Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Anh em họ Đoàn

Ngày bác gái mất, anh em đến chia sẻ với bác trai và gia đình.



Hồi còn là học viên quân sự, hình ảnh các giáo viên trẻ, mái đầu chải mượt, mặc áo bay Nga, quần xanh không quân, phóng xe “cuốc” líp nảy tanh tách đã gây ấn tượng mạnh trong chúng tôi. Đoàn Mạnh Giao cũng là một trong những hình tượng ấy. Anh về trường làm giáo viên từ 1968. Biết anh là anh cả của mấy anh em Mạnh Hưng, Mạnh Thanh, Quốc Khánh, Mạnh Tuyên nhưng phải từ năm thứ 4 tôi mới kết thân. Số là lần đó thầy Thành, dạy môn Chính trị, mất; là học viên giỏi, tôi được về Hà Nội viếng thầy ở Viện 108. Anh Giao đại diện cho giáo viên Khoa Cơ điện đi viếng. 


… Là lính của Trung đoàn Thủ đô 1946, thầy Thành chơi ghi-ta rất giỏi, có thể vừa đàn vừa hát bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Ngay từ năm thứ nhất, những lần xuống lớp, chúng tôi thấy thầy thật giản dị, gần gũi. Thầy trò sau này vẫn gặp nhau. Thế mà thầy đã sớm ra đi. Trước khi đóng nắp quan tài, tôi và anh Giao cùng vào nhìn thầy lần cuối. Khi ra, hai anh em cùng hỏi nhau: vì sao chết rồi mà râu vẫn mọc tua tủa? Đưa thầy ra Văn Điển, gia đình xin phép cho xe chạy chậm lại khi qua Giáp Bát, quê thầy. Xuống đến nơi, tôi và anh Giao cùng đưa tay ra đỡ áo quan của thầy. Sơn đỏ bám đầy tay. Sau khi hạ huyệt, mọi người nhặt những hòn đất thả xuống mộ. Hương khói nghi ngút. Sau đó, chú em thầy thay mặt gia đình có lời cảm ơn:
- Tôi thay mặt… “tuốt cả” (nghe đến đây tôi nghĩ chú cảm động quá nên đã nói nhịu)… gia đình xin cảm ơn “tuốt cả”… (lại lần nữa? – tôi ngạc nhiên) các đồng chí cán bộ, giáo viên Đại học quân sự, “tuốt cả”… (hóa ra là “tật”!) các y bác sĩ Viện 108, “tuốt cả” các đồng chí ở Bộ tư lệnh Thủ đô, “tuốt cả”… “tuốt cả”…!
Trong niềm tiếc thương, tôi và anh Giao nhìn nhau, cắn chặt môi, không để bật ra cảm xúc khó tả ấy. Riêng tiểu đội tiêu binh “quân dung tươi tỉnh” đứng dọc hai bên nấm mộ vừa đắp, khoác trên mình bộ lễ phục trắng, đầu đội mũ kê-pi, tay xỏ găng tay trắng bồng súng CKC trong tư thế chào mà không nhịn được cười… các chú đã gục đầu vào vai, người rung lên bần bật…
Khi về xuống xe ở Cung Văn hóa, biết tôi là em Trần Kháng Chiến - bạn học của anh thời  Quế Lâm, vốn là những người nhạy cảm, chúng tôi đã kết thân.
Lứa mấy ông của Quế Lâm Dục tài Học hiệu, những năm 1953-57, rất ngỗ nghịch. Có ông lấy chăn làm dù nhảy xuống từ tháp nước, có ông khéo tay làm được các mô hình máy bay, ôtô… Mấy bố chơi thân với nhau cho tới tận bây giờ, y như kiểu chơi của lính Trỗi. Năm 1972, khi chị Thảo sinh cháu đầu Hoài Anh thì anh Giao đang ở chiến trường, Trần Đình Ngân thay mặt đơn vị đến thăm. Vừa trông thấy mọt sinh linh mới ra đời, chú đưa ngay điếu thuốc vào mồm thử thì thấy Hoài Anh chu chu ngay cái miệng giống bố. Sướng quá, Ngân kêu lên: “Đúng là con thằng Giao!”.
Hứng tình, một lần anh đưa cho tôi xem tập thơ có những bài làm từ khi mới nhập ngũ tuyển chọn “giặc lái” ở Kiến An, hay những bài thơ làm khi đang chiến trường hồi 1972. Phúc Chiến thích thơ nên cũng “hòn mê” anh giai, hay lê la sang Khoa Cơ điện chơi. Vui nhất là trong giờ học chính trị cho giáo viên, mấy anh em tôi rủ nhau dịch các bài hát Nga. Nào là “Thành phồ tuổi thơ”, “Những cánh hạc”, “Tổ quốc bắt nguồn  từ đâu?”… Vì tôi chơi ghi-ta nên được ông anh tham khảo thêm về nhịp điệu. Chúng tôi đã phỏng dịch “Thành phồ tuổi thơ” không đến nỗi tồi:
Thành phố ở nơi đâu, yên tựa giấc mơ?
Thành phố ở nơi đâu, hững hờ cơn gió đưa ?
Dòng sông nhẹ êm trôi, lững lờ như mặt gương soi
Thành phố ở nơi đâu, thấy trong lòng ấm áp ?
Và đã qua lâu rồi, nơi ấy tuổi ấu thơ êm đẹp

Rời căn nhà mến thân trong làn gío đêm
Nhà ga lạnh vắng tanh, ngỡ ngàng tôi hỏi xin:
- “Ngàn năm đã trôi qua, người đầu tiên là tôi
Đời đưa hồn tôi quay về thời thơ ấu!”
Nàng khẽ nghiêng mái đầu: ”Không có được chiếc vé này!” .…
Cuối những năm 1970 khi cả nước rất khó khăn, thấy lâu không có tác phẩm nào tôi thắc mắc và được trả lời: “Hết tình là hết thơ, mày ạ!”. Hồi đó còn trẻ, đang tuổi yêu nên tôi đã thắc mắc sao lại “hết tình”!?.

Quãng tháng 10-1976, nghe tin ông anh được phong hàm thượng uý, bọn đàn em chúng tôi mở tiệc chiêu đãi. Hòa “tầu” và Hưng “gô” đêm hôm trước “ẵm gọn” hai chú ngỗng của nhà bếp mang ra gửi cô Tòng, hẹn trưa hôm sau ra làm thịt. Phúc Chiến ngày đó được coi là “playboy”, mang từ miền Nam ra chiếc radio-cassette “xì-te-réo” hai loa rời với nhiều băng nhạc trẻ và hải ngoại. Hắn đảm nhận việc “bố trí loa đài”. Chiều tối hôm đó, các “anh hùng Lương Sơn Bạc” được lệnh tập trung dự đại tiệc. Đang ăn nhậu, nhạc xập xình bật ầm ỹ thì nghe mật báo: vệ binh kết hợp quân cảnh thị xã bao vây quán. Chắc là chuyện ăn cắp ngỗng bị lộ, anh em nhanh chóng giải tán. Chạy rồi nhưng tiếc cái máy nghe, anh giai phóng trở lại, xách ngay dàn cassette chạy theo đường qua sân vận động. Khi bộ phận điều lệnh ập vào không làm gì được vì không có chứng cứ.
Là sĩ quan nhưng bọn tôi rất nghịch. Những buổi lên lớp chính trị cho giáo viên toàn trường, cứ vào hội trường là dớn dác tìm rủ nhau túm năm, tụm ba ngồi về phía cuối để dễ bốc phét hay đọc truyện. Có học hành gì. Anh giai vẽ rất khá, chỉ cần “nhận dạng” khuôn mặt các báo cáo viên và chọn ngay ra các nét đặc trưng để ký họa. Sau 10-15 phút là có ngay chân dung của một đồng chí. Thật giống. Cả bọn truyền tay nhau xem và cười bò. Từ chân dung anh Kính “coong” mũi khoằm đeo kính đến Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Hoà, hay ông Tẩy - Hậu can, v.v...
Khi trận bão khủng khiếp năm 1978, ông anh đã cho ra đời một bức tranh sơn dầu mang tên “Bão tan”. Về điểm này tôi và ông anh rất hợp nhau. Giá cả hai được đi học kiến trúc hay hội họa thì hợp hơn cái nghề kỹ sư Khí tài quang học và kỹ sư Viễn thông. Có lần theo chỉ thị của ông anh, tôi điều cả bộ đàn, trống điện tử của trường về chơi tại 19B Hàng Vôi. Trận đó anh mời cả “đại tá Lữ” từ Vĩnh Yên về. Ban nhạc của tụi tôi chơi toàn các bài của bọn Shadows hay The Beattles. Dân chúng nghe ban nhạc chơi mà khiếp sợ. Ông anh được thể vênh vang với khu phố. Ngày đó như thế là ghê lắm!
Ở 71 Nguyễn Du.
Khi còn đang học, tôi rất phục thầy Ngô Hai hay bất cứ giáo viên nào của bộ môn đều là những cơ công có bàn tay vàng. Máy móc giảng dạy luôn được sửa chữa đảm bảo hoạt động. Tranh thủ giờ nghỉ, các thầy còn sửa radio, ti-vi các loại… Cùng lớp còn có Đỗ Khôi, Trần Hay là những lính cũ rất chịu khó máy mó. Các anh đã hướng dẫn tôi phấn đấu trở thành người kỹ sư có đôi bàn tay vàng. Nếu là radio Orionton, Sony, Sanyo… gọn nhẹ thì nhận về nhà, còn đài điện tử có máy quay đĩa, hay ti-vi thì phải đến tận nhà sửa. Máy nào cũng nhận sửa nhưng không lấy tiền. “Dân vận” là chính.
Có hôm được Phan Nam giới thiệu tôi xách túi đồ nghề đi sửa máy, mà bộ đồ nghề của tôi thật đầy đủ. Thợ sửa vô tuyến ngày đó hiếm lắm, hơn nữa bọn tôi lại là được đào tạo cơ bản. Vừa tới nơi, chưa kịp khám cho máy thì chủ nhà đã mang gà, rượu ra mời. Mà đã rượu thịt vào là lăn ra ngủ. Chương trình TV chiều chủ nhật chỉ kéo đến 4 giờ 30. Lần đó chỉ còn 15 phút là kết thúc chương trình, ông bạn vội lay tôi dậy. Chạy ra giếng rửa mặt rồi chọc ngoáy. Chả hiếu sao sau 5 phút, màn hình có ảnh và loa phát ra tiếng. Chủ nhà phục lác mắt.
Năm đó, anh giai đi miền Nam ra mua được chiếc TV bán dẫn Sony 12 inch, nhưng phải chuyển hệ.  Chả tin ai, ông anh giao cho tôi. Chủ nhật về Hà Nội là phi đến nhà anh chỉnh máy rồi  cơm nước. Cái máy này sau được bán cho ông Thoại (cùng bộ môn) ở Vĩnh Yên. Trong nhóm giáo viên trẻ, tôi  nổi tiếng vì “có tay nghề cao”, hơn nữa tính tình phóng khoáng, thoải mái lại “xăng phe-my” nên bạn bè ai cũng nhờ.
Vì khéo tay mà anh em tôi thường được gọi đi làm triển lãm hay đi trang trí các đám cưới của bạn bè trong trường. Có khi cả mấy tháng trời tập trung về Ban Tuyên huấn, ăn ở cùng nhau để vẽ, viết. Ít nhiều bị ảnh hưởng của trường phái ấn tượng, chúng tôi cũng tạo ra phong cách trang trí cách điệu riêng. Dân Hà Nội có thời kỳ rất kính nể tài lẻ của cánh giáo viên nhà trường. Trong nhóm còn có anh Trịnh Nguyên Huân, dân Hà Nội, cũng là tay tài hoa có thể viết vẽ, sáng tác nhạc…
Khi mới tốt nghiệp trường Pháo binh Thiên Tân (Trung Quốc) về nước, cùng Khúc Văn Nghi, anh giai cũng tham gia đội bóng rổ đi thi đấu toàn quân. Riêng bóng đá thì anh cũng là chân tiền đạo không tồi trong đội tuyển trường và khoa. Chúng tôi cùng nhau rong ruổi Hà Nội, Hà Đông, Hoà Bình, Sơn Tây, tham gia giải Bộ Đại học và toàn quân những năm sau 1975. Hè 1978, anh em tôi lên đá với Sư 308 trên thị xã Hoà Bình. Cả đội được trường cấp cho chiếc xe ca Robur (Đức) do đồng chí “Cần Tức” Bật điều khiển. Tôi và anh giai được xếp ngồi hàng trên. Đường lên Hoà Bình ngày đó đang làm dang dở, những chiếc xe cạp ủi đất san đường, đất đỏ phơi ra dưới nắng trông như cảnh đường Trường Sơn làm anh giai xúc động. Tới thị xã, chúng tôi được xếp vào nghỉ ở khách sạn du lịch, nằm ngay bên bờ sông Đà. Xa xa phía bên kia bờ thấp thoáng phố mới và các khu chung cư 3-4 tầng. Ở khách sạn chúng tôi nghỉ, có một chiếc máy làm kem chạy ầm ầm suốt ngày. Tối thứ 7, chị em dân tộc chả có chỗ nào chơi đã kéo nhau đến ra thưởng thức “văn hóa kem”. Thế là anh em đội bóng được dịp biểu diễn các tiết mục  thơ ca, văn nghệ về lính. Chị em nghe cười bò.
Chiều chủ nhật đá với Sư 308, anh em lính chiến ở đơn vị trẻ khỏe, thể lực tốt hơn. Trận ấy bọn tôi hoà 1-1, thế là không được vào sâu trong giải. Chiều về kéo nhau ra sông tắm thì gặp mấy chú nhóc dân thị xã, chúng tôi bị chúng trêu chọc. Tức mình anh giai và Ngư đã tạt tai và túm cổ bọn nhóc dìm xuống nước. Các chú mếu máo chạy về nhà. Chập tối vừa cơm nước xong, bỗng thấy ở cửa khách sạn ầm ỹ, nhìn ra thì thấy một thương binh chống nạng dẫn đầu đoàn người đến đòi gặp lãnh đội. Anh ta hung hăng: “Ai cho phép các anh đánh con tôi? Chúng nó láo lếu phải bảo bố mẹ chúng!…”. Biết lỗi, ban lãnh đội đã có lời. Chờ một lúc nguôi giận, anh thương binh chống nạng ra về. Được phen hú vía!
Trong đám bạn anh giai còn có Vũ Cao Phan, hồi đó công tác ở Học viện quân sự cao cấp. Phan sống cũng lãng tử, thích thơ văn, ngoài 40 mà vẫn lang thang chưa thèm vợ con. So với chúng tôi anh đã có một căn hộ với đầy đủ tiện nghi ở Khương Thượng. Có lần tôi và anh Phan rủ nhau ra Hàng Ngang mua hàng nghìn lố condom để đánh sang Nga. Lính mà, chả sợ gì sất!
Đến năm 1979, sau khi xảy ra chiến tranh biên giới, anh giai cùng đoàn nhà trường do đại tá Mai Sơn chỉ huy đi thực tế trên mặt trận biên giới của Quân khu 2, còn tôi theo đoàn anh Lê Khôi đi phía Cao Bằng, Lạng Sơn. Những chuyến đi thực tế  về đơn vị kèm theo bao kỷ niệm đẹp, những chuyện tiếu lâm của lính kể mãi không hết.
Đến năm 1980, anh giai được chuyển về Vụ quân sự (Bộ Đại học) ở Hà Nội. Trong cánh bạn bè thân thiết thì Mạnh Hưng đã vào phân hiệu 2 của trường tại Sài Gòn từ 1978, Phúc Chiến về Huế cũng đã được 3 năm, riêng tôi và Trần Đình Ngân ở lại trường. Cứ chủ nhật về Hà Nội là tụi tôi hay kéo đến 19B Hàng Vôi tán láo với anh giai. Những ngày bao cấp ấy thật khổ, anh em cũng phải tự bươn chải và bày nhau cách kiếm tiền mưu sinh. Tay nào có vốn một vài chỉ vàng là ghê lắm. Những ngày đó, mỗi lần có người nhà đi nước ngoài (mà chỉ các nước XHCN thôi) là một lần làm tiền sinh sôi nảy nở nhưng phải “thiết kế” đủ điều, nào là mua quần bò, áo phông, coóc-sê, vòng tránh thai, condom… gửi sang bán ăn chênh lệch. Sau đó lại mua “mác”, “rúp”, giấy quấn thuốc lá, bột B12 “ba bông hồng” dùng cho động vật hay thuốc kháng sinh, đồ gia dụng… từ bên đó về bán lại. Mỗi lần có “đoàn các cụ” đi là xôn xao hai đầu Hà Nội và Matxcơva. Mà ai cũng khôn nên việc gửi đi thật là khó. Chưa kể bị hàng rào hải quan ở hai phía Nga - Việt tìm cách vặt lại. Tôi chơi thân với cánh hải quan từ cuối những năm 70, nên cũng đỡ thiệt hại. Nếu không có người nhà “đi Tây” thì làm “dịch vụ” - ai có “mác, rúp, xanh” cần bán, hay ai cần mua, là chúng tôi đáp ứng ngay. Thậm chí đêm hôm khuya khoắt, lạnh lẽo mấy cũng cố đạp xe tới các lò quen để luộc lại kiếm tí mầu. Nhiều khi mua phải cả tiền giả mà không hay.
Ngày ấy khan hiếm giấy ảnh và phim, mà chủ yếu chỉ có phim giấy “dân chủ”, nào là BN111, BN112, Orwo. Nhiều khi date sử dụng trên bao bì đã quá, thế là chúng tôi đã dùng bàn tay vàng của mình cạo đi số liệu cũ, sửa lại date, thậm chí sửa cả tên sản phẩm mà thị trường đang khan hiếm.
Có một kỷ niệm khó quên, lần đó Khánh “béo” có một kí đầu bút bi đường kính 1 ly không thể bán được cho ai. Lúc đó các tiệm vàng trong Nam hay tìm mua đầu bút bi với đường kính 8 “zem” (0,8mm) để nong vào nhẫn hay đồ tranh sức ăn bớt vàng của khách. Nhân dịp anh Ba Hưng từ miền Nam ra, Khánh kéo anh Ba mang bọc đầu bút bi tới nhà bà Mến - một trùm buôn tiền và các hàng hóa quý hiếm ở đầu Phùng Hưng. Khánh giới thiệu: “Cháu có ông khách ở Lào mới về, có đầu bút bi 8 “zem”. Cô xem có thu được không?”. Vẫn làm ăn với Khánh, bà Mến không thèm xem xét, nhận hàng ngay và xỉa tiền ra trả. Mạnh Thanh, Lợi “móm” không dám vào theo sợ bị lộ, đang chờ ở vườn hoa Hàng Đậu thấy Khánh phất tay đã phóng ngay về quán thịt chó Ô Quan Chưởng đánh chén mừng thắng lợi. Mấy hôm sau, bà Mến cho người đi tìm Khánh đòi trả lại: “Đây là hàng 1 ly…” Khánh nhanh nhảu thanh minh: “Có khách, có hàng, tưởng cô thạo. Ai ngờ… mà khách của cháu vào Nam rồi”. Thế là hòa! Sau này, bà Mến còn bị cảnh sát kinh tế bắt giam ở đồn Hoàn Kiếm vì tội buôn bán ngoại tệ trái phép.
Còn lần tôi và anh Ba phải đi “thanh lý” bóng đèn sợi đốt Tungsram (Hung) mới khổ. Từ nhà anh phải thuê xích lô về 99 đưa an toàn vào kho. Sau đó tôi đi khảo giá khắp thị trường Hà Nội từ phố Hàng Cháo chuyên buôn bán đồ điện tới Phùng Hưng, Trần Phú. Khảo gía xong là chở từng thùng đi bán, mà chỉ sợ công an tóm được. Hồi ấy bất cứ xe nào chở thùng hòm đều có thể bị gọi lại kiểm tra. Cuối cùng phi vụ cũng chót lọt, anh em lại có dịp vui chung đánh chén và cười hô hố.


Trong đám hay qua lại “chạy cò” với Khánh còn có ông Dũng “trọc”. Ông bị gọi là “trọc” vì một lần vui chơi ở nhà Sơn “Lâm”, uống rượu vào say quá lỡ quá đà với một cô bé. Cô ta đã gọi công an đến xử lý. Thế là ông anh cùng mấy người bị đưa về đồn Hàng Trống tạm giam. Con ông cháu cha thì được thả, còn ông anh trọc đầu nên bị giữ lại. Mấy ngày liền không thấy chồng về, bà vợ đến 70 Phan Đình Phùng hỏi Khánh nhưng không có tin tức gì. Bực quá, bà để lại mấy dòng: “Kính thưa các anh em họ Đoàn! Từ ngày chơi với các anh, không hiểu chồng tôi có học được điều gì tốt hay không nhưng chỉ thấy diệu ơi là diệu. Đề nghị các anh hãy buông tha chồng tôi ra”. Chuyện này làm anh em tôi không nhịn được cười. Kết cục không có điều gì quá đáng, Dũng được thả nhưng kèm theo cái đầu đã bị húi trọc. Cái tên này đã gắn với anh ta từ ngày đó!
Anh Ba là người duy nhất của gia đình họ Đoàn sinh sống ở trong Nam. Địa chỉ nhà anh là nơi tôi hay qua lại mỗi khi vào công tác. Anh là con người sống trong sáng, thẳng thắn, vì bạn bè, không thèm tơ hào một đồng trong các quan hệ, nhưng nóng tính. Có điều gì không phải là ông phản ứng ngay, phản ứng ra mặt. Khi còn làm ở Ban Cán bộ, năm 1976, cu Dũng vào trường và xin chuyển sang học Thông tin. Vì chơi với tôi và Bình, anh Ba đã báo cáo sếp: Dũng là “cậu em họ”.  Khi xem lý lịch thấy ông già Dũng cũng họ “Đoàn Mạnh”(!), nên Ban đã đồng ý cho chuyển.
Anh Mạnh Thanh học cùng khóa bên Tây với anh Chiến (1967-73). Ông anh sôi nổi, mạnh bạo, học kĩ thuật nhưng lại có năng khiếu bóng đá, thể thao. Về đơn vị chiến đấu 1 thời gian thì chuyển về DOSAP (Hội những người ủng hộ Hải-Lục-Không quân, 1 mô hình kiểu Liên Xô). Anh em hay lang thang với nhau. Ngày anh cưới Thìn, chúng tôi kéo về vui nổ trời. Anh nghỉ hưu trước cả ông già, sau đó giám sát các trận đấu hạng A1 cho VFF.
Riêng Quốc Khánh thân thiết với tôi hơn những năm sang Đức thực tập sinh. Cứ rảnh là tôi lại đi tầu xuống Karl-Mark-Stadt với vợ chồng Khánh. Hắn làm đội trưởng một đội công nhân, sau làm Phó ban quản lý vùng, sau thì làm luôn cho Sở Lao động và di chú của bang. Khánh chơi ghi-ta hay, thích hát các bài của Begees, Beatles, Lobo… và có khả năng ngoại ngữ. Khánh được chính quyền sở tại rất tin dùng. Nay về TpHCM làm cho Cty Dussman của Đức.
Thật hiếm trong các gia đình cán bộ anh em có quan hệ thận thiết như trong gia đình ông bà Trần Tử Bình và ông bà Đoàn Trọng Truyến; anh em chơi chéo nhau. Khi nghe tin anh Giao về Văn phòng Chính phủ, bà già tôi đã nhắc: “Làm quan chức Chính phủ rồi, cháu không được xa dân…”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.