Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

Bài gửi Tạp chí Công đoàn ngành Cao su VN


Gia đình Bí thư chi bộ Phú Riềng Đỏ Trần Tử Bình với Cao su Việt Nam

Nhân kỉ niệm 90 năm Chi bộ Cộng sản đầu tiên của miền Đông Nam Bộ và cũng là chi bộ đầu tiên của tỉnh Bình Phước, chi bộ đầu tiên của Cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019), Chủ tịch Công đoàn ngành Cao su Phan Mạnh Hùng đã đến thăm và mời gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình lên Bình Phước dự lễ kỉ niệm. Chúng tôi, những người con của cụ Trần Tử Bình, rất cảm động trước tình cảm này.
Nhưng với Cao su VN, chúng tôi đã có những quan hệ thân tình từ lâu. Xin cùng ngược dòng thời gian...

Trần Tử Bình và 60 năm cuộc đời
Phê-rô Phạm Văn Phu[1] sinh năm 1907, trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa ở thôn Đồng Chuối, Tiêu Thượng, Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam. Năm 1926, vận động chủng sinh Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên để tang cụ Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Gặp nhà cách mạng Tống Văn Trân, kí công-tra vào Nam Bộ làm phu cao su rồi trở thành chỗ dựa cho cánh phu phen.


Đêm 28/10/1929, chi bộ Phú Riềng thành lập do Nguyễn Xuân Cừ là bí thư. Phong trào công nhân Phú Riềng với đỉnh điểm vào dịp Tết Nguyên đán 1930: 5000 phu cao su, dưới sự lãnh đạo của chi bộ do Phạm Văn Phu là bí thư[2], làm chủ đồn điền trong hơn một tuần lễ. Ông bị bắt, ra tòa rồi bị đày ra Côn Đảo tới năm 1936 được trả về đất liền
Tiếp tục hoạt động: trưởng thành từ bí thư chi bộ, bí thư Huyện ủy Bình Lục, Tỉnh ủy Hà Nam rồi Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Cuối năm 1943, ông lại bị bắt ở Thái Bình. Tháng 3/1945, tham gia tổ chức vượt ngục thành công cho hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò, Hà Nội. Là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Là Phó giám đốc, Chính trị ủy viên Khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946. Là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương và Trưởng phòng Cán bộ - Thanh tra 1947. Sau Chiến thắng Việt Bắc Thu đông 1947 là 1 trong 9 cán bộ cao cấp trong quân đội được Hồ Chủ tịch tấn phong hàm thiếu tướng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Nguyễn Bình.
Thời gian (1951 – 1956): Chính ủy Trường Lục quân VN. Thời gian (1956 – 1958): Phó Tổng Thanh tra chính phủ kiêm Tổng Thanh tra quân đội, tham gia sửa sai trong Cải cách ruộng đất.
Thời gian (1959 – 1967): Đại sứ đặc mệnh của Việt Nam DCCH tại Trung Quốc. Đại biểu Quốc hội khóa 3 và được bầu là Ủy viên Trung ương tại Đại hội Đảng 3 năm 1960. Mất tại Hà Nội ngày 3 Tết năm 1967.
Đồng Phú – địa chỉ thân thiết
Ông Trần Kháng Chiến, con trưởng cụ Trần Tử Bình, tâm sự: “Cuối những năm 80 thế kỉ trước, khi Phạm Thị Vượng - em dâu tôi rời Hà Nội vào làm việc cho Cty Protrade của Tỉnh ủy Sông Bé, đã mời mẹ tôi – bà Nguyễn Thị Hưng[3] - vào chơi. Gặp được con cháu đã vui nhưng bà vui hơn khi được anh em Protrade đón lên thăm Cty Cao su Đồng Phú - nơi cha tôi làm phu cao su thời gian (1927 – 1930). Ấy cũng là hạnh phúc của bà trước ngày bà đi xa.
Sau đó, 5 trong 8 gia đình chúng tôi vào sinh sống tại TPHCM. Chúng tôi coi Cty Cao su Đồng Phú là nơi đi về. Vào dịp nghỉ hè hàng năm, thường tổ chức cho con cháu thế hệ thứ 3, thứ 4 lên thăm nơi cụ Trần Tử Bình đã sống chỉ 3 năm  nhưng đã cùng chi bộ làm nên một sự kiện lịch sử - Phú Riềng Đỏ 3/2/1930.
Năm 2001, chúng tôi đã mời cụ Nguyễn Thọ Chân[4] – nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Thành ủy Sài Gòn, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động và TBXH, nguyên Đại sứ VN ở Liên-xô (1968 – 1972), bạn tù Hỏa Lò - Côn Đảo với cha chúng tôi – lên thăm Đồng Phú. Cụ có ghi lại trong cuốn sách của gia đình thế này:
“Các cháu con anh chị Trần Tử Bình ở TPHCM vẫn qua lại thăm vợ chồng tôi. Ngày 19/10/2001, các cháu mời tôi, anh Lê Trọng Nghĩa[5], vợ chồng NSƯT Dương Minh Đẩu[6] về thăm Phú Riềng Đỏ - địa chỉ thân thiết của gia đình. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước và Ban giám đốc Cty Cao su Đồng Phú đã nhiệt tình đón tiếp.
Theo con đường đất đỏ, chúng tôi đến thắp hương tại đài tưởng niệm “Phú Riềng Đỏ” được xây dựng từ năm 1985, nhân kỉ niệm 10 năm giải phóng miền Nam. Ngày 26/3/1999, địa chỉ này được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hóa theo quyết định số 05- QĐ/BT... Sau đó, chúng tôi được đưa về thăm suối Đá làng 3, nhà truyền thống và boongalow của chủ Nhất. Chúng tôi còn đến thăm xí nghiệp chế biến cao su, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... Biết Cty Cao su Đồng Phú đang cổ phần hóa, thấy đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng cải thiện mà lòng tôi bồi hồi xúc động. Giá anh Bình chị Hưng còn sống đến ngày hôm nay!”.
Câu chuyện về sách và tượng đồng
Năm 2004, Hội Khoa học Lịch sử VN và gia đình đã tổ chức lễ tưởng niệm cho ông tại Bảo tàng Cách mạng Hà Nội. Hơn 250 đại biểu đã tới dự, trong đó có đại diện của Tổng Cty Cao su VN. Tại buổi lễ, Hội Khoa học Lịch sử đã phát động “góp giọt đồng đúc tượng danh nhân” và chúng tôi cũng đã nhận được những giọt đồng quý giá của Công đoàn Cao su.
Nhân ngày 27/7/2006, để chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn sách “Trần Tử Bình từ Phú Riềng Đỏ tới mùa Thu Hà Nội...” gia đình đã cùng đồng chí Lê Thanh Bình (Chủ tịch Công đoàn lúc bấy giờ) có buổi làm việc với Ban Khoa giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bình Phước. Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của Công đoàn Cao su và Tỉnh ủy. Cùng với 1000 cuốn sách do gia đình phát hành, Công đoàn Cao su đã nhận phát hành thêm 1000 cuốn nữa cho các thư viện các công đoàn cơ sở.
Cuối năm 2010, sau khi 6 phiên bản tượng đồng Thiếu tướng Trần Tử Bình được nhà điêu khắc Tạ Duy Đoán và các nghệ nhân hoàn thành, gia đình đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự VN, Trường Sĩ quan Lục quân 1 (đơn vị AHLLVTND kế thừa truyền thống Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946 do ông làm Phó giám đốc Chính trị ủy viên) và Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình tại quê hương.
Và ngày 27/1/2010, tượng của ông đã được đặt tại Phòng truyền thống của Công đoàn Cao su. Tới dự buổi lễ, cùng gia đình và đại diện Công đoàn Cao su còn có thiếu tướng Nguyễn Minh Long và đại tá Hoàng Minh Phương – 2 học trò thân thiết của ông, gia đình cụ Nguyễn Văn Phát – bạn tù Côn Đảo (1930 – 35) cùng TTK Hội Khoa học Lịch sử VN Dương Trung Quốc... Từ hôm ấy, ông như hiển hiện trong cuộc sống lao động của công nhân Cao su thế kỉ 21.

Sự kiện 90 năm Chi bộ Phú Riềng Đỏ
Trước lễ kỉ niệm ít ngày, gia đình nhận được điện của anh Khánh, cán bộ Tổ chức, thông báo Công đoàn Cao su có nhã ý muốn đến thăm gia đình. Ngày 23/10/2019, Chủ tịch Công đoàn Phan Mạnh Hùng thay mặt ban tổ chức đến thắp hương cho Bí thư chi bộ Phú Riềng làm nên sự kiện Phú Riềng Đỏ 1930 và mời gia đình lên Đồng Xoài dự khánh thành tu bổ nhóm tượng đài Phú Riềng Đỏ và dự kỉ niệm 90 năm Chi bộ đầu tiên của tỉnh Bình Phước và của ngành Cao su VN. Gia đình thực sự cảm động trước sự tri ân này!
Thay mặt đại gia đình, ông Trần Kháng Chiến đã tặng Công đoàn Cao su cuốn sách "Trần Tử Bình từ Phú Riềng Đỏ tới mùa Thu Hà Nội..." cùng 3 bộ phim tư liệu gắn với cuộc đời hoạt động của ông và đồng đội: "85 năm Phú Riềng Đỏ", "70 năm cuộc vượt ngục Hỏa Lò lịch sử" và "Những người làm Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội".
Ngày 25/10/2019, bốn anh em Kháng Chiến, Kiến Quốc, Thành Công, Hữu Nghị đã thay mặt đại gia đình cụ Trần Tử Bình có mặt dự lễ khánh thành tu bổ cụm tượng đài Chi bộ Phú Riềng. Dưới nắng vàng chiều Thu, khi Quốc ca cử hành, chúng tôi thực sự xúc động như thấy cha mình cũng có mặt tại đây trong giờ phút trang nghiêm này. Vâng, tại đây trong đêm 28/10/1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của miền Đông Nam Bộ được thành lập và cha chúng tôi là một trong 6 đảng viên đầu tiên ấy.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên dự lễ kỉ niệm tại Cty Cao su Phú Riềng (đây cũng là lần đầu tiên tới thăm Phú Riềng!). Lễ kỉ niệm được tổ chức thật hoành tráng, long trọng. Vui hơn khi chúng tôi được gặp lại anh Sáu Phong[7] - người đã thay mặt Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng cho Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Trần Tử Bình, vào đầu năm 2008. Anh tự hào từng là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé “thời kì đổi mới” mà cha chúng tôi là Bí thư chi bộ đầu tiên của miền Đông Nam Bộ và của tỉnh Sông Bé; hơn nữa, anh được vinh dự trao tặng phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước cho gia đình, đúng tại Phủ Khâm sai (nay là Nhà khách Chính phủ 12 Ngô Quyền, Hà Nội) nơi mà cụ Trần Tử Bình cùng Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội vào tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Khâm sai đại thần Nguyễn Xuân Chữ, giành chính quyền về tay nhân dân, trưa ngày 19/8/1945.
Vỹ thanh!
Sinh thời, cha chúng tôi ít nói về những đóng góp của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc nhưng cụ tự hào “có 2 mốc son” - đó là năm 23 tuổi cùng 6 đảng viên làm nên Phú Riềng Đỏ lịch sử và năm 38 tuổi cùng anh em Hà Nội tiến hành Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 thành công, không hề đổ một giọt máu”.
Đó cũng chính là niềm tự hào của đại gia đình và dòng tộc chúng tôi!
Mùa Thu 2019
Trần Kiến Quốc – con trai thứ 4 của ông Trần Tử Bình




[1] Tên khai sinh của cụ Trần Tử Bình (1907 – 1967).
[2] Khi này Nguyễn Xuân Cừ bị lộ, phải chuyển vùng và Phạm Văn Phu đã thay thế.
[3] Tham gia hoạt động từ 1936, vào Đảng 1939. Tham gia cướp chính quyền 1945 ở Hưng Yên. (1920 – 1993).
[4] Đến năm 2019 này, cụ đã 98 tuổi và sống tại TPHCM.
[5] Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội 1945, đại tá, Cục trưởng Cục Quân báo Bộ Tổng Tham mưu. (1922 – 2015).
[6] Tham gia Thanh niên Tiền phong Nam Bộ 1945. Sau này là đại tá, giám đốc Xưởng phim quân đội (1962 – 1978)... (1928 – 2018).
[7] Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.