Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Bài trả lời phỏng vấn báo mạng Khám phá của bác Chiến


Nhà báo Bích Ngọc: 
1, Chắc hẳn, với điều kiện của gia đình và bản thân, ông có nhiều hồi ức tốt đẹp về những người bạn Trung Quốc? Ông có thể kể lại vài kỷ niệm sâu sắc về họ gắn với những năm tháng tốt đẹp trong mối bang giao của hai nước?
2, Những người bạn đó của ông và gia đình sau này họ nói gì khi quan hệ của hai nước ảm đạm hoặc khi có những tranh cãi về chủ quyền biển đảo?
3, Cảm xúc của ông thế nào khi nghe và gặp những chuyện buồn như có chuyện kỳ thị của một số người dân Việt hoặc Trung Quốc về phía bên kia?
4, Đứng về góc độ lịch sử, quan điểm của ông thế nào về việc công bố thông tin về chiến tranh biên giới 1979? Có người lo ngại nhắc lại cuộc chiến đó có thể làm tổn thương tình hữu nghị? Ông nghĩ thế nào?
5, Nếu để nói lời tâm huyết nhất gửi tới lãnh đạo và người dân hai  nước trong thời điểm này, ông sẽ đề cập tới những vấn đề gì?


Trả lời phỏng vấn

1- Năm 1950 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt. Trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi, tôi còn nhớ  tại  chiến khu Việt Bắc hàng ngày phải cùng gia đình chạy ra hầm trú ẩn khi máy bay Pháp bay trên bầu trời tiến hành các cuộc ném bom. Dù còn rất nhỏ nhưng ký ức ấu thơ đã ghi nhận rằng,  chiến tranh gắn liến với sự hy sinh, mất mát, tàn phá.
Ngay sau khi Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đời vào ngày 1-10-1949, để giúp nhân dân Việt Nam, chính phủ Trung Quôc đã tiếp nhận Trường Lục quân Việt Nam do cha tôi phụ trách  sang đóng quân tại tỉnh Vân Nam, tạo diệu kiện tốt hơn cho việc đào tạo cán bộ chỉ huy cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi được theo cha sang Trung Quốc, chứng kiến sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc cho nhà trường. Bạn bảo đảm toàn bộ cơ sở vật chất cho công việc huấn luyện, đào tạo cán bộ, cử các cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu truyền đạt kinh nghiệm cho các học viên Việt Nam. Trong thời gian từ 1950 đến 1955 đã đào tạo được 10 ngàn cán bộ cho Quân đội, góp phần rất quan trọng cho thắng lợi Chiến dịch Điện Biện Phủ lịch sử. 
Tôi được gừi vào học tại Trường thiếu nhi Việt Nam  đóng tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây (1953-1958). Hơn 1000 học sinh Việt Nam được  sống, học tập trong điều kiện tốt nhất lúc đó để mai sau trở về xây dựng đất nước sau chiến tranh. Thời gian này đời sống của nhân dân Trung Quốc còn rất khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm.
Đó là 2 kỷ niệm lớn nhất của  tôi được chứng kiến, được thụ hưởng  sự giúp đỡ nhân dân Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam. Theo tôi, trong giai đoạn lịch sử này quan hệ hai nước gắn bó nhất, hầu như không có vấn đề bất đồng. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta coi Liên Xô,Trung Quốc là những người anh lớn trong gia đình các nước XHCN

2. Cha mẹ tôi có những người bạn Trung Quốc rất gắn bó từ trong kháng chiến chống Pháp khi họ cùng công tác tại chiến khu Việt Bắc. Đó là giáo sư Văn Trang và  ông Lương Phong cán bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Cả hai đều tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta từ 1946, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1950 theo yêu cầu của Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cử  ông  La Quý Ba ủy viên dự khuyết BCHTU ĐCSTQ sang Việt Nam làm Trưởng Đoàn cố vấn Trung Quốc bên cạnh Trung ương Đảng ta. Hai ông Văn Trang và Lương Phong được điều động về Đoàn cố vấn công tác. Cả hai là cán bộ phiên dịch, là nhân chứng lịch sử của sự phát triển quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau của hai nước Việt –Trung. Hai người nhiều lần đảm nhiệm công tác phiên dịch, phục vụ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Nhà nước ta  trong những lần làm việc với Chủ tịch Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng CSTQ. Sự nghiệp của họ gắn liền với sự phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung.
Sau khi Việt –Trung bình thường hóa quan hệ, tôi sang Bắc Kinh và tới thăm 2 ông sau 40 năm xa cách vào tháng 10-2001. Năm 2007 được gặp lại vợ chồng ông Lương Phong lần thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh, khi vợ chồng ông là khách mời sang thăm Việt Nam của Hội Việt-Trung hữu nghị thành phố. Tháng 12-2007, anh em chúng tôi tới thăm Bắc Kinh có đến thăm 2 ông. Vào tháng 5-2008, 2 ông tham gia đoàn 50 nhân sỹ  Trung Quốc  từng phục vụ Hồ Chủ tịch, sang Việt Nam dự kỷ niệm sinh nhật lần thứ 118 của Người.  
Tháng 1-2013, chúng tôi gặp lại ông Lương Phong tại thành phố Hồ Chí Minh khi ông là đại diện cho nhân dân Trung Quốc ủng hộ cuộc kháng chiếnchống Mỹ của nhân dân Việt Nam, nhân kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Pa-ri kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Trong các lần tiếp xúc, khi chúng tôi nói về cuộc chiến tranh Việt-Trung 1979, cả hai đều lấy làm rất tiếc cho mối quan hệ mà 2 ông trực tiếp tham gia vun đắp trong nhiều năm bị hủy hoại. Riêng ông Lương Phong có suy nghĩ, nếu thời điểm 1979  Thủ tướng Châu Ân Lai còn sống thì ông sẽ cố gắng không để dẫn đến chiến tranh. Với chúng tôi cũng không mong đợi hơn về quan điểm cá nhân về cuộc chiến 1979  của những người bạn Trung Quốc này. Còn về  vấn đề Biển Đông chúng tôi không có thời gian, điều kiện trao đổi riêng với họ.
Đối với sự kiện lịch sử Chiến thắng Điện Biên phủ của nhân dân, quân đội ta thì ông Văn Trang là 1 nhân chứng lịch sử. Vì Giáo sư Văn Trang là người phiên dịch cho ông La Quý Ba (Trưởng Đoàn  cố vấn Trung Quốc) trong cuộc họp với Bộ Chính trị BCHTU Đảng Lao động Việt Nam, để thông báo về quyết định chiến lược  này. Năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biện Phủ, giáo sư Văn Trang  tham gia Hôi thảo khoa học quốc tế  về Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Trịnh Châu, Trung Quốc. Ông đã bác bỏ  quan điểm sai trái  của một số nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc hạ thấp vai trò của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam trong việc quyết định chọn Tây Bắc - Điện Biên Phủ là quyết chiến điểm chiến lược vào tháng 8-1953. Ông cũng khẳng định: tư tưởng “chắc đánh chắc thắng” trong chiến dịch là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chứ không phải của cố vấn Trung Quốc.
Do yêu cầu của việc đào tạo,  năm 1967, ông Văn Trang được điều động về Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh dạy tiếng Việt. Ông góp phần đào tạo được nhiều sinh viên Khoa tiếng Việt, trong đó có Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Tp Hồ Chí Minh hiện nay - Trác Lôi Minh.


3- Sau cuộc chiến tranh  Biên giới1979, sau hơn 10 năm đối đầu, tới năm 1991 hai nước Việt-Trung đã tiến hành bình thường hóa quan hệ. Trong hơn 20 năm quan hệ Việt-Trung có nhiều thay đổi tích cực vì sự phát triển của hai dân tôc. Nhân dân hai nước đều vui mừng nhận thấy sự thay đổi tích cực này.
Hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc tồn tại một vấn đề chưa thể giài quyết một sớm, một chiều là vấn đề Biển Đông.
Tôi có một cách nhìn nhận rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng. Chúng ta sống trên mảnh đất do ông cha ta để lại, không thể chống con thuyền Việt Nam tách ra khỏi nước láng giềng Trung Quốc (về địa lý). Hiện nay, mai sau  cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc muốn phát triển bền vững  rất cần chung sống trong  môi trường  hòa bình, hữu nghị. Vì vậy mọi hành động phản ứng  cực đoan  kỳ thị Trung Quốc về phía người Việt Nam đều dẫn đến những kết quả không có lợi. Những vấn đề như trên cần được giải quyết từ  cấp độ quốc gia, bằng con đường thương lượng hòa bình, lâu dài, bền bỉ, dựa trên Luật pháp quốc tế về biển, không để xảy ra xung đột, không để dẫn đến chiến tranh.
Muốn thực hiện được như vậy, nhân dân ta phải đoàn kết một lòng xây dựng dất nước, xây dựng quân đội hùng mạnh, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Cá nhân tôi không tán thành cách hành xử mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của người Việt Nam và của người Trung Quốc nói về nhau, khi  hai nước có những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn.
Năm 2005, tôi có trao đổi với chị Cao Đức Khả, khi đó là Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Tp Hồ Chí Minh, rằng hai nước Việt-Trung nên ngồi lại với nhau trao đổi vế nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh, để mãi mãi về sau không để diễn ra sự kiện tương tự. Chị Cao Đức Khả đã im lặng.

4- Tôi rất tâm đắc khi đọc trên báo Thanh Niên ngày 17-2-2013 những suy nghĩ cũa Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, về những suy nghĩ của ông về cuộc chiến tranh Biên giới bùng nổ vào ngày 17-2-1979, chống lại  cuộc xâm lược của Trung Quốc. Suy nghĩ của ông  Lê Văn Cương là suy nghĩ của nhiều người Việt Nam yêu nước (trong đó có tôi), mong muốn sống trong hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, song phải tôn trọng lịch sử.
Tình hữu nghị của hai dân tộc phải dựa trên niềm tin. Cho dù trong hơn 20 năm qua,  sau khi bình thường hóa quan hệ quan hệ Việt-Trung đã có nhiều bước phát triển rất tích cực mang  lại lợi ích cho hai dân tộc. Theo tôi dân tộc Việt Nam, mỗi chúng ta phải ghi nhớ, phải  kỷ niệm  một cách xứng đáng ngày lịch sử này.
Chúng ta không  vì sự kiện này mà nuôi hận thù dân tộc cực đoan với Trung Quốc.
Việc giáo dục cho thanh niên, nhân dân  một cách khoa học về cuộc chiến tranh là điều cần thiết.

Trần Kháng Chiến
Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt-Trung Tp Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.