Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Người đàn ông lặng lẽ ngồi viết về Quyền Sư bên cạnh mộc nhân

Hà Nội hội nhập quốc tế sâu rộng, ồn ã, náo nhiệt, nườm nượp dòng người xe. Những phố cũ, nhà xưa, những con đường xuyên thế kỷ, vắt qua vài cơ chế đang vật vã gồng mình để kịp với đà tăng đột ngột của mật độ dân số, của phương tiện và trang thiết bị phục vụ cho cuộc mưu sinh mới, tại thời điểm mà xã hội đang vừa phát triển vừa phân vân theo khái niệm “thế giới phẳng”.

Dấu ấn hội nhập khó cưỡng đè lên đô thị trước, nông thôn sau, văn hóa - giáo dục trước, giao thông - kiến trúc sau. Nhiều cái mới không mời cũng đã len lỏi vào chuyện bếp núc, củi lửa của tùng gia đinh, vốn trước đó đã tạo được cái nếp.
Những tinh hoa, những vốn quý văn hóa nếu không được cân nhắc, tính toán giữ gìn đúng mức sẽ mất dần theo thời gian.


Ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở “hai trong một” có từ thời Pháp thuộc đã đổi thay nhiều, từ tên gọi đến kiến trúc. Hàng rào bao cũ đã được dỡ bỏ, thay vào là dãy nhà ba tầng hình ống mọc lên, tựa hồ chèn nét gãy vào mạch kiến trúc xưa - nay. Phòng học nhiều hơn, sân trường co lại, lọt thỏm giữa bốn bề nhà quây, hết gió đi về, kín như tu viện.

Bế giảng, cổng trường học sinh tấp nập đi vào chạy ra, khuôn mặt trộn rộn hân hoan pha lo âu ngơ ngác. Trước cổng trường, phụ huynh, ông bà chờ đón con cháu tan trường, người đứng, kẻ ngồi, cố thu mình vào bóng râm ít ỏi dưới những tán lá thưa hòng trốn nắng. Loa trường oang oang tiếng bà hiệu trưởng báo cáo tổng kết thành tích và đôi lời dặn dò chia tay các trò, rồi bài hát “…cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con…” vang lên như là tuyên bố bàn giao trách nhiệm quản lý học sinh mấy tháng hè cho phụ huynh.

Dẫu xã hội có những đổi thay, nhưng quy luật tạo hoá muôn đời vẫn thế. Tiếng ve rả rích kéo Hà Nội vào hè chói chang, những chùm hoa phượng đỏ bắt đầu rực rỡ, những cây bằng lăng tím một góc trời, những đám mây đơn lẻ lang thang chốc lát trên nền trời đầy nắng, mặt đất như phả hơi bốc khói lên trên, những tán lá cây cao lim dim, ủ rũ, toát mồ hôi. Cơn mưa rào mùa hạ chợt đến, xối xả trút nước ngập đường, người xe bì bõm lội, rồi cơn mua lại chợt đi.

Đêm về, cái oi nóng , sự náo nhiệt ồn ã nguôi dần, phố phường như chìm vào giấc ngủ hồi sức. Trên một con phố nhỏ xa trung tâm, gần mạn Công viên Yên Sở, ở đó đôi khi vẫn còn vọng tiếng chuông khẽ đổ từ nhà thờ giáo sứ Làng Tám. Trong ngôi nhà có vườn cây và ao cá, được xây mới chừng dăm năm đổ lại, tại một căn phòng thoáng mát, ngập khí trời, có một người đàn ông trạc ngoài ngũ tuần, tóc đã điểm sương đang lặng lẽ ngồi bên chiếc bàn kê gần mộc nhân. Anh đang cặm cụi viết dưới ánh sáng hắt xuồng từ cái chao đèn. Sau lưng anh là cửa sổ mở ra khu vườn vang vang hòa âm của lũ côn trùng đêm. Tường bên phải bàn viết treo tấm phù điêu ghi dòng chữ “Dưỡng sinh nhu quyền”, phía trên hàng chữ là biểu tượng con hạc và con rắn quây lấy vòng tròn âm dương. Chêch chếch góc tường phía bên trái là mộc nhân, hai tay hai chân luôn ở tư thế giơ lên như thể mời gọi thách đấu. Tường trước bàn viết treo chân dung một người đàn ông trong sắc phục cấp tướng, dưới chân dung ghi hàng chữ “thân phụ TrầnTử Bình(1907-1967)”. Bên trái là chân dung một người đàn ông có tuổi, đeo cặp kính dày, mắt nhìn thẳng, khuôn mặt thanh thản, dưới chân dung là hàng chữ “ Sư phụ Ngô Sỹ Quý ( 1922-1997)”.

Người đàn ông bỗng ngừng viết, đầu ngửng dần lên, tay với bao thuốc ở mép bàn, rút ra một điếu, châm lửa rồi rít một hơi dài khoan khoái. Khói phả ra theo vòng tròn lên cao, dần vỡ và biến mất. Khuân mặt bỗng lộ nét trung niên từng trải, rắn rỏi, kiên nghị, thông thái, khoan thai.

Vài tháng trước, cuốn sách “Quyền sư” của anh ra mắt bạn đọc, được hoan nghênh nhiệt tình, làm xôn xao cả văn đàn và võ đàn. Hoan hỉ nhất có lẽ là đông đảo học trò được anh truyền dạy võ và cả những người đã được anh cứu giúp lúc bệnh tật, ốm đau. Họ tự hào về anh bởi lẽ có nhiều người biết võ nhưng không viết được, những người viết được nhưng chưa hiểu hết võ nên viết không hay, những người viết được và hiểu võ nhưng lại không dám viết. Trên hết, qua cuốn sách, độc giả nhận ra anh là một “truyền nhân” nguyên bản của danh sư Ngô Sỹ Quý.

Ở độ tuổi anh, hiểu biết và tinh thông cả y học và võ học chẳng mấy người. Anh đến với võ là bởi cái duyên và cái duyên lại thường tới với những người hội đủ điều kiện để học võ là: tính, tình, tài. Năm 1982 duyên tới, anh được danh sư Ngô Sỹ Quý tận tình truyền dạy Vịnh Xuân Quyền cho đến khi ông mất năm 1997. Từ đó, trách nhiệm gìn giữ và phát triển học phái “ Dưỡng sinh nhu quyền “ dồn lên vai anh.

Trong một lần tìm thầy, tìm thuốc cho vợ bị viêm đại tràng lâu năm, anh đã gặp một danh y, người đó chính là cụ Tích - hội trưởng Hội y học cổ truyền Việt Nam. Vốn tinh đời, sau vài lần gặp, cụ nhận ra ở anh có gì đó đặc biệt. Như duyên trời định, không lâu sau cụ Tích nhận anh làm học trò. Với lòng kính thầy, ham học, thầy trò lại hợp tính nhau, cụ Tích coi anh như đệ tử ruột. Đã hơn chục năm nay anh kê đơn, bốc thuốc trị bệnh giúp nhiều người.

Từ nhỏ khi còn đi học, không những học giỏi mà tầm vóc anh luôn nổi trội hơn đám bạn đồng trang lứa. Khi bạn bè bị bọn xấu bắt nạt, ức hiếp vô cớ, anh luôn đúng ra bảo vệ bạn tới cùng, coi chuyện của bạn là chuyện của mình, dù đám bọn xấu đó có to lớn hơn, già dặn hơn, anh quyết không sợ.

Anh nhớ tới hè năm 1973. Vừa lên cấp III, bỏ lại sau lưng mọi cám dỗ của một kỳ nghỉ mà học sinh nào cũng háo hức mong chờ, anh xách túi mang theo ít đồ dùng cá nhân và ít tiền mẹ cho, một mình ra ga, lên tầu tới trường Đại học quân sự đóng tại Phúc Yên để tầm sư học võ. Cùng lúc, anh được hai người bạn thân của anh trai ruột chỉ dạy tận tình. Một người dạy anh môn phái Bình Định, một người môn phái Sơn Đông. Đó là những tháng năm đầu khó quên của nghiệp võ mà anh theo đuổi tới nay.

Khói thuốc lững lờ qua ánh đèn, ký ức tràn về theo dòng chảy tich tắc từ đồng hồ treo tường. Anh nhớ tới thời cái ăn, chỗ ở đều được bao cấp, cái gì cũng thiếu trừ việc làm không định danh. Tốt nghiệp Đại học ngoại thương anh về làm tại một Tổng công ty lớn của cả nước trong ngành ngoại thương. Hơn mười năm xông pha bươn chải anh lên tới chức phó phòng đối ngoại, nhưng có lẽ cái cơ chế bao cấp cồng kềnh, lười sáng tạo, kém năng động đã không níu được anh khi dứt áo ra đi.

Đã trên chục năm nay, anh làm chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên làm hàng xuất khẩu có trên 400 lao động. Cuộc mưu sinh sạch, đúng luật, đem lại kết quả hài lòng cho mình, cho người không hề đơn giản và không thể nói là không tât bật. Sau mỗi ngày bân bịu, khi đêm về trong tĩnh lặng anh thường bên bàn hồi tưởng và viết. Chính những phút giây ấy, anh thấy mình đươc nghỉ ngơi và thư thái. Ký ức là hồi tưởng bằng nỗi nhớ của hiện tại dạt về dĩ vãng, quá khứ luôn là chỗ dựa tinh thần thúc đẩy hiện tại. Khi đã ở tuổi “ tri thiên mệnh “ con người thường có xu hướng nhớ về tuổi thơ của chính mình.

Anh là con út trong gia đình đông con, trên anh là năm anh trai và hai chi gái.
Cha anh là ông Trần Tử Bình - một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt nam dân chủ cộng hòa, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tấn phong vào năm 1948. Trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, năm 1959 ông trở thành vị tướng đầu tiên làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Cha anh xuất thân từ một gia đình công giáo toàn tồng. Ở cái thời mà người bản xứ biết chữ là của hiếm, cha anh có tư chất sáng dạ hơn người nên được gia đình chắt chiu cho ăn học trong Trường Dòng. Cha anh là con chiên ngoan đạo và nhạy cảm trong tình yêu thương đồng loại như Chúa răn, thế nên “ nhân sinh hữu thức đa ưu hận”, đời người biết lắm khổ nhiều, đa tình ắt đa truân. Làm dân một nước đã mất vào tay ngoại bang thì việc đời và đạo khó giao thoa, ra khỏi giáo đường là nhan nhản nghịch lý bất công, yêu nước thương người phải trả giá. Do tham gia phong trào yêu nước, vận động giáo sinh ở Chủng viện Hoàng Nguyên (giáo phận Hà Đông) để tang cụ Phan Chu Trinh nên cuối năm 1926 cha anh bị đuổi học. Năm 1927 cha anh đã kí hợp đồng vào Phú Riềng làm phu đồn điền cao su. Năm 1927 gặp nhà cách mạnh Ngô Gia Tự, cha anh gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1929 ông là đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng tại chi bộ Phú Riềng. Đầu năm 1930, ông lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi quyền sống của 5.000 công nhân, làm nên phong trào Phú Riềng Đỏ lịch sử. Phong trào sau đó bị giới chủ và thực dân Pháp dập tắt, ông bị kết án 10 năm, đày ra tù Côn Đảo.

Nơi quê nhà, vì cha anh mắc tội nổi loạn nên ông bà nội anh bị giáo hội rút phép thông công, chỉ còn nước ngóng vọng giáo đường, thầm đọc kinh từ xa mỗi khi chuông nhà thờ đổ lúc chiều buông. Đối với những người mộ đạo thì hình phạt ấy chính là sự tuyệt diệt tinh thần tàn ác. Cái yêu là cái người đời thường phải trả giá.

Năm 1967, trong một lần về nước công tác Đại sứ Trần Tử Bình bị đột quỵ, không lâu sau ông mất, đúng lúc cuộc chiến chống Mỹ của cả dân tộc ở hai miền đất nước đang hồi khốc liệt, cam go, anh lúc đó mới tám tuổi. Cuộc sống thời chiến vốn dĩ khó khăn, thu nhập của một gia đình ngoài tiền lương của người đi làm thì không còn khoản nào khác. Ba người anh lớn và chi gái đầu đang đi học và có học bổng, coi như được nhà nước nuôi ăn, một mình mẹ anh vừa công tác vừa nuôi bốn con thơ trong đó có anh. Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt, gánh nặng gia đình thời chiến đè nặng lên đôi vai mẹ. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, mấy ai đong đo đếm được.

Anh lại nhớ tới một người bạn khá đăc biệt năm cấp III, cũng mồ côi cha năm 1967. Thời chống Pháp, cha bạn ấy là một vị tướng tài, được quân và dân trên chiến trường Bình Trị Thiên rất yêu quý, trong chiến tranh chống Mỹ ông có câu nói nổi tiếng : nắm thắt lưng địch mà đánh. Cha của bạn ấy chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đầu năm 1967, Chủ Tich Hồ Chí Minh đã rơi lệ khi đến dự đám tang ông Trần Tử Bình và giữa năm Chủ Tịch Hồ Chí Minh lại thêm lần nữa rơi lệ khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời. Quả là vĩ nhân anh hùng khóc anh hùng.

Ngày 2.9.1969 khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, lãnh tụ cao nhất của đát nước đông dân bậc nhất thế giới thời bấy giờ đã gửi đôi câu đối tới viếng, thay cho đôi dòng lệ, công nhận người quá cố là bậc anh hùng hào kiệt bậc nhất thiên hạ.

Chí khí tráng sơn hà tứ hải anh hùng duy hữu nhất.
Minh tinh quang vũ trụ ngũ châu hào kiệt thị vô song

Dòng chảy lịch sử theo thời gian mấy nghìn năm đã kêt tinh, đọng lại cho Việt Nam một nền văn minh lúa nước rực rỡ, đặc sắc và nền văn minh ấy đã sản sinh ra thời đại Hồ Chí Minh, thời đại đã định hình dải đất chữ S, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng các đảo lớn nhỏ đơn lẻ khác nơi Biển Đông và định danh chúng trên bản đồ thế giới bằng hai từ Việt Nam.

Thời đại Hồ Chí Minh sản sinh ra thế hệ kim cương như ông Trần Tử Bình, Nguyễn Chí Thanh, các tướng lĩnh tài ba, các chính khách vững vàng và những nhà ngoại giao tên tuổi khác, thế hệ đó đã đóng góp phần không nhỏ cho độc lập và ngày toàn thắng cuối cùng của toàn dân tộc năm 1975. Trong những lần gặp lại, anh và người bạn “đăc biệt” luôn tự hào về những người cha anh hùng đã khuất thuộc thế hệ trong sáng, lấp lánh và cứng rắn hơn bất kỳ loại vật chất nào khác.

Thầy Ngô Sỹ Quý có lần nói với anh rằng:
-Chúng ta cũng có rất nhiều cái quý, nếu không đánh giá được, đánh giá đúng, nó sẽ mất dần đi. Đừng để sau đây 30-40 năm nữa, người nước ngoài vào dạy lại cho người Việt Nam chúng ta những kiến thức của cha ông chúng ta.

Trong thời hội nhập, bon chen làm giầu nảy sinh lòng tham, nghi ngờ, đố kỵ, đôi khi con người ta quên những giá trị cốt lõi văn hóa dân tộc. Đợi mái đình sập mới vội vàng sửa, trống đình bục cả đai hường mới thay, câu hát sắp tuyệt tự mới ghi âm cổ súy. Văn hóa mất, dân tộc không còn.

Bất kỳ học thuyết nào, ngành nghề nào, muốn tồn tại và phát triển thì những giá trị nội tại đích thực cần được quan tâm, cần được giữ gìn chu đáo bởi những người dám dấn thân hết mình. Họ chính là những “ truyền nhân “, thiếu họ nhiều giá trị nền tảng sẽ mai một hoặc thất truyền.

Bởi vậy, cuốn”Quyền Sư” của anh viết ra không chỉ cho bạn đọc thưởng thức mà chính là một lời để tác giả nhắc nhở mình sống cho xứng đáng với các bậc Quyền sư tiền bối và luôn cố gắng gìn giữ phát triển những di sản mà họ đã để lại cho hậu thế.

Những người bấy lâu nay vẫn âm thầm tự nguyện gác đền văn hóa, lưu giữ, truyền bá tinh hoa như anh Trần Việt Trung không còn nhiều. Đôi khi thật ái ngại thời tiết bất thường, chặng đường thì xa.


Hà Nội, những ngày tháng 5. 2014

Hoàng Mạc

3 nhận xét:

  1. Làm một việc, dù nhỏ hay lớn, hợp với lòng dân thì bất kỳ thời nào, bất kỳ ở đâu - không sớm thì muộn - cũng sẽ nhận được những ưu ái của người dân.

    Viết ra cuốn "Quyền sư" cũng không ngoài hàm ý này !

    TTC

    Trả lờiXóa
  2. Ngày còn ở HN được tập với mấy chú có tên L (bụi) S ( lửa) C (luật) được nghe nói tới Thày Trung thày T Long và nghe kể cụ Quý. Cũng chỉ được nghe và được tập ít ngày nên lơ mơ về môn mình đc tập và những người mình được nghe. Giờ có cuốn Quyền Sư gối đầu giường nên được hiểu được biết thêm nhiều

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.