Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Tươi nguyên ký ức (Trần Việt Trung)

12 nhận xét:

  1. Mỗi lần đọc bài viết về bác Văn là chị lại rơi nước mắt vì tiếc thương bác con người vĩ đại, tài ba lỗi lạc mà lại rất giản dị tình cảm với mọi người.Chị lại nhớ đến cha mẹ lúc sinh thời cống hiến hết sức mình cho nước cho dân mà kg màng đến lợi ích cá nhân.
    Phúc

    Trả lờiXóa
  2. Bác Văn bất tử trong lòng dân tộc , trong lòng mỗi người gia đình Nhà 99. KC

    Trả lờiXóa
  3. Quan thế mới là Quan chứ !!!
    Lần thứ Hai, cuộc sống tinh thần của dân tộc Vietnam rung động vì sự ra đi của một Vị Quan của dân.
    Cụ thật gần gũi với gia đình ta . Là niềm tự hào và vinh dự cho Nhà 99 !!!
    Trung và Quốc cố gắng ghi những hình ảnh cuối cùng trên Đời của Cụ tại Quảng Bình !!! TTC

    Trả lờiXóa
  4. Cha Mẹ chúng ta có những người Đồng chí (cùng chí hướng) tuyệt vời !!!

    Tất cả những con người "lập ra nước Việt nam" đó, có chung một suy nghĩ, tính cách - mà hậu thế của họ không thể nào có được - đó là "chỉ vì dân, vì nước", không có một "vẩn đục - tư lợi". Vì thế Họ mới Vĩ đại: cả dân tộc kính trọng khi sống, bùi ngùi thương tiếc khi qua đời.

    Chúng ta thật là tự hào là con cháu của thế hệ đó !!! TTC

    Trả lờiXóa
  5. cháu convert lại bài cho những ai không đọc được:

    Thế rồi, ngày đó cũng đã đến. Ngày mùng 4 tháng 10 năm 2013, trên cuốn lịch của năm nay hay cuốn lịch vạn niên, đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng triệu nhật trình như bao ngày, nhưng người ta đều dừng lại và lưu lại thời gian cùng với cảm xúc hẫng hụt, mất mát khi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp – người ông, người bác, người cha, người anh của chúng ta đã mãi mãi ra đi, khi một người rồi nhiều người truyền cho nhau vội vã câu hỏi “ Bác Giáp mất rồi hả anh?” đầy hoài nghi, và chỉ mong nhận được câu trả lời “không, bác vẫn còn mà em”!


    Ðã lâu lắm rồi, người Việt Nam chúng ta bên cạnh những đau đớn, tổn thất riêng trong mỗi gia đình khi có người thân yêu vĩnh biệt lại cùng chịu đựng một nỗi buồn mất mát chung về lòng tự hào, sự ngưỡng mộ, niềm tôn kính.
    Biết rằng sẽ có một ngày bác Văn từ biệt chúng ta, chỉ không rõ là ngày nào, tháng nào, năm nào, tôi luôn nói với anh Hồng Nam và chị Hường – vợ anh: cố gắng giữ sức khỏe của ông cụ thật ổn định dù vẫn biết đây là một câu nói thừa, vì các anh chị và cô Hà luôn luôn ở bên bác suốt bao năm nay, nhưng ở cương vị người con, người cháu tôi vẫn cứ thốt ra câu nói đó, thực ra là để mình yên lòng.


    Trả lờiXóa
  6. Và những kỷ niệm dù rất ít về bác Văn cứ hiện lại trong tôi.
    Tình cảm dành cho gia đình của đồng chí
    Ðó là vào đầu năm 1967, khi cha tôi từ Trung Quốc về gấp để họp Trung ương Bộ Chính trị – Trung ương Ðảng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn khốc liệt khi Mỹ bắt đầu tăng cường lực lượng quân sự vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Những ngày họp bàn căng thẳng, nhiệm vụ nặng nề phân công rõ ràng cho tập thể, cá nhân, trách nhiệm đè nặng lên vai của mỗi người là một áp lực rất lớn, Cha tôi bị cảm đột ngột và bất ngờ ra đi mãi mãi vào ngày mùng 3 Tết – 11 tháng 2 năm 1967.
    Gia đình tôi trải qua một vực sâu của sự mất mát quá lớn, nhất là mẹ tôi khi phải sống tiếp với một đàn con tám đứa còn nhỏ dại không còn người chồng là chỗ dựa, chúng tôi cũng chứng kiến sự tiếc thương không kém của bác Hồ, bác Tôn, bác Văn và các bác, các chú trong Bộ Chính trị và Trung ương Ðảng khi mất đi một người đồng chí thân thiết. Tôi nhận thấy rất rõ: thế hệ cán bộ đầu tiên của sự nghiệp cách mạng này vô cùng gắn bó, thân thiết, quý trọng nhau như ruột thịt vì họ mang chung một dòng máu của những người lập nên một đại nghiệp vĩ đại, đã từng cùng bị tù tội giam cầm, đã từng dũng mãnh, trí tuệ giành chính quyền, đã từng gian khổ phân chia chiến trường mà giành từng thắng lợi để đi đến một đại thắng Ðiện Biên phủ lịch sử, rồi lúc này lại cùng nhau phân chia trách nhiệm, phân công nhiệm vụ trong cuộc chiến đánh Mỹ. Họ quen có nhau, cùng nhau, tin nhau, san sẻ với nhau. Thế nên, việc cha tôi đột ngột ra đi làm cho các bác, các chú buồn thương lắm.

    Trả lờiXóa
  7. Ba tháng liền mẹ tôi thức trắng đêm vì mất ngủ và đau đớn trong lòng. Thế là có một sự thống nhất nào đó rất “đặc biệt”, rất “riêng biệt” để từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, sau giờ làm việc là một người trong số bác Tôn, bác Văn, bác Ðồng, bác Hoàng Quốc Việt hoặc bác Trường Chinh qua nhà tôi, còn các cô, chú khác khi có thời gian cũng tranh thủ ghé qua, “lịch” này kéo dài trong khoảng 3 tháng liền.
    Tôi nhớ cứ thứ năm hay thứ sáu vào buổi chiều khi nghe tiếng bước chân chậm, chắc vang lên ở cầu thang gỗ là bác Văn cùng cô Hà vợ bác hiện ra ở cửa tầng hai. Câu đầu tiên bao giỡ cũng là: “hôm nay chị khỏe hơn chưa? đã ngủ được chưa?’ với giọng thân thiết ấm áp. Bác Văn ngồi xuống chiếc ghế bọc nỉ cạnh chiếc bàn nhỏ còn cô Hà ngồi xuống giường với mẹ tôi, hai chị em cầm tay nhau. “Dạ thưa anh, em cũng khuây khỏa dần anh ạ”. Mỗi lần đến như vậy ngắn nhất cũng là nửa giờ nếu bác Văn bận, còn thường kéo dài đến 1 tiếng. Chuyện bác nói với mẹ tôi nhiều lắm, những kỷ niệm thời kỳ ở Việt Bắc, thời kỳ sau 1954 khi cha tôi làm tổng Thanh tra quan đội, thời kỳ cha tôi làm ngoại giao. Ðó là những tình tiết rất chân tình, hóm hỉnh trong công việc xen lẫn sinh hoạt. mẹ tôi bao giờ cũng gọi bác Văn là anh và xưng em. Ðúng rồi! thế hệ cách mạng đầu tiên đó bên cạnh tình đồng chí cao cả thiêng liêng, bác Văn và các chú, bác còn có một tình cảm gắn bó ruột thịt và gọi nhau là anh em.

    Trả lờiXóa
  8. Rồi khi cái hẫng hụt của gia đình tôi đang vơi dần thì sự khắc nghiệt khác lại ập đến. Giáo sư Tôn Thất Tùng sau khi kiểm tra sức khỏe cho mẹ tôi đã nói ra sự thật: mẹ tôi bị ung thư ngực, kết luận mang tính định mệnh về số phận này làm cho mẹ tôi hết sức lo lắng. Ðược nghe báo cáo, các bác lại bàn bạc rồi quyết định. Hôm đó, bác Văn đến gặp mẹ tôi và nói: “Trung ương thu xếp cho cô sang Bắc Kinh chữa bệnh sớm, bên kia bác sỹ Trung Quốc có kinh nghiệm sẽ điều trị tốt và triệt để”, “Thưa anh, các anh lo cho em chu đáo quá, em chỉ lo nếu có chuyện không may xảy ra thì các con của em còn bé quá, em nhờ các anh chăm sóc cho các cháu đến tuổi trưởng thành” - mẹ tôi tâm sự. Bác Văn nhìn mẹ tôi yên lặng vừa để chia sẻ sự lo lắng của người em gái nếu chuyện bất trắc xảy ra, vừa để tìm câu an ủi đúng nhất cho một tình huống khó khăn, bác nói : “cô yên tâm, bệnh sẽ điều trị và sẽ khỏi còn các cháu sẽ được chăm sóc, dạy dỗ tốt nhất, con cái của anh Bình là con cái của Trung ương’’. Thế thôi, ngắn gọn thôi nhưng bác Văn khẳng định tiếp thêm nghị lực và sức mạnh để mẹ tôi vượt qua thử thách nghiệt ngã. Bác Văn, cô Hà, tất cả các cô, các bác, các chú của thế hệ đó là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tình cảm và ý chí cho mẹ tôi và chúng tôi.
    Ký ức về đồng chí:
    Từ cuối năm 1981 tôi hay qua 30 Hoàng Diệu để cùng anh Hồng Nam luyện tập vào các buổi chiều khi thu xếp được thời gian, đây cũng là lúc bác Văn thường dành thời gian đi bộ dạo quanh khu nhà nếu không có việc bận. Sau buổi tập, hai anh em hay ngồi nghỉ uống nước và trò chuyện cũng có khi cả giờ đồng hồ.
    Một lần, bác Văn dừng lại kéo ghế ngồi nói chuyện với hai anh em. Bác là một vị đại tướng vào sinh ra tử trên suốt chặng đường dài lịch sử của dân tộc nên tất nhiên bác cũng yêu thích võ thuật, coi võ thuật là một yếu tố hình thành dũng khí của một chiến binh. Hơn thế nữa, bác còn là một nhà tổ chức chiến lược quân sự đã vận dụng và sáng tạo rất nhiều những bài học kinh nghiệm từ kinh điển đến thực tiễn, quan sát, suy nghĩ để vận dụng những gì mới vào quân sự. Khi thấy anh Biên, anh Nam học môn võ này bác đã nhận xét: đánh gần và dính thế này là ta với đối phương hòa vào làm một, áp dụng sát với chiến thuật: “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”.
    Bác hỏi chuyện về sức khỏe của mẹ tôi, rồi khi thấy tôi là đứa con út của bạn mình đã trưởng thành thì bác nói: “ thế là mẹ cháu trot hết lo lắng rồi” một cách hóm hỉnh. Và rồi bác ôn lại những kỷ niệm với cha tôi lúc các cụ phải phân chia công việc theo sự chỉ đạo của bác Hồ, từ lúc cha tôi nhận nhiệm vụ gấp tiếp nhận trường sỹ quan quân chính kháng Nhật, rồi trường võ bị Trần Quốc Tuấn và trường sỹ quan lục quân; khi bác là bí thư thì cha tôi là phó bí thư quân ủy trung ương; vụ xét xử Trần Dụ Châu mà cha tôi và bác Chu Văn Tấn thay mặt chính phủ quân đội thực hiện, vụ H122 giải oan cho các cán bộ bị bắt nhầm… tôi rất thích thú và chăm chú lắng nghe cố khắc lại thật sâu vào lòng kỷ niệm về cha mình do vị đại tướng kính yêu đang ôn lại. Bác Văn ngồi đó mắt nhìn xa vời như đang chầm chậm dỡ từng trang ký ức về một cán bộ quân đội đã cùng làm việc với mình hơn 35 năm trước. Khi hồi tưởng lại những giờ phút đó, tôi rất khâm phục về trí nhớ và độ chính xác của từng sự kiện, vì cả cuộc đời bác Văn đã cùng làm việc với hàng trăm, hàng ngàn cán bộ làm sao bác có thể nhớ kỹ về kỷ niệm của một nhân vật đến thế. Nhưng không phải, tôi đã suy luận ở một tầm rất thấp, ở mức bình thường! ở giai đoạn đó, những cán bộ cấp cao đó, trực diện với những thử thách đó, công việc của một cán bộ là của một tập thể, công việc của cha tôi cũng là của bác Văn, thách thức của hoàn cảnh đối với từng người cũng chính là thử thách đối với cả tập thể. Minh bạch, kề vai sát cánh, cùng chia sẻ thách thức và phải thành công. Thế nên, đó cũng là những sự kiện mà bác Văn giải quyết, khi người ta cùng nhau hành động sẽ ghi nhớ rất lâu.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi đã hiểu những nhân cách lớn, có thừa niềm tin vào đồng chí mình và kỷ niệm của đồng chí sẽ theo mình mãi mãi, vượt qua thời gian.
    Một lần khám bệnh:
    Anh Hồng Nam cũng theo sát từng bước trên chặng đường tôi đi qua và thân thiết với tôi như thủa nào. Một lần anh bảo tôi qua xem mạch cho bác Văn và cô Hà. Cô Hà đang đau lưng không đi lại được, tôi thăm mạch và chẩn đoán là giãn dây chằng sống lưng, bệnh này trị không khó.
    Bác Văn đang khỏe, không biểu hiện gì ốm đau. Khi thăm mạch xong tôi chỉ nói: “bác ạ, sức khỏe của bác đang ổn định, chỉ có hơi nhiệt ở hạ tiêu thôi”. Nhưng bác hỏi ngay: “sao cháu biết, cháu căn cứ vào điều gì?”. Ôi, với lương y cái này không khó, nhưng nói sao để bác Văn hiểu được chuyên môn về đông y mới khó. Tôi nói: “dạ, xích bộ của bác mạch hồng đới xác ạ”. Bác lắng nghe, nhìn thẳng vào mắt tôi vừa để nắm lại điều tôi diễn đạt, vừa để suy nghĩ về kiến thức của một lương y trẻ trước mặt. Anh Nam rất hiểu ba mình nên nói: “mai Trung cắt thuốc để mình đun cho hai cụ” rồi nói tôi xuống nhà nói chuyện.
    Việc cắt thuốc, sắc thuốc, uống thuốc đều thực hiện đúng như tôi đã hướng dẫn. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ là: với một vị tướng uyên bác rất nhiều lĩnh vực làm sao bác Văn lại hiểu điều tôi trình bày về mạch tượng của đông y?. Tôi lại thiếu hiểu biết mất rồi! Bác Văn đã sinh ra trong chiếc nôi nho học mà Nho – Y thì gần nhau lắm, bác chỉ cần hỏi và nghe tôi trả lời là cái trân cái giả lộ rõ ngay.
    Hôm nay, tôi lại đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, nhưng không phải để luyện tập với anh Nam, không phải để thăm bác Văn, cô Hà mà để cùng gia đình và các học trò của tôi dành giây phút nhìn thấy linh ảnh của bác Văn tại ngôi nhà lịch sử đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử cùng với những nhân vật lịch sử. Tôi nắm lấy tay anh Nam và Hường để được san sẻ bớt đau buồn mà 46 năm trước gia đình tôi cũng chịu tổn thất này.
    Chúng tôi là người dân nước Việt đang chuyển động thành một hàng dài hun hút với bước chân chầm chậm để vĩnh biệt một vị anh hùng dân tộc Việt Nam xuất sắc – bác Văn. Vị anh hùng hiếm có trong lịch sử khi cuộc đời đã đạt đủ Phúc – Lộc – Thọ.

    Trả lờiXóa
  10. Chi da doc va thay rat hay.
    Tu hom bac mat, moi khi xem TV thay dong nguoi den vieng bac chi lai thay buon qua, nuoc mat cu tuon ra, chi rat muon ra HN de den vieng bac ma khong di duoc.
    Trung ,Loi, Quoc chac da thay mat dai gia dinh 99 den vieng huong hon bac.Nghe noi Quoc vao tan Quang binh tien dua bac . Nhu vay gia dinh minh co vinh du lam.

    Chi lai nho khi cha mat ,Bac Ho den tien dua cha o Cau lac bo Quan doi,Bac chây nuoc mat roi om me, chi ,Chien tran ngap tinh cam thuong yeu.
    Ngay chien tranh pha hoai , Bac Ton en tham me bao cho chau Truong Son den nha bac co ham tru an bao dam tot hon, bac om chau Son yeu lam. Me ,chi va chau Son den bac xuong ham tru an cua bac khi chien tranh ac liet nhat.
    Hoi anh chi lam dam cuoi bac Hoang quoc Viet va bac gai den tan nha dua den hoi truong co quan chi ( noi to chua dam cuoi).Bac Viet va bac
    Ly Ban du ca buoi to chuc.

    Ngay nay tinh cam cua moi nguoi doi voi nhau da khac roi !!!
    Mong chi em minh khong nhu vay.
    Chi Hong

    Trả lờiXóa
  11. Rất cảm động khi đọc bài viếtcùa Trung về quan hệ của Bác văn và cha,mẹ
    Nhớ lại khi anh học lớp 6,gia đình đang ở 38 Trần Phú, Mẹ cô Tâm và Việt Trung đangở Bỗ túc công nông,cha công tác tại Bắc Kinh.Bác Văn đến thăm gia đình chú Đỗ Đức Kiên ,mới học ở Liên Xô về, chú và cô Thuỳ mới xây dựng gia đình ,mới dọn về Nhà 38 .Bác Văn sau khi tham nhà chú Kiên rẽ xuống tầng một thăm nhà ta.Sự xuất hiện của Đại tướng rất đột ngột ,chỉ có mấy chị em ở nhà.Bác hỏi thăm gia đình,hỏi việc học tập của từng đứa,Bác và cô Hà được chị Hồng ,và anh giới thiệu các bức ảnh cha trong công tác ngoại giao ở Trung Quốc ,Mông Cổ, Bác xem các ảnh cha trình quốc thư lên Mao Chủ Tịch,lên Chủ tịch quốc hội Mông Cổ Sambu.Bác nhắc các cháu phải cố gắng học cho giỏi,không phụ lòng cha,mẹ.Kỷ niệm ấy khắc sâu trong tâm trí anh.
    Theo anh chỉ có những người bạn thân thiết ,gắn bó mới quan tâm đến gia đình ,con cái bạn mình như vậy. KC

    Trả lờiXóa
  12. Bài viết thật giản dị ,xúc tích và ấm áp. Thấm đẫm tình người , tình anh em. Đã từ lâu lắm rồi tôi thấy cha tôi làm chính trị khoảng năm 75-76 đến nay , tôi chỉ thấy cái tình đồng chí mà không có tình anh em. H kều

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.