Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Từ 1 ý tưởng


Sinh thời, khi qua Nhà tù Hỏa Lò, cha tôi hay kể về cuộc vượt ngục lịch sử giữa tháng 3/1945: "Trước khi chui xuống cửa cống ngầm ở Trại J, cha nói với anh em tù chính trị tốp đi tiên phong: "Sống thì nhớ; chết thì giỗ ngày này!". Sau đó, hơn 100 tù chính trị đã theo đường này, thoát ra ngoài, về với phong trào.
Vì thế mà Khu di tích Hỏa Lò từ lâu đã là địa chỉ thân thiết của gia đình. Có gì Ban quản lí Khu di tích Hỏa Lò, nhất là các bạn trẻ, đều xin tư vấn, chia sẻ.
Nhân 30/4/2015, bộ sưu tập "Chuyện kể các vị tướng bị giam cầm trong các nhà tù thực dân" được trưng bày lần đầu tiên tại Bến Nhà Rồng. Để ra mắt bộ sưu tập, các chuyên viên mất rất nhiều công sức, nhất là khi sự kiện tù đày của các cụ xảy ra đã ngót 1 thế kỉ mà những người đi sưu tập lại quá trẻ.



Tại TPHCM, các bạn nêu ý tưởng, muốn tiếp tục đưa bộ sưu tập này tới các tỉnh, thành cả nước.
Chỉ sau đó ít tháng, nhân kỉ niệm 19/8, bộ sưu tập được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam quê tôi. Thật vinh dự vì đúng 70 năm trước, cha tôi - người con của Hà Nam - được Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở HN và 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, và hôm nay các tư liệu về cuộc đời của cụ và đồng đội lại được đưa tới với bà con tỉnh nhà.
Tại đây, chúng tôi lần đầu được thấy những kỉ vật do Bảo tàng Hà Nam sưu tập được: thanh mã tấu mà cha tôi đã hướng dẫn cho tự vệ luyện tập quân sự cùng khay mực, bàn in để in ấn tài liệu, báo chí vận động cách mạng.
Cũng như lần trưng bày ở TPHCM, anh em tôi giúp ban tổ chức mời được gần hết gia đình các tướng lĩnh (đa số là phụ huynh Trỗi) đến dự. Các cháu ở Khu di tích Hỏa Lò cảm ơn nhưng tôi bảo, đó là 'việc nhà' vì quan hệ các cô chú có được ngày nay chính là do các cụ xây đắp nền móng.
Khi các bạn trẻ ở Ban quản lí Khu di tích nêu ý tưởng đưa bộ sưu tập vào Đà Nẵng, anh Trần Kháng Chiến đề xuất: bộ sưu tập cần bổ sung các vị tướng miền Trung. Trước mắt là gia đình 4 vị tướng: Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn. Chuyện kết nối với các gia đình không khó, chúng tôi đã có địa chỉ trên tay.
Khi dự án được duyệt, theo tư vấn, các cháu đi lấy tư liệu. Khi bộ sưu tập đã hoàn tất, cháu My muốn kết nối với Bộ tư lệnh QK5 thì lại được tư vấn: bám chú Bùi Chuẩn, người có nhiều năm công tác ở BTTM và có đủ quan hệ để giúp đỡ.
Nhưng sát Tết, QK5 vẫn chưa có văn bản chính thức và chỉ sau đó 1 tháng (cuối tháng 3/2016) đã phải tổ chức trưng bày. Lo lắng, cháu My lại giục hỏi. Chỉ trong ngày, chú Bùi Chuẩn hồi âm: QK5 đang bận phục vụ Đại hội Đảng nhưng cơ bản đã chấp thuận.
Ngay sau Tết, QK5 triển khai. Rồi chú Chuẩn cùng các cháu bay vào Đà Nẵng làm việc với Cục Chính trị QK, rồi mọi việc diễn ra tốt đẹp như đã biết.
Ra Đà Nẵng mới thấy, ông Bùi Chuẩn nhà ta cửa nào cũng quen, cũng biết, cũng có quan hệ. Anh em, bạn bè đông như quân Nguyên. Việc khó mấy chỉ xoẹt là xong.
Đúng là ý tưởng dù có hay đến mấy nhưng không tìm đúng người đúng việc thì khó mà thành công.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.