Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Thăm chú Nguyễn Văn Bồng

Sáng mùng 8 Tết, 2 anh em Kiến Quốc, Hạnh Phúc đến thăm cô chú ở nhà 150 ngõ Xã Đàn 2, gần khu tập thể Học viện KTQS. Sợ các cháu không biết đường, chú ra tận đầu ngõ đón. Thật cảm động khi thấy ông già trong bộ pijama đang ngồi đọc báo, đợi khách.
Phúc và chú Bồng.

Chú chàu cách đầy chục năm từng bôn ba các nẻo đường.

Ngoài 90 rồi, ông vẫn giản dị như thế.
Chú dẫn lên nhà. Chị Hoàn con gái lớn có mảnh đất ở đây, xây nhà thành căn hộ vừa ở vừa cho thuê. Cô chú ở tầng 3. Cô yếu lắm, chả nhận ra các cháu.
Chú cháu gặp nhau thật vui. Báo tin chú Nghĩa mất. Chú bảo, suốt từ 1945 tới nay không có dịp gặp lại chú Nghĩa. Chú Nghĩa hơn chú Bồng 1 tuổi. Chú cũng nhắc tới chú Phạm Chí Nhân khóa 1 Võ bị năm 1946.
Chú bảo: "Chú rất nhớ cha mẹ các cháu. Trên bàn thờ nhà chú ở Hương Canh có di ảnh ông Bình.
Năm 1956, khi Sửa sai CCRĐ, chú bị quy là Quốc dân Đảng và bị tống giam chờ xử. Cha các cháu đã về, yêu cầu phải thả ngay chú ra. Chú nhớ mãi, cha cháu bảo với tay phụ trách Bảo vệ Đảng: "Thằng Bồng mà là Quốc dân Đảng thì Trần Tử Bình là Quốc dân Đảng từ lâu rồi. Vì tôi giới thiệu nó vào Đảng". Chú nhắc đi nhắc lại: "Cha cháu đã sinh ra chú lần 2".
Năm 1960, khi công tác ở Vụ Đại học, Bộ Giáo dục. Chú được sang Bắc Kinh. Chuyến đi đó nhớ mãi vì được cha tôi đưa đi thăm các danh thắng ở đây.
Sau chuyến đi đó, về nước, cha tôi mời chú đến nhà chơi. Ông bà nội tôi ngày đó được đón lên HN để tiện chăm sóc. Lúc này nhà đã chuyển về 38 Trần Phú. Đúng bữa cơm, cha tôi bảo mang thêm bát đũa cho khách. Lần đầu chú gặp ông bà nội tôi và thấy các cụ làm dấu Thánh trước khi ăn cơm. Kỉ niệm này chú nhớ tới giờ.
Ngày đó, Bí thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục là Thứ trưởng Hà Huy Giáp. Ngày nghỉ, chú hay cùng cụ Giáp đi săn.
Một lần đi săn ở vùng đầm lầy cỏ lác ở Tế Tiêu (đường đi Chùa Hương). Cha tôi đến trước nên đi thuyền vào sâu bên trong. Cha tôi xách súng, mặc áo dù, lùa dần đàn sâm cầm từ sâu phía trong ra ngoài.
Chú và cụ Giáp đi muộn nên tiếp cận ở phía ngoài. Thấy có đàn sâm cầm bơi ra gần, cánh chú và cụ Giáp nổ súng. Đàn sâm cầm vội cất cánh bay lên. Khi cha tôi ra, đã chửi: "Đ. mẹ thằng Bồng! Mày nổ súng làm bay mất chim của tao. Tao mất công tới sớm, lùa đàn sâm cầm suốt từ sâu trong đầm ra". Rồi anh em cùng cười vang.
Năm 1961, chú được phân công về xây dựng Đại học Ngoại ngữ. Sau đó trường phát triển tốt. Năm nào cũng vinh dự được đón Bác về thăm. Vì thế, Bộ Tài chính đến mời chú sang xây dựng loạt trường trung cấp Tài chính ở HN, Hà Bắc. Tới 1973, chú mới lên Phúc Yên làm hiệu phó Đại học Tài chính.
Chú tâm sự: "Năm nay 92 rồi, chú sinh năm 1923 mà. Sức khỏe cũng yếu rồi. Nhóm cán bộ, giáo viên của Trường Cán bộ VN cuối 1945 có 8 ông: Trần Tử Bình, Vương Thừa Vũ, Vũ Lập, Nguyễn Văn Bồng, Phạm Ngũ Kiên, Triệu Huy Hùng, Hoàng Xuân Tùy, Nguyễn Văn Sỹ thì nay còn sống có mình chú. Nhưng năm nay kỉ niệm 70 năm thành lập trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, thế nào chú cũng đi dự...".
Muốn nói chuyện nữa với ông nhưng sợ ông mệt nên xin phép ra về. Mong cô chú khỏe!

3 nhận xét:

  1. Hay !
    Thêm những chuyện đời thường của Cha, để lại cho đời.

    Trả lờiXóa
  2. Ông đã 92 mà còn rất khỏe, đặc biệt cặp mắt sáng ngời.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.