Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Nhớ về vụ xử án tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu (1950) và xem anh Tổng đốt lò


Chuyện ít biết về xét xử vụ án tham án nhũng đầu tiên của nước Việt Nam mới


Trò chuyện với ông Trần Kháng Chiến, con trưởng của Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967), được chia sẻ: “Mấy năm gần đây, thấy đạo đức cán bộ cao cấp của ta xuống cấp nghiêm trọng, tệ nạn tham nhũng hoành hành như căn bệnh ung thư hiểm nghèo đã di căn… là một CCB, là một đảng viên tôi rất trăn trở. Nhớ lại 70 năm trước, cha tôi đã cùng các đồng chí của mình nhận nhiệm vụ trước Đảng và Bác: xử vụ án tham nhũng đầu tiên trong quân đội - vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu và đồng bọn...”.

Thiếu tướng Chu Văn Tấn (1910 - 1984), Chánh án

Nhà thơ Đoàn Phú Tứ (1910 - 1989)

Thiếu tướng Trần Tử Bình, Công cáo ủy viên (1907 - 1967)

Đại tá Phạm Trịnh Cán, Cục trường Quân pháp (1912 - 2003)

Từ một đám cưới xa hoa
Ông Kháng Chiến nhớ lại: “Hè 1950, tại chiến khu Việt Bắc, cha tôi được Bác gọi lên và trao cho lá thư của một đại biểu Quốc hội: “Đây là bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Bác đã đọc kĩ và rất đau lòng. Chú đọc và khẩn trương điều tra vụ này”. Khi đó cha tôi là Phó bí thư QQQ (mật danh của Quân ủy Trung ương), Phó Tổng Thanh tra quân đội...”.
Lá thư được viết:  “Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu gần đây đã gây nhiều dư luận bất bình trong anh em binh sĩ quân đội. Châu đã dùng quyền lực "ban phát" ăn mặc, nên Châu đã giở trò ăn cắp. Cứ mỗi cái màn lính, Châu ăn cắp mất hai tấc vải nên hãy ngồi lên là đầu chạm đỉnh màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào. Nhiều người biết đấy nhưng không ai dám ho he...
Cháu cùng với một đoàn nhà văn đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội vừa đi đánh giặc trở về. Cháu đã khóc nấc lên khi thấy các chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men, bông băng và hầu hết các chiến sĩ đều rách rưới "võ vàng đói rét", chỉ còn mắt với răng mà mùa đông tiết thời chiến khu lạnh lắm, lạnh tới mức nước đóng băng...”.
Sau đó, nhà thơ kể đã được Châu mời dự tiệc cưới của Lê Sĩ Cửu tổ chức ngay tại chiến khu: “... Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bò thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Hoa Ngọc Hà dưới Hà Nội cũng kịp đưa lên. Ban nhạc Cảnh Thân được mời từ Khu Ba lên tấu nhạc réo rắt. Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới...”.
Ngạo mạn hơn, Châu còn mời nhà thơ đọc thơ mừng hôn lễ. Đoàn Phú Tứ với lòng tự trọng của mình đã dũng cảm xuất khẩu: “Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay/ được dọn bằng xương máu của các chiến sĩ”. Lập tức ông bị cận thần của Châu xô tới, tát vào mặt và đuổi khỏi bàn tiệc.
Thanh tra quân đội vào cuộc
Ngay hôm sau, Tổng Thanh tra quân đội Lê Thiết Hùng triệu tập cuộc họp “Điều tra vụ tham ô của Đại tá Cục trưởng Quân nhu Trần Dụ Châu”. Tới dự có ông Xuân Thủy và nhà báo Hồng Hà. Thiếu tướng Trần Tử Bình đọc lại bức thư. Cả hội nghị im lặng. Ông nói tiếp: “Trong hoàn cảnh hiện nay, cách mạng đang đứng trước những thử thách gay go. Địch tập trung phá hoại kinh tế... Trong thời điểm nóng bỏng này, Trần Dụ Châu và đồng bọn lại mặc sức sống phè phỡn, trác táng... Đọc thư này, Bác yêu cầu chúng ta phải điều tra gấp, làm rõ từng vụ việc ”.
Ngay hôm sau, cán bộ trong Thanh tra quân đội tỏa về các liên khu. Trực tiếp ông Bình khoác ba lô xuống đơn vị, gặp gỡ từng cán bộ, chiến sĩ để trò chuyện về đời sống của bộ đội, về cấp phát quân nhu của Châu. Chưa rõ ông thuộc cán bộ cấp nào, nhưng cũng là dịp bộc bạch nỗi niềm bức xúc bấy lâu…
Tài liệu từ Khu Bốn gửi ra, từ Khu Ba gửi lên, rồi Chiến khu Việt Bắc... Trần Dụ Châu hiện nguyên hình một kẻ gian hùng, trác táng, phản bội lại lòng tin của Đảng, lợi ích Quốc gia. 


Chuyện kể của Cục trưởng Quân pháp
Cụ Phạm Trịnh Cán (1912 – 2003), từng học Luật ở Hà Nội, lúc bấy giờ là đại tá Cục trưởng Cục Quân pháp, kể lại: “Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, là Cục trưởng Quân nhu, Châu lo ăn mặc, thuốc men cho bộ đội. Do ta chưa sản xuất được nên quần áo, thuốc men được thu mua từ nội thành, vì thế đơn vị quân nhu đóng ở Thái Nguyên, để ra vào thành cho dễ. Cục phó Phạm Toàn, trưởng phòng tiếp liệu Lê Sĩ Cửu (thu mua thuốc, giấy pơ-luya, máy chữ...) là đệ tử thân tín của Châu.
Trần Dụ Châu tham nhũng từ 1949 đến mùa hè 1950… Thời gian này, bộ đội toàn ăn gạo hẩm. Không có thực phẩm, phải vào rừng lấy măng thay rau. Nhiều đơn vị chủ lực phải ăn cháo để đánh địch. Áo trấn thủ và “chăn chiên kháng chiến” chỉ là lớp bông mỏng. Thuốc men thiếu thốn, đặc biệt thuốc qui-na-cơ-rin chống sốt rét phải pha vào nước, chỉ có tác dụng “chữa bệnh tinh thần”. Bộ đội oán trách Cục Quân nhu, oán trách “nhóm 3 tên” Châu, Cửu, Toàn sống sa đọa.
Anh Trần Tử Bình đã tìm tôi, hỏi có nghe tin tức về vụ Châu? Tôi thẳng thắn: “Tôi có nghe. Bộ đội công phẫn lắm” rồi anh Bình nói: “Trung ương chỉ thị phải mở cuộc điều tra về vụ tham nhũng này. Chỉ thị này tối mật. Ngoài mấy ông Trung ương, chỉ có tôi và anh biết. Nếu để lộ, Trần Dụ Châu mà dinh-tê vào thành thì chúng mình mất đầu”. Rồi anh Bình giao nhiệm vụ cho Quân pháp vào cuộc”.
Cục Quân pháp cử cán bộ xuống các đơn vị nghe ngóng tình hình. Sau khi nghe báo cáo, anh Trần Tử Bình hỏi: “Điều tra sơ bộ như vậy, có thể truy tố ra Tòa án binh được không?”. “Đáng truy tố theo tội trạng như vậy. Nhưng cần tiếp tục điều tra nữa để có thêm tài liệu, dẫn chứng cụ thể, để căn cứ mà kết tội”, tôi tư vấn.
Trần Dụ Châu ngoài tội tham ô còn bị tội phá hoại đoàn kết nội bộ Đảng trong Cục Quân nhu, trù dập đảng viên tốt. Sau khi tôi bàn giao công việc lại cho anh Ngô Minh Loan, anh Bình còn hỏi ý kiến: “Nếu tiếp tục điều tra thêm thấy rõ tin đồn là đúng sự thật thì mức độ kết án thế nào?”. Tôi trả lời: “Tùy theo mức điều tra như thế nào. Theo riêng tôi, nặng nhất phải tử hình, dưới nữa phải 15-20 năm tù. Kể cả mức điều tra quan trọng sau lần điều tra báo cáo Trung ương để có chỉ thị. Nếu kết quả cuối cùng của việc điều tra thấy Châu tội nặng cộng với ảnh hưởng công phẫn trong quân đội thì có thể kết án tử hình được”. Tôi còn nói thêm: “Tới mức ấy không chỉ xin chỉ thị Trung ương mà còn phải xin chỉ thị của Bác”. Việc này phải hết sức thận trọng vì là lần đầu đưa cán bộ cao cấp ra xử, lại là cán bộ hoạt động trước cách mạng...”.
Bộ Tổng tư lệnh cho bắt Phạm Toàn trước để lấy lời khai. Ông Phạm Trịnh Cán trực tiếp hỏi cung. Đêm ấy, Toàn dùng lựu đạn ăn cắp được cho nổ dưới bụng.
Cửu bị bắt sau đó, tạm giam cạnh nhà Cục Quân pháp. Mấy ngày sau, Cửu cũng lấy que nứa cắt mạch máu cổ tay, định tự vẫn.


Xử án Trần Dụ Châu và đồng bọn
Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Tòa án Binh tối cao mở phiên tòa đặc biệt xử Trần Dụ Châu và đồng bọn. Chưa đến giờ khai mạc nhưng trong, ngoài đã chật ních. Tại cửa có căng khẩu hiệu "Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội". Trong phòng xử án treo 2 khẩu hiệu "Quân pháp vô thân !" và "Trừng trị để giáo huấn !".
Đúng 8 giờ, đại diện Chính phủ, quân đội, Tòa án Binh tối cao có mặt. Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án cùng 2 Hội thẩm viên: Phạm Học Hải - Giám đốc Tư pháp Liên khu Việt Bắc và Trần Tấn - Cục phó Cục Quân nhu.
Thiếu tướng Trần Tử Bình, đại diện Chính phủ, ngồi ghế Công cáo ủy viên. Tới dự còn có ông Nguyễn Khang - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu Việt Bắc, Võ Dương - Liên khu hội trưởng Liên khu Việt Bắc; Đỗ Xuân Dung - Giám đốc Công chính Liên khu Việt Bắc; bác sĩ Vũ Văn Cẩn cùng đại biểu quân đội, đại diện các đoàn thể nhân dân và các nhà báo.
Tiếng gọi các bị cáo vang trong phòng họp. Bị cáo Lê Sĩ Cửu vắng mặt vì ốm nặng.
Thiếu tướng Chánh án hỏi các bị cáo. Trần Dụ Châu bước ra trước vành móng ngựa, nói nhiều về công lao với cách mạng và đổ cho lính làm bậy, còn mình không kiểm soát được.
Trước chứng cứ rành rành, Công cáo ủy viên Trần Tử Bình đứng lên đọc bản cáo trạng:
“Thưa Toà, thưa các vị,
Trong tình thế gấp rút chuẩn bị Tổng phản công, mọi người đang nai lưng buộc bụng, tích cực phục vụ kháng chiến. Trước tiền tuyến, quân đội ta đang hy sinh để đánh trận căn bản mở màn cho chiến dịch mới, thì tôi thiết tưởng (mà cũng là lời yêu cầu) Toà dùng những luật hình sẵn có để xử Trần Dụ Châu, và theo chỉ thị căn bản của vị cha già dân tộc là cán bộ cần phải “Cần - Kiệm - Liêm – Chính”.
Việc phạm pháp của Trần Dụ Châu xảy ra trong không gian là Việt Bắc, nơi thai nghén nền Độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã làm vẩn đục thủ đô kháng chiến…
Để đền nợ cho quân đội, để làm tấm gương cho cán bộ và nhân dân, để cảnh tỉnh những kẻ đang miệt mài nghĩ những phương kế xoay tiền của Chính phủ, những lũ bày ra mưu nọ kế kia, lừa trên bịp dưới, để trừ hết bọn mọt quỹ tham ô, dâm đãng, để làm bài học cho những ai đang trục lợi kháng chiến, đang cậy quyền, cậy thế để loè bịp nhân dân.
Bản án mà Toà sắp tuyên bố đây phải là một bài học đạo đức cách mạng cho mọi người, nó sẽ làm cho lòng công phẫn của nhân dân được thoả mãn, làm cho nhân dân thêm tin tưởng nỗ lực hy sinh cho cuộc toàn thắng của nước nhà.
Tôi đề nghị...”.
Trần Dụ Châu tái mặt, cất giọng yếu ớt xin tha tội. Thiếu tướng Chánh án tuyên bố: “Toà nghỉ 15 phút để nghị án”.
Khi Toà trở ra tiếp tục làm việc, Thiếu tướng Trần Tử Bình đọc công lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh: Tước quân hàm đại tá của Trần Dụ Châu. Sau đó, Thiếu tướng Chánh án đứng lên tuyên án:
- Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: Tử hình, tịch thu ba phần tư tài sản.
 Lê Sĩ Cửu, can tội biển thủ công quỹ, thông đồng với bọn buôn bán lậu giả mạo giấy tờ: Tử hình vắng mặt.
Hai chiến sĩ công an dẫn Châu rời nơi xử án trở về nhà giam.
 


Ý kiến của Bác
Theo luật, án tử hình được quyền đệ đơn lên Chủ tịch nước xin ân giảm. Nếu Chủ tịch nước cho ân giảm, không bị đưa ra xử tử thì sẽ đưa về tù chung thân. Khi Tòa án binh tối cao tuyên án, Thiếu tướng Chu Văn Tấn hỏi: “Có xin ân giảm không?” thì Trần Dụ Châu nói: “Có”.
Khi làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?
– Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa…
– Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?
– Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.
Bác gật đầu, nói “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.
Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu.


Vỹ thanh!
Đúng 6 giờ chiều hôm sau, Trần Dụ Châu được đưa ra trường bắn trước sự có mặt của đại diện Bộ Tư pháp, Nha Công an, Cục Quân nhu và một số cơ quan.
Báo Cứu quốc ra ngày 27/9/1950 đã đăng bài xã luận viết về vụ này một cách công khai để nhân dân biết: Vụ án đã cho Chính phủ, Đoàn thể (Đảng) nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng, giáo dục và kiểm soát cán bộ để phục vụ tốt cho kháng chiến, kiến quốc… mặc dù có người e ngại, vì nếu công khai vụ án này sẽ làm cho dân chúng chê trách, kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, lợi ít, hại nhiều…(!).
Việc Đảng, Nhà nước, Bác Hồ nghiêm khắc xử lý vụ án Trần Dụ Châu gần 70 năm trước vẫn là bài học quý cho việc chống tham nhũng, lãng phí mà Đảng và Nhà nước đang tích cực tiến hành hiện nay. Chúng ta phải coi đây là việc làm nhân đạo để củng cố niềm tin trong nhân dân.
(Trần Kiến Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.