Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Ghi nhớ và tự hào! (Trần Kháng Chiến)

Ts. Trần  Kháng Chiến  
Phó Chủ tịch Hội Việt-Trung hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh


Mùa hè 1950, theo thỏa thuận của Hồ Chủ tịch với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Mao Chủ tịch; Quân khu Vân Nam (do Đại tướng Trần Canh làm Tư lệnh) đảm nhận việc bố trí cho Trường Lục quân Việt Nam sang đóng quân, bảo đảm cơ sở vật chất để nhà trường tiến hành đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam trong điều kiện hòa bình, tại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam.
Thời kỳ đó, Vân Nam vừa mới được giải phóng, chính quyền nhân dân, Quân khu Vân Nam còn muôn vàn khó khăn, song đã nỗ lực bảo đảm hậu cần, cử đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm trong chiến tranh cách mạng truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu, tổ chức chiến đấu cho giáo viên,  học viên của nhà trường…
Cha tôi, Thiếu tướng Trần Tử Bình, được Trung ương Đảng, Quân đội  giao nhiệm vụ làm Chính ủy cùng Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Hiệu trưởng, đưa Trường Lục quân Việt Nam sang Vân Nam.


Kí ức trẻ thơ
Lúc đó, tôi - một đứa trẻ chưa đầy 4 tuổi - được cha mang theo trong đội hình hành quân của nhà trường, từ Chiến khu Việt Bắc sang Vân Nam. Dù còn rất nhỏ nhưng từ những ngày ấy, tôi được tận mắt chứng kiến sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, mà trực tiếp là sự giúp đỡ cho Trường Lục quân Việt Nam trong những năm tháng đóng quân trên đất Trung Quốc.
… Vào dịp nhân dân ta kỷ niệm 60 năm Chiến thắng  Điện Biên Phủ, tháng 4-2014,  Nhà nước Việt Nam mời Đoàn thân nhân các gia đình cán bộ được Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cử sang giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (Đại tướng Trần Canh; Trưởng đoàn Cố vấn Trung Quốc - Đại sứ La Quý Ba; Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Vy Quốc Thanh; gia đình Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn – Hồng Thủy…).
Hai Thiếu tướng Lê Thiết Hùng và Trần Tử Bình cùng đ/c Trương cố vấn,
năm 1951 khi ở Côn Minh, Vân Nam.

Khi đoàn vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi được Quân khu 7  mời tham gia tiếp khách. Tôi nói với  Thiếu tướng Trần Tri Kiến - con  trai Đại tướng Trần Canh, với các bạn Trung Quốc rằng: “Từ 1950 đến 1954, với sự giúp đỡ của nhân dân, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Trường Lục quân Việt Nam đóng tại Vân Nam đã đào tạo được 10 ngàn cán bộ cho các  chiến trường, cho các đại đoàn chủ lực, cho các chiến dịch, cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Cá nhân tôi là nhân chứng của  sự chi viện quý báu đó của nhân dân Trung Quốc cho nhân dân Việt Nam. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam  trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, vô cùng vinh quang có  phần   giúp đỡ  rất quý báu của nhân  dân Trung  Quốc. Chúng tôi luôn ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình đó”.
Cùng với việc Nhà nước Trung Quốc bố trí cho Trường Lục quân Việt Nam đóng quân tại Vân Nam thì ngay sau Chiến dịch giải phóng biên giới, Chính phủ Trung Quốc lại tiếp nhân, bố trí cho Khu học xá Trung ương (bao gồm các trường Khoa học, Sư phạm, các trường phổ thông đến đóng tại thành phố Nam Ninh; học sinh lên đến 5000 người).
Năm 1953, Chính phủ Trung Quốc lại tiếp nhận Trường Thiếu nhi Việt Nam với hơn 1000 cán bộ, giáo viên, học sinh đến đóng tại Lư Sơn, sau đó chuyển về thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, mùa hè 1954, tôi được nhận vào  học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam, đóng tại thành phố Quế Lâm.
Toàn thể chúng tôi, các học sinh Việt Nam, được sống, học tập trong điều kiện hòa bình, được bảo đảm vật chất tốt nhất. Trong giai đoạn đó, nhân dân Trung Quốc ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nên sự giúp đỡ đó đặc biệt quý báu. Chúng tôi là những người trực tiếp thụ hưởng sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục dành cho nhân dân Việt Nam.
Năm 2003, chúng tôi kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Thiếu nhi Việt Nam đóng tại Quế Lâm. Nhìn lại, chúng tôi tự hào vì hơn 1000 học sinh của nhà trường đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi đều tâm niệm, trong sự trưởng thành của toàn thể học sinh ngày ấy có công lao chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ cho chúng tôi của nhân dân Quế Lâm, của nhân dân Trung Quốc.

Kỉ niệm về cha tôi, vị Đại sứ thứ 3 của Việt Nam tại Trung Quốc
… Năm 1959, cha tôi được Đảng, Nhà nước Việt Nam giao nhiệm vụ làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, ông cùng Đại sứ Trung Quốc Hà Vỹ có chuyến công tác khảo sát các nông trường  quân đội tại Quân khu Tây Bắc, để chuẩn bị cho Hiệp định Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng 12 nông trường. Cuối 1959,  trên cương vị Đại sứ, cha tôi đã cùng Bộ Nông khẩn Trung Quốc ký  Hiệp định này. 
Do có quan hệ trong công tác từ thời kháng chiến chống Pháp, cha mẹ tôi có nhiều bạn thân thiết là cán bộ trong Đoàn Cố vấn Trung Quốc, sau này họ là cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội như các đồng chí: Văn Trang,  Lương Phong. Khi cha tôi làm Đại sứ tại Trung Quốc, cha mẹ  tôi có quan hệ rất thân thiết với vợ chồng Đại sứ Hà Vỹ, sau đó là vợ chồng Đại sứ Chu Kỳ Văn.
Trong buổi lễ Trình Quốc thư lên Mao Chủ tịch, tháng 5/1959.

Tháng 4-1959, cha tôi sang Bắc Kinh nhận nhiệm vụ. Ông là Đại sứ Việt Nam được trình Quốc thư lên Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Mao Trạch Đông. Mao Chủ tịch  đã dành cho cha tôi và các cán bộ sứ quán ta một buổi tiếp rất thân tình, như người một nhà. Ông vui vẻ bỏ qua các nghi thức ngoại giao và cho biết, đây sẽ là lần cuối cùng ông nhận Quốc thư ngoại giao  trên cương vị Chủ tịch nước. Người chúc cha tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển  quan hệ hữu nghị anh em giữa  hai nước.
Cha tôi là  Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam thứ 3  tại Trung Quốc. Nhiệm kỳ của ông kéo dài  từ 1959 đến 1967. Trên cương vị này, ông đã mang hết sức mình ra góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Trung.
Giai đoạn này là giai đoạn nhân dân Việt Nam vừa xây dựng vừa chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trên miền Bắc, vừa tiến hành cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam. Cha tôi  nhiều lần được thông báo trực tiếp cho  Mao Chủ tịch về tình hình chiến sự tại Việt Nam, những thắng lợi, khó khăn, các nhu cầu của tiền tuyến.
Ông cùng Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, Thứ trưởng Ngoại thương Lý Ban là những người trực tiếp tham gia chuẩn bị các hiệp định giữa hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, về việc: phía Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam.  
Cha tôi qua đời vào tháng 2-1967 tại Hà Nội,  khi đương nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Trung Quốc, thọ 60 tuổi.

Xây dựng tình hữu nghị trường tồn
Năm 1965, Đế quốc Mỹ  mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.  Như bao thanh niên cùng thế hệ, tôi nhập ngũ, tham gia chiến đấu chống Mỹ. Trong suốt cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ, những người lính chúng tôi nhận được sự chi viện rất kịp thời, quý báu của nhân dân Trung Quốc. Trang bị cá nhân của người lính từ chiếc ba-lô trên vai, cái mũ cối đội đầu, đôi dép cao-su xỏ dưới chân, bộ quân phục ga-ba-đin vải Tô Châu khoác trên người… đến khẩu súng AK, CKC rồi đạn dược, cả khẩu phần lương thực… đều do nhân dân Trung QUốc giúp đỡ. Chúng tôi ghi nhớ điều đó.
Năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nuớc (30-4-1975 - 30-4-2015), phóng viên Tân Hoa Xã thường trú tại thành phố Hố Chí Minh Đào Quân có phỏng vấn tôi. Trong phần trả lời, tôi nói rằng: “Chúng tôi, thế hệ cựu chiến binh trong chiến tranh chống Mỹ, luôn  luôn  ghi nhớ sự giúp đỡ, chi viện của nhân dân Trung Quốc cho nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam có phần đóng góp quý báu của nhân dân Trung Quốc”.
Hiện nay, tôi tham gia công tác của Hội Việt-Trung hữu nghị thành phố Hồ chí Minh. Với một tình cảm chân tình với nhân dân Trung Quốc, tôi  mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào các hoạt động của Hội.
Tôi đã nhiều lần tổ chức các đoàn của cựu giáo viên, cán bộ, học sinh Trường Thiếu nhi Việt Nam tại thành phố Quế Lâm, Khu học xá Trung ương tại thành phố Nam Ninh trở về thăm lại đất cũ trường xưa, thăm lại các giáo viên, cán bộ, bác sỹ, y tá đã chăm sóc khi chúng tôi sống, học tập tại hai thành phố  của tỉnh Quảng Tây. Những lần gặp gỡ diễn ra rất cảm động, thắm đượm tình người, thắm tình hữu nghị Việt –Trung.
Tại thành phố Quế Lâm, trường Đại học Sư phạm Quang Tây đã nhận trách nhiệm  làm “Ngôi trường cũ” của toàn thể giáo viên, cán bộ, học sinh các nhà trường  Việt Nam từng học tập tại Quảng Tây từ năm 1951 đến năm 1975.
Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây đã xây dựng  “Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam”. Chúng tôi tham gia đóng góp nhiều tư liệu, hiện vật cho ngôi nhà hữu nghị này. Trong ngày khánh thành công trình vào 15-5-2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt  Nam tham dự buổi lể long trọng, hữu nghị này.
Tôi cùng một đoàn các cựu cán bộ, giáo viên, học sinh Việt Nam trở về thăm Quế Lâm sau ngày khánh thành “Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam”. Lãnh đạo Đại học Ssư phạm Quảng Tây tiếp đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Các bạn Trung Quốc nhắc lại bài phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có đoạn: “Sinh viên, học sinh Việt nam học tập tại nhiều nước trên thế giới. Song, đây là Nhà lưu niệm các trường học Việt Nam, các thế hệ học sinh Việt Nam đầu tiên, được xây dựng, nhằm  gìn giữ, bảo tồn  giá trị quan hệ hữu nghị  Việt-Trung, tài sản vô giá cho nhân dân hai nước. Tôi - một cựu học sinh Việt Nam từng sống,  học tập tại thành phố Quế Lâm thời kỳ chiến tranh chống Mỹ  - xin cảm ơn nhân dân Quế Lâm, đã giúp đỡ chúng tôi trong thời gian sống, học tập tại Quế Lâm. Xin cảm ơn Đại học Sư phạm Quảng Tây đã xây dựng ngôi nhà thắm tình hữu nghị này”.
Nghe tin đoàn chúng tôi đến thăm Đại học Sư phạm,  một đoàn các  nam, nữ cựu chiến binh từng tham gia “kháng Mỹ, viện Việt” tại thành phố Quế Lâm, Liễu Châu do hai cựu chiến binh Tạ Hùng Uy, Phan Bản Ấm dẫn đầu, đã gặp gỡ, giao lưu cùng chúng tôi. Chúng tôi đã cảm ơn các anh, các chị - những chiến sỹ  quốc tế  đã sang Việt Nam tham gia chiến đấu chống Mỹ, có những người đã hy sinh vì nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng ghi nhớ sự giúp đỡ đó và coi đó là di sản quý báu,  là cơ sở  cho việc xây dựng tình hữu nghị Việt-Trung.
Các cựu chiến binh “kháng Mỹ, viện Việt”  là những người rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. Các anh chị đã nhiệt tình tham gia Cầu truyền hình hữu nghị: Việt-Trung “Láng giềng gần” do Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Quảng Tây thực hiện.
Tháng 6-2013, tôi có dịp gặp anh Tạ Hùng Uy tại Quế Lâm. Hai chúng  tôi cùng nhau theo dõi chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Trương Tấn Sang theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi nói với anh Tạ Hùng Uy:  “Anh và tôi là hai cựu chiến binh từng trải qua chiến tranh, chúng ta đã cùng nhau chống lại kẻ thù chung, chúng ta là  nhân chứng của mối quan hệ hữu nghị Việt –Trung. Trong quá khứ có giai đoạn  quan hệ Việt –Trung rất xấu. Hiện nay, giữa hai nước vẫn còn vấn đề trên Biển Đông, chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai, song chúng ta cần cùng nhau ủng hộ thỏa thuận của hai vị Chủ tịch được nêu lên trong Tuyên bố chung Việt-Trung: các vấn đề chưa thống nhất sẽ được giải quyết qua thương lượng, qua đường ngoại giao…”.  Khi nghe đến đoạn “Nhân dân Việt Nam, Trung Quốc cần cùng nhau có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, ổn định vì lợi ích của cả hai dân tộc”, anh Tạ Hùng Uy ôm lấy tôi, biểu thị sự đồng cảm với suy nghĩ của tôi.

Vỹ thanh
Năm nay, kỷ niệm 65 năm ngày hai nước Việt Nam, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn lại 65 năm quan hệ Việt –Trung, tôi tự hào vì cha chúng  tôi - Đại sứ Trần Tử Bình - có hơn 14 năm (thời kì (1950-1955) công tác tại Trường Lục quân Việt Nam và (1959-1967) - Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc) sống, làm việc và gắn bó với đất nước Trung Hoa. Ông có những đóng góp  tích cực  trong việc củng cố, xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung.
Là thế hệ con cháu, ngày hôm nay anh em trong gia đình chúng tôi đang tích cực đóng góp vào việc xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung.




2 nhận xét:

  1. Bài viết do 1 báo đặt nhân 65 năm quan hệ ngoại giao Việt-Trung.

    Trả lờiXóa
  2. Theo cô Vũ Xuân Dung (từng công tác ở Sứ quán VN tại Bắc Kinh những năm 60): Trong ảnh lễ trình Quốc thư: Trái qua là các chú Tân Phong, Hà Quế (dịch giả Ruồi Trâu), Châu Thọ Thông (sau này là phó giám đốc Sở Ngoại vụ HN), Lê Bá Cấp (Cáp), Khánh Mỹ(?).

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.