Gia đình năm 1960 ở Hà Nội

Gia đình năm 1960 ở Hà Nội
Gia đình chụp kỉ niệm ở Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ, Hà Nội, năm 1960. (Từ trái qua, hàng trước: Hữu Nghị, Thành Công, Kiến Quốc, Hạnh Phúc. Hàng sau: Kháng Chiến, Cha, Thắng Lợi, Yên Hồng và Mẹ bế Việt Trung).

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Bài viết cho sách Võ bị 1


Nhớ mãi tình đồng đội, nghĩa thầy trò
Trần Kháng Chiến
Con trưởng thầy Trần Tử Bình

Trước Tết Tân Mão 2011, gia đình nhận đuợc lá thư chúc tết của ông Đỗ Hạp, Truởng Ban Liên lạc khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, với nội dung rất gần gũi, mộc mạc, viết vi tính trên tờ giấy khổ A4: “Thấm thoắt chỉ còn 4 tháng nữa là đến ngày lễ lớn của chúng ta: Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về khai giảng khóa học của chúng ta và trao lá cờ “Trung với Nuớc, Hiếu với Dân”…”. Trong thư còn nêu mấy việc cần làm và mời gia đình có bài viết về thầy Trần Tử Bình để in trong ấn phẩm thứ 5 “Dưới là cờ Trung với Nuớc, Hiếu với Dân”. Thực sự cảm động!
Nay xin phép được dùng đại từ nhân xưng “chú, cháu” thay mặt gia đình tâm sự trong bài viết này.
 
Cha chúng cháu, Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907-1967) là Phó giám đốc, Chính trị uỷ viên đầu tiên của trường Võ bị Trần Quốc Tuấn - nhà trường chính quy đào tạo cán bộ của nước Việt Nam mới. Và mẹ chúng cháu, bà Nguyễn Thị Hưng, “cấp bậc”: chính trị viên tiểu đoàn, từng công tác tại Phòng Chính trị trường Lục quân Việt Nam (khi ở Vân Nam và Quế Lâm, Trung Quốc 1951-56).
Gia đình có 8 anh chị em, người lớn nhất được sống gần cha 20 năm, còn em út – 8 năm; nhưng chúng cháu tự hào mà nói rằng, cha Trần Tử Bình là một con người được bạn bè, đồng đội, học trò kính yêu, nể trọng. Ngay cả sau khi ông mất đã nhiều năm nhưng nhiều học trò cũ, nhiều đồng nghiệp các thời kì: từ trường Quân chính Việt Nam, trường Cán bộ Việt Nam (1945), trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946) rồi các khoá 5 đến khóa 10 trường Lục quân Việt Nam (1950-56)… vẫn qua lại thăm mẹ chúng cháu và gia đình.
Xin được nhắc lại vài cái tên trong nhiều cái tên thân thiết ấy… Chú Nguyễn Văn Bồng sau ngày tham gia khởi nghĩa ở Hương Canh, Vĩnh Phúc thì vào học trường Cán bộ Việt Nam (cuối năm 1945), sau đó ở lại trường làm cán bộ cùng các chú Hoàng Xuân Tuỳ, Triệu Huy Hùng. Cụ thân sinh ra chú Bồng từng lãnh đạo cướp chính quyền ở Hương Canh. Vậy mà từng bị tổ chức “quy” là “đảng viên Quốc dân đảng”. Chú kể lại: “Cha các cháu đã dũng cảm đứng ra bảo lãnh khi chú bị tạm giam chờ xét xử: “Tôi đảm bảo thằng Bồng không phải Quốc dân đảng. Nếu thằng Bồng là Quốc dân đảng thì Trần Tử Bình này là Quốc dân đảng từ lâu rồi”. Sau này, chú luôn nhắc: “Cha cháu đã sinh ra chú lần thứ hai!”.
Mấy anh chị em nhà chú Nguyễn Minh Long (học viên khoá 3 Võ bị, sau này là thiếu tướng), con cụ Ba Triệu - người có đồn điền lớn ở Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ - là “cơ sở đi về” của các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, một trong những móc xích của “đường dây” đưa Hồ Chủ tịch và Trung ương lên Việt Bắc cuối 1946, đầu 1947. Cha mẹ cháu được bà Ba Triệu coi như con trong nhà và chú Trung, chú Long, cô Dung, chú Thắng… coi cha mẹ chúng cháu thân tình hơn cả anh em ruột.
Sinh thời cha mẹ chúng cháu thường nói, sâu đậm nhất là tình cảm với những người lính. Với Lục quân, nhà có 8 anh chị em  thì có 4 em sinh ra và theo nhà trường những năm tháng ở Trung Quốc. Sau này có người đã truởng thành trong các nhà trường quân sự mà học trò cũ của cha là cán bộ chỉ huy (chú Trần Đình Cửu, học viên Quân chính Việt Nam sau 2/9/1945, có thời gian là Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật quân sự).
Với gia đình chúng cháu, mọi vui, buồn đều có sự hiện diện của Võ bị, của Lục quân… Ngày bà Hưng mất, thật cảm động khi thấy đại diện trường Sĩ quan Lục quân 1 cùng Ban Liên lạc truyền thống khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, Ban Liên lạc truyền thống các thế hệ cán bộ, học viên Lục quân… về viếng.  Chuyện đã gần 20 năm…
Ngày 6/11/2001, Chủ tịch nuớc kí quyết định 854/QĐ/CTN truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cha cháu. Chú Nguyễn Văn Bồng đã có mặt tại Bộ Ngoại giao cùng gia đình đón tấm huân chuơng cao quý này, đưa về NTLS Mai Dịch để thắp hương, báo tin vui cho ông Bình, bà Hưng.
Nhưng các chú ở Võ bị vẫn có những suy tư: Thầy Trần Tử Bình, Anh Trần Tử Bình sống rất giản dị, không màng danh lợi nhưng Thầy, Anh xứng đáng để được đặt tên đường ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; xứng đáng để có tượng đồng lưu danh. Và Ban Liên lạc Võ bị khóa 1-2-3 đã cử chú Bồng cùng gia đình xúc tiến các bước với Hội Sử học Việt Nam và trường Sĩ quan Lục quân 1.
Việc này được Hội Sử học Việt Nam, trực tiếp là anh Dương Trung Quốc - Tổng thư kí - hết sức ủng hộ.
Tháng 3/2003, chú Bồng cùng chú Bùi Đức (lính Lục quân thời kì ở Vân Nam, nguyên thủ môn Thể Công) cùng Trần Kháng Chiến, Trần Kiến Quốc lên Sơn Tây, tới thăm trường Sĩ quan Lục quân 1. Thiếu tướng, Phó hiệu trưởng Chính trị Nguyễn Mạnh Đẩu đã nhiệt tình đón tiếp. Nhà trường ủng hộ việc làm này.
Sau thời gian chuẩn bị, đi gặp nhiều thế hệ học viên Võ bị, Lục quân cùng bạn chiến đấu các thời kì xin bài viết. Tới ngày 21/8/2004, Lễ tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình tổ chức tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã thành công mĩ mãn. Thầy trò các thế hệ của Võ bị, của Lục quân cùng bạn chiến đấu và bạn bè thân hữu của gia đình đã có mặt đông đủ. Các vị khách được nghe nhiều bản tham luận chân thật, tình cảm, đánh giá đúng công lao của cha chúng cháu. Hơn thế nữa, phát động “góp giọt đồng đúc tượng danh nhân” của Hội Sử học Việt Nam đã được mọi người ủng hộ.
Ngay sau đó, gia đình đã sưu tập khá đầy đủ các tham luận và cho xuất bản 2000 cuốn sách “Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng Đỏ tới Mùa thu Hà Nội…” (NXB Lao Động) với nhiều tư liệu lịch sử lần đầu tiên được công bố.
Cùng thời gian này, gia đình cùng nhân dân địa phương triển khai xây dựng “Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình” tại quê hương Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam và “Trường mẫu giáo Trần Tử Bình” tại thôn Phúc Tá, xã Tân Phúc, Ân Thi, Hưng Yên. Vào dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của ông, 2 công trình được hoàn thành.
Đúng ngày sinh của ông 5/5/2007, quê hương Tiêu Động vui mừng đón tiếp họ hàng nội, ngoại cùng bạn chiến đấu của ông bà, bạn bè thân hữu của gia đình từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… về dự Lễ khánh thành Nhà tuởng niệm. Cùng bà Đặng Thị Bích Hà (phu nhân Võ Đại tướng), các chú Đỗ Hạp, Đỗ Văn Đức, Triệu Huy Hùng (thay mặt cho khóa 1 Võ bị)  và thiếu tuớng Chính uỷ Nguyễn Văn Việt (thay mặt trường Sĩ quan Lục quân 1) đã về dự.
Gia đình, họ hàng cùng bà con lương, giáo xã Tiêu Động vui mừng đón nhận thư chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được nghe bài phát biểu cảm động của trung tuớng Đỗ Văn Đức, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đồng hương Bình Lục và là học trò khóa 1 của ông.
Cũng tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Việt thay mặt nhà trường tặng Nhà lưu niệm bức tranh sơn dầu “Bác Hồ tặng lá cờ “Trung với Nước, Hiếu với Dân” cho khoá 1 Võ bị”. Tình cảm ấy không bao giờ phai nhạt trong mọi thành viên trong gia đình.
Cuối năm 2007, 6 bức tượng đồng bán thân của Thiếu tuớng (tác giả: điêu khắc gia Tạ Duy Đoán) cũng được hoàn thành. Lần lượt, các phiên bản được trao tặng cho Nhà tưởng niệm, Bảo tàng Lịch sử quân sự, trường Sĩ quan Lục quân 1 và Công đoàn Ngành Cao su Việt Nam.
Lễ trao tặng cho trường Sĩ quan Lục quân 1 đựơc tổ chức thật long trọng, đúng nghi lễ nhà binh. Tổng thư kí Hội Sử học Dương Trung Quốc có mặt cùng đại diện của Võ bị Trần Quốc Tuấn: các chú Đỗ Văn Đức, Đỗ Hạp, Triệu Huy Hùng (khóa 1), chú Nguyễn Minh Long (khóa 3) và gia đình cố Hiệu truởng Quân chính Kháng Nhật Hoàng Văn Thái, gia đình cố Hiệu trưởng Võ bị Trần Quốc Tuấn Hoàng Đạo Thuý, gia đình Trung tướng Lê Quang Đạo, gia đình cố Hiệu phó Lục quân Việt Nam Đào Chính Nam...
Ban giám hiệu Lục quân 1 dù rất bận rộn công tác huấn luyện nhưng trung tướng Hiệu truởng Nguyễn Quốc Khánh cùng trung tuớng Chính uỷ Nguyễn Văn Việt vẫn có mặt. Buổi lễ được tổ chức hết sức chu đáo, đầy đủ, trọng thị.
Như vậy từ hôm nay hình tượng của ông vẫn hoà theo nhịp sống hàng ngày của nhà trường mà ông là một trong những người góp công xây dựng thuở ban đầu. Ông như vẫn chứng kiến các lớp học viên mới nhập học và tiễn đưa các khóa sĩ quan tốt nghiệp trở về đơn vị phục vụ quân đội.
Và ngày 29/10/2007, Chủ tịch nuớc Nguyễn Minh Triết đã kí quyết định số 1232/QĐ-CTN truy tặng Huân chương Sao Vàng cho ông Trần Tử Bình. Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ truy tặng vào ngày 14/1/2008, tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội, mà xưa kia là Bắc bộ Phủ - nơi ông đã cùng Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ Nguyễn Khang và đồng đội lãnh đạo quần chúng cách mạng tấn công vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền cũ, giành chính quyền về tay nhân dân, đúng vào trưa ngày 19/8/1945.
Vinh dự hơn, anh Sáu Phong - Chủ tịch nước, từng là Bí thư Tỉnh uỷ Sông Bé,  nơi kế thừa truyền thống vẻ vang của Phú Riềng Đỏ mà ông Trần Tử Bình là bí thư chi bộ đầu tiên – đã thay mặt Nhà nước trao tặng tấm huân chương cao quý cho gia đình và phát biểu trong buổi lễ.
Sự có mặt của các chú Đỗ Văn Đức, Triệu Huy Hùng (đại diện cho khóa 1 Võ bị) tại buổi lễ cũng là nguồn động viên to lớn với gia đình.
Cùng với niềm vui đó, nhiều đường phố ở khu đô thị mới tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thị trấn Thủ Dầu Một, Phủ Lý… được đặt tên Trần Tử Bình. Tại Hà Nội, tên ông gắn với con đường tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy - không xa đường Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Sâm, Tô Hiệu, Phùng Chí Kiên… những bạn chiến đấu thuở nào của ông. Vậy là nguyện vọng của gia đình, ước mong của các cựu học viên khoá 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, của các thế hệ Lục quân… đã toại nguyện.
Xin được báo cáo: Chúng cháu, 8 con của ông Trần Tử Bình và bà Nguyễn Thị Hưng, đã tự mình phấn đấu và trở thành những công dân có ích cho xã hội. Nay, có người đã nghỉ hưu, có người còn làm việc. Thế hệ thứ hai của gia đình đều học hành tốt, thành đạt.
Kính thưa các chú cựu học viên khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn và gia đình cùng các thế hệ thầy, trò Lục quân!
Vậy là kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về dự lễ khai giảng khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn 26/5/1946 sắp đến. Thay mặt gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình, xin kính chúc các chú luôn dồi dào sức khỏe, sống vui, sống khỏe cùng con cháu chứng kiến những đổi thay diệu kì của đất nước!
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.