Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

ĐẠO NGHĨA Ở ĐỜI


Câu chuyện kể lại từ một bức ảnh:
Cầm cuốn truyện “Quyền sư” của tác giả Trần Việt Trung do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, giở đến phần phụ lục “những hình ảnh tư liệu” tại mục “Học phái Dưỡng Sinh Nhu Quyền” – DSNQ, mọi người có thể nhìn thấy tấm ảnh đầu tiên có ghi: “Thày Ngô Sỹ Quý cùng các võ sinh học phái Dưỡng Sinh Nhu Quyền (cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô – 1988).
Ta cũng sẽ gặp được bức ảnh này trên một vài trang mạng do những anh em thân thiết của học phái NSNQ lập ra để đàm luận, trao đổi.
Vậy xuất xứ của bức ảnh này từ đâu? vẫn biết rằng sinh thời thày Ngô Sỹ Quý rất kín đáo, sống khép mình, ít xuất hiện chỗ đông người, nơi hội hè, chỗ ồn ào tụ hội…thì vì sao bức ảnh này lại được lưu lại? Mỗi con người trên hành tinh này cứ giả định rằng cả cuộc đời sẽ có khoảng 30 bức ảnh thì với hơn 7 tỷ người hiện tại sẽ có hơn 210 tỷ bức ảnh! Vậy là có những bức ảnh vừa được sinh ra thì đã chết đi ngay nếu chúng không được giở lại xem, ngược lại có những bức ảnh đã sống hàng chục thậm chí hàng trăm năm và còn sống tiếp vì cuộc đời này vẫn cần sự có mặt của những “nhân chứng” đó.


Vào năm 1987, khi cả nước Việt Nam đang ở đúng điểm thấp nhất của đồ thị hình “sin” kinh tế, khi mà chính phủ phải cùng Nhà nước quyết định đổi tiền để 1 đồng tiền mới = 10 đồng tiền cũ mà thực chất là cố cứu lại không để nền kinh tế sụp đổ! Đời sống của xã hội ngột ngạt khó khăn, đồng lương chỉ còn là danh nghĩa! Thày Quý lúc đó cũng chỉ sống bằng đồng lương hưu còm cõi và đột nhiên phát căn bệnh: tắc tĩnh mạch ở chi dưới phải vào viện Việt Đức để mổ ngay, nếu không các khớp xương có thể lần lượt bị hoại tử mà tháo bỏ. Nhà thì neo người, ít cháu, việc lo toan và cắt cử trực trong viện thế nào đây? Người Việt mình khi trong nhà có người lâm trọng bệnh phải vào viện thì chỉ biết cắt cử các thành viên trông nom chứ còn biết trông đợi vào đâu?
Không, chính tại thời điểm gấp gáp đó, trong hoàn cảnh khó khăn bày ra thách đố này, sự hiện diện của Đạo nghĩa thày trò muôn đời lại như con thuyền hiện ra trong dòng đời, để thày trò cùng vượt qua sự trêu ngươi ở cung bậc “Bệnh” trong hành trình Sinh – Lão - Bệnh - Tử mà thày đang trực diện. Anh Trung – sau này là tác giả cuốn “Quyền sư” đã tập hợp nhóm võ sinh của mình và một hai huynh đệ cùng với cháu của thày Quý cắt đặt lịch trực trông thày Quý suốt thời gian thày nằm viện. Người lo việc mổ, anh em cắt cử trông nom hai người một ca, chị Loan trông nhà lo nấu nướng cho thày: hết sức gọn gàng ổn thỏa.
Giây phút thày Quý mở mắt ra khi nằm trên giường ở khu hậu phẫu cũng là lúc anh Trung đang đứng đó chờ đợi, anh nở một nụ cười trong đôi mắt đẫm lệ đầy niềm vui, thày Quý vẫy bàn tay để anh cầm tay thày cho ấm chặt và hai thày trò nhìn nhau, ngôn ngữ đã lùi lại nhường thời gian cho ánh mắt thâm giao, sâu thẳm…
Rồi thày ra viện, sống thêm 10 mùa xuân nữa, cơ thể lành lặn, tinh thần tươi vui. Bức ảnh cụ thể nữa có 4 người ghi lại giây phút đầu xuân 1988 thày Quý cảm ơn anh em Học phái Dưỡng Sinh Nhu Quyền đã chăm sóc đỡ đần thày chu đáo trong những ngày nằm viện cùng với bức ảnh đầu rất tình cờ và trùng hợp chính lại là sự xuất hiện và xác nhận của của thày Quý cho sự ra đời của Học phái Dưỡng Sinh Nhu Quyền gắn liền với tình cảm đạo nghĩa thày trò vô giá.
Đoản khúc tình nghĩa lặp lại:
Bẵng đi và có lẽ chẳng ai còn nhớ đến việc thày Quý vào nằm viện thuở nọ vì thày cũng đã từ biệt thế gian này được 17 năm rồi, mọi chuyện chỉ là dĩ vãng đã được thời gian vùi đắp trong yên lặng. Nhưng đôi khi người ta hay nhìn ra sự “tương đồng” hay chuyện “lặp lại” của những nhân vật gần gũi với nhau.
Những ngày hè nóng như đổ lửa kéo dài lê thê của năm Giáp Ngọ này cũng làm cho ta người mệt mỏi mà dễ sinh ra tật bệnh. Bị một cơn đau bụng kéo dài, ông Trung tiên lượng cần phải kiểm tra sớm sức khỏe để tránh những điều đáng tiếc không nên có. Đích thân cậu học trò ở khoa tiêu hóa bệnh viện Bạch Mai soi cho ông, cậu ta không nói gì mà chỉ điện thoại trao đổi với người trưởng tràng và một sư huynh. Họ quyết định: đưa ông Trung vào bệnh viện Việt Đức làm thủ tục để mổ càng sớm càng tốt, ông đang bị viêm ruột thừa cấp, khối áp-xe to có thể bục ra bất cứ lúc nào và sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Chờ mãi từ 9 giờ sáng đến 14 giờ chiều vẫn không có giường mổ ở khoa cấp cứu, bệnh nhân đông quá! cứ 15 phút trôi đi là cấp độ xấu lại tăng lên, cậu trưởng tràng và các huynh đệ quyết định: “đưa thày về bệnh viện Hồng Ngọc, mời bác sỹ mổ từ bệnh viện Việt Đức sang”.
Thế rồi ca mổ được thực hiện theo đúng dự định vào 16 giờ ngày 28 tháng 5 năm 2014, kéo dài gần 2 giờ, đến 20 giờ thì ông Trung tỉnh lại và được đưa về phòng điều trị, ông chỉ nhớ có khoảng gần 20 khuôn mặt của các học trò đang nhìn ông vui cười khích lệ.
Cũng như người thày của mình cách đây 17 năm, ông Trung được các học trò cất cử nhau chăm sóc suốt ngày đêm cho đến khi được ra viện.
Điều đáng suy ngẫm trong cuộc sống:
Sau đây là bức thư của con gái ông Trung gửi cho các chú, các anh:
“Các chú, các anh yêu quý:
Vừa qua, gia đình cháu có việc, ba Trung phải nhập viện mổ ruột thừa, cùng lúc mẹ Minh lại bị ốm. Có ba cô con gái nhưng đến khi ba mẹ ốm lại không có cô nào ở nhà để chăm sóc ba mẹ. Phụng dưỡng ba mẹ đầu tiên là trách nhiệm của các con, đặc biệt cần thiết trong những lúc nhà có việc như thế này. Là con lớn trong gia đình, cháu tự thấy trong lòng rất áy náy. Nói chuyện điện thoại với mẹ, cháu biết các chú, các anh đã thay chúng cháu chăm sóc ba Trung rất chu đáo. Đây không chỉ là tình cảm mà còn là may mắn lớn đối với ba chị em cháu.
Nhân dịp này, cháu xin thay mặt gia đình, đặc biệt là ba chị em, chân thành cảm ơn các chú, các anh đã thay chúng cháu và người nhà ngày đêm túc trực cận kề chăm sóc ba Trung chu đáo.
Cháu xin nhờ chú Tuấn, chú Việt và các anh gửi lời cảm ơn này tới các chú, các anh còn lại do cháu không có đủ FB của mọi người. Cháu xin chúc các chú, các anh cùng gia đình dồi dào sức khỏe, thật nhiều lợi nhuận trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống.
Cháu Phương”
Và trả lời của anh em huynh đệ:
“Đây là tình cảm và cũng là cơ hội để những người học trò bày tỏ tình cảm với người thày mà mình đã mang ơn từ lâu và vô cùng kính trọng, Phương ạ! Chú sẽ chuyển lời của cháu tới các chú và anh chị em trong học phái.”
Chúng ta cần đặt ra câu hỏi: “Vì sao ông Trung và các học trò của mình có thể chăm sóc tận tình người thày Ngô Sỹ Quý một cách tự nhiên theo lễ nghĩa như thế? Vì sao học trò của ông Trung có thể ra quyết định và thực hiện mọi chuyện đối với thày mình nhanh gọn đầy trách nhiệm, tình cảm như thế?” điều mà giữa thày và trò trong cuộc sống hôm nay hầu như ít gặp, ít chứng kiến và cũng ít nghe thấy!
Đó là vì: Đạo nghĩa thày trò. Người thày phải biết sống gương mẫu và tận tâm xây dựng cho học trò thì học trò sẽ luôn luôn yêu quý thày theo đúng lễ nghĩa ngàn xưa: “Sư thân hữu sự, đệ tử phục kỳ lao” – thày mà có việc thì học trò sẽ tận lực.



Minh Lan Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.