Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Đầu Xuân, lão nhân đến chơi nhà (Thanh Trần)

Ngày xuân và những cuộc thăm viếng nhau cũng là dịp vui thường gặp trong đời sống tinh thần của người Việt. Bạn già đến thăm nhau, những người tuổi còn trẻ, tóc còn xanh, sức còn mạnh đến mừng thọ các bậc tiền bối cao niên trưởng lão... làm cho niềm vui cuộc sống nhân lên gấp bội.
Nhưng xuân này, tôi nhận được một "Món quà" vô giá! Đó là cuộc đến thăm của một lão nhân mà chỉ thêm 8 tuổi nữa thôi là vừa đủ 100 mùa xuân trên đời - cụ Nguyễn Văn Bồng.
Chúng tôi gọi ông lão là Chú Bồng vì trong quan hệ cuộc đời, dường như những dấu mốc đầu tiên về ngôi nhân xưng sẽ đọng lại lâu nhất, có khi còn không thay thế được vì nó được gắn bằng chất keo của tình nghĩa, ký ức và lòng chân thật.

Ngay trong những ngày khẩn trương, gấp gáp trong tháng 8 năm 1945, sau khi lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền  và bàn giao lại cho Xứ ủy để Trung ương về thành lập Chính phủ của Nhà nước độc lập đầu tiên, Cha chúng tôi - ông Trần Tử Bình - nhận một nhiệm vụ mới rất quan trọng và cấp bách: thành lập ngay trường đào tạo sỹ quan cho quân đội, chuẩn bị cho một giai đoạn trường kỳ gian khổ phía trước. Nhìn lại mới thấy sự khắc nghiệt kỳ lạ mà lịch sử dân tộc đặt lên vai thế hệ lãnh tụ cách mạng này: Bào thai Độc lập chưa chào đời vào ngày mùng 2 tháng 9, mà đã  sắp phải bước vào một cuộc chiến mới!
Chú trong lứa cán bộ được đào tạo đầu tiên của trường "Sỹ quan quân chính", như chú Nguyễn Văn Bồng nói. Tốt nghiệp xong, chú được giữ lại trường làm giáo viên để đào tạo tiếp các khóa sỹ quan kế tiếp. Rồi chú được Cha tôi giới thiệu kết nạp và là một trong những Đảng viên đầu tiên của trường Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946... Cứ như thế trên hành trình cách mạng lịch sử, những cán bộ quân sự được đào tạo đầu tiên đã đóng góp rất nhiều cho dân tộc, bên cạnh những đồng chí đồng đội đã ngã xuống vì nước, vì dân.
Thế mà, sau năm 1954, trong chiến dịch Cải cách ruộng đất, chú Bồng bị qui kết là Quốc dân Đảng(!). (Chỉ vì gia đình có điều kiện cho chú được ăn học trước năm 1945!). Chú Bồng đã bị bắt và chờ ngày bị xử! Một thanh niên có lý tưởng, chọn đúng con đường đi, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp mà lại bị qui kết sai. Nỗi oan này uất ức đến trời xanh!). Nghe tin này, không hề chậm trễ, Cha chúng tôi lúc này là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiêm Tổng Thanh tra quân đội, đi gấp về Hương Canh, nơi chú bị giam. Sau khi nghe Đội Cải cách báo cáo, Cha chúng tôi quắc mắt, dằn giọng nói rằng: "NẾU THẰNG BỒNG LÀ QUỐC DÂN ĐẢNG, THÌ TRẦN TỬ BÌNH NÀY LÀ QUỐC DÂN ĐẢNG TRƯỚC!". Thế là chú Bồng thoát được Đại hạn!
Từ ngày đó, khi gặp chúng tôi, chú Bồng hay nói: "Có bốn người trong quân đội chú tôn thờ là Bác Hồ, ông Võ Nguyên Gíap, ông Trần Tử Bình  và ông Vương Thừa Vũ về tài năng đức độ. Và ông Trần Tử Bình là người sinh ra chú lần thứ hai!".
- Hôm nay, chú đã già yếu lắm rồi, nhưng chú phải đến cháu vì mấy việc. Một là thắp hương tưởng nhớ đến cha cháu - người thầy của các chú. Hai là, nhờ cháu cho chú uống thuốc để khỏe mạnh, sống thêm với gia đình và các cháu. Chú cũng chúc hai vợ chồng cháu sống có ích như cha mẹ các cháu - Nói xong, chú lấy ra một túi vải nhỏ và rút tờ 500.000 đồng đưa cho tôi - Đây là tiền Quốc và Phúc mới cho chú. Cháu cầm lấy để lo thuốc thang cho chú. 
Nhìn ông lão chân thành, thẳng thắn bộc bạch, tôi cười, đáp: "Chú giữ lấy số tiền mừng tuổi đó. Còn đây là tiền mừng tuổi của hai vợ chồng cháu, cũng là tiền của ông Bình bà Hưng tặng chú đầu năm đấy!". 
Chú Bồng run run không nói lại được nửa lời, cầm hết số tiền của anh em chúng tôi, hướng về bức tượng đồng Cha tôi mà vái lia lịa, miệng lẩm bẩm: "Em xin thầy, em xin anh chị". Đôi mắt chú long lanh ngấn lệ, những giọt nước mắt đã cạn từ lâu của tuổi già!
Cầm cuốn truyện Quyền Sư tôi viết, quay sang bức tượng của thầy mình - ông Trần Tử Bình, chú Bồng vái tiếp: "Em sẽ đọc sách của cháu và sẽ chờ đọc cuốn truyện về Thầy do cháu viết".
Món quà đầu xuân vô giá của tôi giản dị thế thôi!
THANH TRẦN

4 nhận xét:

  1. Hôm cùng Phúc đến thăm chú, chú ra tận đầu ngõ ngồi chờ, sợ các cháu không biết nhà. Hôm đó, chú có hỏi bàn thờ cha mẹ ngoài này đặt ở đâu?
    Chiều thứ bảy khi đã về SG, nhận được điện thoại chú: "Cho chú xin số điện thoại Trung". Đọc lần lượt 3 chữa số: 091... 210... rồi nghe cụ nói: "Chú ghi xong rồi". Đọc lại lần nữa, cụ bảo: "Chú cảm ơn". Cụ chả nói xin số để làm gì?
    Vậy là chú đã đi xe ôm đến thăm Trung. Cảm động quá!

    Trả lờiXóa
  2. Không hiểu vì sao lúc mới vào nhà ,chú Bồng trông mệt mỏi ,yếu xanh lắm ,lấy từ trong túi xách ra có đến mười mấy loại thuốc ! một ông lão uống quá nhiều thuốc như thế trong 1 ngày làm sao mà nhớ được ? thế mà sau khi nói chuyện vừa tình cảm ,vừa lạc quan ,vừa tự hào mặt chú Bồng hồng tươi trẻ hẳn (như trong ảnh) .Đúng là dòng máu Cách mạng thuần khiết lại hồi sinh trong một thân thể trong sáng ,dù ngoại cảnh thời cuộc có vẩn đục đến đâu cũng mặc ! TRUNG

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Quý hóa quá,
    Một đời người ,
    Một biển tình người ...

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.