Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Cha là con người trào phúng (KQ)

Ngày bé mỗi lần cùng cha mẹ về Ân Thi ăn tết cùng ông bà nội và cô chú Truyền, khi vừa vào đến cửa đã nghe giọng oang oang của cha chúc ông bà: "Ơn Chúa, cha mẹ có được khỏe không? Sang năm sớm, chúng con kính chúc cha mẹ thật mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi!... - rồi tủm tỉm, cha đùa - Đức Chúa Giê-su nằm trong hang đá thò cu ra ngoài. Đức Bà tưởng là củ khoai, đem về nấu nướng, cả nhà cùng ăn". Lúc đó bà đưa tay làm dấu Thánh, móm mém cười: "Cha bố anh!".


Vì cha bận công việc mà hàng năm chúng tôi chỉ được gần cha ít ngày vào dịp Tết hoặc mỗi lần về họp TW, suốt từ 1960. Đến năm 1965, chiến tranh mở rộng ra miền Bắc, lại đi sơ tán, lên trường Trỗi lại đi học xa nên chẳng còn dịp nào. Có lẽ lần cuối cả nhà sum họp vào hè năm 1964, tháng 8, trước khi Mỹ gây ra "sự kiện Vịnh Bắc bộ".
Lần đó cha về họp và đón đoàn Chính phủ TQ sang kí Hiệp định quân sự, giúp đỡ tăng cường máy bay phản lực Mig-17, Mig-19 cho bộ đội Không quân. Cha hẹn cả nhà đi nghỉ Bãi Cháy. Xe chở mẹ và chúng tôi chờ ở cầu Chui, còn cha từ sân bay Đa Phúc về thì nhập đoàn.
Ra đó nghỉ ở nhà khách Tổng Công đoàn, ngay trên sườn núi. Lần đầu tiên được ra Bãi Cháy, thấy biển, thấy rừng, sau lưng là núi... Khu nghỉ dành cho cán bộ cao cấp là dãy nhà 2 tầng, phía trong cùng. Trong khu có nhà nghỉ của bác Đồng, bác Giáp là mấy villa tường xây bằng đá xám, trông lịch sự, uy nghiêm. Lần đó nhà chú Hoàng Tùng cũng ra nghỉ. Sáng sáng mở cửa ra nghe cả tiếng bìm bịp. Chim chóc hót vang, bướm đủ sắc màu bay khắp nơi.
Biển chỉ lăn tăn sóng. Nhưng cũng chỉ tắm biển được vài ngày. Còn nhớ Công hay Phúc bị hào bám trên đá ở bờ biển làm rách chân, khóc hu hu, các chú bảo vệ phải cõng về nhà. Có lần cha cùng các chú còn ra cảng, lên thăm các tầu tuần la nhỏ bé của Hải quân bảo vệ vịnh Hạ Long.
Đang nghỉ thì có điện TW, vậy là cả nhà rút về. Chiến tranh đã mở rộng ra miền Bắc. Ngay trên vịnh Hạ Long, các tầu chiến của ta đã nã đạn, chống trả máy bay Mỹ. Đó là lần cuối sum họp.
***
... Sau 1975, hòa bình trở lại trên cả nước. Cha đi đã được 8 năm.
Vừa thừa hưởng chút vật chất thu được sau chiến tranh thì cũng là lúc đất nước bị cắt hết các khoản viện trợ. Đói khổ, cán bộ, CNV phải "tự bò". Năm 1978, mẹ về hưu. Về rồi, bà bảo: "Tao phải nuôi lợn, nuôi gà; vừa để cải thiện, vừa để hoạt động chân tay vì nghỉ thì không chịu được".
Sau 1980, các em đi học xa cũng về. Mỗi lần cân lợn để bán, Tiến Long, Lượng hay Trung vì cao nên hay được giữ đầu cân. Ông Lượng mặt tỉnh bơ, lấy ngón chân kẹp vào đuôi lợn cho cân vống lên, ăn gian thêm cho bà được ít kí.
Lần nào bán, mẹ cũng giữ lại bộ lòng. Ở đơn vị với lính nên học được nhiều truyện nghịch ngợm hay thơ Bút Tre... Lần đó mẹ luộc cỗ lòng cùng nồi cháo to. Cả nhà xì xụp. Vừa gắp miếng lòng non, chấm nước mắm ớt, vừa trêu mẹ:
- Mẹ, sao lợn lần này không thấy có tim?
- Nó cho để lại bộ lòng và bộ gan đã là quá rồi, còn tim thì cương quyết mang đi. Nó bảo, không có tim thì cháu biết bán thịt cho ai.
- Thế mẹ không biết à, ở đơn vị con, mỗi lần thịt lợn được ăn tươi. Ngon nhưng anh em thắc mắc, sao không thấy quả tim? Thắc mắc được đưa ra họp "tài chính công khai". Nghe anh em phát biểu, C trưởng chốt: Vì con lợn này không có tim. Làm cả bọn cười bò. Hóa ra các thủ trưởng đã cắt, luộc và xơi trước rồi. Anh em lại bảo, chắc thủ trưởng đã kiểm tra xem lợn có bị "đóng dấu" không, nhỡ lợn ốm, anh em ăn vào thì đi chảy cả đơn vị thì chết cả thủ trưởng.
- Mày chỉ được cái nói xấu cán bộ! - Mẹ cười.
Tiện thể đọc thơ Bút Tre cho cả nhà:
Liên hoan ăn với thịt... lợn
Ăn xong thì thấy lờn nhờn ở môi
Hoan hô anh chị em nuôi
Hì hà hì hục cả... buổi mới xong
Mẹ lại cười: "Chúng mày cũng hóm ra phết, kể truyện tiếu lâm giống y hệt cha ngày xưa!'.
***
Năm 2003 chuẩn bị cùng Hội Sử học tổ chức Lễ tưởng niệm cho cha. Khi đến thăm bác Văn xin bài viết, bác nhận lời. Riêng cô Hà, vợ bác, thì nhắc lại chuyện cũ:
- Cha cháu ngày ở Việt Bắc, mỗi lần họp Tổng quân ủy là 1 lần anh em được cười vỡ bụng.
Cha cháu hay kể chuyện tếu táo trong nhà thờ mỗi lần đi hầu Cha. Nào là ăn trộm bánh Thánh, để xem bánh Thánh có khác bánh đời; uống thử  nước Thánh xem khác gì nước giếng. Hóa ra nước Thánh là nước giếng có thêm tí muối, bánh cũng làm từ bột mì và đường...
Rồi cả chuyện gặp lại ông Cha (từng ở trường Dòng Hoàng Nguyên 1927), tới năm 1945 vào rửa tội cho tù nhân ở Hỏa Lò. Biết thóp ông ta nên cha cháu chọc: "Hôm nay Cha có củ hành củ tỏi gì không?", (Ý là có sơ múi, gái gẩm gì đêm nay không?). Cha cháu hóm hết cỡ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.