Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Cái duyên với Đạo

Cha Thủy (áo đen, ngồi cạnh Trung) được giới thiệu với gia đình.
Bữa cơm thân tình.


Vì ông nội Phạm Văn Cống từng được tuyển làm lính thợ, bị đẩy sang Pháp nên mới có chút tiền dắt lưng gửi về nhà. Có tiền, bà nội xin cho cha Bình đi học và từng là học sinh Trường Dòng Hoàng Nguyên (ở xứ Hà Đông, thuộc Giáo phận Hà Nội). Nhưng vì tham gia phong trào cả nước ủng hộ 2 cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh những năm 1926, 27 mà cha bị Nhà thờ đuổi học và gia đình bị "rút phép thông công". Ông bà nội phải bỏ quê hương, tha phương cầu thực, đi làm thuê làm mướn cho các nhà thờ. "Một gánh bên nồi bên con, nay đông mai bắc...", từng lên tận Nhà thờ Hưng Hóa làm công... Hàng chục năm sau ngày hòa bình 1954, ông bà nội vẫn phải chịu nỗi khổ của con chiên bị "rút phép thông công", không dám đến nhà thờ làm lễ (hoặc có đi thì cũng chỉ dám đứng từ xa nghe giảng đạo). Gần như nhà ta chả còn ai theo Đạo.






Từ trái: Cha Được, Trung, Minh, Cha Thủy (áo đen).
Cha mất 1967, cả nước có chiến tranh. Phải 8 năm sau, đến 30/4/1975, tiếng súng mới tạm ngưng; rồi 1979 bắt đầu chiến tranh biên giới... anh em ta gần như chả có liên hệ gì với quê nội. Tết nhất năm nào cũng chỉ về Ân Thi, Hưng Yên thăm ông bà nội cùng gia đình cô Hiền (em ruột cha). Rồi ông bà nội chết tại đây.
Sau ngày mẹ mất, tháng 8/1993, anh em ta về Tiêu Thượng cảm ơn bà con quê nhà đã lên viếng và tiễn đưa bà. Đứng trước "mảnh đất cắm dùi" rộng chừng 15-16m2 của cha mà tự thấy phải có trách nhiệm gắn bó hơn với Tiêu Thượng. Từ đó với quê hương, với Nhà thờ Tiêu Thượng anh em ta đã xây dựng được quan hệ tình cảm thân thiết, trách nhiệm.
Chúng ta đã về Tiêu Thượng xây dựng Nhà tưởng niệm cho cha và nhà văn hóa cho thôn. Khi Nhà thờ vận động giáo dân đóng góp xây dựng lại nhà thờ, ngoài việc đóng góp tiền bạc, Việt Trung còn giúp Nhà thờ xác định lại tên tuổi của các cha được chôn cất dưới nền nhà thờ cũ, phát hiện khi tháo dỡ. Vinh dự hơn khi xong phần thô, gia đình ta được Nhà thờ ưu ái dành quyền tiến bộ cửa chính - nơi đón sinh linh mới ra đời tới Nhà thờ đặt tên Thánh và cũng là nơi đưa giáo dân lên Thiên đàng với Chúa. Sau đó anh em ta cùng bà con góp công quả xây dựng con đường chính của thôn mang tên Thánh Tướng, xây dựng thư viện, xây dựng quỹ khuyến học... Những việc làm này được bà con giáo dân, nhất là Nhà thờ đánh giá cao: "Con cháu Phê-rô Phạm Văn Phu - Thiếu tướng Trần Tử Bình đã biết sống và làm trọn bổn phận như của những người có Đạo".
Thôn Tiêu Thượng có Cha Được học hành tấn tới, sau đó được giao cai quản nhà thờ ở Phùng. Cha từng về làm chủ lễ "cấp lại phép thông công cho giáo dân Phạm Văn Phu". Ngày 21/3/2013, Cha Được có lời mời Cha Thủy (ở Tòa Giám mục Hà Nội) về nhà Việt Trung ăn bữa cơm đầu năm. Hữu Nghị ra công tác cùng tiếp khách. Chuyện trò thân tình. Các cha rất quý tấm lòng và sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực của các con cụ Bình.
Tháng 10 vừa qua, Cha Được mời Cha Thủy về làm lễ hoàn thành việc xây dựng Nhà thờ Tiêu Thượng. Cha Thủy đã đánh xe đến đón 2 anh em Quốc, Trung cùng về. Dọc đường và cả khi về tới Tiêu Thượng, thầy trò tâm đắc trao đổi nhiều vấn đề.
Ấy cũng là cái duyên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.