Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Hàng xóm 2 (KQ)

Nhà 99 đường Trần Hưng Đạo (thời Pháp là đường Gambetta) kẹp giữa 2 nhà số 101 và 97. Nhà 101 xưa là nhà riêng của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (con Hoàng Cao Khải), có 2 cây hồng xiêm cổ thụ, quanh năm trĩu quả cùng tòa nhà lớn 2 tầng, phía sau là dãy nhà thờ; nay là cơ quan Viện KH Giáo dục. Còn nhà 97 là nhà chú Trần Độ. Trước đó thuộc Cục Chuyên gia rồi bàn giao cho nhà Thiếu tướng Lê Hiến Mai nên chúng tôi quen thân anh Võ Minh, Mai Bình, Hoa, Hà. Sau nhà cụ Lê Hiến Mai chuyển về 30 Lý Nam Đế thì giao cho Cục Binh vận, cứ thấy các chú mang truyền đơn binh vận tiếng Anh cho xem. Tới 1973, chú Độ từ trong B2 ra đã chuyển cả nhà từ Đường Thành về đây.



Ngoài anh Hà "cụt" (bị thương cụt 2 ngón tay phải) là thư kí từ trong Nam ra còn có tài xế là anh Trần Lũy và đầu bếp là anh Trần Quyền. (Chả hiểu có phải sếp họ Trần nên 2 lính cũng được gọi như thế?).
Ngày ấy cửa sổ nhà 97 chả rào chắn gì, cứ có việc là trèo qua cửa sang nhau. Ông Trần Lũy ở 1 phòng, có cả vợ con ở quê lên cùng. Chú Độ sau chuyển ra Bộ Văn hóa nên có xe riêng, và để ngay trong nhà. Mỗi khi nhà 99 có việc, Tết nhất muốn đưa mẹ xuống mộ cha, sang xin xe là chú gật đầu: "Lấy xe chú mà dùng". Sếp gật rồi thì lính cứ thực hiện. Vả lại tính tình Trần Lũy cũng thoải mái nên dễ gần. Chính anh lái Volga đời mới chở tôi lên sân bay khi đi Đức năm 1986.
Còn ông bếp Quyền, quê Ninh Bình, có thân hình hộ pháp, còn mặt đen sì như "Bao Thanh Thiên". Chợ búa, cơm cháo cho cụ chỉ loáng cái xong mà sức khỏe dư thừa. Con cái ở quê phải ăn mặc, học hành mà cứ dựa vào đồng lương ba cọc ba đồng thì chết. Vậy là anh xin ông Hà cho đi làm phu khuân vác ngoài ga vào buổi tối. Chả chết ai, ông Hà gật liền: "Nhưng phải đảm bảo chất lượng phục cho cụ đấy!". "Anh yên tâm", anh Quyền hứa.
Cứ 6g chiều là đi, sáng 5g trở về. Lo xong cơm nước bữa sáng, bữa trưa cho sếp là lăn ra ngủ vài tiếng. Ngáy như sấm. Chiều sau bữa cơm lại lên đường. Ngày đó luân chuyển hàng hóa bắc - nam chủ yếu qua đường sắt. Từng kiện lớn 30-50 kí anh vác phăng phăng. Cứ đếm kiện ăn tiền. Vậy là có khoản không nhỏ cho bọn trẻ ở quê.
Sau này nhà 93 mở cửa hàng bán giò chả, họ cần người giã giò. Làm nghề này không phải thức đêm thức hôm, vậy là anh Quyền nhận việc mới. Đi ngang qua thầy 2 bắp tay anh nổi cuồn cuộn, nhịp nhàng giã lên giã xuống. Loáng cái đã xong vài chục kí thịt. Mà bố mày còn học lỏm được bí quyết pha thêm mắm, muối, hạt tiêu... sau này tự hành nghề. Việc làm này cũng kha khá tiền mà lại có thêm thừa thẹo mang về. Đúng là có sức là có tiền.
Lần cây bàng nhà 99 nhiều sâu róm quá, bọn trẻ con dính lông sâu ngứa đỏ cả người. Vậy là phải nhờ anh Quyền sang chặt bớt cành. Bố mày mặc quần đùi, cởi trần trùng trục, trèo tót lên cây. Chặt đốn tiếng đồng hồ thì sạch sẽ. Leo xuống thấy người đỏ rần, vậy mà anh cười: "Chả sao, quen rồi, tắm cái là hết".
Hai ông bạn hàng xóm của nhà 99 đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.