Mình và Nguyễn Văn Minh tìm đến nhà ông ở phố Điện Biên Phủ trong một buổi chiều mua phùn rả rích. Anh con thứ Trịnh Hồng Anh, “Chính ủy” Viện Tên lửa ra tận cửa đón rất hồ hởi, thực sự giật mình vì anh giống bố đến ngỡ ngàng. Không phải vì cả hai cha con đều là Chính ủy mà bởi chính diện mạo, nét hào sảng, phóng khoáng rất tự nhiên, dù rằng anh không đẹp như bố anh.
Ông là nhà cách mạng Lê Liêm (sinh năm 1922 - [1985]), từng là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam thời kỳ mới thành lập, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Đặc biệt ông là Chủ nhiệm Chính trị ba mặt trận, Biên giới 1950, Tây Bắc 1952-1953 và Điện Biên Phủ 1954. Tại khu căn cứ Mường Phăng, bên cạnh hầm chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, vẫn còn đó căn hầm của ông, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm. Ông là Chủ nhiệm Cục chính trị (sau này là Tổng cục Chính trị) thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam, sau Tướng Văn Tiến Dũng và trước Tướng Nguyễn Chí Thanh. Đồng thời cũng là Tổng biên tập đầu tiên của báo Quân đội nhân dân, người trực tiếp chỉ đạo và tham gia viết bài cùng 5 phóng viên, họa sĩ khác, làm nên kỳ tích có một không hai tại chiến dịch Điện Biên Phủ, xuất bản 33 số báo ngay tại mặt trận. Một người lính, một chủ nhiệm chính trị, một nhà quản lý, nhà cách mạng hay là một ông già về nghỉ hưu, ở ông đều toát lên một tư chất yêu đời, yêu người, lạc quan và rất đỗi chân thành.
Cuộc đời Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm trải qua nhiều cương vị, không ít biến cố, thăng trầm nhưng chỉ muốn nói về ông với tư cách một người ông, người chồng, người cha trong gia đình. Căn phòng mình đến thăm là nơi ông sống và làm việc từ 1954, vẫn gian nhà cũ đã xuống cấp được chia nhỏ cho 4 anh chị em trong gia đình chung sống đã 60 năm qua. Dù đã từng ở nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao nhưng đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông vẫn nguyên chỉ có một chiếc tủ gỗ và cái giường tiêu chuẩn của thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã đi qua hơn nửa thế kỷ. Lần đầu tiên mình chứng kiến con dâu khóc khi kể về bố chồng, chị Cao Thị Oanh (vợ anh Hồng Anh) đã sụt sùi khi nhắc đến ông dù chỉ về làm dâu được 3 năm thì ông mất. Chị nói, chẳng có ai tuyệt vời như bố chồng chị, từng là lãnh đạo cao cấp nhưng chủ động nói với con dâu rằng, con cần phải ngủ, bố thì không ngủ được, con cứ nấu thức ăn từ tối còn sáng để bố dậy nấu cơm cho cả nhà. Ông xung phong trông cháu, đạp xe đi đón cháu, giặt tã lót cho cháu, gánh nước cho cả nhà dùng… Rồi ngay cả khi tai biến nằm bất động, ông vẫn nhờ người viết thư từ bệnh viện dặn trông nom cháu cẩn thận… Bài học lớn ông dạy các con mình là tình yêu cách mạng bất biến, dù có lúc bão giông, cam go sinh tử… Đó là một tình yêu đời, yêu người trong sáng, vô điều kiện, là tư cách làm cán bộ tận tâm, liêm khiết và quyết liệt bảo vệ chân lý dù ảnh hưởng tới bản thân… Và đặc biệt là một lối sống hết lòng, giản dị và không có khoảng cách với tất cả mọi người xung quanh…
Có lẽ vì có một người ông, người cha như thế, mà đến tận bây giờ mấy anh chị em, các con cháu nhiều thế hệ của gia đình ông vẫn sum vầy, hạnh phúc trong căn nhà tiêu chuẩn 60 năm trước. Căn phòng của hai ông bà lúc còn sống vẫn được để nguyên làm nơi tụ họp, gặp gỡ, sẻ chia mọi câu chuyện trong gia đình. Và cũng là nơi nhiều cán bộ, chiến sĩ cựu chiến binh của chiến dịch lịch sử 60 năm trước tìm đến, họ nhìn ảnh và khóc để nhớ ông, Chủ nhiệm chính trị của mặt trận Điện Biên Phủ.
Cu Le Liem la mot nhan cach lon ma toi duoc biet. Tran Khang chien
Trả lờiXóaThế mà Ônh bị đì "sát ván" !!!!!
Trả lờiXóaMột thời, dân chủ bị "kiềm chế" - quan điểm trái là phản động !!!
Nhìn lại lịch sử, mà thấy buồn cho những tư tưởng lớn - đi trước thời đại. TTC
Cha mẹ ta toàn thân thiết với những con người như thế. Khảng khái, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật là bản tính của cha.
Trả lờiXóaCây ngay kg sợ chết đứng.HP
Trả lờiXóa