú kể một kỷ niệm vui về Thiếu tướng Trần Tử Bình trong một chuyến công tác sang Triều Tiên cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó trời Triều Tiên đã lạnh. Trong phòng ngủ, chưa lắp lò sưởi nên cụ Bình mặc áo gi-le, đeo cavat, khoác bên ngoài áo ba-đờ-suy cho ấm. Rồi cứ thế mà xuống  xe. Khi đã vào phòng họp, không ai để ý, sau khi chủ, khách đã an tọa, Đại tướng quay xuống hỏi chú Phương: "Sao anh Bình không  bỏ áo ngoài ra? Trong phòng họp có lò sưởi cơ mà". Hóa ra cụ Bình quên không mặc com-ple nên cứ khoác nguyên cả ba-đờ-suy. Trong phòng ấm lại khoác áo dày nên toát mồ hôi, hơn cả xông cảm. Hôm đó khi ra về cả đoàn được một trận cười vui vẻ. 
Chú cho biết, năm 1959, chú tháp tùng Đại tướng sang Triều Tiên. Lần đó đại tướng gặp Kim Nhật Thành. Khi trao đổi về đấu tranh cách mạng để thống nhất đất nước, Kim nói với Đại tướng rằng, Triều Tiên, Việt Nam có lẽ chỉ thống nhất được khi nổ ra chiến tranh thế giới thứ 3. Nhân dân ta chịu muôn vàn hy sinh đã thống nhất được đất nước; còn Triều Tiên thì chưa có hy vọng gì.
Trong thời gian cha làm Đại sứ tại Trung Quốc, nhiều lần Đại tướng sang công tác. Lần nào Đại tướng cũng chỉ thị cho chú Phương  phải báo cáo kế hoạch làm việc của đoàn với Đai sứ Trần Tử Bình, xem chương trình làm việc như vậy có  vấn đề gì cần chú ý. Theo chú Phương, Đại tướng rất trọng thị cụ Trần Tử Bình.
*
Chú  Hoàng Minh Phương là bạn thân của chú Hoàng Xuân Điền (bí thư của cha trong kháng chiến chống Pháp). Hai chú nguyên là học sinh cùng nhập ngũ 1945, cùng được gọi ra Việt Bắc 1948 khi cùng là cán bộ tiểu đoàn  bộ đội chủ lực Khu Bốn. Khoảng tháng 12-1958, chú Hoàng Xuân Điền đến nhà ta ở đầu đường Hoàng Diệu, mời cha mẹ và các cháu dến dự cưới của chú với cô Thu Ba. Chú Điền đề nghị cha đứng ra làm chủ hôn. Cha vui vẻ nhận lời. Chú cho biết cô Thu Ba là giáo viên người Quảng Nam, tập kết ra Bắc. Sau này khi Trần Hữu Nghị học lớp 10 thì cô Thu Ba là chủ nhiệm.
Đám cưới được tổ chức ở Hội trường Sở Giáo dục Hà Nội trên đường Hàng Bông Thợ Nhuộm. Hôm đám cưới cha mặc quân phục, mang quân hàm Thiếu tướng, trông rất oai. Mẹ chuẩn bị cho Lợi, Quốc, Công, Nghị, Phúc những bộ quân áo đẹp nhất. Anh nhớ lúc đó  mỗi em có áo nhung xanh, vải cha mang từ Trung Quốc về, may tại một hiệu may trong ngõ sau rạp  hát Hồng Hà cạnh chợ Hàng Da. Chú Hoàng Minh Phương mặc quân phục, mang quân hàm trung tá và là người dẫn chương trình. Trông chú rất điển trai. Lúc đó chú 31 tuổi, nghe nói nhiều cô văn công theo, nhưng chú ở vậy mãi đến 1971 mới xây dựng gia đình. 
Chú Hoàng Xuân Điền mặc quân phục, mang quân hàm thiếu tá, sóng đôi với cô dâu Thu Ba trong bộ áo dài thướt tha. Đám cưới diễn ra rất vui. Cha phát biểu  chúc mừng cô dâu, chú rể. Trẻ con nhà mình thích thú nhón kẹo, bánh quy liên hồi. Đám cưới bộ đội hồi đó như vậy là rất oai vì có vị Thiếu tướng Tổng Thanh tra Quân đội, thủ trưởng cũ của chú rể, làm chủ hôn. Còn người dẫn chương trình là một sỹ quan trẻ mang quân hàm trung tá. 
Mang kỷ niệm tản mạn theo trí nhớ này kể lại với chú Hoàng Minh Phương, chú rất thú vị.
Tháng 4-2011,  anh mời chú  dự lễ trao Huân chương Hồ Chí Minh cho  gia đình bác Lý Ban thì chú còn khỏe. Năm nay chú yếu nhiều nhưng vẫn rất minh mẩn. Khi gia đình làm sách về cha  chú giúp đỡ rất nhiều. Khi ra sách, anh vào bệnh viện Thống Nhất thăm chú và tặng cuốn sách "Trần Tử Bình từ Phú Riềng Đỏ đến mùa thu Hà Nội...".
*
Năm 1958, anh mới từ Trung Quốc về Hà Nội. Năm đó Quân đội ta bắt đầu thực hiện Luật sỹ quan vừa được  Quốc hội thông qua. Trước  Quốc kháng 2-9-1958, cha mặc bộ lễ phục mầu trắng, mang quân hàm thiếu tướng vào Phủ Chủ tịch. Tối hôm đó  Hồ Chủ tịch chủ trì buổi lễ trao quân hàm theo Luật mới cho các tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được vinh phong vào 1-1948:  Đại tướng Võ Nguyên Giáp,  các thiếu tướng Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê  Thiết Hùng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm. Anh tìm mãi trong các báo Nhân Dân, QĐND những số trước 2-9-1958 trong Thư viện Quốc gia bức ảnh buổi lễ hôm đó nhưng chưa tìm được. Lần này Quốc ra Hà Nội thử hỏi Hoàng Quốc Hùng, may ra trong lưu trữ của Đại tướng Hoàng Văn Thái  còn bức ảnh này.
Đúng ngày 2-9-1958, cha mặc lễ phục  đứng trên cánh lễ đài, dự lễ duyệt binh. Từ hôm đó cho đến tháng 4/1959 (khi chuyển sang Bộ Ngoại giao) khi đạp xe từ Hoàng Diệu vào Thành làm việc, cha luôn mặc quân phục, đeo quân hàm  thiếu tướng như tất cả các cán bộ, quân nhân khác. Nhớ lại những hình ảnh ấy rất tự hào.

1 nhận xét:

  1. Đại tướng tham gia Đoàn đại biểu Nhà Nước Việt Nam do Bác Hồ làm trưởng Đoàn dự lễ niệm 10 năm Quốc khánh Trung Quốc 1-10-1949 1-10-1959.Sau khi kết thúc chuyến công tác,Tổng cục chính trị tổ chức buổi nói chuyện của Đại tướng tại sân Vân động Cột Cờ. Lúc đó gia đình ta đã dọn về ở 38 Trần Phú. Tối hôm đó các cán bộ,chiến sỹ,cùng gia đình bộ đội sống quanh Thành kéo đến sân Cột Cờ rất đông,kín sân.Anh đi với chú Song lái xe cấp cứu Bệnh viện 354 cạnh nhà. Không khí rất náo nhiệt,vui vẻ vì sự kiện 10 năm Thành lập nước Bạn Trung Hoa do Đại tướng đích thân nói chuyện. Anh chỉ nhớ nhất đoạn đại tướng nói đến đoạn đón Đoàn ,có đoạn :"... Đón đoàn ở Sân Bay Bắc Kinh về phía Việt Nam ta còn có anh Trần Tử Bình của chúng ta ( chắc Đại tướng muốn nói của Quân Đội) ,mới sang Trung Quốc làm Đại sứ hồi tháng 4".Chú Song hích vai anh :" Bố mày đấy, sướng chưa?" .Tất nhiên anh rất sướng (đó là cảm giác tự nhiên của đức trẻ 12 tuổi). Trong thời kỳ đó anhn luôn mong giá cha còn ở Quân Đội thì khoái hơn nhiều.
    Chú Song là người lái chiếc xe cấp cứu MOLOTOV đưa mẹ đi Bệnh viện 108 sinh Việt Trung vào tối 21-8-1959.
    Trong bài này có sự lầm lẫn.Từ 2-9-1959 Toàn Quân bắt đầu thực hiện chế độ Quân hàm .Anh nhớ từ ngày này cho đến lúc cha chuyển sang Bộ ngoại giao 4-1959, hàng sáng khi vào Thành đi làm cha mặc quân phục ,đeo quân hàm Thiếu tướng (cha thường đạp xe đạp vào Thành) .
    Rất tiếc cho đến nay gia đình ta chỉ có hai ảnh cha mặc quân phục mang quân hàm thiếu tướng.
    Chúng ta khi ra HÀ Nôi chú ý liên hệ với gia đình chú Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái ,may ra tìm thêm được các ảnh cha mang quân hàm chụp chung với các chú. KC

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.