Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Đề cương tuyên truyền Kỉ niệm 85 năm Phú Riềng Đỏ

 TỈNH ỦY BÌNH PHƯỚC                             ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
   BAN TUYÊN GIÁO                              Đồng Xoài, ngày     tháng 10  năm 2014
                  *

                                       ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập
chi bộ Phú Riềng Đỏ (28/10/1929 - 28/10/2014)

I. Chi bộ Phú Riềng Đỏ - Hạt giống đỏ của phong trào cộng sản tỉnh Bình Phước và Miền Đông Nam Bộ
1. Bối cảnh lịch sử
Vào những năm cuối thế kỷ thứ IX đầu thế kỷ XX, trong công cuộc khai thác và bóc lột thuộc địa lần thứ nhất, thực dân Pháp đã thành lập hàng loạt các công ty cao su ở miền Đông Nam bộ như: Công ty cao su Đông Dương (1906); Công ty cao su Đồng Nai (1908); Công ty cao su Tây Ninh (1913). Trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày nay, khi đó thực dân Pháp đã thành lập Công ty đồn điền đất đỏ; Công ty cao su Viễn Đông (1910) và Công ty các đồn điền cao su Mít sơ lanh (1917).
Lúc bấy giờ người ta thường ví đồn điền cao su ở miền Đông Nam Bộ nói chung và Phú Riềng nói riêng như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân Việt Nam ngã xuống. Công nhân làm việc rất cực khổ, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, bị bóc lột đến tận xương tủy, ngày làm việc trên 12 giờ, ốm đau không được chữa bệnh, thiếu thốn trăm bề.
Từ khổ đau mà công nhân trong các đồn điền đứng lên chống lại chế độ lao động hà khắc, chống lại sự đối xử dã man, tàn bạo của bọn tư bản đồn điền với nhiều hình thức và ở mức độ khác nhau. Những cuộc đấu tranh thường diễn ra đơn lẻ, thiếu sự lãnh đạo và phương pháp cách mạng, nên chưa kết thành một phong trào đấu tranh chung. Các cuộc đấu tranh này thực chất là đấu tranh giai cấp nhưng chỉ mới là những phản kháng mang tính tự phát, ý thức giác ngộ chưa cao. Do vậy, hầu hết đều bị đàn áp đẫm máu, rất cần có một tổ chức Đảng tiên phong lãnh đạo.
Trong thời điểm đó, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đang triển khai thực hiện một cuộc vận động lớn “vô sản hóa”. Tất cả các đảng viên, thanh niên đi về nông thôn, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền lao động, thâm nhập vào quần chúng để tuyên truyền giác ngộ cho họ con đường giải phóng, con đường cách mạng. Các đồn điền cao su miền Đông Nam Kỳ, trong đó có Phú Riềng được Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội chọn làm địa bàn chủ yếu để thực hiện “vô sản hóa”.


2. Chi bộ Phú Riềng được thành lập
Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được cử đến “vô sản hóa” ở đồn điền cao su Phú Riềng (trụ sở đồn điền đặt tại trụ sở Công ty cổ phần cao su Đồng Phú ngày nay). Đồng chí tuyên truyền cho công nhân những vấn đề lý luận, kinh nghiệm thành công và thất bại, phương pháp đấu tranh, khẩu hiệu, yêu sách đấu tranh, phải lập ban lãnh đạo, phải có tổ chức bảo hộ, phải tích trữ lương thực… Những vấn đề đó hoàn toàn mới mẻ, có tác dụng rất lớn đối với phong trào công nhân Phú Riềng.
Người đầu tiên đồng chí Nguyễn Xuân Cừ tìm bắt liên lạc là công nhân Trần Tử Bình làm việc ở trạm xá, người nổi tiếng trong các cuộc đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng trước đây. Đồng chí liên hệ chặt chẽ với đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ báo cáo cụ thể về tình hình ở Phú Riềng và nhận sự chỉ đạo sâu sát hơn.
Đến tháng 4/1928, sau thời gian tuyên truyền và thử thách trong phong trào công nhân, đồng chí Trần Tử Bình cùng với 3 công nhân khác là các đồng chí: Tạ, Hồng, Hòa đã được đồng chí Nguyễn Xuân Cừ tổ chức kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đây là tổ chức cách mạng có xu hướng cộng sản đầu tiên ở Phú Riềng, là bộ phận đầu não lãnh đạo toàn bộ hoạt động đấu tranh của công nhân cho đến cuối tháng 10/1929, uy tín ngày càng cao.
Thực hiện chủ trương phát triển tổ chức đảng của Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Xuân Cừ thành lập chi bộ đảng ở Phú Riềng. Vào đêm 28 rạng sáng ngày 29/10/1929, tại khu rừng Suối Đá, thuộc Làng 3 (nay thuộc Nông trường Thuận Phú, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú -  xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) diễn ra một sự kiện quan trọng có tính lịch sử của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là Chi bộ Phú Riềng được thành lập với 6 đảng viên là đồng chí Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, Tạ, Hồng, Hòa và Doanh, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được cử làm Bí thư chi bộ. Dưới cờ Đảng, các Đảng viên đã tuyên thệ:
“Thề trung thành với giai cấp, với Đảng đến chết không thôi.
Thề giữ bí mật của Đảng đến cùng. Nếu bị địch bắt dù cho chúng có tra tấn đến chết cũng không cung khai.
Lăn vào quần chúng, thề sát vai nhau cùng đấu tranh.
Bỏ tất cả mọi tín ngưỡng khác, tin tưởng có một chủ nghĩa cộng sản.
Thề chung sức đấu tranh, trước làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến tới thế giới đại đồng”.
3. Chi bộ Phú Riềng lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, các đảng viên trong chi bộ Phú Riềng đã khẩn trương bước vào cuộc chiến đấu mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, đối phó với những âm mưu và hành động nham hiểm của kẻ thù. Các đảng viên được học tập về chủ trương của Đảng, trong đó có các vấn đề đem lại ruộng đất cho dân cày, công nhân phải tiến lên giành nhà máy, đồn điền và giải phóng dân tộc; được đọc báo “Thanh niên giải phóng” của Đông Dương cộng sản Đảng, báo “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp.
Chi bộ chủ trương tổ chức đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực như tăng lương, cải thiện chỗ ăn ở, điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần, đấu tranh không được cúp phạt, đánh đập… Chi bộ xây dựng nghiệp đoàn công nhân bí mật và một đội thanh niên xích vệ rất mạnh, đặc biệt quan tâm phát triển đảng viên mới.
Tháng 11/1929, nghiệp đoàn công nhân dưới sự lãnh đạo của chi bộ đã tổ chức thành công cuộc đấu tranh đưa yêu sách cho bọn cai quản xưởng cơ khí đòi tăng lương, chống đánh đập, đòi trợ cấp cho phụ nữ hậu sản… Mọi chủ trương của chi bộ thông qua nghiệp đoàn vận động đều được công nhân ủng hộ. Nghiệp đoàn biên soạn tờ “Giải thoát” (là tờ báo đầu tiên của công nhân ngành cao su), nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức cách mạng, hướng dẫn công nhân đấu tranh theo đường lối của Đảng, in bí mật phân phát cho công nhân truyền tay nhau xem.
Nhân dịp tết Nguyên Đán Canh Ngọ năm 1930, dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của đồng chí Trần Tử Bình - bí thư chi bộ, chi bộ Phú Riềng đã lãnh đạo công nhân tổ chức cuộc đấu tranh lịch sử kéo dài 8 ngày, giành thắng lợi to lớn.
Diễn biến cuộc đấu tranh:
- Ngày 30/01/1930 (tức Mùng Một tết), công nhân đã mở đầu cuộc đấu tranh bằng “đòn thị uy ra quân”, đưa các yêu sách nhưng không được chủ sở trả lời. Các đảng viên và cán bộ nghiệp đoàn kêu gọi công nhân đồng tâm hiệp lực kiên trì đấu tranh đòi cho được quyền lợi. Được đông đảo công nhân tỏ thái độ đồng tình, chi bộ quyết định tiến tới bãi công sau ba ngày tết.
- Ngày 03/02/1930, là ngày làm việc sau nghỉ tết, 5.000 công nhân thực hiện tổng bãi công. Chủ sở không thấy công nhân đi làm, đã ra lệnh cho bọn cai, lính đến thúc ép nhiều người ở 3 làng đi làm việc, còn 7 làng khác thì không thực hiện cho nên bị đàn áp. Công nhân phản kháng, đánh đuổi tên cai tây và sau đó đưa đơn kiện lên chủ sở.
Nhạy bén với sự kiện nóng bỏng vừa xảy ra, chi bộ chỉ đạo nghiệp đoàn phát động biến căm thù thành một cuộc thị uy trực diện với chủ sở và đưa những yêu sách mới, đòi phải bồi thường tính mạng công nhân đã chết, trả tự do cho người bị bắt, đuổi tên cai tây giết người, đồng thời viết khẩu hiệu mới “Chủ sở không chấp nhận yêu sách, quyết không đi làm”, khiến mọi công nhân đều đồng tình ủng hộ.
- Sáng ngày 04/02/1930, nghiệp đoàn tổ chức một cuộc biểu tình lớn, có công nhân 10 làng tham gia, có đội xích vệ hỗ trợ. Khoảng 800 công nhân áp đảo quận trưởng Morie (quận Bà Rá) và 25 lính khố đỏ, làm chúng phải bỏ chạy. Ta bắt được 5 tên, thu 7 khẩu súng, trang bị cho đội tự vệ. Tên chủ sở Xu-ma-nhắc đã sợ hãi và chấp nhận yêu sách của công nhân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tư bản đồn điền cao su Pháp ở Việt Nam ký vào biên bản chấp nhận yêu sách đấu tranh của công nhân.
Nhận thấy khí thế đấu tranh trong công nhân đang lên và có tư tưởng bạo động giành chính quyền, Xứ ủy Nam Kỳ đã cử đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (lúc này đang ở Sài Gòn) đến Phú Riềng chỉ đạo phải chuyển hướng đấu tranh đã vượt ra ngoài khuôn khổ đấu tranh chính trị trở lại công khai hợp pháp. Nhờ đó, chi bộ Phú Riềng đã kịp thời chỉ đạo công nhân chuyển hướng đấu tranh, tránh manh động nhưng vẫn duy trì được phong trào, bảo toàn lực lượng cách mạng, làm tiền đề cho cuộc đấu tranh sau này không đổ máu.
Ngày 06/02/1930, nghiệp đoàn tổ chức công nhân chuyển sang biểu tình ngồi và kết thúc thắng lợi. Ở tại làng 3 và làng 9 có diễn ra tình huống căng thẳng khi tên Xu-ma-nhắc, chủ đồn điền Phú Riềng tìm biện pháp đối phó mạnh, kêu gọi Công xứ Biên Hòa, Thống đốc Nam Kỳ và Chánh mật thám Đông Dương đến cứu nguy cùng 500 lính bộ binh, xe bọc thép, 3 máy bay đến uy hiếp tinh thần công nhân và sẵn sàng nã súng. Nhưng chúng không thực hiện được ý đồ, vì ta chủ động chuyển sang đấu tranh ôn hòa. Tất cả công nhân đều ngồi chỉnh tề, có đại biểu đứng ra đối đáp với chúng rồi đưa yêu sách. Trước sức ép của công nhân buộc Thống đốc Nam kỳ và chủ đồn điền chấp nhận một số yêu sách của công nhân.
Cuộc bãi công mở đầu ngày 30/01/1930 và kết thúc ngày 06/02/1930, sau 8 ngày đấu tranh anh dũng, công nhân đồn điền Phú Riềng dưới sự lãnh đạo của chi bộ cộng sản đã giành được thắng lợi to lớn.
Cuộc bãi công ấy đã làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su Đông Dương, làm chấn động dư luận báo chí trong nước và nước Pháp. Bài học quý báu nhất của cuộc đấu tranh là nổ ra đúng lúc, giành thắng lợi và bảo toàn lực lượng cách mạng, làm thất bại mưu đồ thảm sát của bọn thực dân Pháp. Đây được xem là một bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của công nhân ngành cao su. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và dẫn dắt của tổ chức nghiệp đoàn cách mạng, phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc, cuốn trôi sự áp bức, nô dịch của kẻ thù xâm lược.
Sau cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, chủ sở đã đổi tên đồn điền Phú Riềng thành đồn điền Thuận Lợi, với ý đồ làm quên lãng tinh thần đấu tranh quật khởi của công nhân cao su.
Ý nghĩa của sự thành lập chi bộ Phú Riềng:
Chi bộ Phú Riềng là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Phước và đồng thời là chi bộ đầu tiên của ngành cao su Việt Nam. Chi bộ được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp của công nhân ở đồn điền Phú Riềng trong những năm đầu thế kỷ XX; là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Xuân Cừ, dưới sự chỉ đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ. Sự kiện này có ý nghĩa quyết định phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Phước lúc bấy giờ.
Đây là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam. Sau sự kiện chi bộ Phú Riềng lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh của công nhân cao su, để ghi nhớ vai trò của tổ chức đảng cộng sản, chi bộ Phú Riềng thường được gắn với tên gọi chi bộ “ Phú Riềng Đỏ”. Chính vì ý nghĩa đó, ngày thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ (28-10) đã được xem là ngày truyền thống của ngành cao su Việt Nam.
Sự kiện thành lập chi bộ Phú Riềng mãi mãi là mốc son lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Tinh thần “Phú Riềng Đỏ” sẽ mãi được hun đúc, là truyền thống, là niềm tự hào của ngành cao su, của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Phước anh hùng.    
Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cán bộ, đảng viên và công nhân cao su Bình Phước, đào tạo cho Đảng nhiều cán bộ kiên trung, tài giỏi, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
II. Sự phát triển của ngành cao su tại tỉnh Bình Phước
Hơn một thế kỷ kể từ khi cây cao su được trồng trên địa bàn tỉnh, ngành cao su đã phát triển rất mạnh, cây cao su trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của địa phương. Bình Phước đứng đầu cả nước về diện tích cây cao su với hơn 234 nghìn ha, trong đó có khoảng 100 nghìn ha của các doanh nghiệp nhà nước.
Tỉnh có bốn công ty cao su thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng; Công ty TNHH MTV cao su Bình Long; Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh; Công ty cổ phần cao su Đồng Phú) và ba công ty thuộc tỉnh quản lý (Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước; Công ty TNHH MTV cao su Phước Long và Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé).
Các doanh nghiệp cao su nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện giải quyết việc làm cho gần 24 nghìn người lao động. Toàn ngành cao su Bình Phước có trên 3.000 đảng viên. Thu nhập bình quân đầu người từ 6,5 triệu đồng - 10 triệu đồng/tháng. Ngành cao su luôn đóng góp khoảng 30- 40% nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Ngành cao su Bình Phước có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế, cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thông tin đối ngoại với các nước bạn Lào và Campuchia.
III. Định hướng tư tưởng
1. Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Bình Phước vô cùng tự hào, vì tỉnh có một chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở miền Đông Nam Bộ từ phong trào công nhân cao su, đã anh dũng, kiên cường trong đấu tranh, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cách mạng Việt Nam.
2. Truyền thống tốt đẹp của chi bộ Phú Riềng Đỏ mãi mãi là một dấu son chói lọi trong lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Cao su Việt Nam; là cội nguồn, là động lực để hun đúc các lớp thế hệ công nhân hôm nay và mai sau ra sức phấn đấu xây dựng đất nước phát triển bền vững; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
3. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, thị trường cao su gặp nhiều khó khăn, giá cả thấp, toàn thể cán bộ công nhân viên chức và người lao động ngành cao su tỉnh Bình Phước cần đoàn kết, nỗ lực triển khai tốt mục tiêu, định hướng phát triển của ngành theo Quy hoạch phát triển cao su Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; kết hợp có hiệu quả giữa phát triển sản xuất kinh doanh ở trong nước với phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư ở nước ngoài; tập trung đầu tư công nghiệp cao su theo chiều sâu, các lĩnh vực chế biến cao su và các sản phẩm sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất và hội nhập... đưa ngành cao su phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với truyền thống “Phú Riềng Đỏ”, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ công nhân cao su.  
4. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về truyền thống anh dũng của chi bộ Phú Riềng Đỏ, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Bình Phước càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ IX, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
5. Khẩu hiệu:
- Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ (28/10/1929 - 28/10/2014)!
- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
- Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
- Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!

- Phát huy truyền thống cách mạng của Chi bộ Phú Riềng Đỏ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Bình Phước ra sức thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ IX!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.