Quãng 3g chiều nay đang ở Sở Thượng thì có điện thoại chú Huy Văn (Kim Sơn). Giọng chú run run: "Năm ngoái sau khi gặp anh tại họp mặt lính Thông tin tại TPHCM, tôi còn có chuyến về lại chiến trường xưa Tây Nguyên, rồi vòng xuống Vũng Tàu... nhưng phải về sớm vì ốm. Năm rồi phải vào viện mổ 3 lần vì u lành trực tràng, dính ruột... Tháng 12 ra viện, ổn rồi".
Cha mẹ chú là cơ sở cách mạng của các cụ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Tuân... trên Tam Đảo. Hai anh em: Kim Sơn, Mai Sơn đều theo cách mạng. Chú có nhiều kỉ niệm với bác Văn, bác Chu Văn Tấn, với ông Trần Tử Bình...
+
Năm 2003 tại đám tang cụ Trần Độ, trong không khí cực kì căng thẳng, chú tin tưởng đưa tôi bài viết về cụ. Sau này tôi chuyển cho anh Trần Thắng và Trần Quang. Bài viết này sau được Quang đưa vào 'Trần Độ Tác phẩm'. Chú kể có đọc được trên mạng nhưng sau "bị dỡ". Tôi giải thích không phải, do bài cũ đã bị chuyển về sau thôi.
Chú bảo, sau đám tang, có "cán bộ cỡ" xuống giải thích với cán bộ cao cấp đã về hưu ở khu 34 Trần Phú về đám tang Trung tướng Trần Độ. Anh ta thanh minh, BCT phải họp kĩ đến 3 lần... Nhưng chú đã đứng lên: "Xin nói để anh biết, không BCT nào bằng lòng dân. Dân mà nói thì đúng. Họ dám vỗ tay trong đám tang cụ Độ vì họ yêu quý, kính trọng công lao, đức độ của cụ Độ". Rồi chú Đỗ Đức cũng phát biểu: "Các anh đã làm sai với truyền thống dân tộc "Nghĩa tử là nghĩa tận", nhất là với người đã vào sinh ra tử như anh Độ...".
+
Tại tang lễ chú Hoàng Minh Phương, anh em tôi thấy 3 vòng hoa lớn, rất trang trọng của Văn phòng Đại tướng, gia đình Đại tướng và của chú Kim Văn. Kể lại chuyện này, chú bảo có biết và khen: chú Phương là thư kí thân cận của bác Văn.
+
Hai anh em tôi, năm 2010, đã tham gia tổ chức thành công Lễ tưởng niệm Đại tướng Chu Văn Tấn tại Bảo tàng Cách mạng. Hôm đó chú Huy Văn cũng có mặt. Chú, cháu hể hả vì đã làm được việc nghĩa.
Sau đó chú có về dự kỉ niệm 70 năm Du kích Bắc Sơn (1941-2011). Vì nhiều lí do, nhiều người không dám viết và phát biểu. Anh em địa phương đã mời chú. Chú chuẩn bị và nhân danh Chiến sĩ Việt Bắc có bài tham luận đánh giá đúng công lao của cụ Chu Văn Tấn. Cuối cùng, chú kết luận: "Đ/c Chu Văn Tấn không hề có tội với nhân dân, đất nước. Nếu có thì tội đó là đã sớm đi theo Đảng, đã sớm theo Cụ Hồ, đã sớm tham gia xây dựng lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng - Đội du kích Bắc Sơn. Đó là những gì anh Văn đã nói về anh Tấn". Vừa dứt lời, mọi người vỗ tay nhiệt liệt.
Chu Thành ngồi dưới đã không kìm được nước mắt, bước lên ôm lấy chú cảm ơn. Anh em địa phương cảm động vì lần đầu tiên mới biết được nhiều sự thật về cuộc đời của cụ Tấn. (Sau đó có tay làm khá lớn, nghe vụ này, đã phán: Còn nhiều vấn đề về cụ Tấn cần phải xem xét nghiêm túc). "Nhưng tay này sau có ra gì, toàn làm bậy, nay không dám vác mặt ra đường!", chú bảo.
+
Chú nhớ lại: "Chiến dịch Thu đông 1947, được theo cha cháu ra Mặt trận sông Lô. Chú được trực tiếp xem cha cháu chỉ huy vụ ngắm trực tiếp qua nòng pháo, bắn tàu chiến Pháp. Nhờ đó mà ta bẻ gãy gọng kìm phía tây tấn công lên Việt Bắc của địch.
Sau Thu đông 1947, cha cháu là Phó bí thư Quân ủy TW, là thiếu tướng. Tại Đại hội Đảng Khu 10, chú là thiếu sinh quân Khu 10 được cử đi phục vụ. Về đêm, trời lạnh lắm, phải đốt đống lửa lớn giữa nhà để sưởi. Cha cháu bình dị, không quan cách, chả phân biệt trên - dưới mà nói với chú: "Em lên đây nằm với anh cho ấm" rồi ôm chú vào lòng.
Cả đêm trò chuyện râm ran. Có người kêu ca đi đánh nhau toàn đi bộ nên mệt mỏi, đau chỗ nọ đau chỗ kia... Nghe xong, cha cháu không phê phán mà kể chuyện vui: "Tôi là giáo dân, từng đi tu, từng là thầy tu đi giảng đạo. Ngày đó từng được nghe lời khuyên: đau cái gì mà ăn cái nấy sẽ khỏi. Đau tim thì chén tim, đau gan - chén gan, đau chân - ăn chân... Còn ai đau chim thì...". Nghe tới đây, mọi người vỗ tay ầm ầm cả lán.
+
Thế hệ cán bộ cao cấp ngày xưa tài giỏi, giản dị, trong sáng, gần gũi, thực sự là tấm gương cho cán bộ, chiến sĩ. Còn nay...
Chú, cháu chúc nhau 1 năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, dám dũng cảm bảo vệ sự thật.
Nơi lưu giữ những kỉ niệm của ông bà, cha mẹ, tới thế hệ con, cháu... và của từng gia đình nhỏ; Nơi trao đổi tâm tư, tình cảm, gìn giữ nề nếp, gia phong, truyền thống tốt đẹp của cha mẹ, gia đình.
Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Ngay cả đám tang của Võ Đại tướng, có cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của ai, chỉ từ lòng dân mà họ đã làm được tất cả. Nếu ai không biết dựa vào dân thì...
Trả lờiXóa