Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Nhân sĩ Bồ Xuân Luật


Nhân vật:
BỒ XUÂN LUẬT: TỪ PHỤC QUỐC QUÂN ĐẾN BỘ TRƯỞNG - NHÂN SĨ YÊU NƯỚC

Khải Đăng
Cụ Bồ Xuân Luật (1907-1994) nguyên Bộ trưởng Canh nông, nguyên Bộ trưởng không giữ Bộ nào, nguyên Uỷ viên Thường vụ Quốc hội khóa từ khóa I đến khóa IV, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... được biết đến là một nhân sĩ yêu nước có nhiều đóng góp đối với việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
 
Tổng bí thư Đỗ Mười đã trân trọng ghi vào sổ tang ngày cụ qua đời: “Vô cùng thương tiếc cụ Bồ Xuân Luật – một nhà yêu nước và cách mạng đã suốt đời phấn đấu vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cụ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…”.
Từ mấy năm về trước, tôi đã được nghe tên cụ Bồ Xuân Luật. Khi đó, tôi đang ghi lại những năm tháng hoạt động cách mạng của cụ Trần Lâm (tên thật là Kiều Xuân Tu) nguyên Chủ tịch đầu tiên UBND tỉnh Ninh Bình (1945-1948), nguyên Vụ trưởng Vụ tư liệu Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương… Cụ Trần Lâm đã được đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh cử sang Trung Quốc cùng với cụ Đinh Chương Dương hoạt động trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của ông Trần Kiến Quốc là con trai cố Thiếu tướng Trần Tử Bình – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc – tôi đã liên hệ được với ông Bồ Xuân Quang là con trai và nhà giáo Phạm Chi Mai (vợ dịch giả Bồ Xuân Tiến vừa quá cố) là con dâu của cụ Bồ Xuân Luật. 
Sinh trong một gia đình nông dân tại xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, vào tuổi thanh niên, đang lao động cần cù với công việc nhà nông thì anh thanh niên Bồ Xuân Luật bị thực dân Pháp cưỡng bức đi làm lính thợ tại tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, được chứng kiến tận mắt cảnh ngộ làm nô lệ của người dân mất nước, Bồ Xuân Luật đã cùng đồng đội thầm lặng chờ đợi thời cơ đứng lên tự giải phóng mình.
Tháng 9 năm 1940, nhân cơ hội Nhật – Pháp bắn nhau, Bồ Xuân Luật và đồng đội làm binh biến nhưng không thành, buộc phải rút sang đất Trung Quốc, lập ra đội Phục quốc quân chờ đợi thời cơ khác.
Tháng 3-1944 “Hải ngoại đại biểu Đại hội” là Đại hội của các đoàn thể người Việt Nam yêu nước và cách mạng đã diễn ra ở Liễu Châu – Trung Quốc, Bồ Xuân Luật là đại biểu của Phục quốc quân tham dự Đại hội. Với danh nghĩa là “Đại biểu quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội” Hồ Chủ tịch đã đến dự Đại hội nhằm để cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội cũ thành một Việt Nam cách mạng đồng minh hội mới bao gồm những người có tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng. Đại hội đã đạt được mục đích đề ra. Bồ Xuân Luật được bầu là Uỷ viên Thường vụ Việt Nam cách mạng đồng minh hội mới.
Tại Đại hội, Hồ Chủ tịch đã giành thời gian gặp riêng một số đại biểu, trong đó có Bồ Xuân Luật. Bác đã vạch ra phương hướng cụ thể và động viên cổ vũ những thanh niên yêu nước đang công tác tại hải ngoại.
Đại ý Bác nói: Thời cơ tốt sắp tới rồi, các mạng trong nước và trên thế giới đang ở thế tiến công. Bọn phát xít đang ở trong tình thế lúng túng bị động và tuyệt vọng. Mỗi người cách mạng Việt Nam chân chính chúng ta hãy luôn luôn hướng về Tổ quốc, nhất trí hành động chống kẻ thù chung là Nhật và Pháp, để giải phóng đất nước.
Cụ Bồ Xuân Luật nhớ lại: “Lời dạy của Bác như thôi thúc mọi người trong đó có tôi, ai nấy một lòng mong muốn chóng được về nước công tác. Lần đâu tiên tôi được gặp Bác Hồ ở nước ngoài – Sự kiện này đối với tôi có ý nghĩa quyết định hướng đi đúng đắn trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Và cũng từ sự kiện đó, tôi đã tự nguyện vượt mọi khó khăn để đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác đã vạch ra cho tới ngày nay”.
Tháng 6-1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh gửi các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài (Cứu quốc đặc san Hải ngoại, ngày 11-9-1944) và cũng là thời cơ để bản thân mình thực hiện những lời dạy của Hồ Chủ tịch; cụ Bồ Xuân Luật đã đưa một số cán bộ Việt Nam cách mạng đồng minh hội mới, có tinh thần cách mạng tốt nghiệp trường Lục quân Trung Quốc gồm 39 người có mang theo vũ khí về châu Bắc Sơn là chiến khu cách mạng của Mặt trận Việt Minh.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, cụ Bồ Xuân Luật từ Lạng Sơn xuôi về Thủ đô. Cụ vui sướng khi được đến Bắc Bộ Phủ là nơi Hồ Chủ tịch làm việc để chào Người và báo cáo công việc.
Tôi được đặt tay vào lòng bàn tay Bác, được ngắm nhìn lại khuôn mặt một vị lãnh tụ cách mạng rất giản dị mà tôi đã được gặp hơn một năm trước ở Liễu Châu và mới vài tháng trước ở Bách Sắc – Tĩnh Tây (Trung Quốc)”.
Cụ nhắc lại chuyện cũ và tỏ ra đau xót vì trong Việt cách có một số phần tử xấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi cũng biết các chú ở trong một tổ chức không thuần. Thôi, nhắc lại chuyện cũ làm gì! Nay cách mạng thành công rồi, nhưng đang còn gặp nhiều khó khăn. Bây giờ phải đoàn kết, rất đoàn kết, để chiến thắng thù trong giặc ngoài”.
Nói rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo cụ tranh thủ về thăm gia đình ở Hưng Yên vì đã xa nhà lâu ngày.
Tôi vô cùng xúc động khi được Bác Hồ đưa cho tôi ít tiền để mua quà cho gia đình. Tôi lặng người đi, nước mắt rưng rưng. Tay cầm tiền của Bác mà lòng xốn xang. Cả đời tôi không bao giờ quên tấm lòng nhân ái bao la của Bác”.
Sau đó, Cụ Bồ Xuân Luật công tác ở trường Quân chính tỉnh Hưng Yên. Được vài tuần lễ thì ở Hà Nội xuất hiện tình hình mới: Bọn Tưởng đưa quân vào nước ta núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh để tước khí giới quân Nhật, nhưng mưu đồ của chúng là giúp bọn phản động: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh… lợi dụng danh nghĩa Đồng minh hội để chống phá chính quyền cách mạng.
Vì vậy Hồ Chủ tịch cho gọi cụ Bồ Xuân Luật về Hà Nội nhận nhiệm vụ. Ngày 23-10-1945, cụ Bồ Xuân Luật cùng các cụ Đinh Chương Dương, Lê Tùng Sơn, Trương Trung Phụng lại đứng ra với tư cách là những người Cách mạng đồng minh hội chân chính họp một cuộc Hội nghị với các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi) và Dương Đức Hiền (thay mặt cho Việt Nam độc lập đồng minh, tức Việt Minh) để cùng nhau ký bản tuyên ngôn đoàn kết nhằm khẳng định lập trường kiên quyết ủng hộ Chính phủ do Hồ Chủ tịch lãnh đạo, đồng thời để đối phó với bọn lợi dụng danh nghĩa Đồng minh hội phá hoại đoàn kết, chống phá chính quyền cách mạng non trẻ.
TUYÊN NGÔN ĐOÀN KẾT
GIỮA VIỆT NAM CÁCH MỆNH ĐỒNG MINH HỘI VÀ VIỆT NAM ĐỘC LẬP ĐỒNG MINH
Nước nhà ta đang ở trong tình thế khó khăn. Độc lập ta đang bị nguy cơ uy hiếp. Đồng bào Bắc Bộ đang bị giặc đói vây bọc. Đồng bào Nam Bộ đương bị giặc Pháp xâm lăng.
Đứng trước tình thế đó, hễ ai là người yêu nước thương nòi, đều phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối.
Nước nhà trên hết! Dân tộc trên hết!
Đó là khẩu hiệu chung của toàn quốc đồng bào.
Chúng ta gắng sức, phải gắng sức nữa. Chúng ta đã đoàn kết, phải đoàn kết thêm.
Vì lẽ đó, cuộc họp giữa các đại biểu của hai đoàn thể Việt Nam Cách mạng Đồng Minh hộiViệt Nam Độc lập Đồng Minh đã cùng tinh thần đoàn kết;
Để hết sức ủng hộ Chính phủ Lâm thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Để cùng nhau đem hết lực lượng chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Để giữ vững nền tự do độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Toàn dân đoàn kết muôn năm!
Ủng hộ Chính phủ Lâm thời!
Việt Nam độc lập muôn năm!
Ngày 23 tháng 10 năm 1945
Đại biểu Việt Nam Độc lập Đồng Minh
Đại biểu Việt Nam Cách mạng Đồng Minh hội
Nguyễn Lương Bằng
Dương Đức Hiền
Nguyễn Văn Ba
Hoàng Hữu Nam
Nguyễn Công Truyền.
Đinh Chương Dương
Trương Trung Phụng
Lê Tùng Sơn
 Bồ Xuân Luật
Hồ Đức Thành
Vũ Kim Thành
Dương Thanh Dân
(Đăng báo Đồng Minh xuất bản tại Hà Nội, số 1 ngày 6-12-1945)
Lúc này, bọn phản động tay sai của Tưởng coi cụ Bồ Xuân Luật là một đối thủ nguy hiểm do cụ đã kiên quyết vạch trần âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng của chúng. Nên hồi 9 giờ sáng, ngày 18-12-1945, bọn ám sát của Việt cách đã bắn trọng thương cụ Bồ Xuân Luật ở phố Hàng Đào – Hà Nội, phải đưa vào nhà thương Đồn Thủy cấp cứu. Bác sỹ Vũ Đình Tụng đã trực tiếp mổ cứu cụ thoát chết. Ngay sau khi biết tin, Hồ Chủ tịch đã giao nhiệm vụ cho Trung ương Vệ quốc đoàn bảo vệ Cụ Bồ Xuân Luật.
Nửa tháng sau, được sự tin tưởng của nhân dân, cụ Bồ Xuân Luật trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Hưng Yên.
Chính phủ Liên hiệp thành lập (2-3-1946) cụ Bồ Xuân Luật được Hồ Chủ tịch giao cho giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông. Đến khi ông Huỳnh Thiện Lộc là một đại biểu Nam Bộ ra, cụ làm Thứ trưởng Bộ Canh nông giúp đỡ ông Huỳnh Thiện Lộc.
Khi Chính phủ Liên hiệp toàn quốc thành lập (3-11-1946), cụ Bồ Xuân Luật được Hồ Chủ tịch và Quốc hội giao cho giữ chức Bộ trưởng không giữ Bộ nào.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Bồ Xuân Luật lại cùng Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc nếm mật nằm gai trường kỳ kháng chiến để đợi đến ngày nhất định thắng lợi.
Tháng 7-1948, nghe tin Bộ trưởng Bồ Xuân Luật ốm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư hỏi thăm:
Gởi ông Bộ trưởng Bồ Xuân Luật.
Tôi nghe nói chú yếu. Tiếc vì xa xôi, tôi không đến thăm chú được. Tôi gởi 1 chai mật ong để chú dùng. Và rất mong chú chóng khỏe.
Tôi gởi lời hỏi thăm thím, và hôn các cháu.
Chào thân ái và quyết thắng
Hồ Chí Minh”.
Bộ trưởng Bồ Xuân Luật đọc thư Bác gửi mà dâng trào lòng biết ơn vô hạn đối với vị Cụ Hồ.
Cụ Bồ Xuân Luật đã một lòng một dạ tin tưởng đi theo kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng. Với nhiều cương vị khác nhau trong Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này, cụ trở thành vị nhân sỹ yêu nước, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bức tranh đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Cụ là một trong những sáng lập viên đồng thời là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (1946); Uỷ viên Thường vụ Quốc hội (khóa 1,2,3,4); Uỷ viên Uỷ ban Trung ương và Uỷ viên Ban thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (I, II, III)... Ghi nhận những công lao, đóng góp của cụ, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân”…
Năm 1986, ở tuổi 80, nhìn lại cuộc đời mình, cụ viết:
Hơn bốn mươi năm qua, từ những năm 40 trước cách mạng tháng 8-1945, tôi từ một người dân có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã tìm gặp được Mặt trận Việt Minh, đặc biệt là được gặp trực tiếp Bác Hồ, nhờ đó tôi đã tiếp thu được sự giác ngộ và giáo dục của Đảng và Bác. Cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân, tôi đã trở thành người cán bộ trung thành của Đảng: từ những công tác tôi đã làm, và việc thực hiện nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch đã giao cho tôi trong dịp đầu tiên tôi được gặp Người từ tháng 3-1944.
Đến những nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch giao phó cho tôi: công tác liên tục trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bốn khóa, trong Hội đồng Chính phủ 10 năm và tham gia công tác Mặt trận từ ngày đầu thành lập với tư cách là một sáng lập viên cho tới hiện nay.
Trải qua các giai đoạn cách mạng, ở cương vị và nhiệm vụ công tác nào tôi cũng đều thể hiện sự nhất trí cao với sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, đã mang hết tinh thần nghị lực và khả năng của mình phục vụ tận tụy, đắc lực và hoàn thành tốt có hiệu quả những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó để góp phần công sức của mình cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân”./.
Hà Nội, ngày 12-5-2010

ảnh: 1. cụ Bộ trưởng Bồ Xuân Luật


2 nhận xét:

  1. Cùng là đại biểu Quốc hội, cùng là dân Hưng Yên nên cha mẹ rất quý nhân sĩ họ Bồ này. Bác cũng hay qua lại nhà.
    Tôi chơi thân với anh Bồ Xuân Vinh, con bác. Anh mất cũng đã mấy năm nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn tôi cũng là người họ Bồ, sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, quê gốc cũng người Hải Hưng

      Xóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.