Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Trần Anh Thy và lá thư gửi chú Oscar Pistorius


Họ và tên: Trần Anh Thy
Lớp 85     Giới tính: Nữ
Ngày sinh: 16/03/1998
Dân tộc: kinh
Trường trung học cơ sở Lê Văn Tám
107F Chu Văn An, phường 26,
Quận Bình Thạnh, TPHCM, Việt Nam.


VIẾT THƯ UPU QUỐC TẾ LẦN 41 (2012)

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 1 năm 2012
 Chú Oscar Pistorius kính mến,
   Cháu tên là Trần Anh Thy, đến từ một đất nước nhỏ bé – Việt Nam. Chắc chú sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một cô bé xa lạ gửi bức thư này đến cho chú, phải không ạ? Cháu biết rằng sắp tới kì Olympic London năm 2012 nên chú rất bận rộn, dốc hết thời gian để luyện tập. Nhưng cháu chỉ xin chú một ít thời gian vàng ngọc của mình để đọc ít lời tâm sự của cháu mà thôi, biết đâu đó lại là nguồn động lực để giúp chú đoạt giải cho Thế vận hội sắp tới?
 
   Chú ơi, cháu đã từng nghĩ và tự hỏi: “Thế vận hội Olympic có ý nghĩa gì? Tại sao nó lại quan trọng với mọi người như vậy?”. Cho đến tận nay, sau khi cô giáo đưa đề bài viết thư UPU lần thứ 41 để bọn cháu viết và tìm hiểu, cháu mới ngẫm ra được tầm quan trọng của nó, chú ạ.
   Ba vòng tròn đỏ, xanh dương, đen ở trên và hai vòng tròn vàng, xanh lá ở dưới; tất cả đều lồng vào nhau – đó là thứ để lại trong cháu ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên – biểu tượng của Thế vận hội. Cháu cứ thắc mắc mãi, không hiểu ý nghĩa  của nó là gì. Rồi mấy lần đi đường, cháu chợt thấy logo của một hãng xe ô tô có hình bốn vòng tròn lồng vào nhau, khá giống biểu tượng Thế vận hội. Do đó cháu đoán biết đâu Olympic Games lại vừa quảng cáo cho hãng xe hơi đó (!?). Nhưng ở đây đến năm vòng tròn cơ mà?  Thế rồi khi vào lớp hỏi, các bạn mới cho cháu biết rằng năm vòng tròn lồng vào nhau thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết giữa năm châu lục. Cháu thật ngốc quá, chú nhỉ.
   Thế vận hội là nơi hội tụ vận động viên tài giỏi khắp cả thế giới. Nó tạo cơ hội cho mọi người thể hiện tài năng, cọ sát và nâng cao kĩ năng. Không chỉ thế, thật sự là một vinh dự rất lớn của không chỉ nước cháu, mà còn của các quốc gia khác nữa. Niềm tự hào bỗng dâng trào trong cháu khi thấy vận động viên nước mình được sánh vai cùng họ - những người giỏi nhất.
   Nhưng ai dám bảo Olympic chỉ để giúp phô diễn sự tài giỏi của họ không thôi chứ? Quan trọng hơn cả là nó cho thấy ý chí, nghị lực và vượt lên số phận của chính mình. Chú biết đấy, con người phải vấp ngã hàng trăm lần trong cuộc đời. Lúc ấy, họ có thể bỏ cuộc, chấp nhận nó hay đứng dậy, cố hết sức chiến thắng. Có người bị liệt hai chân nhưng nhờ khát khao, hy vọng cháy bỏng của chính mình nên trở nên phị thường, khắc tên của mình vào trong lịch sử, chẳng hạn như bà Wilma Rudolph – nữ vận động viên điền kinh. Chắc chắn chú đã nghe về bà ấy, từ một cô bé ốm yếu, liệt hai chân và luôn bị bạn bè lấy ra làm trò đùa trở thành người phụ nữ chạy nhanh nhất thế giới. Chẳng ai có thể ngờ được, phải không chú? Đó chính là mấu chốt của vấn đề, điều khiến bà thành công vang dội.
Và chú, điều cháu kính trọng, khâm phục chú cũng ở đây: nghị lực, ý chí sắt đá. Nếu cháu là chú, khi mất đôi chân của mình, cháu đã buông xuôi và để cuộc đời của mình trôi dạt như đám mây trên bầu trời kia. Tuy nhiên, chú thì không, hết sức mình vươn lên tới đỉnh cao: người đàn ông không chân chạy nhanh nhất thế giới. Cháu tin rằng, bằng chính nỗ lực của mình, chú sẽ chạm tới mục tiêu tiếp theo – Thế vận hội Olympic năm 2012, thi đấu với những người bình thường.   
  Cháu xin dừng bút tại đây. Cảm ơn Tổ chức Liên minh Bưu chính Thế giới tạo ra kì thi này để cháu có cơ hội trò chuyện với chú, tạo ra cơ hội để tìm hiểu về Thế vận hội, cũng như tìm hiểu về chú. Mong rằng đây sẽ là lời động viên giúp chú dành chiến thắng trong Thế vận hội kì này. Chúc chú thành công trên con đường tương lai phía trước!
Kính thư!
Trần Anh Thy.
 (Chú thích: Chú Oscar Pistorius, 1 vận động viên khuyết tật, đầy nghị lực đã chiến thắng ở Olympic Paragames, nay sẽ thi đấu cùng người không khuyết tật).

1 nhận xét:

  1. Chị rất thích bài viết của Anh Thy.
    Chị Thủy, học viên HVKTQS k42, sau bố KQ 37 khóa.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.